Kỳ 6:Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 6:Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu
Rạng sáng ngày 8/4, không khí chiến sự khu vực quanh Sài Gòn trở nên nóng bỏng. Quân đội Bắc Việt đã nã pháo vào thị trấn phía Nam Biên Hòa.
Kỳ 6:Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu ảnh 1
Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu (trái) và Tổng thống Mỹ L.Johnson

 Lực lượng đặc công tấn công Học viện quân sự Thủ Đức chỉ cách Sài Gòn hơn 10 km. Trong 3 ngày liên tiếp, các đơn vị thuộc 3 sư đoàn quân đội Bắc Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục mở các đợt tấn công vào quốc lộ số 4.

Đầu giờ làm việc buổi sáng ngày 8/4 bỗng có tiếng máy bay phản lực gầm trên trời Sài Gòn một cách bất thường. Tiếp theo là những tiếng nổ đinh tai từ phía Dinh Tổng thống. Sau một hồi bối rối, các thông tin được báo về ĐSQ Mỹ nói rằng một chiếc máy bay A–37 lạ đã ném bom vào Dinh Tổng thống Thiệu rồi biến mất.

Một nguồn tin tình báo sau đó cho biết, chiều hôm trước một chỉ huy của phi đoàn 23 không quân chiến thuật tại Tân Sơn Nhất đã lôi kéo hai sĩ quan tham gia ném bom Dinh Tổng thống.

Người chỉ huy này tỏ cho thấy ông ta là người của tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ. ĐSQ Mỹ liền phái tướng Timmes đến nhà tướng Kỳ ở Tân Sơn Nhất để kiểm tra nguồn tin. Kỳ khẳng định ông ta không liên quan gì đến vụ ném bom vừa qua.

Mãi sau này khi “Đài phát thanh giải phóng” loan tin rằng sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trung đã thực hiện cuộc ném bom nói trên mọi người mới vỡ lẽ.

Trong khi đó, các nguồn tin khác của CIA thì cho rằng Nguyễn Thành Trung chỉ là một phi công cố lấy lòng Kỳ mà hành động như vậy. Nhưng cho dù bất kỳ ai đứng đằng sau vụ ném bom với động cơ gì đi chăng nữa thì việc để xảy ra sự kiện đó cũng chứng tỏ việc phòng thủ của Sài Gòn yếu kém đến mức nào.

Sau sự kiện Nguyễn Thành Trung, trong ĐSQ Mỹ có cuộc tranh luận về tương lai của Sài Gòn. Hầu hết các nhân vật chủ chốt đều nhất trí với nhận định của Chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar rằng Chính quyền Sài Gòn đã thất bại.

Đại sứ Graham Martin và Thomas Polgar có cùng quan điểm cho rằng chỉ có giải pháp thương lượng chứ không phải là quân sự mới là chìa khóa cho tương lai của Sài Gòn.  Martin và Polgar đều căn cứ vào tuyên bố hôm 2/4 của Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói rằng chính phủ của bà có thể chấp nhận đàm phán với Sài Gòn nếu Thiệu từ chức.

Sau đó, các phát ngôn viên của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Stockholm và các thủ đô châu Âu khác đều nhắc lại lập trường này. Khoảng trung tuần tháng 4/1975, các dấu hiệu thất bại của Chính quyền Sài Gòn đã rõ dần.

Điều này tác động mạnh lên ban lãnh đạo Chính quyền Sài Gòn tạo nên sức ép đòi Tổng thống Thiệu phải từ chức. Cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là một trong những người đi đầu trong việc vận động loại bỏ Thiệu.

Ông Khiêm tìm  gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn để thuyết phục rằng Thiệu phải từ bỏ chức Tổng thống vì tương lai của đất nước. Đôn là kẻ cơ hội nên việc gì cũng cần phải thuyết phục, đặc biệt là những điều chống lại Thiệu.

