Điểm tựa giữa trùng khơi

Tàu cá Quảng Ngãi gặp sự cố không thể neo nên phải nhờ tới sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: L.H.V
Tàu cá Quảng Ngãi gặp sự cố không thể neo nên phải nhờ tới sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: L.H.V
TP - Mỗi khi đánh bắt gặp ngày biển động, mưa bão, hay ốm đau, hết nước ngọt, xăng dầu, lương thực, máy móc hư hỏng…, ngư dân lại tìm về các đảo ở Trường Sa.

Nơi trú ẩn giữa muôn trùng sóng gió

Huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu để tàu thuyền của ngư dân tránh trú bão, lấy nước ngọt tại đảo Đá Tây, Tốc Tan, Song Tử, Sinh Tồn. Ngoài ra, các đảo đều là nơi sẵn sàng giúp đỡ tàu cá và ngư dân mỗi khi gặp sự cố trên biển. Hằng năm, mỗi điểm đảo đều giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá; quân y trên đảo tham gia cứu chữa mỗi khi ngư dân ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, khu vực cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá (bán xăng dầu, thực phẩm, sửa chữa máy móc tàu thuyền…) cho tàu thuyền của ngư dân trên biển Đông chỉ có tại đảo Đá Tây và Tốc Tan.

“Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ mất 1-2 tháng. Trên biển nhiều khi thiếu nước ngọt, hết lương thực, anh em đau ốm, chúng tôi lại tìm về các trung tâm dịch vụ hậu cần, hoặc lên đảo nhờ bộ đội giúp đỡ”

 Thuyền viên Nguyễn Văn Hội (Quảng Ngãi)

Chúng tôi tới đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) vào những ngày gió mùa đông bắc đang thổi mạnh, biển động dữ dội, những con sóng bạc đầu nối đuôi đuổi nhau giữa trùng khơi. Trên xuồng từ tàu HQ-561 vào đảo Đá Tây, những con sóng cao 3-4m như muốn ôm trọn chúng tôi vào lòng biển. Những con sóng lớn đánh vào mạn làm xuồng lệch sang bên, nước biển bắn như mưa vào mặt mặn chát, quần áo ướt sũng. Các chiến sĩ đảo Đá Tây thường xuyên nhắc anh em ngồi vững, không dồn lại một bên tránh làm xuồng nghiêng.

Khi chiếc xuồng còn cách đảo vài trăm mét bỗng mặt biển lặng sóng, xuồng lướt êm trên mặt sóng vào đảo. Thấy lạ, chúng tôi hỏi ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Dịch vụ Hậu cần đảo Đá Tây, ông cho biết: Đây là một lòng hồ tự nhiên giữa biển Đông, xung quanh được bao bọc bởi dải san hô. Mỗi khi nước triều xuống bãi san hô nhô khỏi mặt nước, khi triều lên dải san hô nằm sâu dưới mặt nước 2-3m. “Nhờ bức tường san hô này, mỗi khi mưa bão, biển động sóng lớn bị ngăn lại, lòng hồ chỉ còn sóng nhè nhẹ nên tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu trong lòng hồ an toàn, không bị sóng lớn đánh chìm”, ông Sơn nói, tay chỉ một vòng theo dải san hô ven hồ sóng đánh vào tung bọt trắng xóa.

Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây thuộc Cty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản biển Đông (Bộ NN&PTNT), được thành lập tháng 5/2005, và hiện đang được nâng cấp, mở rộng. Trung tâm là điểm cung ứng các dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa. Nước ngọt miễn phí; cung cấp xăng dầu, lương thực, thực phẩm bằng giá trong đất liền; sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công; tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương… 

Không chỉ cung cấp dịch vụ, trung tâm còn có nơi ăn nghỉ để ngư dân vào nghỉ ngơi mỗi khi biển động, hoặc đau yếu. “Trung tâm hiện là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, đã và đang là một điểm đến khi sóng to gió lớn, hay khi cần cân đường, hạt mì chính, viên thuốc cảm… của bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, một hậu phương vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió”, ông Sơn nói. Nhiều năm công tác tại huyện đảo Trường Sa, ông Sơn không thể nhớ hết đã giúp đỡ bao nhiêu tàu của ngư dân.

Điểm tựa giữa trùng khơi ảnh 1 Đảo Đá Tây là địa chỉ quen thuộc của ngư dân mỗi khi biển Đông nổi giông bão. Ảnh: L.H.V
Không chỉ bán lương thực, xăng dầu, các cán bộ tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây còn tranh thủ lúc nhàn rỗi trồng thêm rau, nuôi thêm gà, vịt…, cải thiện bữa ăn của mình. Mỗi khi có tàu ngư dân vào, các anh lại biếu thêm các tàu mớ rau, con gà, vịt nuôi được. Ngư trường Trường Sa có rất nhiều tàu ngư dân ra câu mực, mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 tháng. Mỗi khi tới dịp trăng sáng, tàu của ngư dân lại về các đảo neo nhờ đợi hết tuần trăng mới đi câu tiếp. Những kỳ như vậy các âu tàu Trường Sa lại chật kín tàu ngư dân. Cắt neo tàu chế bánh lái cho tàu ngư dân

Là một trong những người đầu tiên ra làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây, anh Dương Đình Vinh (48 tuổi, quê Thái Nguyên), kỹ sư cơ khí kể: Khi tàu gặp sự cố, ngư dân lập tức nghĩ ngay tới các trung tâm dịch vụ hậu cần, hoặc bộ đội trên huyện đảo Trường Sa giúp đỡ. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam phần lớn là loại nhỏ, khi biển động, máy móc của tàu cá thường xuyên hỏng hóc, đặc biệt bộ phận bánh lái thường bị sóng đánh gãy.

