Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử

Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử
TP - “Sặc mùi Nam Tư!” (ý muốn nói “mùi” tư bản chủ nghĩa). Câu nhận xét của một vị Bộ trưởng vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn được lưu truyền trong giới doanh nhân TPHCM cho tới hôm nay, sau hơn 20 năm.

>> Kỳ 3: Hành trình gian nan của một phương án đổi mới

>> Kỳ 2: Xé rào

>> Kỳ 1: Chiến dịch X1 và X2

Kỳ IV: "Dẹp loạn"!

Vào khoảng giữa năm 1982, TPHCM đang trong cơn “chuyển dạ”, diện mạo TP đã bớt “xanh xao, hao gày” so với những năm cuối thập niên 70; kết quả của sự xé rào bước đầu đã đưa TP vượt qua được thời kỳ “thập tử, nhất sinh”.

Song, tiếc thay, đúng vào lúc TP như một người vừa thoát khỏi “bạo bệnh”, đang tập đi, thì có vô số thông tin trái chiều bay ra Hà Nội rằng lãnh đạo TP đang đi “chệch hướng XHCN” tạo điều kiện cho “chủ  nghĩa tư bản ngóc đầu dậy!”…

Ngay lập tức, hàng chục đoàn thanh, kiểm tra từ Hà Nội, khăn gói lên đường đi “dẹp loạn!”. Cho đến nay, các vị lãnh đạo chủ chốt của TPHCM đều chưa quên được cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra liên tục 10 ngày, từ 10 đến 19/8/1982.

Người dân bình thường của TP có lẽ không để ý, còn tất cả các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị xé rào đều nín thở, hồi hộp chờ đợi, kết quả của Hội nghị này.

Nhớ lại cuộc họp này, bác Tám Cao (nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Mai Chí Thọ) vừa cười vừa kể: “Có đồng chí vừa từ Hà Nội vào, liền hỏi ngay: “Tám Cao đâu? – Anh em báo cáo: Dạ thưa, anh Tám đang bệnh, nằm điều trị trong bệnh viện! – Triệu tập về ngay! ốm cũng phải họp!”. Sau này, đồng chí đó còn nói thẳng với tôi và một đồng chí lãnh đạo khác của TP là: “Nếu không làm được thì nghỉ!”.

Một cán bộ cũ của TP còn thốt lên rằng, dạo ấy, có vị “mặt sát khí đằng đằng, chẳng ai dám tới gần!”.

Tiếp đó, ngày 14/9/1982, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 01/NQ-TW “Về công tác của TP. HCM”. Sau khi nêu rõ đặc điểm và những “thành tích là căn bản”, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một số khuyết điểm của Đảng bộ TPHCM như “Nhận định về Cách mạng XHCN, về thời kỳ quá độ lên CNXH chưa thật rõ…”; “Có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận phân phối, lưu thông…”; “Công tác cải tạo XHCN đối với thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp chưa được tiến hành tích cực đúng mức…”.

Trong khi lãnh đạo TPHCM tổ chức các cuộc họp để thảo luận, học tập Nghị quyết của Bộ Chính trị, thì ở khắp các đơn vị xé rào phải đương đầu với hàng chục lượt đoàn thanh, kiểm tra.

Một nữ doanh nhân kể lại cho chúng tôi nghe, giọng nghẹn ngào: “Không ai có thể thấu hiểu hết nỗi tủi khổ của chúng tôi. Dạo ấy, do nguyên vật liệu quá khan hiếm. Hàng hóa lại càng ít ỏi. Các chị em công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp không có băng vệ sinh, phải tận dụng tơ, sợi, vải đầu thừa đuôi thẹo để dùng.

