Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử - Kỳ 5

Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử - Kỳ 5
TP - Người dân Đà Lạt, khách du lịch đến thăm Dinh III Đà Lạt, không một ai có thể ngờ rằng tại căn phòng họp của Dinh III, cách nay đúng 23 năm, từ ngày 13 đến 19/7/1983 đã diễn ra cuộc họp mang tính lịch sử, ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp đổi mới của TPHCM và cả đất nước.

Không một tấm hình, không một dòng tin nào trên báo chí phản ánh về cuộc họp mang tính quyết định lịch sử cho vận mệnh của TPHCM nói riêng và sự nghiệp đổi mới của dân tộc nói chung; chỉ có những người trong cuộc năm ấy mới thấu hiểu hết ý nghĩa lịch sử của cuộc họp này.

Như đã biết, cuối năm 1982, đầu năm 1983, một bầu không khí chính trị nặng nề bao phủ lên diện mạo TPHCM.

Lãnh đạo TPHCM, sau bao nhiêu lần họp “rộng” họp “hẹp” cuối cùng thống nhất rằng phải bằng mọi cách thông tin, báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn tại TPHCM để cho Bộ Chính trị hiểu và nắm rõ những gì đang xảy ra tại TPHCM hoàn toàn không như một số thông tin hoặc phản ánh sai lệch trước đó. Hoàn cảnh lúc đó rất thúc bách, nếu kéo dài thêm, những nhân tố mới nảy sinh sẽ nhanh chóng bị thui chột…

Nhớ lại thời điểm đó, bác Tam Cao kể: “Vào dịp nghỉ hè năm 1983, anh Ba Duẩn đi Liên Xô, còn anh Năm (Chủ tịch HĐNN Trường Chinh), anh Tô (Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng) và anh Võ Chí Công – Thường trực Ban Bí thư vô Đà Lạt.

Nhân cơ hội này, anh Mười Cúc (Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh) đã xin ý kiến ba anh trong Bộ Chính trị, mỗi ngày để ra 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ, nghe các đồng chí ở dưới cơ sở báo cáo chi tiết những việc đã làm trong thời gian qua. Các anh ấy đều vui vẻ nhận lời…

>> Kỳ IV: "Dẹp loạn"!

>> Kỳ 3: Hành trình gian nan của một phương án đổi mới

>> Kỳ 2: Xé rào

>> Kỳ 1: Chiến dịch X1 và X2

Trước khi xuất phát từ TPHCM lên Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nói với các thành viên được Thành ủy lựa chọn, rằng: “Hiện nay có các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Thành phố chúng ta đã đăng ký xin được báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tế mà đề ra đường lối chính sách mới.

Thường vụ Thành ủy và tôi cử các đồng chí là những người trực tiếp lãnh đạo cơ sở lên Đà Lạt báo cáo. Sứ mệnh của các đồng chí rất nặng nề”.

Nghe tới đó, mọi người trong đoàn tỏ ra băn khoăn, lo lắng, Bí thư Thành ủy động viên: “Các đồng chí đừng lo, mà phải coi đây là niềm vinh dự của thành phố mình. Các đồng chí đã làm rất tốt, rất năng động. Những việc làm cụ thể của các đồng chí, Trung ương Đảng không thể nào biết rõ hết được, bởi vậy, chúng ta phải trực tiếp báo cáo… Đây chính là các đồng chí tự cứu mình trước khi Trời cứu đấy…”.

Trong đoàn đại biểu của TPHCM, ngoài các đồng chí lãnh đạo TP: Nguyễn Văn Linh, Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh… còn có một số lãnh đạo cơ sở như Trực Tựu-Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2-9, Bùi Văn Long (Long calo) - Tổng giám đốc Liên hiệp Dệt, Lê Thị Lý - Giám đốc Xí nghiệp Dệt Phước Long… Sáng ngày 12/7/1983, 5 chiếc xe ô tô xuất phát từ TPHCM, chạy thẳng hướng Đà Lạt. Sáng hôm sau, bắt đầu cuộc họp mà sau này được coi là “Sự kiện Đà Lạt – Cái mốc của công cuộc đổi mới”.

Ba vị lãnh đạo cao cấp của Đảng chăm chú lắng nghe rất kỹ từng báo cáo của các lãnh đạo cơ sở. Việc trình bày, báo cáo của các đơn vị cơ sở diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16/7/1983. Chiều hôm đó, các đại diện cơ sở trở về TP HCM. Các đồng chí lãnh đạo TP tiếp tục ở lại báo cáo riêng với các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Đến chiều 18/3/1983, sau khi báo cáo xong, các đồng chí Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh trở về TP HCM, riêng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh còn ở lại làm việc riêng với 3 đồng chí trong Bộ Chính trị. Sáng 20/7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh lên đường trở về TP HCM…”.

Trong khi chuyện trò cùng chúng tôi về cố Tổng Bí thư Trường Chinh, bác Tám Cao nhận xét: Nhờ công rất lớn của anh Năm thì những đổi mới từ thực tiễn của TPHCM và các địa phương khác mới được đúc kết đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Anh Năm là một nhà lãnh đạo cực kỳ nguyên tắc, nếu chỉ nghe báo cáo thì anh ấy vẫn chưa tin. Chỉ khi nào đi thị sát trực tiếp tại cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thì anh ấy mới tin tưởng”.

Quả nhiên như vậy, sau 1 tuần lắng nghe báo cáo của lãnh đạo TPHCM và các cơ sở, Chủ tịch Trường Chinh yêu cầu thành phố tổ chức để Chủ tịch tới thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị xé rào. Tại những nơi này, Chủ tịch đã đến tận các phân xưởng, tổ sản xuất, hỏi han rất kỹ lưỡng từng công nhân về ngày công lao động, cơ chế khoán sản phẩm, tiền lương, đời sống gia đình.

Trong chuyến đi thăm và khảo sát thực tế này, Chủ tịch TPHCM Mai Chí Thọ là người tháp tùng Chủ tịch HĐNN Trường Chinh. Kết thúc chuyến đi thực tế này, một bữa, Chủ tịch HĐNN Trường Chinh nói nhỏ với Chủ tịch TPHCM Mai Chí Thọ rằng: “Hóa ra, ở Hà Nội, tôi toàn được nghe những thông tin sai lệch!”.

“Sự kiện Đà Lạt” và chuyến đi thực tế của Chủ tịch HĐNN Trường Chinh tại TPHCM chẳng những như một luồng gió mát xoa dịu nỗi ấm ức, bi quan của những đơn vị, những người xé rào, mà còn tạo tiền đề tối quán trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc và được Nghị quyết hóa trong Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Cho đến hôm nay, 23 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra “Sự kiện Đà Lạt”, khi nhớ lại thời điểm ấy, bác Lê Thị Lý – Giám đốc Dệt Phước Long – vẫn còn bồi hồi, nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt: “Mấy bữa đầu rất căng thẳng.

Trong bữa ăn không ai nói điều gì cả. Khi tôi báo cáo xong, đến giờ ăn trưa, Chủ tịch Trường Chinh tươi cười nói: “Như thế là trên ốc đảo của sa mạc, đã có những chùm cây xanh! Tôi còn đang ngơ ngác thì bác Phạm Văn Đồng bảo : “Chủ tịch Trường Chinh khen cô đấy!”. Tôi mừng bật khóc. Hôm ấy là bữa cơm ngon chưa từng có trong đời tôi!”.

Nói đến đổi mới không thể quên được một người với biệt danh là “ông già căn cơ”. Ông là ai?

(Còn nữa)

Kỳ sau: “Ông già căn cơ”

Phóng sự của Trần Hiếu - Mạnh Việt

MỚI - NÓNG