Gặp lại gia đình người được minh oan sau “Bài thơ gây chấn động dư luận…”

Gặp lại gia đình người được minh oan sau “Bài thơ gây chấn động dư luận…”
TP - Tôi lên thị xã Tuyên Quang để thăm lại gia đình anh Nguyễn Mạnh Dũng - người đã bị bắt hơn 20 năm trước đây vì viết bài thơ hưởng ứng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác" của tôi.
Gặp lại gia đình người được minh oan sau “Bài thơ gây chấn động dư luận…” ảnh 1
Ông Dũng với cô con gái thứ hai (ảnh chụp lại)  
Ảnh: Hà Thành

Trong chuyến lên Tuyên Quang lần này tôi có nhiều thời gian hơn để chuyện trò với vợ con của anh Dũng. Tôi rất vui vì thấy chị Nga, vợ anh và các con gái, con trai, con rể của anh chị đã vui vẻ, phấn chấn hẳn lên, so với chúng tôi gặp chị và gia đình lần đầu tiên, hồi tháng 5/ 2006.

Sau bài viết trên báo Tiền phong giữa năm 2006, về câu chuyện buồn của gia đình họ, khiến cả nhà lo âu, mang nặng nỗi lo ngại sự bất an có thể quay trở lại với họ một lần nữa, nhất là cậu con trai út lo sợ bị mất việc làm vừa mới xin được ở Hà Giang. 

Những bài phóng sự trên báo Tiền phong năm 2006, những trang sách viết về “ Đêm trước đổi mới ” đã góp phần minh oan cho người đã khuất, làm ấm lòng chị Nga và các con anh cùng những người thân trong gia đình.

Chị Nga phấn khởi cho biết : “Khi những bài đăng trên báo lúc đầu em cũng lo ngại lắm. Nhất là cậu con trai út cứ sợ báo đăng như vậy cháu sẽ bị mất việc làm nên khăng khăng phản đối, không muốn báo Tiền phong viết nói về chuyện của bố trước đây.

Nhưng bây giờ thì mọi việc tốt đẹp, em và các cháu ổn cả rồi chị ạ”. Tôi hỏi thêm về cậu con trai Nguyễn Thế Anh, chị Nga vui vẻ trả lời: “Cháu vẫn làm việc bình thường, em và các cháu nhà em được cơ quan và chính quyền địa phương quan tâm động viên làm việc và phấn đấu. Bản thân em sắp nghỉ hưu luôn được lãnh đạo anh chị em trong cơ quan quan tâm giúp đỡ.

Cháu Thế Anh cho biết sau loạt bài đăng trên báo Tiền phong và cuốn sách Bài thơ gây chấn động dư luận và Đêm trước đổi mới, các anh lãnh đạo địa phương được đọc, được các cấp lãnh đạo địa phương ở Hà Giang quan tâm giúp đỡ rất nhiều.

Các bác đã gặp riêng nói chuyện để động viên cháu yên tâm làm việc và khuyến khích cháu phấn đấu vừa làm vừa cố gắng thu xếp học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn, vì ở vùng núi cao biên giới này đang rất cần có cán bộ khoa học kỹ thuật.

Câu chuyện buồn đau không dễ gì quên được đã xảy ra đối với gia đình anh Dũng và chị Nga trong năm 1986 ấy, nhưng sau hơn 20 năm đổi mới, vết thương lòng của từng người trong gia đình anh đang lành dần. Những lo sợ, những nỗi đau tinh thần đè nặng họ suốt 20 năm qua của gia đình anh đang dần dần nhường chỗ cho những niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống mới hiện nay.

Vợ chồng Nguyệt và Vượng đã có nhà ở khang trang. Vượng theo học lớp Trung cấp chính trị của tỉnh Tuyên Quang. Vợ chồng Ngọc đã có cuộc sống và việc làm ổn định. Lần đầu tiên tôi gặp được Thế Anh con trai út của vợ chồng anh Dũng, năm nay 20 tuổi từ Hà Giang về nghỉ cuối tuần với gia đình.