Nói chuyện các anh bỏ quá cho, đến lượt tôi phải đi lượm những đồ chị em dùng xong vứt đi ấy, đem ra đầm ngâm nước rồi đi mua loại xà phòng bán thành phẩm để giặt cho sạch. Con thì còn nhỏ chưa cai sữa, vậy mà tôi phải hì hục một mình suốt đêm mới se được 5 chục ký sợi đến 7 giờ sáng hôm sau vừa xong thì công an ập vào lập biên bản”…

Còn tại Trụ sở của Cholimex, Giám đốc đang ngồi chờ đoàn thanh tra tới. Đoàn gồm 5 thành viên, vừa bước chân vào phòng giám đốc một lát thì có người bưng lên 6 ly cà phê sữa. Ông trưởng đoàn liền cự nự: “Đúng là thói tư bản chủ nghĩa! Sao anh biết chúng tôi đến 5 người, ai đã báo trước cho các anh?”.

Giám đốc ngoan ngoãn: “Dạ thưa, lúc các anh vào có thấy quán giải khát bên đường không? Tôi đứng trên lầu giơ 6 ngón tay là có liền 6 ly à!”.

Trưởng đoàn tiếp tục, giọng vẫn chưa bớt gay gắt: “Trong khi các nơi khác giám đốc lương chỉ trung bình từ 75-85 đồng, mà ở đây, lương giám đốc tới những 285 đồng/tháng?”.

Chủ nhà lại ngoan, nhũn như con chi chi: “Dạ thưa, nhưng công nhân của chúng tôi ở đây bình quân lương đã là 93 đồng rồi…”.

Riêng bác Mười Đồng, trong lúc chuyện trò với chúng tôi, thi thoảng bác lại dừng, tay đưa lên day day nơi thanh quản, rồi cười:

“Di chứng của các đoàn thanh, kiểm tra để lại đó. Dạo ấy, suốt mấy tháng trời, hàng chục đoàn vô, ra. Nhà máy lại giao hẳn việc tiếp đón giải trình cho tôi. Liên tục mấy tháng liền, suốt cả ngày, tôi phải báo cáo, giải trình, đấu lý, nói ra rả cả ngày khiến cho thanh quản bị ảnh hưởng nặng cho tới nay thì thành tật rồi không khỏi được nữa…”.

“Còn việc lãnh đạo đơn vị bạn có lệnh bắt thì sao thưa bác?” - “Chuyện này bác biết từ đầu, nhưng để cho khách quan, các chú tìm đến gặp bác Bùi Văn Long, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp Dệt thì rõ!”.

Trước khi tiếp xúc, chúng tôi cũng đã nhiều lần nghe tiếng vị Tổng Giám đốc này với “biệt danh” là Long – Calo. Sở dĩ có tên gọi như vậy xuất phát từ việc ông đã “chiến đấu” kịch liệt với một cán bộ to vào thanh tra xung quanh việc đảm bảo đủ lượng ca-lo cho bữa ăn của công nhân và việc xóa bỏ tem phiếu, khi vị cán bộ nọ chất vấn vì sao dám cho công nhân ăn 1 bát phở tới 1 đồng(?!)

Mặc dù đã qua tuổi “bát thập”, nhưng bác Long-Calo vẫn còn rất lanh lẹn, minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe những chuyện cũ rất rõ ràng, sôi nổi: “Tôi đã nhẩm tính rất cặn kẽ, không dưới 26 đoàn thanh, kiểm tra quần tới bến những đơn vị trong TP do tôi quản lý.

Họ hạnh họe, hạch sách chúng tôi đủ điều, từ việc bán vải, sợi tơ vụn, bán phá giá sợi, chuyện lương bổng, chuyện ăn trưa của công nhân, chuyện hạch toán 2 sổ. Tất tần tật, chỉ thiếu mỗi một điều là họ chưa dùng tới còng số 8 để “nói chuyện” với cấp dưới của tôi… Ngày đó, có tờ báo ngành còn “đánh” chúng tôi suốt 3 tháng trời không nghỉ!”.

- Nghe nói đã có lần Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng gọi điện trực tiếp “xạc” cho bác một trận?

- Đúng là bác Phạm Hùng có gọi điện cho tôi khi được tin tôi cho bán sợi với giá cao hơn giá Nhà nước quy định. Bác ấy còn chất vấn về việc vì sao bỏ thương nghiệp cấp I (thành phố) mà đưa thẳng hàng hóa xuống cấp II (huyện) và việc vì sao lại bỏ chế độ tem phiếu (thời điểm đó là năm 1980 – PV).

