Lặng thầm trong khu di tích nhà Bác

Lặng thầm trong khu di tích nhà Bác
TP - Có một địa chỉ mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi dịp tới Hà Nội, đó là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Phủ Chủ tịch.

40 năm, kể từ ngày Bác đi xa, cũng là ngần ấy năm những người làm công tác gìn giữ khu di tích, ngày đêm cần mẫn trông nom địa chỉ đặc biệt quan trọng này…

“Làm dâu trăm họ” 

Là chỗ “người nhà” (cùng ngành văn hóa với nhau), ấy vậy mà  lần này tôi mới có dịp ngồi lâu lâu với anh Bùi Kim Hồng- Giám đốc Khu di tích. Người tầm thước, giọng Nghệ nhỏ nhẹ, anh Hồng là người có thâm niên công tác cao nhất cơ quan. Học Khoa Sử Tổng hợp rồi xung phong lên đường và chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1977, anh về khu di tích nhận công tác. 

Bắt đầu từ công tác thuyết minh rồi phòng bảo quản tài liệu- hiện vật…và nay ở cương vị quản lý, anh Hồng luôn tâm niệm một điều : Đây là công việc đặc biệt, không chỉ đòi hỏi trình độ, kiến thức mà còn phải có tinh thần trách nhiệm  rất cao trước sự tin cậy, không chỉ  của các  cấp lãnh đạo mà còn là của nhân dân cả nước. “Công việc của chúng  tôi không kể ngày đêm đâu  nhà báo ạ.

Trước đây, cũng giống như Lăng Bác, hằng năm, khu di tích cũng có thời gian nghỉ để bảo quản, tu bổ. Nhưng trước yêu cầu ngày càng lớn của du khách, nhất là bạn bè quốc tế, nên những năm gần đây, khu di tích đã mở cửa phục vụ tất cả các ngày trong năm, bất kể lễ, Tết” - anh Hồng nói.

Tính từ  năm 1969 đến nay, khu di tích đã đón tiếp gần 50 triệu lượt khách tham quan. Có nhiều khách quốc tế của gần 160 quốc gia trên thế giới, với hơn 100 đoàn nguyên thủ quốc gia. Nhiều nguyên thủ quốc gia nổi tiếng đã ghé thăm nơi đây như: Phidel Castro, Vladimir V.Putin, Hồ Cẩm Đào, Hugo Chavez,  Bill Clinton, F. Mitterand… Cuốn sổ cảm tưởng tại khu di tích ngày một dày thêm sự ngưỡng mộ và kính trọng của bè bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù họ có thái độ chính trị khác nhau.

Đón tiếp hàng ngàn, hàng vạn lượt người trong ngày, các cán bộ, công nhân viên ở đây ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày thường cũng như ngày lễ, tết, đều có mặt trước giờ mở cửa (lúc 7 giờ). Ngắm nhìn những tà áo dài tha thướt dưới những tán cây rợp bóng, nhiều người cứ nghĩ rằng, công việc của những người làm thuyết minh là nhàn hạ, thanh cảnh. Nhưng không phải vậy.

Chị Nguyễn Thị Liên - Trưởng Phòng Tuyên truyền- Giáo dục bảo với tôi “Công việc vất vả lắm anh ạ. Các điểm di tích nằm rải rác, không tập trung, rồi thời tiết nắng hay mưa, chúng tôi vẫn phải làm việc ngoài trời theo yêu cầu của khách bất cứ lúc nào. Đoàn nào cũng thuyết minh ít nhất 1 tiếng đồng hồ, dài thì 2-3 tiếng.

Lặng thầm trong khu di tích nhà Bác ảnh 1
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong lần tham quan khu di tích  Ảnh tư liệu

Đi sớm về muộn là chuyện thường, thứ 7, chủ nhật, ngày lễ Tết, gia đình con cái người ta đi chơi thì mình lại đi làm. May mà gia đình cũng thông cảm, chia sẻ…”. Chị Liên cũng tâm sự, ngoài là địa chỉ tham quan, nơi đây còn là một điểm đối ngoại của lãnh đạo Nhà nước ta với các phái đoàn quốc tế, vì vậy, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng của thuyết minh viên, từ trang phục, phong cách đến thái độ lịch sự…

Đối tượng khách quốc tế có nhiều thành phần, nhiều khi quan điểm chính trị khác nhau,  nên người thuyết minh viên ngoài hiểu biết tri thức văn hóa- xã hội, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh. Có  khách tham quan do chưa hiểu biết, hoặc có quan điểm chính trị đối lập, đặt những câu hỏi không mấy thuận tai, nhưng anh chị em thuyết minh vẫn bình tĩnh trình bày và cung cấp những thông tin, tư liệu để họ hiểu.

Sau khi tham quan di tích, được chứng kiến nơi ở và làm việc của Người, nhiều  khách quốc tế từ chỗ không tin đã chuyển sang kính trọng ngưỡng mộ tấm gương đạo đức sáng ngời Hồ Chí Minh. Một đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng có lần nhận định: Sau khi đến thăm khu di tích, một số đại biểu quốc tế đã có thái độ tích cực, tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam trên bàn đàm phán.