Thế Anh tâm sự quả thật, lúc đầu mới nghe tin phóng viên báo Tiền phong lên Tuyên Quang gặp mẹ cháu và chị Nguyệt, để viết bài về chuyện của bố cháu trước đây, mặc dù lúc ấy cháu còn bé tí, chưa biết gì.

Khi lớn lên, Mẹ cháu và những người trong gia đình cũng chỉ nói sơ qua, cháu không biết rõ lắm về chuyện vì sao bố bị bắt giam như vậy nên khi nghe thì cháu sợ lắm, cháu chỉ sợ báo đăng lên rồi biết đâu cháu lại bị mất việc làm, gia đình cháu lại bị khốn đốn lần nữa, cháu lo sợ lắm, nhất là mẹ cháu sợ không chịu nỗi lần nữa đâu bác ạ.

Tôi hỏi Thế Anh: - Thế sau khi báo Tiền phong viết bài dài về nỗi oan của bố cháu và câu chuyện buồn của gia đình 20 năm qua, báo chí đã lên tiếng để minh oan cho bố cháu, cháu có gặp khó khăn gì không ?

Thế Anh trả lời:  Thưa bác cháu không bị làm sao cả ạ. Lúc đầu cháu lo lắm, cháu sợ nhất là vì bài báo ấy có thể làm cháu mất việc làm bác ạ. Thế nhưng sau khi báo Tiền Phong đã đăng bài viết về câu chuyện buồn của bố cháu và gia đình cháu, có rất nhiều người quan tâm, chia sẻ buồn vui với gia đình cháu, mẹ con cháu được cơ quan, chính quyền địa phương quan tâm, bạn bè thông cảm với hoàn cảnh gia đình cháu đã trải qua thời kỳ khó khăn và được như hôm nay. Cháu và gia đình cháu rất cám ơn báo Tiền Phong và bác đã quan tâm đến gia đình cháu, quan tâm đến chúng cháu.

Thế Anh phấn khởi kể tiếp: “ Ở trên Hà Giang, sau khi được đọc báo và sách viết về những sự kiện bài thơ đăng báo của bác, các bác lãnh đạo trên chỗ cháu gọi cháu đến động viên : “ Thế là báo Tiền Phong và tác giả bài thơ Mùa xuân nhớ Bác và bạn bè thân cũ của bố cháu đã lên tiếng, góp phần công khai giải oan cho bố cháu rồi đấy, trước đây có người bán tín bán nghi chứ bây giờ thì mọi chuyện rõ cả rồi, mọi người hiểu cả rồi, cháu không phải lo nghĩ về chuyện của bố cháu nữa, thế là tốt rồi, bây giờ cháu phải yên tâm làm việc và phấn đấu lên nhé, cơ quan và chính quyền địa phương sẽ giúp cháu phấn đấu tiến bộ. . .”.

Lên Tuyên Quang lần này, tôi cũng có được thời gian rộng rãi hơn để gặp gỡ chuyện trò với anh Tuấn và anh Hùng, những người bạn thân cũ của anh Nguyễn Mạnh Dũng. Anh Tuấn cho biết: “ Sau bài viết đăng trên báo Tiền phong năm 2006, nhiều người đã gọi điện thoại cho tôi, hỏi xin địa chỉ của gia đình chị Nga để họ chia sẻ với gia đình chị và không ít người có nhã ý, muốn được góp phần giúp đỡ cho chị Nga và các cháu, muốn giúp người thân của anh  Dũng vơi đi nỗi buồn đau phải chịu đựng trong suốt 20 năm”.

Khi chia tay với vợ anh Dũng và gia đình, chị Nga còn nói thêm với tôi : “Sang năm cưới vợ cho cháu Thế Anh, thế nào gia đình em cũng mời bác và các anh chị về dự để chung vui với gia đình, lúc ấy bác nhớ lên vui với cháu nhé !”. Tôi nhận lời và rất vui về cuộc gặp gỡ lần thứ hai với vợ con anh  Dũng. Tôi thầm nghĩ : “ Thế là mùa xuân đã đến thật sự với gia đình của chị Nga và người đàn ông đã được báo Tiền phong minh oan”.

Xuân Đinh Hợi, năm 2007

MỚI - NÓNG