Giải một nỗi buồn mang sang tận thế giới bên kia

Giải một nỗi buồn mang sang tận thế giới bên kia
TPCN - Báo Tiền phong Chủ nhật số 14 ra ngày 2/4/2006 có bài  “Người góp công xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Giải một nỗi buồn mang sang tận thế giới bên kia ảnh 1
Bà Trần Thị Minh Châu - “Chị cán bộ Việt Minh” ở Tân Trào năm 1945

Bài báo viết về ông Nguyễn Dực, một người giàu tâm huyết, giàu nhiệt tình cách mạng và có kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy thu thanh, phát thanh. Ông là con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà văn hoá lớn.

Tác giả bài báo đã được người nhà ông Nguyễn Dực cho xem cuốn hồi ký của ông về những kỷ niệm không thể nào quên ấy, có đoạn trích nguyên văn như sau:

... “Ngay chiều hôm đó, tôi được biết tiếng loa rất tốt. Từ đền Quan Thánh đến vườn hoa Canh Nông đều nghe được rất tốt. Chỉ tiếc máy phát sóng của đài phát thanh không chạy. Tôi hơi mất vui vì hôm trước đã cho thử máy nhiều lần, rất tốt”.

Hồi ký về sự kiện lịch sử do chính nhân vật lịch sử viết ra, ai chẳng tin là chính xác. Chẳng thế, ông Dực đã âm thầm mang trong lòng nỗi buồn suốt 55 năm cuộc đời còn lại.

Nhưng...

Ngày 13/4/2006, tôi cùng đoàn cựu cán bộ Trung ương Đoàn lên Tuyên Quang, thăm khu Di tích lịch sử cách mạng Tân Trào. Trước lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ  ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, cô gái Tày mặc áo dài chàm thắt dây lưng xanh, nhân viên Bảo tàng đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động về Bác.

Cô kể rằng: Ngày 2/9/1945, đồng bào các dân tộc ở Tân Trào đã về đây dự mít tinh, nghe truyền thanh trực tiếp lễ Tuyên ngôn Độc Lập đang diễn ra tại Hà Nội. Chợt nhớ tới bài báo Tiền phong Chủ nhật. Chẳng lẽ ông Nguyễn Dực...?

Trở về Hà Nội, tôi mở tủ sách gia đình, tìm đọc ngay cuốn “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 1995.

Đây là cuốn hồi ký của những người đã nhiều năm gắn bó với Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, viết nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đài.

Ở trang 18, trong phần “Bối cảnh lịch sử và chuẩn bị ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam”, đồng chí Trần Lâm, nguyên Tổng giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã nhắc tới những người đầu tiên góp công xây dựng, trong số này có “anh Nguyễn Dực tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành, có cửa hiệu chuyên cho thuê và sửa chữa máy tăng âm, micro và cũng là đội viên tuyên truyền xung phong được phân công phụ trách lắp studio”.

Đồng chí Trần Lâm viết: Ngày 2/9, bác Cung đưa một máy 300w lên số 4 Đinh Lễ để truyền thử cuộc mit tinh ở Ba Đình về bằng đường dây trần.

Lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập được phát lên không trung qua ăng-ten đặt trên nóc nhà và truyền từ Ba Đình về bằng dây trần, nên vùng phủ sóng không rộng và âm thanh bị nhiễu không được tốt.

Tuy nhiên cũng có một số nơi lắng tai vẫn nghe được.

Đồng chí Trần Lâm cho biết thêm: Lúc ấy studio chưa chuẩn bị xong nên chưa kịp khánh thành Đài Tiếng nói Việt Nam. Phải tới ngày 7/9/1945,  buổi phát thanh đầu tiên chính thức ra mắt và từ đấy 7/9 được chính thức lấy làm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam.

Như vậy, theo đồng chí Trần Lâm thì ngày 2/9/1945, đài phát thanh của ta có trực tiếp phát sóng, trực tiếp đưa tiếng nói Bác Hồ tới các nơi.

Cuối cùng tôi đã tìm gặp được chị cán bộ Việt Minh năm xưa, người  mở máy thu thanh cho bà con dân tộc vùng Tân Trào nghe được tiếng nói Bác Hồ trong ngày 2/9/1945.

