Kỳ 12 : Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 12 : Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu
Khoảng 5 giờ chiều ngày 25/4/1975, chỉ huy trưởng CIA tại Sài Gòn Thomas Polgar cho gọi các sĩ quan cao cấp CIA gồm Joe Kingsley, tướng Charles Timmes, Frank Snepp,… tới văn phòng của ông có việc đột xuất.
Kỳ 12 : Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu ảnh 1
Nguyễn Văn Thiệu  (phải) tại Mỹ năm 1997

Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Polgar hỏi một câu rất lạ: “Trong số các bạn ở đây có ai thuộc đường phố Sài Gòn để có thể lái xe ban đêm không?”.

Tất cả mọi người đều đáp lại bằng một cái gật đầu. Frank Snepp tuy cũng gật đầu nhưng thực ra là không mấy tự tin vì thành phố này có nhiều lối rẽ, đường cắt, đặc biệt là dễ nhầm tại các giao lộ xoay vòng tròn kiểu Pháp. Polgar nhìn khắp lượt rồi buông một câu cụt lủn: “Tốt”. Sau đó, Polgar giải thích là muốn nhờ một vài người giúp lái xe chở cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm tối hôm đó ra phi trường để đi Đài Loan.

Chính Polgar cũng mới chỉ biết công việc đặc biệt này trước đó vài giờ. Kế hoạch đưa Thiệu di tản ra nước ngoài đã được vạch sẵn. Lúc đầu Đại sứ Graham Martin định gói việc này hoàn toàn bí mật trong lĩnh vực quân sự nên đã yêu cầu đặc biệt Phòng Tuỳ viên Quân sự Mỹ (DAO) thực hiện mọi dàn xếp cần thiết. Trong kế hoạch của DAO có cả việc thực hiện một chuyến bay của hãng hàng không Air American cất cánh bí mật từ phi trường Tân Sơn Nhất để chở Nguyễn Văn Thiệu đi.

Nhưng sau đó vì cảm tình với Polgar ở một việc khác nên tiện thể Martin giao việc này cho CIA thực hiện. Polgar đã chọn 4 người để lái xe đưa Thiệu và Khiêm ra phi trường gồm tướng Charles Timmes, Frank Snepp và hai người nữa. Khoảng 8:30 tối 25/4, bốn sĩ quan cao cấp CIA vào ga-ra  chọn 3 chiếc xe hơi. Những người “lái xe cao cấp” này cho xe thẳng tiến tới tổng hành dinh quân đội Sài Gòn ở gần phi trường Tân Sơn Nhất.

Trong khu vực này có nhà riêng của cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Các “lái xe cao cấp” đều mang theo súng ngắn giấu dưới ghế. Họ nhắc nhau phải đề phòng cẩn thận khả năng có thể diễn lại kịch bản vụ ám sát từng xảy ra với Tổng thống Ngô Đình Diệm trước đó.

Khi ngồi trên xe, Frank Snepp và Joe tưởng tượng ra diễn biến của một vụ ám sát có thể đến với họ: các sĩ quan trẻ tuổi quân đội Sài Gòn bỗng chặn đoàn xe của CIA lại tại trạm kiểm soát, ra lệnh cho mọi người rời khỏi xe rồi xả súng bắn chết hết. Frank Snepp nghĩ nếu tình huống đó xảy ra, những người “lái xe cao cấp” thế nào cũng khiến vài đối thủ chết theo. Các sĩ quan CIA trên đường đi làm nhiệm vụ mà trong đầu cứ miên man tưởng tượng ra những tình huống đầy kịch tính…

Khoảng hơn 9 giờ tối, Polgar cũng tới nhà riêng Trần Thiện Khiêm bằng xe riêng có người lái. Trong khi Polgar và Timmes giải khát trong nhà, những “lái xe” đứng ngoài chờ.  Đúng lúc đó, một chiếc xe Mercedes màu xám nhẹ nhàng lướt vào lối đi rồi dừng lại. Một người đàn ông tầm thước, mặc complet màu xám, mặt bóng nhẫy, tóc hoa râm chải vắt về phía sau từ trong xe bước ra.

Các “lái xe” nhận ra người đàn ông đó chính là Nguyễn Văn Thiệu. Trong ánh sáng lờ mờ, nhìn Thiệu giống như một người mẫu trang bìa trong phiên bản Viễn Đông của tạp chí “Gentleman’s Quarterly” (tạp chí ra hàng quí dành cho quí ông) hơn là một cựu tổng thống. Bước ra khỏi xe, Thiệu không hề quay cổ nhìn đám “lái xe”,bước vội tới cửa trước.

Một lúc sau, có mấy người lạ tới mang theo lỉnh kỉnh những đồ đạc và cả những chiếc va-li to tướng. Những người này bảo các “lái xe” mở cốp để họ tự xếp đồ vào. Ngay sau đó, Thiệu, Khiêm, Polgar, Timmes cùng vài người Việt Nam từ trong phòng bước ra rồi nhanh chóng tản về hướng các xe đang chờ sẵn rồi biến mất vào trong xe. Nguyễn Văn Thiệu ngồi xe do sĩ quan cao cấp CIA Frank Snepp lái.

