Đường cụt của Ngọc xa lộ

Đường cụt của Ngọc xa lộ
TP - Ngồi trong phòng của Trại giam số 3, Tạ Hồng Ngọc rít thuốc lá liên tục. Hồi còn ngang dọc giang hồ, Ngọc không ham bia rượu, chỉ nghiện thuốc lá.

>> Kỳ III: Cử nhân trong tù muốn hiến xác cho khoa học
>> Kỳ II: Hai nỗi sợ của cựu trùm ma túy
>> Kỳ I: Tử tù hơn 4000 đêm trắng chờ ra pháp trường

Anh ta nhả khói và nói đầy triết lí: “Ở ngoài đời đâm chém để có tiền, quý nhất là tiền. Còn vào đây thì thấy quý nhất là tự do”.

Đường cụt của Ngọc xa lộ ảnh 1
Ngọc xa lộ

Từ xa lộ tới trại giam

Ngọc xa lộ, một tên tuổi trong giới giang hồ, ngồi đối diện tôi trong căn phòng của Trại  giam số 3. Đầu Ngọc húi cua, khác xa một thời tung hoành ở ngoài xã hội với mái tóc để dài chấm vai. Bộ quần áo tù không che hết những vết xăm khác lạ ở ngực và cánh tay, chân. Những vết xăm in rõ như hé lộ về một quá khứ nhiều tội lỗi của Ngọc.

Tạ Hồng Ngọc sinh năm 1957 ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tuy không quá nổi danh nhưng Ngọc cũng khiến đám giang hồ nể sợ bởi sự lạnh lùng, tàn nhẫn và cái danh võ sư.

Bố mẹ mất sớm, Ngọc được vợ chồng anh trai nuôi dưỡng. Bản tính ngang ngược của Ngọc khiến vợ chồng anh trai nhiều phen điêu đứng.

Từng làm việc ở Công ty xây dựng Hòa Bình, nhưng không chịu được sự bó buộc thời gian, Ngọc bỏ ngang ra lập lò võ, chiêu nạp đệ tử. Khi có đám đệ tử lưu manh sẵn sàng nghe lệnh, với vũ khí nóng, Ngọc tổ chức trấn cướp ở dốc Cun nhưng bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt gọn cả đám. Ngọc bị kết án 11 năm tù giam.

Vào tù, Ngọc cũng rất nổi khi sẵn sàng tuyên chiến với bất cứ kẻ nào dám ngoi lên làm đại bàng, đầu gấu trong trại. Có những lúc Ngọc đã mài nhọn bàn chải đánh răng làm vũ khí tranh chấp ghế đại ca trong buồng giam. Với cái danh võ sư, từng mở lò dạy võ, cộng với những ngón đòn tàn độc, Ngọc xa lộ khiến đám tù nhân cùng phòng khiếp sợ.

Đường cụt của Ngọc xa lộ ảnh 2Khi nào tôi được ra tù, vợ tôi sẽ mở một quán ăn. Vào đấy tôi mới thấm thía tình đời, tình người. Như thế cũng đã đủ cho mình ra tù sẽ không làm điều phạm pháp nữaĐường cụt của Ngọc xa lộ ảnh 3 - Có vẻ như Ngọc đã tự mở cho mình một lối thoát khi nói cho tôi nghe dự định về tương lai.

Những hình xăm trên ngực và cánh tay mà tôi thấy thấp thoáng sau chiếc áo tù của Ngọc càng khiến Ngọc nổi hơn khi ra tù. Chỉ có những kẻ thuộc hàng đại ca mới được phép xăm trổ như thế.

Tôi hỏi: “Trước khi vào tù, anh làm gì?”. Ngọc trả lời: “Tôi làm việc ở bến xe Yên Sở”.  Cái gọi  là làm việc của Ngọc thực ra là hoạt động bảo kê bến bãi kiểu như trùm Khánh trắng một thời.

Ngọc kể  về nguyên nhân khiến mình phải vào tù: “Người ta mở nhà hàng kinh doanh nhưng bị chèn ép, không thể làm ăn được, thấy việc ngang trái quá, tôi đứng ra giải quyết giúp”.

Hành động theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bằng” mà Ngọc nói thực chất là gì?

Quán gội đầu thư giãn của Đồng Thị Lan ở 61 đường Đại Cồ Việt, Hà Nội được Ngọc bảo kê. Mỗi tháng, Lan chi cho Ngọc 3 - 4 triệu đồng để được yên ổn làm ăn. Không những thế, mỗi lần Ngọc tới quán gội đầu thư giãn, Lan đều phải điều em út phục vụ từ A đến Z. 

Ngày 6/6/2006, Đồng Thị Lan mâu thuẫn cãi vã với ba thanh niên là Quân, Đạt, Thắng. Lan nhờ Ngọc dạy cho họ một bài học. Lập tức, Ngọc chỉ đạo 10 đàn em bắt ba thanh niên này về giam giữ đánh đập. Tháng 9/2006, công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam một số người liên quan, từ đó lộ diện dần vai trò cầm đầu của đại ca Ngọc xa lộ.

Ngọc còn nhúng tay vào một phi vụ khác đình đám hơn. Ấy là vụ phá nhà ở ngõ 304 đường Lê Duẩn, phường Trung Phụng, Đống Đa. Trần Việt Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất hàng may mặc Việt Huy, thông qua các mối quan hệ xã hội, đã thuê Ngọc 150 triệu để Ngọc tổ chức đàn em tới phá nhà ở địa chỉ trên.

Ba mươi đàn em của Ngọc tay dao tay búa, cuốc xẻng đập phá tan hoang ngôi nhà cấp bốn. Vụ việc này có sự “ngầm ủng hộ” của trung tá Dương Bích Thủy và khiến bà này sau đó cũng phải đứng trước vành móng ngựa.

Ngọc nhẩm tính: “Ngày tôi bị bắt, con trai 15 tuổi, bây giờ đã 17 rồi. Ở trong tù, tôi chỉ sợ con hư giống bố. Mong cho con trở thành người có ích cho xã hội”.

Còn nhớ bữa công an đến nhà đọc lệnh bắt, trước khi ký vào biên bản Ngọc xin được hút một điếu thuốc, nghẹn giọng: “Vợ tôi đang ốm, các ông không để chậm ít hôm”. Và trước khi lên chiếc xe thùng bịt bùng, Ngọc còn ngoái đầu dặn đám đàn em: “Trông nom chị và  các cháu hộ anh”.

Thượng tá Ninh, giám thị Trại giam số 3 cho biết: “Khi Ngọc vào tù nhiều người mới dám tố cáo anh ta. Đơn tố cáo Ngọc gửi về trại 3 rất nhiều. Cảnh sát từ Hà Nội cũng vào đây gặp Ngọc nhiều lần để điều tra. Có thể anh ta sẽ phải ra tòa một lần nữa và ngày về chắc còn xa”.

Khi tôi hỏi về lai lịch của cái tên Ngọc xa lộ, Ngọc chỉ nói: “Cái tên này có từ mấy chục năm trước rồi”.

Hai từ “xa lộ” gắn với tên của Ngọc vì Ngọc phạm tội trên rất nhiều con đường, nhiều lĩnh vực. Cuối cùng, xa lộ của Ngọc đã trở thành con đường cụt và dẫn đến trại giam. 

MỚI - NÓNG