<A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=6026&amp;ChannelID=13">Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối</A>

Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu

Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu
Sáng 20/4/1975, Đại sứ Mỹ Graham Martin lái xe hơi tới Dinh Tổng thống để gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Martin vừa đến nơi thì cũng là lúc Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon ở trong đó đi ra.
Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu ảnh 1
Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn

Té ra Merillon cũng tới gặp Thiệu với cùng nội dung, cùng mục đích như Đại sứ Mỹ. Martin nói với Tổng thống Thiệu rằng theo những thông tin mới nhất về cả tình hình quân sự trên chiến trường lẫn đánh giá của các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự thì việc Hà Nội sắp tiến vào Sài Gòn là điều không tránh khỏi. Trong tình hình đó, dù Sài Gòn có quyết tâm phòng thủ cao đến đâu và tài nghệ đến mức nào cũng khó mà trụ được quá ba tuần. 

Theo quan điểm của Martin thì Hà Nội muốn tiếp quản một thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn chứ không phải là một đống đổ nát. Tất nhiên nếu không có động thái nào đi tới thương lượng thì không tránh khỏi cảnh đổ nát. Nghe nói vậy, Tổng thống Thiệu hỏi về khả năng Mỹ bổ sung viện trợ quân sự cho Sài Gòn? Martin trả lời với tư cách cá nhân một người đã từng nhiều năm nghiên cứu tình hình Việt Nam và Đông Nam á rằng điều đó là không thể được.

Sau khi gặp Tổng thống Thiệu trở về ĐSQ, Đại sứ Martin thảo ngay một bức điện gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, nói rằng Thiệu có thể từ chức trong vài ba ngày tới.

Rạng sáng 21/4, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân đội Bắc Việt, phòng tuyến cuối cùng tại Xuân Lộc bị sụp đổ. Tiểu đoàn cuối cùng trong số 4 tiểu đoàn còn sót lại của sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn được máy bay trực thăng chở ra ngoài. Trong số các tướng lĩnh thoát chết có cả tướng Lê Minh Đảo được bới ra từ đống đổ nát.

Sau đó chừng một tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các lực lượng trung gian ở Sài Gòn nhằm tạo ra một liên minh không chính thức chống lại Tổng thống Thiệu. Nhân vật quan trọng nhất mà tướng Đôn mời được để tham gia liên minh này là tướng Cao Văn Viên.

Ông này tin rằng quân đội Sài Gòn không còn hy vọng giành thắng lợi nên đã buông súng. Đúng lúc tướng Viên đang bối rối thì Trần Văn Đôn tới đề nghị tìm một giải pháp cho hòa bình.  Đôn nói cách duy nhất còn lại là phải loại bỏ Thiệu và thay vào vị trí đó là một người khác, nếu được Dương Văn Minh nhận lời là tốt nhất. Tướng Minh là người có thể thương lượng được với phía bên kia.

Nghe Đôn nói vậy, tướng Cao Văn Viên nhận lời ngay. Được Viên ủng hộ, Trần Văn Đôn dễ bề thu hút thêm các nhân vật quan trọng khác trong Nội các của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn tham gia liên minh chống Tổng thống Thiệu. Trong số này có cả các nhân vật cộm cán như Thủ tướng Cẩn, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hào. Liên minh này đã đủ sức mạnh để ngày  hôm sau chính thức kêu gọi Thiệu từ chức. Nếu Thiệu từ chối, những kẻ trong liên minh sẽ lật đổ Tổng thống bằng vũ lực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và phe cánh của ông ta không thể ngờ rằng Thiệu đã đi vài nước cờ trước khi nhóm này hành động. Thiệu đã quyết định không để cho đối thủ chính trị có được niềm vui “thu nhặt thi thể” mình. Thiệu đã quyết định tự nguyện từ chức ngay cốt để cho bọn Đôn cắn xé nhau.

Gần trưa ngày 21/4/1975, Thiệu triệu tập cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương tới Dinh Tổng thống để thông báo ý định từ chức của mình. Tổng thống nói với hai người này rằng ông dự định sẽ công bố việc từ chức chính thức vào tối 21/4.