Trong hàng ghế sau, Thiệu ngồi kẹp giữa tướng Timmes và một người nữa. Timmes bảo Thiệu ngồi thấp đầu xuống để bên ngoài không nhận ra. Không khí căng thẳng. Chặng đường đi chỉ mất khoảng 10 phút mà sao ai cũng cảm thấy dài như  hàng giờ đồng hồ. Timmes chủ động nói chuyện để phá vỡ sự im lặng, chủ yếu đề cập đến quá khứ thành công của Thiệu.

Timmes giới thiệu Frank Snepp là một nhà phân tích tình báo xuất sắc của Đại sứ Quán Mỹ với Thiệu, nói rằng vì thế mà người đang cầm vô lăng là một “tay lái xe cao cấp”. Thiệu cười gượng gạo rồi nói tiếng Anh bằng một giọng lai âm tiếng Pháp rằng ở Sài Gòn người lái xe nào cũng cao cấp. Timmes chuyển đề tài, hỏi tình hình vợ con Thiệu, cựu Tổng thống Chính quyền Sài Gòn trả lời không thành thật: “Vợ con tôi đi London để mua đồ cổ”.

Qua gương chiếu hậu thấy mắt Thiệu đẫm lệ mỗi khi xe vượt qua đoạn đường có cột đèn chiếu sáng. Khi tới gần lối vào phi trường Tân Sơn Nhất, đèn pha chiếu nhanh vào bức tường ven đường có khẩu hiệu mang nội dung chính quyền Sài Gòn tri ơn lính Mỹ, Thiệu quay mặt đi rồi thở dài khiến ai trong xe cũng nghe thấy.

Tới trạm gác, Timmes bảo Thiệu ngồi thụt đầu xuống để tránh bị phát hiện. Thông thường cảnh sát bảo vệ của Chính quyền Sài Gòn thấy xe Mỹ mang biển số ngoại giao thì chỉ kiểm tra qua loa. Tuy nhiên, Timmes vẫn thận trọng vì lúc đó đã là 9 giờ rưỡi đêm, tức là sau giờ giới nghiêm một tiếng đồng hồ. Thật may mắn, xe chỉ bị kiểm tra mang tính chất chiếu lệ.

Chiếc xe chở Thiệu tiến vào phi trường, đến tận nơi đỗ máy bay. Thiệu và vài người đi cùng không làm thủ tục lên máy bay như những hành khách bình thường. Khi chiếc xe chở Thiệu vừa phanh gấp tránh một chiếc xe hơi khác trên đường băng, Polgar chạy lại mở cửa xe cho Thiệu. Trước khi bước xuống, Thiệu vươn người lên phía trước đập tay vào vai Frank Snepp nói bằng tiếng Anh: “Cám ơn”.

Giọng Thiệu nhòa đi rồi chìa một tay ra cho Frank Snepp bắt. Tay kia Thiệu đưa lên gạt hai hàng nước mắt cứ lã chã tuôn xuống hai gò má. Sau đó, Thiệu bước vội về phía chiếc máy bay bốn động cơ C – 118 của không quân Mỹ. Cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và mấy người Việt Nam đang lỉnh kỉnh đồ đeo trên vai cũng đang bước tới. Đại sứ Martin đang đứng chờ ở chân cầu thang máy bay.

Thiệu nói chuyện với Martin một lúc, cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai người diễn ra ngắn gọn nhưng tưởng như dài bất tận. Khi các động cơ rồ lên để máy bay chuẩn bị tiến vào vị trí cất cánh, Martin vẫn đứng đó mắt nhìn chằm chằm vào hư vô. Đại sứ Martin mang cặp kính gọng màu da, mắt hình ôvan trông ông giống như một giáo sư đại học mặc diện hơn là một người vừa tống tiễn vết tích cuối cùng của một chính sách tồi trong suốt 3 thập kỷ qua.

Nguyễn Văn Thiệu đã rời đất nước của mình trên một chiếc máy bay Mỹ mà không làm bất cứ thủ tục xuất cảnh nào theo qui định của cả phía Mỹ lẫn phía Việt Nam. Sau này nhớ lại, ông Graham Martin tỏ ra hối tiếc là đã bố trí cho Thiệu ra đi cửa sau trong hoàn cảnh bí mật, vội vàng như vậy. Thậm chí giấy tờ bảo lãnh danh dự cho Thiệu cũng không có. Martin cho biết khi đó chính ông đã chỉ thị cho chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar chuẩn bị giấy đảm bảo danh dự cho Thiệu nhưng Polgar không kịp làm chỉ vì không tìm đâu ra một chiếc máy đánh chữ.

(Còn nữa)

Kỳ sau: Trần Văn Hương xin làm Tổng thống thêm nửa ngày.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.