Đó là bà Trần Thị Minh Châu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên những năm 1943. Nữ đồng chí lão thành cách mạng  năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh,  minh mẫn, vui vẻ kể lại:

- Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội. Về xuôi, nhưng Bác vẫn bố trí một số cán bộ ở lại Việt Bắc, trong số này tôi còn nhớ có cả các anh Lê Giản, Nam Long, Hoàng Văn Thái.

Thấy chúng tôi kém vui, Bác dặn dò: Các cô các chú đừng nghĩ mình về Hà Nội thì có thể ở lại Hà Nội. Cho nên vẫn phải có người ở lại đây, bảo vệ căn cứ cách mạng này.

Rồi bà kể tiếp:

- Ngày 2/9/1945, do được thông báo trước, chúng tôi tổ chức mít tinh trọng thể đón mừng ngày lễ lớn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên bãi cỏ rộng và bằng phẳng dưới bóng cây đa Tân Trào.

Đồng bào các dân tộc về dự rất đông. Khi nghe tiếng Bác Hồ vang lên, nhiều người reo: Đúng Ông Ké rồi!

Ké, là tiếng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng để gọi người già một cách tôn kính.

Tôi dè dặt hỏi lại:

- Nhưng thưa bà, theo chúng tôi được biết thì hôm ấy, đài phát yếu lắm, làm sao ở vùng rừng núi Tuyên Quang bắt được sóng?

Bà Minh Châu cười:

- Năm trước, tôi có dịp lên thăm Bảo tàng Tân Trào, cũng đã được nghe giới thiệu câu chuyện này và nhìn hiện vật trưng bày, một chiếc radio sản xuất tại nước bạn trong những năm 1960. Tôi lắc đầu bảo “cất ngay, cất ngay”.

Rồi bà giải thích:

- Ngày ấy, lực lượng Đồng Minh đã cử một tổ công tác do thiếu tá Tô Mát người Mỹ chỉ huy nhảy dù xuống Tân Trào huấn luyện giúp ta về quân sự, báo vụ điện đài.

Cái máy thu tiếng chúng tôi dùng hôm đó chính là của Mỹ. Nó to lắm, chiều cao ngang đầu người ngồi bên cạnh. Vì thế, đồng bào mới yêu cầu “mở cái hộp cho Ông Ké ra nói chuyện, sao để Ông Ké ngồi trong ấy lâu như thế?”.

Máy công suất lớn, tiếng nghe chuẩn, nhận ra ngay được giọng người quen...

Như thế là mọi việc đã rõ.

Chỉ riêng ông Nguyễn Dực hơi mất vui khi biết tin chiều 2/9 máy phát sóng của đài phát thanh do mình góp công xây dựng, không chạy.

Có lẽ mấy ngày hôm ấy, ông phải tập trung sức lắp đặt, kiểm tra hệ thống loa truyền thanh ở vườn hoa Ba Đình, nên không thể theo dõi tiếp công việc ở đài phát thanh. Một người nào đó đã nói với ông máy phát sóng không hoạt động, và ông tin ngay, ông thấy tiếc...

Cuốn hồi ký ông Dực viết ngày  1/11/1999. Như vậy là hơn 50 năm, ông mang theo trong mình niềm vui không trọn vẹn, mang sự mất vui ấy sang tận thế giới bên kia (ông Nguyễn Dực tạ thế tháng Giêng năm 2000, thọ đúng 80 tuổi).

Từ một chi tiết trong bài báo đăng trên Tiền phong Chủ nhật, tôi viết mấy dòng này, mong được thắp một nén hương thưa với ông Nguyễn Dực: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam do ông góp phần xây dựng, ngay từ chiều 2/9/1945 lịch sử ấy đã hoạt động, đã phát sóng; Làn sóng điện tuy yếu, nhưng đồng bào thành phố biển Hải Phòng, các tỉnh gần Hà Nội, đặc biệt đồng bào các dân tộc tại căn cứ địa cách mạng Tân Trào vùng rừng núi Tuyên Quang đều đã nghe được tiếng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Điều hơi mất vui ông ghi trong hồi ký càng chứng tỏ tấm lòng kính yêu với Bác Hồ, tình cảm sâu đậm của ông với Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, cơ quan mà ông làm việc suốt trong những năm kháng chiến chống Pháp. Chẳng có gì phải tiếc. Ông hãy vui lên!

 Hà Nội, tháng 4 năm 2006

 Lê Văn Ba

MỚI - NÓNG