Lời nguyền Mông Sơn (*)

Mỏ đá của Công ty Cổ phần Mông Sơn. Ảnh: mongson.vn
Mỏ đá của Công ty Cổ phần Mông Sơn. Ảnh: mongson.vn
Hai mươi năm qua tại Mông Sơn, một xã miền núi của Tỉnh Yên Bái cách Hà Nội 200 km về phía bắc, người ta khai thác thứ được mệnh danh là đá Đông Nam Á.

Nhờ đá, hơn nửa số lao động của xã nhận 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Đổi lại, dọc đường cái quan Mông Sơn là các nhà xơ xác với lăn lóc những đá là đá và một vùng Hồ Thác Bà, điểm nhấn du lịch Tây Bắc, trắng xoá bụi và núi trọc. Các khoản địa phương thu được từ đá dường như mất hút đi đâu.

“Đồng bằng Sông Cửu Long sống chung với lũ. Còn bà con ở đây sống chung với bụi. Có chiến tranh là có mất mát. Có khu công nghiệp là có ô nhiễm. Cái gì cũng có hai mặt của nó”, chia sẻ của ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái. Hôm ấy, quãng giữa Tháng 10/2014,ông về Xã Mông Sơn với đoàn phóng viên tham gia chuyến điền dã do Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) và Trung tâm Hợp tác & Phát triển (CDI) tổ chức.

Triệu đồng/tháng để trốn mìn

Hằng tháng, ông Mai Văn Lâm và một số hộ khác có nhà sát mỏ đá nhận một triệu đồng từ các ông chủ doanh nghiệp đá. Số tiền ấy chỉ nhằm đúng một mục tiêu - động viên bà con sơ tán khỏi nhà mỗi khi nổ mìn ở các dãy núi đá cách nhà họ nửa cây số chim bay đổ lại.

“Cứ 11 giờ trưa và 6 giờ tối, mỗi khi mỏ đá nổ mìn, cả nhà tôi cùng bốn hộ  khác được yêu cầu chạy khỏi nhà khoảng 200 m”, ông Mai Văn Lâm, Thôn Tân Minh, Xã Mông Sơn, cho hay. Nhà ông bị bao quanh bởi các mỏ đá của hai công ty là Xi măng Mông Sơn, Xi măng Hải Dương. Cách đây hai tháng, thêm một điểm nổ mìn ùng oàng của một doanh nghiệp mới cũng gần nhà mà ông chưa kịp khắc cốt ghi xương tên của nó.

Cả ba nơi cùng xay đá, nổ mìn suốt ngày. Đá bay vèo vèo. “Ầm ĩ không chịu được”, giãi bày của người đàn ông ngoại lục tuần với Phóng viên Tri Thức Trẻ lúc chạng vạng. Người đàn ông đeo cặp kính lão và bộ quần áo xỉn màu dính đầy bụi ấy nằm trong số hơn năm chục bà con tề tựu khẩn cấp tại trụ sở xã để tiếp đón đoàn nhà báo về tìm hiểu tình hình phí bảo vệ môi trường doanh nghiệp khai thác đá đóng góp được sử dụng ra sao.

Anh Hoàng Văn Minh, Thôn Làng Cạn, có nhà gần mỏ đá Công ty Cổ phần Xi măng Vinaconex Yên Bình. Anh gay gắt: “Nhà tôi được họ trả cho một triệu đồng mỗi tháng để trốn mìn hai lần mỗi ngày. Tường nhà nứt nẻ chằng chịt. Tôi chẳng dám mua gương to vì sợ treo lên lại vỡ”.

Bụi đá mù mịt suốt 6-7 năm nay. Giếng nước không ăn được vì thấm bột đá đen xì. 

Nhà anh Minh cách mỏ 100 m. “Tiếng mìn to dã man”, anh Minh trần tình tiếp. “Khi có đoàn kiểm tra vào, họ cho nổ mìn nhỏ. Lâu lắm mới có một đoàn vào kiểm tra. Không ai giải quyết việc di dời khỏi nơi mất an toàn này. Tập biên bản đá bay vào nhà tôi giữ giờ đã dày hàng gang”.

Kết thúc buổi tiếp xúc tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân (UBND) Xã Mông Sơn giữa đại diện các ban ngành đoàn thể với đoàn phóng viên và nhà khoa học từ Hà Nội lên, anh Minh hết lời mời về thăm nơi cư trú mà có người gọi là chiến địa.

