Khách Tây “săn” kỷ vật thời chiến

Khách Tây “săn” kỷ vật thời chiến
TP - Rút hầu bao vài chục đến hơn trăm ngàn đồng, du khách lên chốn biên ải Lao Bảo hay ngược về thị trấn Khe Sanh của xứ “Đất Lửa” Quảng Trị này có thể sở hữu những kỷ vật quý giá thời chiến tranh như thẻ bài, tiền xu, bi đông, hộp quẹt Zíppô từ những người thu mua phế liệu...
Khách Tây “săn” kỷ vật thời chiến ảnh 1
Du khách tìm mua những kỷ vật thời chiến

Chuyện mua bán kỷ vật chiến tranh mới manh nha dăm năm trước nay bỗng trở thành mốt thời thượng của nhưng ông Tây bà đầm khi theo tour DMZ (Demilitarised zone-Khu phi quân sự)...

Bắt đầu từ tour du lịch DMZ

Một buổi sáng mưa lâm thâm se se lạnh, chúng tôi cưỡi xe máy rời Đông Hà ngược đường 9 lên thị trấn Khe Sanh của huyện rẻo cao Hướng Hóa qua sự mách nước hấp dẫn của cô bạn làm ở bên Trung tâm Di tích-Danh thắng Quảng Trị.

Loanh quanh mấy con ngõ áp chợ Khe Sanh mới lần ra địa chỉ cần tìm. Đó là ông Trần Hà (biệt danh Hà “quắn”), một người chuyên thu mua và cung cấp kỷ vật chiến tranh cho du khách có tiếng ở thị trấn sơn cước này.

Ông khoe: “Mỗi ngày tui gom hàng của cả trăm người chuyên rà phế liệu từ Tân Hợp, Tân Lập, Lao Bảo xuống”. Cách đây hơn năm, có tay thông dịch viên dẫn đoàn khách du lịch người Pháp, người Mỹ chi chi đó vô hỏi có đồ cổ gì bán không?

Ông bảo, chỉ có đồ chiến tranh sót lại, mua thì lấy! Thấy một mớ đủ thứ tạp-pí-lù từ thẻ bài, tiền cent, đến bi đông đựng nước… mấy ông khách Tây balô xì xồ xì xà một lúc rồi mua sạch. Thấy ngon ăn mà vốn liếng bỏ ra chả mấy nên ông Hà “quắn” chuyển nghề từ đó, mở hẳn “đại lý” chuyên thu mua và cung cấp kỷ vật chiến tranh cho khách du lịch và các tay săn đồ cổ.

“Đặc biệt có hai món khách ngoại quốc ưa  nhất  là thẻ bài của lính Mỹ và các loại huy chương. Nên nhớ, càng cũ càng tốt” - Ông Hà nói.

Khu thu mua phế liệu của ông Hà tồi tàn bé tẹo lọt thỏm giữa những ngôi nhà nguy nga tọa lạc ngay trung tâm của thị trấn được mệnh danh là “Đà Lạt của Quảng Trị”. Nhưng Hà “quắn” là “soái” của nghề đặc biệt này. Nguồn hàng của ông  xôm tụ đủ thứ, từ xác bom, vỏ đạn pháo đến xác xe tăng…

“Khách du lịch có mua về làm kỷ niệm chứ mấy thứ này dân miềng mô có cần. Nói thiệt là bán cho vui chứ mấy cái thứ kỷ vật nớ được mấy xu. Khách mua chủ yếu là mấy ông bà Tây thôi”-Bà vợ tên Lành góp chuyện.

Hà “quắn” chen ngang: “Vợ tui nói rứa thôi, chứ lẫn trong đống phế liệu ni có những thứ được nhặt nhạnh, bán cho du khách giá cũng vài chục đô la đó!”. Nói xong ông quay vào nhà lấy ra một vỏ hộp trà Lipton, bên trong có hai bao nilon màu xanh, đựng xâu tiền bằng đồng, đếm 13 đồng cả thảy, có chữ francaire, và các chữ này đã mờ mờ bởi đất bám.