Thực ra Trần Thiện Khiêm không phải là người đầu tiên đến thuyết phục Đôn lật đổ Tổng thống Thiệu. Trước đó, ngày 1/ 4 trong một chuyến đi nghỉ ở nước ngoài rồi dừng chân tại Paris, đại diện Chính phủ Pháp đã chủ động gặp và mời Trần Văn Đôn vào  Điện Elysee để gặp Thủ tướng Pháp lúc đó là Jacques Chirac.

Sau này, Trần Văn Đôn kể lại rằng ông Jacques Chirac khi ấy nói nói với Đôn Chính quyền Sài Gòn đã thất bại. Ba cường quốc lớn đã đi đến một thỏa thuận rằng Sài Gòn phải được trao cho Hà Nội.

Trước khi rời Paris, Đôn đã chủ động tiếp xúc riêng với phái đoàn của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở đó. Ông ta còn gặp với cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong tại Pháp. Thời điểm đó một số người “mơ mộng” vẫn tin rằng Bảo Đại có thể đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền Sài Gòn và những người cách mạng.

Vài ngày sau, khi đã trở về Sài Gòn, Trần Văn Đôn nhờ một người bạn cũ thiết lập kênh liên lạc bí mật giữa ông ta và những người cộng sản nằm vùng. Tiếp đó, Đôn đến gặp Thiệu để báo cáo lại những gì Thủ tướng Pháp J.Chirac đã nói với ông ta ở Paris. Tất nhiên Nguyễn Văn Thiệu không tin, thậm chí còn cả quyết rằng người Pháp nói dối.

Nhưng chiều ngày 5/4, Trần Văn Đôn nhận được cú điện thoại đường dài từ văn phòng Thủ tướng J.Chirac ở Paris nhắc rằng chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn mà Hà Nội đặt ra cho cuộc thương lượng. Biết không thể làm lay chuyển Thiệu, Trần Văn Đôn cho rằng một  giải pháp hòa bình là rất khó.

Tuy nhiên, sau khi gặp cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đôn cũng nhất trí rằng Tổng thống Thiệu cần phải ra đi.Nhân vật mà Khiêm và Đôn có chung quan điểm rằng có thể thay thế Tổng thống Thiệu không ai khác là tướng Dương Văn Minh. Năm 1963, cả Khiêm và Đôn đã từng ủng hộ Minh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giờ đây, những kẻ trong cái liên minh cũ này lại âm mưu lật đổ một kẻ độc tài khác mà họ cho là không còn tác dụng nữa.

Nhiều năm qua, với bản tính thiếu quyết đoán, Dương Văn Minh bị coi là nhân vật cổ hủ trong giới chính trị ở Sài Gòn. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc đảo chính Diệm năm 1963, Minh bị cánh tướng lĩnh trẻ tuổi hơn lật đổ. Chính người Mỹ cũng quay lưng lại với Dương Văn Minh để đi tìm kiếm người khác có thể giúp Washington thực hiện được chiến lược của họ ở Việt Nam.

Riêng tướng Charles Timmes của CIA thi thoảng có gặp Minh trong các trận đấu tennis ở trung tâm thể thao. Giờ đây, trước việc các quân khu 1 và 2 thất thủ, Dương Văn Minh lại nổi lên như là một nhân vật thích hợp cho giải pháp thương lượng với Hà Nội. Bản thân Dương Văn Minh cũng tự cho mình là người phù hợp với vai trò mà nhiều người muốn ông ta đảm nhiệm.

Sau khi biết Trần Văn Đôn đã có các cuộc trao đổi với Thủ tướng Pháp Jacques Chirac, Minh tìm cách thu hút sự chú ý của Paris về phía mình. Ông ta liền đưa ra tuyên bố công khai rằng Pháp có một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho tình hình miền Nam Việt Nam. Người Pháp lập tức bị hút theo “mồi” câu nhử của Minh.

Đúng vào ngày cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn gặp nhau để thống nhất quan điểm lật đổ Tổng thống Thiệu thì Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Merillon đã có cuộc gặp bí mật với Dương Văn Minh.

(Còn nữa)

Kỳ sau:  Tiểu xảo “Rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp

MỚI - NÓNG