Giọt nước mắt cụ Phan ở chân núi Phú Sĩ

Giọt nước mắt cụ Phan ở chân núi Phú Sĩ
TPCN - Hoành Tân. Ấy là phiên âm Hán. Một hải cảng quan trọng mở vào nước Phù Tang gần Tokyo có tên đặc Nhật là Yakohama. Tân đây là bến.
Giọt nước mắt cụ Phan ở chân núi Phú Sĩ ảnh 1

Hoành Tân, nơi người Việt Nam đầu tiên là Bùi Viện vượt muôn trùng bể lớn, trước khi đem theo Quốc thư của vua Tự Đức sang Hoa Kỳ gặp Tổng thống Mỹ, đã dừng lại ở đây mấy tháng và có cơ duyên gặp được viên Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật để viên sứ thần ấy bày vẽ cho đường đi nước bước.

Hơn một trăm năm sau, năm 1905, khi hải quân Nhật đánh thắng hạm đội của Nga Hoàng tiếng tăm lừng lẫy hầu như những tài trí thiên hạ đều đổ về đất nước Phù Tang mà học mà tìm lấy sự tự tôn lẫn hùng cường dân tộc.

Cũng tại Hoành Tân, năm 1905 đã diễn ra cuộc gặp giữa cụ Phan Bội Châu phụ trách Duy Tân hội với Lương Khải Siêu một nhà cải cách lớn của Trung Hoa đang sống lưu vong tại Nhật Bản.

Rồi cụ Phan cũng gặp được cả Tôn Trung Sơn ở Hoành Tân, hai người đã nhiều lần đàm đạo thế sự lẫn quốc sự. Rồi khi cụ Phan Châu Trinh trên đường xuất dương ghé qua Nhật cũng có nhiều ngày gặp gỡ trò chuyện với cụ Phan Bội Châu.

Nhưng sau hết, cụ Lương với cụ Phan, hai nhà ái quốc đã có những ngày tương đắc đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Theo gợi ý của người đồng thanh đồng khí, cụ Phan đã được tiếp xúc với một số chính khách của Nhật như Okuma Shigennobu, Inukai Tsuyshi, Fukushima Yasumasa...

Qua những cuộc tiếp kiến ấy, cụ Phan dường như đã bừng tỉnh nhiều điều... Ban đầu cụ  đến Nhật chỉ là xin cầu ngoại viện cho Việt Nam Quang Phục hội nhưng sau này nghiên cứu tìm hiểu, cụ đã chú trọng đến việc đào tạo nhân tài để mưu việc lớn!

Chính phủ Pháp đã lường trước mối nguy của phong trào Đông Du. Cả Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để cũng như toàn thể du học sinh Việt đều không biết rằng ngày 10/6/1907, hai chính phủ Pháp và Nhật đã ký với nhau tại Paris bản thông cáo chung  với tên gọi dàn xếp vấn đề kiều dân Nhật ở Đông Dương và những thần dân Đông Dương thuộc Pháp đang sống ở Nhật. 

Mỗi học sinh phải viết thư gửi cha mẹ mình giao cho cảnh binh Nhật theo  đúng địa chỉ mà chuyển về Việt Nam. Chúng gây áp lực với những gia đình có con đi học, mặt khác yêu cầu Nhật Bản bắt và trao cho Pháp những thanh niên tham gia phong trào Đông Du với tư cách là thành viên của Duy Tân hội.

Chính phủ Nhật Bản tuy từ chối trao Cường Để và những người khác cho phía Pháp nhưng lại ra lệnh trục xuất nhiều lưu học sinh Việt Nam ra khỏi Nhật Bản vào năm 1909.

Thế là tan đàn xẻ nghé! Nhưng trước khi ôm hận rời Nhật, cụ Phan có họp một số anh em lại mà bàn rằng trong hoàn cảnh hiện tại chúng ta chỉ có một cách là tản ra đi làm thuê để lấy tiền mà học.