Lặng lẽ nơi này… 

Thật hiếm (nếu không muốn nói là không) nơi nào như ở nội thành Hà Nội có môi trường trong lành với nhiều bóng mát và sạch sẽ như ở khu di tích Bác. Bâng khuâng đâu đây câu thơ của Tố Hữu: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/Có bưởi cam thơm mát bóng dừa”…

Ven ao cá, hoa phượng đỏ thắm, hoa chàm liễu đỏ buông mặt nước. Những cây hoàng lan, ngọc lan tỏa hương dịu ngọt quanh ngôi nhà 54. Trước nhà sàn là những khóm nhài, dạ hương, mẫu đơn đỏ vàng… được chăm bẵm tỉa thẳng hàng lối. Để có được môi trường xanh, sạch, những anh, chị ở Phòng  Duy trì cảnh quan môi trường đã không quản ngày đêm làm việc.

Họ phải đến cơ quan từ 5 giờ sáng, thậm chí từ 4 giờ sáng những hôm đón khách nguyên thủ quốc gia hoặc vào mùa cây thay lá. “Những hôm bão bùng thiên hạ ở nhà chống mưa gió thì chúng tôi càng không được vắng mặt- chị Kiều Thu Phương, Phó Trưởng Phòng  Duy trì cảnh quan môi trường nói - Càng mưa gió, chúng tôi lại càng có nhiều việc”. 

Nhặt cành rơi, chăm tỉa cây cỏ, vệ sinh đường đi, chăm sóc đàn cá… là công việc thường ngày của các chị. Kinh nghiệm của những người làm vườn là quan sát  quá trình sinh trưởng của cây theo mùa để xử lý. Hàng năm, khu di tích còn mời một số giảng viên trường ĐH Nông nghiệp giúp chăm sóc, bảo quản  cây.

Vất vả nhất là chăm những cây sống dưới cổ thụ như: vườn cam nhà sàn, cây lan, vú sữa….Do ít ánh nắng, cây thường hay bị cớm và sâu bệnh. Vất vả nhưng ai cũng vui vẻ về công việc của mình. Năm nào cũng vậy, các anh, chị còn dành thời gian đi thực tế ở các trang trại nông nghiệp, nhằm học hỏi những kinh nghiệm, mô hình hay.

Trao đổi với các anh, chị ở Phòng Bảo quản di tích, tôi được biết: Chính môi trường ngoại cảnh  đã tác động không nhỏ cho công tác bảo tồn di tích. Vườn kín, nhiều cây cối là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, mối mọt “tấn công” tài liệu, hiện vật. Chị Nguyễn Thu Thủy- Phó Trưởng phòng Bảo quản di tích- tự nhận công việc phòng mình “là những người quét dọn nhà”.

Lặng thầm trong khu di tích nhà Bác ảnh 2
Cắt tỉa, chăm sóc cây trong khu di tích   Ảnh: Thanh Hoa

Mỗi ngày, họ phải tỉ mẩn hút bụi, lau sàn nhà di tích, thả mành nhà sàn… Một số nhà chỉ để khách tham quan bên ngoài thì phải kiểm soát nhiệt độ. Tài liệu, hiện vật của Bác hiện lưu giữ, trưng bày khá phong phú: sách vở, đồ sành sứ, đồ mộc…nhưng lại cùng bảo quản chung ở nhiều kiểu nhà khác nhau nên phải điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp. Công việc của những người làm ở Phòng Sưu tầm, kiểm kê tư liệu cũng tỉ mẩn không kém.

Từ năm 1988 - 2005, khu di tích đã sưu tầm được thêm 19 hiện vật: hộp đựng thuốc lá, thùng đựng kẹo, cuốn sách dự thảo điều lệ Đảng, áo lụa bà ba, mũ cát-két, máy chữ… Riêng trong năm 1995, đã sưu tầm 42 đầu hiện vật là các dụng cụ y tế phục vụ chữa bệnh cho Bác từ 24/8-2/9/1969.

Dịp này, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Bác đi xa và thực hiện di chúc của Người, khu di tích sẽ mở cửa cho khách tham quan di tích bếp A là nơi phục vụ hàng ngày cho Bác và  Thủ  tướng  Phạm  Văn Đồng và các buổi tiếp khách của Người, từ tháng 12/1954-6/1969, bao gồm 115 đầu hiện vật.

…Một ngày ở khu di tích, tôi đã hiểu được phần nào công việc lặng thầm mà quan trọng của các cán bộ, công nhân viên nơi đây.

Một di tích đặc biệt

Tại Phủ Chủ tịch, trong 15 năm (12/1954 đến tháng 9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh, giải phóng và thống nhất đất nước.

Với diện tích gần 14 ha, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có 10 di tích. Hiện nay trung bình hằng năm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Phủ Chủ tịch  đón tiếp trên 2 triệu lượt người. Gần 100 cán bộ, công nhân viên làm việc ở đây.

Ngoài ra, tại đây còn có nhà ga-ra ô tô- nơi trưng bày và bảo quản các xe ô tô sử dụng phục vụ Bác; nhà bếp A: Nơi nấu ăn phục vụ Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ tháng 12/1954-7/1969. Khu di tích cũng có môi trường cảnh quan khá phong phú: 1271 cây các loại, thuộc 161 loài, 54 họ thực vật. Một số loài quý hiếm được Bác Hồ đem về trồng như: cây xanh bốn mùa, cọ dừa, dừa lửa…

Cũng chính tại nơi đây, ngày 28/11/1959, Bác đã khởi xướng phong trào “Tết trồng cây”. Một điểm đặc biệt nữa là ao cá Bác Hồ với diện tích 3.320 m2, nơi sinh sống của 14 loài, 6 nhóm: chép, trôi, rô phi, mè, trắm cỏ… trong đó có nhiều loài được Bác Hồ nuôi dưỡng và theo dõi quá trình sinh trưởng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.