Ông Hà bảo: “Cái ni từ thời kháng Pháp đó, do một người nhà ở gần sân bay Tà Cơn mang lại cân, tui bán cho khách Việt thì 100.000 đồng, còn ngoại quốc thì  phải được 15 đến 20 đô”. Xem chừng khách chưa ưng bụng, Hà “quắn” với tay lấy thêm một mớ thẻ bài của lính Mỹ, rao giá 200.000 đồng mỗi chiếc.

Đua nhau “săn” kỷ vật thời chiến

Việc mua bán các kỷ vật chiến tranh này đã diễn ra một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên “nghề” này đang mang tính tự phát. Nếu mấy “ông” bên ngành du lịch để tâm đến “món” này, đầu tư quy hoạch cho bài bản sẽ có nhiều điều hấp dẫn, thú vị và kinh tế. Ngay ở Khu Di tích sân bay Tà Cơn này, lần gần đây nhất “quân” của chúng tôi cũng đã mua được 50 huân, huy chương các loại của lính Mỹ và quân giải phóng để phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu.

(Giám đốc Trung tâm Di tích - Danh thắng Quảng Trị Ngô Thanh Bảo)

Một ông chủ phế liệu khác ở Khe Sanh tên Sĩ cho biết cách đây chừng năm năm, các loại thẻ bài, tiền xu, bi đông nước… như thế này thì nhiều vô kể, chủ yếu bán vào lò nấu kim loại hết. Nhưng từ lúc xuất hiện nhiều du khách hỏi mua thì mới có nhiều người đi săn tìm.

Có người còn khăn gói lên tận biên giới Việt-Lào để lùng. Song cũng có đợt khách hàng thưa vắng nên không tiêu thụ được. “Hiện còn cả đống các loại kỷ vật nằm lẫn lộn với sắt vụn, chuẩn bị thanh lý cho các lò nấu phế liệu” - Ông Sĩ bảo.

Anh Hiền, năm nay bốn mươi tuổi, trong người lúc nào cũng “găm”  cả đống kỷ vật các loại để phục vụ khách du lịch.

Hiền thấp đậm, da đen, từng đi bộ đội bên chiến trường Campuchia về, chào hàng 5 chiếc thẻ bài bằng nhôm của lính Mỹ, hai đồng One Dollar bằng bạc năm 1882 của Mỹ, một chiếc phù hiệu con diều hâu đậu trên quả địa cầu đã hoen gỉ.

Hiền nói: “Tui thường vào trong các vườn cà phê để lượm. Nhất là sau trận mưa, có hôm nhặt được cả trăm cái”. Một người khác tên Hải  vốn chuyên rà tìm phế liệu chiến tranh, giờ bỏ nghề quay sang săn lùng kỷ vật.

Hải bảo: “Giờ chỉ có khu vực quanh sân bay Tà Cơn, vùng ven xã Xi và vùng Tân Long là còn sót lại nhiều kỷ vật chiến tranh. Có lúc hàng bán chạy, người ta kéo nhau đi vào chỗ đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều để mua thêm”.

Hải kể thêm, nhiều người tìm được thường đem ra Khu Di tích sân bay Tà Cơn bán trực tiếp cho khách du lịch, nếu không thì bán… sắt vụn cho các bãi phế liệu.

“Nghề ni ngó vậy chớ cực lắm mấy em ơi! Có khi gùi gạo theo mấy ngày nằm trong rừng sâu nhưng mang hàng ra ngoài thì bán không được, đành phải... cân đồng nát. Nhưng đây là nghề đong gạo kiếm cơm, không mần là đứt bữa” - anh Hải  ngậm ngùi.

Khe Sanh-Đông Hà, 30/11/2008

MỚI - NÓNG