Dựng nhà cổ thời đô thị hoá

Nhà ông Nguyễn Thế Quang. Ảnh: K.N
Nhà ông Nguyễn Thế Quang. Ảnh: K.N
TP - Tiền Phong Chủ nhật từng đăng loạt phóng sự về việc phá nhà cổ ở Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) cũng như việc giữ nhà cổ ở Cốc Thôn (Ba Vì, Hà Nội) trong cơn lốc đô thị hoá.

> Ngôi nhà cổ

Dường như chưa bị ảnh hưởng nhiều của xu thế thời đại trong việc “phá-giữ” trên, những người thợ tài hoa của làng Đại Vi vẫn đi khắp đó đây dựng nên những ngôi nhà cổ mang đậm bản sắc văn hoá Việt.

Nhà ông Nguyễn Thế Quang. Ảnh: K.N
Nhà ông Nguyễn Thế Quang. Ảnh: K.N.
 

Dựng nhà cổ tại Malaysia

Cách khu công nghiệp huyện Tiên Sơn không xa, nhưng dường như xu hướng đô thị hóa chưa chạm được vào làng mộc Đại Vi. Đường làng nhiều đoạn chưa được bê tông hóa, nhà cao tầng không nhiều mà chủ yếu là những ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong và những ngôi nhà cổ vừa được xây mới.

Trong quá trình đưa tôi đi gặp những người thợ tài hoa của làng, anh Nguyễn Đăng Chiến, Bí thư Chi bộ thôn Đại Vi kể: Đất ao đình Đại Vi hình cái cưa, lối hai bên đình như hình chiếc bào, hình ảnh này ứng với truyền thống nghề mộc lâu đời của làng Đại Vi.

Cứ đến ngày 1-2 âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội tế lễ, dâng hương trước thành hoàng làng đã có công khai mở nghề mộc. Vì truyền thống này mà trải qua những thăng trầm của thời gian, người dân Đại Vi vẫn giữ được những nét nguyên sơ của một ngôi làng Việt cổ.

Ông Nguyễn Thế Quang (đứng ngoài cùng từ phải sang) cùng tốp thợ dựng nhà cổ Việt Nam tại Malaysia
Ông Nguyễn Thế Quang (đứng ngoài cùng từ phải sang) cùng tốp thợ dựng nhà cổ Việt Nam tại Malaysia.
 

Tới nhà ông Nguyễn Thế Quang, tôi bất ngờ trước vẻ đẹp của ngôi nhà gỗ 5 gian, được dựng theo lối kiến trúc xưa kiểu tiền kẻ hậu bẩy. Cửa nhà được làm bằng gỗ lim kiểu bức bàn, mỗi cánh được chạm khắc một loại cây thuộc nhóm tứ quý như thông, mai, trúc, cúc với những đường nét tinh xảo. Lòng nhà rộng, tương xứng với 4 chiếc cột to vững trãi, các vì kèo, câu đầu được bố trí cân đối, nhiều hoạ tiết được chạm khắc trên gỗ trông rất hài hoà, bắt mắt.

Ông Quang cho biết: “Suốt 30 cầm bào, đục đi khắp nơi để dựng nhà cổ, chẳng lẽ đến giờ lại không dựng cho mình một ngôi nhà đàng hoàng. Vì thế năm ngoái tôi quyết định dựng ngôi nhà này, vừa để kỷ niệm một đời làm nghề cũng như để lại cho con cháu đời sau”.

Ông Quang là một trong những thợ giỏi có tiếng của Đại Vi, tuy đến với nghề mộc khá muộn. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp xây dựng Hà Bắc, ông Quang về công tác tại Ty Giao thông Hà Bắc một thời gian. Nhưng rồi những lần về quê, nghe âm thanh của tiếng bào, tiếng đục, rồi mùi thơm của các loại gỗ đã khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống của địa phương trong ông. Sau khi xin nghỉ việc, ông bắt đầu học nghề và trở thành một người thợ tài hoa nhờ khả năng bẩm sinh.

Ông Quang cho biết, dù tốc độ đô thị hóa hiện diễn ra rất nhanh khiến không ít ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm bị phá, nhưng nhà cổ vẫn có sức sống riêng của nó. Bởi kiến trúc nhà gỗ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với người dân của nền văn minh lúa nước, mà đại bộ phận người dân nước ta hiện nay đều có nguồn gốc từ nông dân.

Vì vậy mà hơn chục năm trở lại đây, thời điểm được cho là có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người ở nông thôn lẫn thành thị ở nhiều tỉnh thành vẫn tìm đến ông Quang đặt làm nhà cổ. Nhiều người cho biết, họ thấy ở nhà gỗ dựng theo lối cổ có cảm giác thư thái, hè mát đông ấm. Những lúc rỗi, họ thích nhìn quanh hoặc ngước lên trần nhà ngắm những đường trạm trổ mà thấy lòng thư thái. Bên cạnh đó, có người làm nhà cổ dùng làm nơi thờ cúng cho đại gia đình hoặc cả dòng họ?

Trong nhiều năm hành nghề, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Quang là lần sang Malaysia dựng nhà cổ của người Việt. Số là năm 2004, các nước Asean có tổ chức khu du lịch sinh thái tại Malaysia, trong đó các nước tham dự sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình. Các nhà tổ chức của nước ta khi đó đã quyết định để ông Quang làm một ngôi nhà cổ thuần Việt để giới thiệu với bạn bè các nước trong khu vực.

Được tin, ông Quang vừa mừng vừa lo, lập tức tổ chức kíp thợ của mình bắt tay vào công việc. Sau một thời gian miệt mài làm việc, những người thợ tài hoa của Đại Vi đã hoàn thành ngôi nhà để chuyển sang nước bạn. Kíp thợ của ông Quang sau đó chọn ra chục người sang Malaysia, trong hơn 10 ngày dựng xong ngôi nhà cổ. Công trình này được các nước tham gia đánh giá cao.

Ông Đỗ Đăng Tuyên mô tả những nét chạm khắc trên mặt cửa gỗ kiểu bức bàn
Ông Đỗ Đăng Tuyên mô tả những nét chạm khắc trên mặt cửa gỗ kiểu bức bàn.
 

Giữ lửa làng nghề

Trong số nghệ nhân làng Đại Vi hiện thời, ông Đỗ Đăng Tuyên thuộc diện cây cao bóng cả của làng. Từ năm 15 tuổi, ông Tuyên đã theo cha học cách lẩy mực, uốn đao và chạm khắc những hoa văn, hoạ tiết cho các cột, kèo nhà cổ. Giờ đã ngoài 80 tuổi, ông Tuyên không thể mang cưa, đục đi các nơi để dựng nên những nếp nhà cổ nữa, nhưng hàng ngày vẫn chỉ bảo cho con cháu bằng kinh nghiệm một đời của mình.

“Tôi có bốn con trai thì hai theo nghề này, như thế là mình đã tiếp lửa được cho thế hệ sau. Nghề này toàn dạy truyền tay, không sách vở, nếu không có người tiếp nối thì sẽ mai một”- Ông Tuyên nói.

Ông Tuyên ở cùng anh Đỗ Đăng Lâm, con trai thứ ba, hiện chưa đến 40 tuổi nhưng đã có nhiều năm trong nghề. Khi chúng tôi đến, anh Lâm không có nhà vì đang ở Hà Nội để dựng một ngôi nhà cổ. Lần đi này anh Lâm cho người cháu ruột, con người anh trai lớn đi theo để học thêm nghề. Đưa tôi sang nhà người con trai lớn là anh Đỗ Đăng Văn, ông Tuyên chỉ cho xem bộ cửa gỗ lim làm theo kiểu bức bàn tại đây và nói: Có ý kiến cho rằng một số người dựng nhà cổ chỉ là thay đổi mốt, một thời gian sau chán là bỏ đi, nhưng bằng vào chất liệu gỗ cùng những nét chạm khắc cầu kỳ như thế này thì chắc chẳng ai dại gì mà chơi ngông như vậy.

Nói chung để làm một ngôi nhà cổ đẹp là khá dụng công, trước hết cần chọn những cây gỗ thẳng, cân xứng để dựng cột. Việc chạm khắc ngoài yếu tố tinh xảo, cũng cần có những hiểu biết nhất định về nội dung của những hình chạm khắc. Thí dụ đối với cửa gỗ kiểu bức bàn, nếu chạm khắc cây thông thường đi với con hạc, cây mai có con sáo, cây cúc có con bướm...

Ở Đại Vi hiện tại có khoảng 10 cánh thợ (mỗi cánh thợ khoảng 8-15 người) như của ông Quang, anh Lâm, anh Văn. Đến nhà anh Nguyễn Công Dung, một cánh thợ khác của làng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lừng, 30 tuổi, từ Phú Bình (Thái Nguyên) đến đây làm thợ để học nghề đã gần 4 năm. Anh Lừng cho biết, tại tỉnh mình hiện nay cũng có một số người có nhu cầu làm nhà cổ. Kế thừa từ cha nghề mộc, nhưng gần đây Lừng quyết định chuyển hướng đi học nghề dựng nhà cổ.

Khi được hỏi: “Muốn làm được nghề này cần thời gian bao lâu?”- ông Nguyễn Văn Hùng, một người thợ lâu năm của Đại Vi, hiện làm tại nhà ông Dung cho biết: “Nghề làm nhà cổ mỗi người học mỗi khác. Nếu đơn thuần chỉ cần cù, kiên nhẫn thôi chưa đủ mà cần có óc sáng tạo để phác hoạ được những nét uyển chuyển trên từng thớ gỗ. Một thợ lành nghề cần ít nhất 5 năm mới thành nghề”.

Ngoài việc dựng nhà cổ, những người thợ tài hoa làng Đại Vi còn tôn tạo những công trình văn hoá đình, chùa, lăng tẩm... Việc làm này có nhiều điểm tương đồng với dựng nhà cổ, nhưng đòi hỏi người thợ có trình độ cao hơn. Đây cũng là cách để giữ lửa làng nghề của Đại Vi, vì việc tôn tạo, trùng tu các đình chùa là việc làm lâu dài, cần thiết.

Ông Tuyên cho biết, trong đời làm nghề của mình đã rất nhiều lần tham gia trùng tu các đình chùa tại Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, tuy nhiên, điều ông tâm đắc hơn cả là trong quãng thời gian 1994- 1995, ông đã đưa tốp thợ của mình vào Cố đô Huế để nhận sửa chữa, phục dựng một số hạng mục bị xuống cấp tại Đại Nội, lăng Gia Long, Tự Đức…Tuy những phần sửa chữa có ảnh mẫu được lưu giữ từ trước, nhưng ông Tuyên vẫn phải tìm tòi, sáng tạo để làm sao yếu tố cổ được bảo tồn một cách tốt nhất. Công việc khi hoàn thành đã được đánh giá cao.

Không chỉ giỏi dựng nhà cổ, ông Nguyễn Thế Quang cũng được nhiều nơi lựa chọn để trùng tu các di tích, mà khu di tích Đền Đô, Thủy đình Lũng Giang (Bắc Ninh) là những ví dụ điển hình. Trong những ngày giáp Tết này, ông Quang đang tích cực hoàn thành việc tu bổ ngôi chùa cổ Làng Chọi cũng của tỉnh nhà.

Ông Quang cho biết: “Việc phục dựng chùa cũng như việc dựng nhà cổ tại Malaysia ông đều để con trai tham gia để tay nghề thêm thành thạo”. Anh Nguyễn Thế Huy (con trai ông Quang), mới ngoài 30 tuổi, hiện là một trong những thanh niên kế thừa tốt truyền thống làm nhà cổ ở Đại Vi.

Để những thanh niên của làng tiếp nối nghề truyền thống, ngoài việc cha truyền con nối, thì bậc cha anh cũng cần làm gương cho lớp trẻ. Đến giờ, nhiều người dân nơi đây vẫn nhắc lại chuyện ông Tuyên nhận phục dựng lại đình làng Đại Vi. Ngôi đình cổ kính này năm 1949 đã bị phá trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn trơ trọi một gian phụ phía sau. Đến năm 2005, sau một thời gian quyên góp, người dân Đại Vi đã chọn mặt gửi vàng để ông Tuyên đảm nhiệm việc phục dựng lại ngôi đình làng.

Ông Quách Hiệp Tĩnh, người trông đình Đại Vi cho biết: “Người dân địa phương đi trùng tu, tôn tạo đình chùa cho nhiều nơi, chẳng lẽ ngôi đình của mình lại không làm được. Tuy nhiên, cái khó là ngôi đình không còn, nếu có làm chỉ là nhớ lại cộng kinh nghiệm của người lâu năm trong nghề”.

Sau khi được tín nhiệm, ông Tuyên đã tập hợp những người thợ Đại Vi, cả già lẫn trẻ để phục dựng công trình. Trong một năm miệt mài làm việc, đình Đại Vi hoàn thành, được người dân coi là biểu tượng của việc giữ lửa làng nghề khi có sự đóng góp của nhiều lứa tuổi người dân trong thôn.

Anh Nguyễn Đăng Chiến cho biết, để nghề của cha ông không bị mai một, Chi bộ thôn Đại Vi đã có báo cáo đề xuất việc quy hoạch khu làng nghề cho người dân địa phương gửi lên cấp trên. Đề xuất này hiện nhận được sự quan tâm của chính quyền xã và huyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.