Sau khi kể lại chuyện cả Đại sứ Mỹ Martin và Đại sứ Pháp Merillon đến Dinh Tổng thống ngày hôm trước đó, Tổng thống Thiệu nhấn mạnh rằng cả hai nhà ngoại giao Pháp, Mỹ đều không khuyên ông từ chức. Thiệu cho biết sở dĩ ông quyết định từ chức là vì tình hình quân sự trở nên vô vọng. Nếu cứ tiếp tục giữ chiếc ghế tổng thống thì chẳng đạt được mục đích gì, thậm chí lại có thể cản trở một giải pháp thương lượng.

Cả Khiêm và Hương đều đồng ý với quyết định của Tổng thống. Thiệu liền đề đạt một nguyện vọng duy nhất của mình là việc chuyển giao quyền lực phải được thực hiện theo đúng pháp luật nhằm tránh gây ra một sự hỗn loạn. Ngoài Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thiệu không cho biết ai là người có nhiều khả năng sẽ kế nhiệm mình. Không ai biết trong nước cờ của mình, Thiệu có chơi tay trên bổ nhiệm kẻ thù cũ của ông ta là Dương Văn Minh làm Tổng thống mới hay không?

Khi nói những điều tâm sự thầm kín với Khiêm và Hương, Thiệu hoàn toàn không ngờ rằng toàn bộ cuộc trao đổi này đã bị CIA đặt máy nghe trộm, ghi được rõ từng lời của Thiệu. Tại ĐSQ Mỹ, chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar thông báo ngày “tin sốt dẻo” nói trên cho các nhân viên liên quan. Polgar nói: Không cần phải lo cho tình huống quân sự nữa. Phải chuyển ngay sang tình huống chính trị liên hợp.

Sau đó, Polgar thông báo ngay cho các nhà ngoại giao Pháp và Hungary biết  việc Thiệu đang chờ để từ chức. Khoảng giữa buổi chiều hôm đó, Polgar cử tướng tình báo Timmes đi gặp tướng Dương Văn Minh. Timmes nói với Minh rằng nếu ông nhận lời kế nhiệm Thiệu để đối thoại với Hà Nội thì Mỹ sẽ gạt Trần Văn Hương ra ngoài luôn.

Dương Văn Minh gật đầu nhận lời đề nghị của Timmes đồng thời bày tỏ tin tưởng ông ta có thể thương lượng được với phía Hà Nội. Minh nói ông ta muốn cử một đại diện đi Paris để mở các cuộc thảo luận ngay tức khắc. Nghe nói vậy, tướng Timmes liền mở cặp khoá số lấy ra một tập đô la Mỹ, đưa cho Minh 1.000 USD để chi phí đi lại. Sau này Minh không dùng đến số tiền nói trên nhưng cũng không trả lại cho Polgar.

Ngày 21/4, đúng 7 giờ 30 tối (giờ Sài Gòn), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài phát biểu dài khoảng hai giờ đồng hồ với quốc dân và trước khoảng 200 quan chức Chính quyền Sài Gòn tại Dinh Tổng thống. Trong diễn văn này, Thiệu tự kể công trạng của mình và những khó khăn của Chính quyền Sài Gòn trước việc Mỹ từ chối cấp bổ sung viện trợ quân sự.

Cuối bài diễn văn, Thiệu bỗng nghẹn ngào, rơi lệ công bố quyết định từ chức của mình đồng thời trao Chính quyền Sài Gòn cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương điều hành. Thiệu nói: Giờ đây một nửa miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay Bắc Việt, “vì lợi ích của nhân dân” ông ta thuận lòng hy sinh thân mình.

Tổng thống Thiệu vừa kết thúc bài diễn văn, tướng Cao Văn Viên liền lên đài phát thanh tuyên bố ngắn gọn rằng quân đội của ông ta sẽ tiếp tục chiến đấu “để bảo vệ Tổ quốc chống lại giặc ngoại xâm”. Còn tại lễ nhậm chức Tổng thống mới, Trần Văn Hương -  71 tuổi, bị bệnh viêm gan và mắt gần như mù hoàn toàn –  thề sẽ đứng vững cho tới khi người lính cuối cùng của ông ta ngã xuống hoặc “đất nước” bị mất.

Kỳ sau: Hy vọng trong tuyệt vọng

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.