“Kỳ nhân” viết thư pháp bằng... râu

“Kỳ nhân” viết thư pháp bằng... râu
TP - Không kỹ xảo theo kiểu một cao thủ tung mình giữa không trung, múa kiếm khắc đôi dòng bí kíp tuyệt học võ công trên vách đá cheo leo, bụi tung tả tơi như trong phim trường VTB của Hồng Kông, những màn “xuất chiêu” viết thư pháp bằng... râu của vị võ sư này còn độc đáo hơn nhiều.

Tháng 6, Festival Huế lãng mạn, tưng bừng. Từ Đà Nẵng ra chơi như một vị khách tò mò, háo hức ngày đầu tiên đến Huế, tôi tự nhủ thầm: chỉ uống rượu, rong chơi và ca hát. Nhưng rồi, giữa muôn trùng mơ mộng Hương Giang, có một điều lạ kỳ khiến cái máu nghề nghiệp của tôi không khỏi nổi lên.

Ngày khai hội, giữa những phần lễ hoành tráng, thâm nghiêm, bỗng lọt thỏm vào đó màn biểu diễn có một không hai tại công viên Thương Bạc: Một ông già quắc thước, tóc trắng như tuyết, biểu diễn viết thư pháp bằng... chòm râu cũng trắng phau trước hàng trăm ống kính của phóng viên trong nước và quốc tế.

Đèn flash lấp lóe, chòm râu bạc của ông rung rung, những con chữ như có thần hiện lên dưới khuôn vải trắng. Du khách, nhà báo hay cả người dân xứ Huế, ai nấy kinh ngạc, ngỡ ngàng... Ông là lão võ sư Đoàn Văn Tâm – hội viên CLB Thư pháp TP Huế. Ngày hôm sau, ngôi nhà nhỏ số 30 Nguyễn Thiện Thuật (TP Huế) của ông xuất hiện một vị khách không mời. 

Con đường Nguyễn Thiện Thuật rợp bóng cây, võ sư Đoàn Văn Tâm trong bộ bà ba nâu sồng, dung dị pha trà mời khách. Chòm râu trắng rung rung dưới nắng khiến ông thêm phần oai nghiêm. Miệt mài cả buổi sáng, câu chuyện giữa ông với tôi chỉ xoay quanh đề tài võ đạo, thư pháp.

Phải đợi nhắc khéo mấy lần, ông mới cười nhẹ: “Ngoài võ thuật, thư pháp là niềm đam mê từ nhỏ của tui, nên khi gia nhập CLB Thư pháp thành phố Huế, ý tưởng của tui là phải tham gia Festival 2006 với một tiết mục thật đặc sắc.

Suy đi tính lại, tui thấy mình nổi bật nhất bởi bộ râu trắng như cước, nên chỉ còn cách viết thư pháp bằng râu thì mới độc đáo”. Ông kể: “Tui có đọc đâu đó điển tích kể về một quan thị vệ dưới trướng của Đường Minh Hoàng (Trung Quốc) viết thư pháp bằng tóc, còn viết bằng râu thì chưa thấy ai làm bao giờ”.

Như lời tâm sự của lão võ sư thì mỗi lần chuẩn bị viết bằng râu mất gần cả tiếng đồng hồ, phải tự làm, không thể nhờ ai giúp đỡ vì như thế nét chữ thư pháp sẽ không có thần.

Ông tâm đắc: “Nét chữ được viết từ bộ râu của mình tuy không sắc sảo, hoàn thiện như viết bằng bút lông nhưng lại tạo ra những yếu tố rất riêng của nó, đầy ngẫu nhiên, bất ngờ và đầy thú vị. Nhất là nét re phết từ những sợi râu ngộ nghĩnh, rất hợp với  lối viết thư pháp”.

Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn, bộ râu dài khoảng 20cm của ông Tâm sẽ được cột gọn, xịt keo để tạo độ cứng như ý muốn. Mực dùng để viết là mực xạ Tàu.

Ông cười: “Mỗi lần tập xong, đầu râu nhúng mực lại cứng thêm, khô như sắp gãy. Tui lo lắm”. Thầm nghĩ, “bạch ông” lo cũng phải, vì từ khi nuôi bộ râu cách đây 15 năm, mỗi ngày phải mất hơn tiếng đồng hộ làm vệ sinh với những công đoạn “chăm sóc” khá công phu cho bộ râu quý của mình.

“Tinh lực thiện dụng”

Ngoài màn biểu diễn dùng râu viết thư pháp, lão võ sư Đoàn Văn Tâm còn tham gia biểu diễn khí công trong buổi lễ khai mạc Festival Huế 2006. Đây lại là một màn biểu diễn độc đáo khiến nhiều du khách thán phục.

Võ sư Tâm vừa đi quyền trong bộ võ phục thắt đai trắng vừa múa cây bút lông dài 2m, viết dòng chữ “Tinh lực thiện dụng” trên một tấm liễn dài 5m, rộng 3m. Một hình ảnh vừa oai hùng, vừa độc đáo.

Ông nói: “Sự kết hợp giữa khí công và thư pháp đem lại một vẻ đẹp huyền bí cho những tác phẩm thư pháp. Bởi vì, những nhịp thở nhẹ nhàng, thanh thoát sẽ truyền qua tâm hồn đến nét bút, tạo nên những đường nét sống động, độc đáo”...

Những ngày mưa Huế dầm dề không dứt, kéo theo cái lạnh thấu xương, tôi lại có dịp lang thang dưới chân kinh thành Huế, ngước nhìn đền đài lăng tẩm trong bảng lảng khói sương.

“Bạch ông” viết thư pháp bằng râu vẫn xởi lởi pha trà mời khách. Câu chuyện lần này lại xoay quanh dòng chữ “Tinh lực thiện dụng”. Ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1951, khi đang ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế), một trận càn quét của địch đã phá tan nhà ông khiến cả gia đình phải kéo lên kinh thành nương nhờ người bà con. Vốn đam mê võ thuật, cậu bé Đoàn Văn Tâm quyết chí theo học võ phái Suzucho Karatedo.

Năm 30 tuổi, ông đã mang tứ đẳng huyền đai, trở thành một trong những võ sư tên tuổi xứ thần kinh. Lò võ gia đình ông có lúc lên tới hàng trăm võ sinh. Khi biết tôi cũng từng là đồ đệ môn phái Thiếu Lâm ở Huế, ông trầm ngâm: “Tuy chiêu thức khác nhau, nhưng võ phái nào cũng lấy chữ Tâm làm điều răn dạy môn sinh. Tinh lực thiện dụng có nghĩa là người được học tinh hoa võ thuật, có sức khoẻ cốt để dùng vào việc thiện. Như thế, học võ mới đắc dụng ở đời”. Chia tay, ông hứa hẹn: Festival 2008, tui sẽ không viết thư pháp bằng râu nữa mà sẽ có chiêu mới độc đáo hơn”...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.