Cụ động viên anh em, người cách mạng bước đường cùng phải vững ý chí và nghị lực, bình tĩnh suy xét vượt qua khó khăn. Có khoảng hai chục người đã nghe theo lời khuyên của thủ lĩnh, ở lại Nhật tìm mọi cách để mưu sinh. Người đi làm thợ nề, thợ mộc, người đi dạy học, làm thuê ở các hiệu buôn, làm bồi bếp để lấy tiền đi học...

Có một sự kiện trong thời gian đầu của cuộc tan vỡ Đông Du. Vào khoảng tháng 10-1908, tình thế anh em trong Duy Tân hội rất quẫn bách, đặc biệt là tài chính. Phan Bội Châu đành liều viết thơ cho một người bạn của Nguyễn Thái Bạt hỏi vay một số tiền.

Người bạn này cụ Phan chưa hề biết mặt, tên là Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang. Thư gửi chỉ hú họa nhưng buổi sáng gửi đi, buổi chiều đã nhận được 1.700 đồng, khi đó là món tiền khá lớn, kèm mấy dòng vắn tắt nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn thế này.

Về sau có khó khăn cứ viết thơ! Thiển Vũ là con trai một vị Đại tướng lục quân, học y khoa thành tài mở nhà thuốc riêng chuyên cứu chữa giúp người nghèo. Không thích tham dự chính trị nhưng rất coi trọng nghĩa khí.

Trải 10 năm lưu lạc gian nan trên đất Trung Hoa, Phan Bội Châu trở lại Nhật năm 1918. Nhớ tới ân nhân, cụ Phan tìm về Tĩnh Cương là thôn ổ của Thiển Vũ tiên sinh thì vị ân nhân ấy đã qua đời! Cụ Phan đau đớn liền thuê người khắc bia đá cao 4 thước, rộng 2,5 thước dày 50 phân với lời văn thống thiết:

Chúng tôi vì việc nước, chạy sang đất Phù Tang. Ông thương mà giúp khi hoạn nạn, chẳng kể công lao, tỏ lòng hào hiệp, nay tôi lại đây. Ông đã mất rồi! Trông bốn bề bóng người đã khuất. Mênh mông trời bể. Lòng này khôn nguôi.

Xin khắc mối cảm thương vào đá.

Hảo hán xưa nay. Nghĩa đầy trong ngoài. Ông giúp như trời. Tôi chịu như bể. Chí tôi chưa thành. Ông không chờ tôi. Lòng này đau thương. Đến ức vạn năm.

Tất cả người trong Hội Việt Nam Quang Phục xin ghi tạc! (Bản dịch của Hoàng Nhật Tân).

Cụ Phan đã dốc sạch bách các túi chỉ còn 120 đồng. Nhưng tiền mua đá, thuê khắc, xây lăng mộ hết 200 đồng! Cụ Phan lại phải đến nhà ông Thôn trưởng để vay tạm.

May mà ông Thôn trưởng cũng là người trọng nghĩa khí, cảm khái trước tấm lòng tình nghĩa của người khách tha phương, ông đã tập họp dân làng nói rõ sự việc để mọi người quyên thêm. Tiền quyên không những đủ chi trả việc khắc bia xây mộ lại còn để mở tiệc hoan nghênh nữa...

Giọt nước mắt cụ Phan ở chân núi Phú Sĩ ảnh 2

Tấm bia đá ấy đã sừng sừng 88 năm nay trên đất Nhật. Nhà sử học Hoàng Nhật Tân nói tấm bia ấy đâu như ở ngoại thành Tokyo.

...  Và tôi đã tới Tokyo. Nhưng hỏi sứ quán lúc ấy, không ai biết!  May gặp anh Lê Văn Thanh là tham tán, từng lâu năm ở Tokyo. Anh cũng không biết tấm bia nọ nhưng nhiệt thành bốc máy gọi cho một “thổ công” khác.

Người ấy lại gọi cho một người quen khác nữa vốn có nghiên cứu về  lịch sử. Người ấy có biết nhưng tôi tá hỏa khi nghe rằng tỉnh Shizuoka, quận Asaba tận chân núi Phú Sĩ nơi dựng tấm bia của cụ Phan, cách Tokyo mấy trăm cây số. Đến nước này đành bó tay vì thời gian lưu lại ở Tokyo đã hết, tôi phải đi Osaka với đoàn.

