Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử - kỳ cuối

Gặp những nhân chứng của “Cuộc xé rào” lịch sử - kỳ cuối
TP - Người ta còn gọi ông là Mười út, Mười Cúc hoặc chỉ đơn giản là “NVL”. Để bạn đọc hiểu thêm về “ông già căn cơ”, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn ký ức của ông Võ Trần Chí – Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

“Tôi biết anh Mười Cúc không nhiều, mãi đến cuối năm 1967 tôi mới có dịp gặp và làm việc với anh Mười Cúc.

Hồi đó tôi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Long An.Khoảng tháng 10,11/1967, anh Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) xuống Long An phổ biến kế hoạch của TW Cục chuẩn bị chiến dịch Tết Mậu Thân đánh vào Sài Gòn…

Ngay sau lần làm việc đó, anh Sáu Dân thấy tôi nên cùng với anh về TW Cục trực tiếp báo cáo với các đồng chí Thường trực TW Cục, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đó là lần đầu tiên tôi biết và được tiếp xúc với anh Mười Cúc.

Trong những năm tháng công tác tại chiến trường Long An, tôi có quen biết một số đồng chí, lúc này đang làm việc tại Văn phòng TW Cục. Những ngày ở Văn phòng tôi nghe các đồng chí ấy gọi anh Út (tức anh Mười Cúc) là “ông già căn cơ”.

Tôi nghe cảm thấy có ấn tượng. Về sau, qua mấy lần làm việc, tôi nhận thấy anh là người rất ít nói, nhưng rất chịu khó lắng nghe; thỉnh thoảng anh chỉ hỏi một đôi câu nhưng hàm ý rất sâu làm cho người được hỏi phải suy nghĩ, nhưng về thái độ thì anh rất chân thành, không làm cho mình phải sợ sệt, mà ngược lại rất quý mến anh…

Sau ngày Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi xin trở về Long An là nơi địa bàn hoạt động quen thuộc, nhưng Trung ương Cục lại quyết định bổ sung tôi vào Thành ủy thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Được tham gia Thành ủy mà người đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Linh, người phụ trách chính quyền là Chủ tịch Võ Văn Kiệt, tôi cho đó là hết sức tuyệt vời vì được làm việc dưới sự lãnh đạo của “ông già căn cơ” và người chỉ đạo “tác chiến” là anh Sáu Dân thì tôi cảm thấy thật không có gì “đã” cho bằng! Mặc dù bản thân tôi về môi trường cũng mới, mà công việc cũng hoàn toàn mới lạ. Có thể nói tất cả phải bắt đầu từ a,b,c.

Nhưng không lâu sau, Đại hội IV của Đảng đã bổ sung anh vào Bộ Chính trị và rút lên Trung ương luôn. Anh Sáu Dân lên thay thế. Cũng phải thôi, làm sao mà giữ mãi anh ấy ở đây cho được.

Nhưng, một loạt sự phân công thay đổi liên tục đối với anh Mười Cúc sau đó làm cho chính tôi lại thắc mắc mà không biết hỏi ai. Ban đầu là phụ trách cải tạo XHCN các tỉnh phía Nam; kế đó không lâu là phụ trách dân vận; rồi phụ trách công đoàn, cũng không được nữa, cuối cùng là đi kiểm tra các tỉnh phía Nam chung chung. Và đến Đại hội V, anh xin rút ra khỏi Bộ Chính trị. Thật không thể nào hiểu nổi?

Tình hình như vậy, nhưng mãi sau này, không nghe anh nói với ai, hoặc buồn phiền hay thắc mắc điều gì, mặc dù tôi có một nhận xét là thần kinh của anh bấy giờ hết sức căng thẳng, không phải ưu tư cho cá nhân mà về tình hình chung của đất nước.

Sau khi được Trung ương phân công trở về làm Bí thư Thành ủy (thay anh Sáu Dân được bổ sung Bộ Chính trị và rút ra Trung ương), có lần tôi hỏi anh: “Tại sao lúc đó anh xin rút ra khỏi Bộ Chính trị?”. Anh trả lời gọn hơ: “Bởi vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên mình xin rút…”.

Trong thời gian anh về làm Bí thư Thành ủy, nhiều đoàn kiểm tra Trung ương vào làm việc hết sức căng thẳng. Có đồng chí phát biểu: “Để tình hình thành phố như thế này thì Bí thư (Nguyễn Văn Linh – PV), Chủ tịch (Mai Chí Thọ – PV) nên từ chức”.

Gần như các mô hình kinh tế cho làm thử dù rất có hiệu quả và không tìm ra được một chứng cớ tiêu cực nào cũng đều phải ngưng lại, không cho làm tiếp vì trái với cơ chế “hành chính bao cấp”. Tình hình hết sức căng thẳng và bế tắc.

Thành phố lúc này gạo không đủ ăn, nhân dân phải ăn độn bo bo. Các nhà máy hết nguyên liệu; không có bông, không có sắt thép, thiếu xăng dầu, không biết lấy gì để sản xuất.

Sau đó tôi nhớ có một cuộc họp hẹp định bàn các biện pháp làm sao vừa chấn chỉnh vừa tháo gỡ tiếp, nhưng anh Mười Cúc ngồi mãi không nói một lời nào. Cuối cùng, anh chỉ nói mấy tiếng: “Phải cố gắng tranh thủ các anh” (tức muốn nói Bộ Chính trị), hoàn toàn không ai biết phải tranh thủ làm sao cả.

Lần nghỉ năm ấy tại Đà Lạt (1983), anh Mười Cúc xin phép dẫn một số giám đốc xí nghiệp TW và của thành phố lên trực tiếp báo cáo với các anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng), anh Năm (đồng chí Trường Chinh), đồng chí Võ Chí Công về cách làm ăn đổi mới có hiệu quả.

Sau lần nghỉ đó, anh Năm Trường Chinh xuống TPHCM, trực tiếp đến một số công ty, xí nghiệp quốc doanh của TW và TP, nghe báo cáo trực tiếp, tỉ mỉ, cụ thể của từng giám đốc, của đại biểu công nhân, của công đoàn các xí nghiệp. Đồng chí còn gặn đi gặn lại nhiều lần, nhiều chỗ, để  nắm thật rõ, thật chắc các vấn đề mà đồng chí muốn nghe, muốn biết…

Chính sự gặp gỡ trực tiếp, rộng rãi này đã làm cho anh Năm Trường Chinh có một sự suy nghĩ mới; có thể xem đây là một sự kiện quan trọng trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Trong thời gian này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lâm bệnh nặng kéo dài và sau đó đã qua đời.

Trung ương đã bầu đồng chí Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư. Thời gian tiếp sau đó, anh Mười Cúc được nhiều lần Ban Bí thư mời ra để báo cáo, trao đổi tình hình liên tục, và gần cuối nhiệm kỳ V, anh được bổ sung vào Bộ Chính trị trở lại.

Chính trong thời gian chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, những quan điểm thực tiễn cách mạng ấy đã được Bộ Chính trị đúc kết, là nội dung cơ bản cho Nghị quyết Đại hội đổi mới có tính bước  ngoặt mà hai đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh là người đóng góp phần quan trọng nhất.

Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ làm cố vấn Ban chấp hành TW. Một Đại hội sáng suốt về nội dung, lại sáng suốt cả về tổ chức đã làm tràn đầy phấn chấn và lòng tin trong khi đất nước vẫn còn ngổn ngang những khó khăn  chồng chất.

Hệ thống lại từ những quan điểm thực tiễn cách mạng của anh được thể hiện trong Nghị quyết 24/TW (khóa III) sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất đến khi anh vào Bộ Chính trị (khóa IV), rồi rút ra khỏi Bộ Chính trị (khóa V), trở về cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM, và được bổ sung trở lại vào Bộ Chính trị từ cuối khóa V, cho đến khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành TW (khóa VI), trước sau về cơ bản là hoàn toàn nhất quán.

Đồng thời với những quan điểm chiến lược phù hợp với thực tiễn cách mạng ấy, anh còn kiên trì đấu tranh có nguyên tắc trong nội bộ Đảng. Dù phải trải qua những lúc thăng trầm, tâm tư rất căng thẳng, nhưng suốt thời gian ấy không hề bao giờ thấy anh biểu lộ thắc mắc đối với ai, không hề tranh thủ cá nhân nào, không hề tiết lộ vấn đề gì ra ngoài tổ chức… Đó là một tinh thần Đảng “bằng thép”.

Nhưng thực tế cũng phải nói rằng, phải đến lúc đó, đến một thời điểm mà  tình hình kinh tế– xã hội đất nước đến cùng cực, gần bên miệng hố rối loạn, nguy hiểm, thì những quan điểm thực tiễn cách mạng ấy mới được chấp nhận, chớ không phải dễ dàng…

Về sau này, tôi suy nghĩ lại mấy tiếng ngắn gọn mà anh đã nói tại cuộc họp hẹp của thường trực Thành ủy sau các đợt kiểm tra căng thẳng của Trung ương: “Phải cố gắng tranh thủ các anh”.

Ý anh muốn nói rằng, nếu ở địa phương ta cứ xé rào tháo gỡ, bung ra làm ăn, dù cho có hiệu quả nhưng nếu cấp cao nhất chưa có chủ trương thống nhất thì không thể được. Bởi vì nếu cứ phải làm  tới sửa lui, tình hình cứ căng thẳng lộn xộn thì đất nước vẫn cứ không ổn định, không thể phát triển đi lên được.

Đó chính là những suy nghĩ, những trăn trở ở tầm vĩ mô, vì rằng dù  quan điểm thực tiễn cách mạng có đúng đắn đi  nữa mà không đặt nó vào vị trí toàn cuộc, nghĩa là không tranh thủ có được quyết định thống nhất của cấp lãnh đạo cao nhất thì việc lớn cũng sẽ không thể đi đến thắng lợi hoàn toàn được.

Đúng là một “ông già căn cơ” như lời tôn vinh của các đồng chí ở Văn phòng TW Cục trước đây. Anh chẳng những đúng về quan điểm thực tiễn cách mạng, đúng cả về nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng  mà còn đúng cả về quan điểm toàn cuộc nữa.

Thiếu một tất sẽ không thành. Đây là điều không dễ tâm đắc! Tất nhiên, anh Mười Cúc - Đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta vẫn không tránh khỏi một số ít cá tính không có lợi. Âu đó cũng là “Nhân vô thập toàn” như người xưa đã nói vậy”.

Lời những người viết: Xin chân thành cảm ơn các bác Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, nhà giáo Phan Chánh Dưỡng, đạo diễn Văn Lê, cùng một số lãnh đạo TPHCM và các doanh nhân đã giúp chúng tôi thực hiện loạt bài viết này.

Do hạn chế về khả  năng và thời gian, không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, chúng tôi rất mong nhận được sự bổ sung, đóng góp ý kiến từ bạn đọc và những người trong cuộc.

Trân trọng cảm tạ!

Phóng sự của Trần Hiếu - Mạnh Việt

MỚI - NÓNG