Khi nhận được tin cầu cứu của ngư dân, trung tâm lại phối hợp với hải quân điều phương tiện kéo tàu của ngư dân vào đảo sửa chữa. Do các đảo chưa có đường ra đưa tàu lên bờ sửa, nên các cán bộ kỹ thuật lại phải lặn xuống biển tháo bánh lái đưa lên sửa chữa. “Không chỉ sửa chữa máy móc ngay trên biển, việc cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm đều phải chở từ đảo ra tận tàu để tiếp tế cho ngư dân”, anh Vinh nói.

Trong rất nhiều trường hợp giúp đỡ ngư dân, anh Vinh vẫn nhớ một trường hợp năm 2012. Khi đó, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị gãy bánh lái, anh em trung tâm chủ yếu người miền Bắc nên thuyền trưởng tên Hạnh điện đàm các anh nghe mãi không ra tàu bị hư hỏng gì vì nói bằng giọng địa phương. Sau đó, các anh phải điều tàu ra kéo vào mới biết tàu bị hỏng bánh lái.

 Do không còn phụ tùng thay thế, các anh phải cắt neo tàu của trung tâm và miếng tôn “chế” ra một bánh lái mới cho anh Hạnh. “Sau đó mỗi lần tàu của anh Hạnh ra ngư trường Trường Sa đánh bắt lại ghé vào thăm chúng tôi, biếu anh em con cá, cân mực tàu đánh bắt được. Dù neo chỉ làm tạm để tàu chạy về bờ, nhưng anh Hạnh vẫn dùng bánh lái tự chế đó cả năm sau vẫn chưa thay”, anh Vinh nhớ lại rồi nhoẻn miệng cười.

Anh Vinh ra công tác tại đảo Đá Tây từ năm 2003, với 6 cái tết đón trên đảo. Năm nay, anh được công ty cho về quê đón tết cùng gia đình. “Khi mình tình nguyện ra đảo, vợ con cũng phản đối lắm, nhưng mình vẫn quyết ra. Ra đây không chỉ giúp ngư dân mình mỗi khi gặp hoạn nạn, khó khăn, mà còn góp sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông ta”, anh Vinh nói. Rồi anh nhìn về phía cuối chân trời, mặt trời lặn chiếu một vùng mây ửng hồng, nơi đó là đất liền...

Không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần, các điểm đảo Trường Sa còn là bệnh xá ngoài khơi cứu giúp ngư dân mỗi khi ốm đau. Thượng úy Lê Việt Hà, quân y đảo Đá Tây cho biết, năm 2014, quân y đảo đã chữa bệnh cho 207 trường hợp ngư dân ốm đau trên biển, chủ yếu ngộ độc thực phẩm, cảm cúm, xương khớp…

Điểm tựa giữa trùng khơi ảnh 2 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây bơm nước vào thùng nhựa để chuyển lên tàu cấp miễn phí cho ngư dân. Ảnh: L.H.V
Gặp tàu cá của Quảng Ngãi (số hiệu QNg-96156) khi tàu đang đi bắt hải sâm gần đảo Thuyền Chài. Do biển động, sóng cao 3-4m, tàu không thể neo được trên biển phải vào đảo neo nhờ. Thuyền viên Nguyễn Văn Hội (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), dù mới 32 tuổi nhưng đã đi biển được 17 năm, thoạt nhìn ai cũng nghĩ anh Hội đã ngoài 40. Người gầy, da xạm đen vì nắng gió biển Đông, tay, cổ từng đường gân xanh nổi rõ dưới da. 
“Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ mất 1-2 tháng. Trên biển nhiều khi thiếu nước ngọt, hết lương thực, anh em đau ốm, chúng tôi lại tìm về các trung tâm dịch vụ hậu cần, hoặc lên đảo nhờ bộ đội giúp đỡ”, anh Hội nói. Mỗi chuyến tàu ra Trường Sa, tàu đều tạt qua một vài đảo thăm anh em bộ đội, biếu vài cân mực, cá tươi. Với ngư dân, Trường Sa không chỉ có sóng và gió, thủy sản… nơi đây còn là điểm tựa để họ bám biển quê hương, nơi cha ông đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí máu để giữ gìn cho mai sau. 

Hiện Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây có 8 tàu dịch vụ, 1 pông – tông (thùng nổi, di chuyển nhờ tàu kéo) chứa dầu. Trong năm 2014, đã có 388 tàu thuyền của ngư dân vào đảo, trung tâm đã cấp miễn phí hơn 1.200 m3 nước ngọt; 24 tấn lương thực, thực phẩm; cứu hộ 8 tàu gặp sự cố; cấp 200.000 lít nhiên liệu; sửa chữa 12 tàu hư hỏng.


MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.