Về Việt Nam, tôi liên lạc với anh Thanh. Anh Thanh nói địa chỉ email của anh Lê Long Sơn là người có biết tấm bia.  Tôi email nhiều lần cho anh Sơn nhưng vẫn không có hồi âm.

Tưởng tắc tị thì nhận được email của Thanh. Anh Thanh nói tôi nên vào thành phố Hồ Chí Minh gặp GS Nguyễn Đức Hòe, hiệu trưởng trường Đông Du thành phố Hồ Chí Minh. Có sẵn số điện thoại do anh Thanh cung cấp, tôi gọi cho GS Hòe. GS nhiệt tình tiếp chuyện tôi qua điện thoại.

Qua những cuộc gặp lúc đứt lúc nối, tôi biết GS rất bận công việc. Tôi nhắn cho phóng viên thường trú Trần Hiếu tới hầu chuyện GS. Qua Trần Hiếu, tôi biết được trường Đông Du, sau 100 năm, cùng với một số cơ quan khác của Việt Nam tiếp tục tuyển chọn người sang Nhật du học. 

Trường Đông Du nhắm vào hai đối tượng là học sinh trung học và số cán bộ đã tốt nghiệp đại học. Trường đã đưa được 443 người đi học bên Nhật. Còn riêng  GS từng học bên Nhật 15 năm, bắt đầu từ năm 1959. Không phải bây giờ GS mới làm cái việc đưa HS du học bên Nhật mà từ năm 1964, GS Hòe đã về nước chọn những HS khá sang Nhật đào tạo.

GS theo học và nghiên cứu về vật lý nguyên tử nhưng là người cũng say mê về nghiên cứu lịch sử. Tấm bia của cụ Phan Bội Châu dưới chân núi Phú Sĩ từ lâu đã lọt vô tầm ngắm của GS Hòe...

Qua Trần Hiếu, GS gửi cho tôi hai đĩa CD tư liệu. Mở ra tôi xiết bao vui mừng lẫn cảm động bởi một số tư liệu mình đang cần về phong trào Đông Du đều có. Tình cờ thế nào, mở email ra lại nhận được mấy tấm ảnh của anh Thanh tham tán mới sưu tầm được gửi cho tôi.

Tôi vui sướng nhận ra trên trán bia trong một tấm ảnh của anh Thanh vừa gửi có hàng chữ Thiển Vũ  Tá Hỷ Thái Lang công kỷ niệm bia. (Bia kỷ niệm ngài Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang) Tôi lại phải gọi vào cho GS  Hòe, hỏi bảy người ngồi dưới chân bia là những ai? GS tận tình cho hay Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang là phiên âm Hán. Chữ Nhật là Sakitaro Asaba. Hàng đầu từ bên phải sang :

Ông trưởng thôn tên là Okamoto, cụ Phan Bội Châu và hai người Nhật trong thôn. Ba người hàng thứ hai là các nhà sư làm lễ cho buổi dựng bia. GS còn cho biết thêm ngày 17-7-2003, tại thị trấn Asaba đã long trọng tổ chức lễ 85 năm ngày cụ Phan dựng bia.

Có 130 người gồm các nhà nghiên cứu, nhà giáo Nhật Bản, những học giả nghiên cứu Đông Du và lưu HS Việt Nam đến dự. Còn có cháu ngoại ngài Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang là bác sĩ Sakamato cùng cháu nội ông trưởng thôn.

Đặc biệt có ông bà Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan Bội Châu cũng tới dự. Hiện ở Bảo tàng Phan Bội Châu tại Huế có thác bản mặt trước tấm bia mà những người bạn Nhật tại thị trấn này gửi tặng.

Hiện bia và khu mộ ngài Thiền Vũ Tá Hỷ Thái Lang- Sakitaro Asaba được dân ở đây trông coi chăm sóc chu đáo. Dịp kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du, năm ngoái tại đây tổ chức hội thảo về phong trào Đông Du, có hơn hai trăm khách mời đã đến dự.

Vậy đó! Tấm lòng trung trinh của cụ Phan với độc lập dân tộc cứ  truyền mãi cho hậu thế...

Tokyo- Aophe, 10-2006

Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG