Làng của những người làm trầm không ngậm ngải

Làng của những người làm trầm không ngậm ngải
Không theo nghề tìm trầm, người dân Trung Phước biến giấc mơ làm giàu từ trầm thành hiện thực: tạo trầm cảnh. Gốc trầm được đấu giá tới hơn 1,3 tỷ đồng là minh chứng.

Người làng Trung Phước vẫn chưa hết tự hào về kỷ lục “cây trầm hương có một không hai ở Việt Nam” của làng được đấu giá trực tiếp trên VTV chương trình “Nối vòng tay lớn” gây Quỹ Vì người nghèo đêm 31/12/2004. Quyền sở hữu cây trầm quý thuộc về giám đốc Cty Vincom và Hòn Ngọc Việt (TP.HCM) - ông Lê Khắc Hiệp với mức ủng hộ 1.370.000.000 đồng.

Anh Võ Văn Quang, chủ một cơ sở làm trầm cảnh lớn của làng Trung Phước, cho hay: Cây trầm hương được đấu giá trên truyền hình cao tới hơn 3 mét, từ gốc dó của vùng Tiên Phước, được một nghệ nhân trong làng là ông Tấn tạo dáng, sau đó chuyển vào TP.HCM. Khi bất ngờ gặp lại cây trầm trên truyền hình, cả làng xôn xao. Tất nhiên là rất vui, vì thấy thành quả lao động của mình được thừa nhận.

Quanh khoảng sân rộng nhà anh Quang, hàng chục thợ trẻ đang miệt mài  bên những gốc dó trầm kềnh càng cao vài ba thước. Làng Trung Phước đầu nguồn Thu Bồn – Quảng Nam, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, có bến Cà Tang từng khiến 18 học sinh bỏ mình, cả nước ngậm ngùi.

"Công nghệ mới" mới bên bến đò Cà Tang

Nơi bến sông ấy, giờ cây cầu bê tông vững chãi từ tiền đóng góp của vạn tấm lòng đã vươn mình sừng sững, 30/4 này sẽ khánh thành. Cũng ngôi làng này, mấy mươi niên trước Bùi Giáng thi sĩ một thời ẩn cư đã rong ruổi cùng bầy dê núi sớm tối đi về ...

Theo yêu cầu của anh Quang, nhóm thợ hì hụi dựng thẳng đứng gốc dó bầu làm trầm cảnh nặng hàng nửa tấn để tôi xem. Gốc dó có tuổi đời 30-40 năm còn nguyên bộ rễ, những cành nhánh được cánh thợ chuốt gọt để lộ ra vô vàn những mắt kiến màu đen giống như bộng tổ ong. Những cái mắt do bầy kiến rừng gặm đục bao nhiêu năm gây thương tích cho cây dó bầu lại chính là nơi tụ trầm.

 Mấy ngày nay, người trong làng vẫn râm ran chuyện cánh sơn tràng làng Mỹ Hảo dưới Đại Lộc không xa kia trúng tới hàng tạ kỳ nam, thứ tinh huyết rừng núi mà nhiều người đi rừng cả đời vẫn chỉ biết qua... lời kể! Tính theo thời giá thì khối kỳ nam ấy trị giá hàng triệu đô la.  

Có thể tạm chia công nghệ làm dó trầm ra 2 loại : hàng trầm cảnh tự nhiên và trầm nhúng. Trầm cảnh được tạo từ những gốc dó sanh (còn sống) nguyên cây và cả cội rễ, có tuổi đời nhiều chục năm, tích tụ trầm thấp nhất cũng khoảng độ 4-5 (lớp trầm dày 4-5 ly).

Anh Quang cho biết, gốc trầm cảnh cánh thợ đang làm trước sân anh mua về với giá 15 triệu đồng, chưa kể công thuê xe chở về, tốn kém cũng không ít. Đổ thêm khoảng 200 công lao động của 4-5 người trong vòng 2 tháng kết hợp công nghệ tẩm trầm, gốc dó tăng giá trị gấp bao nhiêu lần ít ai biết được cụ thể.

Cơ sở của anh đang làm hàng chục gốc dó khổng lồ như vậy. Làng Trung Phước có nhiều cơ sở như anh Quang. Với loại hàng trầm nhúng cách thức lại hoàn toàn khác và khá độc đáo.

Làng của những người làm trầm không ngậm ngải ảnh 1
Anh Đỗ Quang Thanh với lò nhúng dó trầm

Nhà anh Đỗ Quang Thanh luôn nghi ngút một lò lửa với một chiếc nồi thon dài và cao hơn đầu người, một đầu có ống dẫn hơi như kiểu người ta nấu rượu. Anh Thanh cho biết, dó tử (chỉ còn phần gốc rục) được dân đi trầm đào mang về lẫn cả đất xung quanh được sàng lọc và xay nhỏ thành bột. Bột này được nấu chưng cất tinh dầu trầm, bởi lượng trầm tích tụ ở những góc dó rục khá nhiều. Phần xác được dùng làm nhang (hương), còn tinh dầu trầm được dùng để nhúng vào những tảng dó đã được tạo dáng rất đẹp.

Gỗ dó được cắt thành từng khúc ngắn dài tuỳ theo, rồi đục đẽo vuốt chạm cho ra dáng những khối trầm hương, trong nghề gọi là tốc bông. Thường chỉ những thợ có tay nghề cao mới làm hoàn hảo công đoạn tốc bông, trung bình 4-5 ngày công/mẫu. Nhiều gia đình trong làng nhận làm gia công mẫu dó thô, người già trẻ em không ít người là những tay thợ bậc cao.

Làng triệu phú

Làng của những người làm trầm không ngậm ngải ảnh 2
Một gốc dó trầm cảnh của người làng Trung Phước

Nếu giá trị của trầm cảnh tính theo gốc, thì trầm nhúng được định giá theo trọng lượng. Hơn 150.000 đ/kg dó sau khi tốc bông (chưa nhúng dầu trầm). Còn nếu nhúng tinh dầu trầm thì giá khác hẳn. Anh Thanh chỉ vào cục dó đã tốc bông rất đẹp do cậu con trai học lớp 10 vừa làm xong : “Cục này khoảng 2 kg, người ta mua 500.000 nhưng tôi không bán. Nếu đem nhúng dầu tốt, nó sẽ nặng tới tới 5-6kg, giá bán tới 6-8 triệu đồng/kg”. Trong chiếc nồi lớn bốc khói kia có một khối dó đang được phủ dầu trầm.            

Theo quan niệm Á Đông, trầm hương để trong nhà luôn tạo ra sự sang trọng cũng như đem lại nhiều may mắn, phúc lộc cho gia chủ. Bởi vậy hàng làm ra dù giá cao vẫn “hút” ào ào, được các đại gia người Nhật Bản, Đài Loan ... rất ưa chuộng, với giá rất cao. Phần lớn hàng dó trầm ở Trung Phước – Quảng Nam do Cty Fong San (TP.HCM) bao tiêu, với ông chủ Nguyễn Ngọc Toản vốn một thời hàn vi từng “ngậm ngải tìm trầm” ở chính đất này.

 Cty hiện sở hữu hàng chục trang trại dó bầu rộng hàng ngàn héc ta trải khắp từ Tây Nguyên tới miền Đông Nam bộ lấy giống từ chính đất Quảng Nam, với tham vọng xây dựng một “chợ trầm” Việt Nam tầm cỡ thế giới. Riêng với ngôi làng thượng nguồn dòng Thu Bồn cường tráng, họ đã có một nghề sống và làm giàu được nhờ rừng mà không phải “rưng rưng nước mắt” ...

MỚI - NÓNG