- Thế bác trả lời ra sao?

- Sau này, trong những lần làm việc với các đoàn từ Hà Nội vào thanh tra và trong các cuộc gặp, báo cáo với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, bác đã phân tích rất rõ: Việc bán sợi với giá cao vì nếu cứ bán theo giá quy định thì chắc chắn sẽ lỗ. Hiện trạng ngành dệt trong thời điểm đó luôn luôn trong tình trạng “lỗ thật lãi giả”.

Việc bỏ cấp I, thì Nhà nước có lợi, người tiêu dùng cũng có lợi vì Nhà nước không phải bỏ tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên của cấp I vốn chỉ ngồi chơi xơi nước mà lại được hưởng phần trăm của hàng hóa. Chịu mãi cảnh vô lý ấy sao?

Nếu giao thẳng cho cấp II, giá cả hàng hóa sẽ giảm, tất yếu, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Còn việc dám xóa bỏ tem phiếu như quy định của Nhà nước, không phải bỗng dưng bác muốn thế, mà mỗi lần xuống thăm công nhân, bác thấy thương họ quá, làm việc quần quật, hết ca, lại phải rồng rắn xếp hàng mua lương thực, thực phẩm.

Vậy là bác mời các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cùng cán bộ của Tổng Công đoàn từ Hà Nội vào khảo sát và đưa ra một định lượng ca-lo tối thiểu đảm bảo cho công nhân tái sản xuất sức lao động. Từ đó, tính toán chi li số lượng lương thực, thực phẩm rồi thanh toán trọn gói một lần vào lương cho công nhân, chấm dứt tình cảnh xếp hàng… Sau này, khắp cả nước mới xuất hiện khái niệm “bù giá vào lương” đó!

Trở lại chuyện vị cán bộ dưới quyền có “trát” bắt giam, bác Long chép miệng: “Chuyện thì bé mà xé ra to! Khi chị Đồng thông báo tin ấy, tôi giật mình, chạy hộc tốc lên Thành ủy đến nỗi quên cả dép, rơi cả cặp, cùng chị Đồng báo cáo lãnh đạo TP.

Thật ra, đồng chí đó chỉ giao việc gia công ống sợi cho người ngoài nhà máy làm, thế mà cũng bị khép vào tội “cố ý làm trái”. Chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi, đồng chí đó mới thoát khỏi còng số 8…”.

Tuy vị cán bộ nọ không bị bắt nữa, nhưng một bầu không khí nặng nề bao trùm lên khắp giới doanh nhân trong thành phố. Mặc dù, một số đồng chí lãnh đạo TP động viên, an ủi: “Nếu ai đó ở tù, chúng tôi sẵn sàng đi đưa cơm!”.

Tuy nhiên không ít giám đốc không chịu nổi sự o bế từ các đoàn, các cuộc thanh kiểm tra triền miên, đã viết thư tay gửi lãnh đạo thành phố, bày tỏ nỗi chán chường, thất vọng của mình: “…Thú thật, chúng tôi không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa. Trên bảo sao, làm vậy cho yên. Nếu làm khác, may thì bị thanh tra phê bình lập trường quan điểm. Nặng, có thể vào tù vì tội cố ý làm trái…”.

Cho dù qua tất cả các cuộc thanh, kiểm tra, không hề phát hiện được bất cứ một giám đốc hay đơn vị nào tư túi hoặc tiêu cực, song, những tia sáng đổi mới vừa mới lóe lên đang có nguy cơ bị dập tắt. Lãnh đạo Thành ủy TPHCM, dù hết sức trăn trở, suy tính, nhưng vẫn chưa tìm ra được một lối thoát khả dĩ, có thể “vượt cạn” trong cuộc đổi mới sinh tử này!

(Còn nữa)

Kỳ V: Những lùm cây xanh trên sa mạc

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.