Con đường đau khổ

Sử dụng nguồn phí môi trường phải vì mục đích hoàn nguyên môi trường, phải trả lại cho những người đã nhường đất, nhường rừng cho khai thác khoáng sản. Nhóm cộng đồng yếu thế là đối tượng tập trung ưu tiên.

Ông Nguyễn Công Ký, Phó Trưởng phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán, Cục Thuế Yên Bái

Trên quãng đường 24 cây số trở về huyện lỵ hết gần hai tiếng đi xe bus cùng các nhà báo, ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên & Môi trường Huyện Yên Bình, nói: “Có phải nhà ông Minh cách mỏ khai thác 100 m đâu. Chúng tôi đã vào đo khoảng cách từ mỏ đá tới nhà ông ta là trên 500 m. Đó là khoảng cách an toàn”.

Gần như năm nào đường cũng được tu sửa. Con đường huyết mạch dẫn đến Xã Mông Sơn, nơi cư ngụ của 3000 dân bản địa và có khu công nghiệp khai thác và chế biến đá vôi trắng rộng hơn 800 ha, được tỉnh quy hoạch từ ba năm trước.

“Chỉ một đoạn 8 km mà mất tiếng rưỡi nếu xe bốn bánh chạy nhanh”, ông Nguyễn Đức Điểm, mới nhận chức Phó Chủ tịch UBND Huyện Yên Bình, giới thiệu.

Trên con đường này, cách đây hơn ba tháng, dân đổ ra chắn các xe chở đá, ông Nguyễn Quang Trung nói trên đường đưa các nhà báo xuống xã khi trời bắt đầu nhá nhem.

Năm giờ chiều, hội trường xã đông nghịt. Ông Đinh Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND Xã Mông Sơn, giới thiệu họ là lãnh đạo các tổ chức chính quyền và đảng của xã, đại diện các tổ chức đoàn thể xã hội, đại diện doanh nghiệp khai thác và đông đảo bà con có nhà gần mỏ đá.

“Năm nào tôi cũng thấy họ tu sửa. Người ta sửa để xe các mỏ khai thác khoáng sản đi đỡ ổ gà thôi”, anh Minh nói.

Dọc con đường đau khổ 8 km, cây cối trắng xoá, khoảng ba đoàn máy lu, máy ủi cặm cụi vá đường. Thi thoảng, từng đoàn xe trọng tải lớn chất đầy đá lầm lũi nối đuôi nhau, kéo đám bụi lên cao như sương mù giăng.

Gần như trước cửa nhà nào ven đường cũng có một đống đá án ngữ. Xen kẽ là dăm ba hàng tạp hóa và quán internet.

Mông Sơn nằm trọn giữa lòng Hồ Thác Bà, thắng cảnh hồ nước nhân tạo nổi tiếng rộng 23.400 ha được bao quanh bởi rừng núi hùng vĩ, một website du lịch quảng bá. Khi chúng tôi tới Mông Sơn, xã đảo giữa lòng Hồ Cát Bà, chỉ thấy những vạt núi bị lột da trắng phau lừng lững bên thảm nước xanh ngằn ngặt.

Bà Vũ Thị Trâm, Trưởng Thôn Tân Minh, cho biết cạnh thôn có ba đơn vị khai thác đá làm bẩn nước ăn uống. Mỗi năm, thôn có thêm 3 - 4 trường hợp bị ung thư phổi, gan. Trước khi có hoạt động khai thác đá, không thấy có chuyện đó, Bà Trâm kể.

Lời nguyền Mông Sơn (*) ảnh 1

Công nhân rửa đá CaCO3 trước khi nghiền. Ảnh: mongson.vn

Tiền đi đâu

“Một năm các mỏ đá lấy đi mấy nghìn tỷ mà một đoạn đường chưa đến 10 km cũng không làm nổi”, anh Nguyễn Văn Học, Thôn Thuỷ Sơn, Xã Mông Sơn, phàn nàn.

Phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản (KTKS) là một khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Toàn bộ khoản phí này được phân chia cho từng cấp ngân sách theo Nghị quyết Số 27/2012 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) Tỉnh Yên Bái. Theo đó, ngân sách cấp tỉnh được hưởng 20% số thu phí BVMT đối với KTKS để bổ sung Quỹ BVMT của tỉnh; cấp huyện hưởng 50%; ngân sách cấp xã, nơi có hoạt động khai khoáng, được hưởng 30% số thu phí. Đã thế, mức trích tối đa không được quá một tỷ đồng/xã/năm. Những xã có số thu trích vượt trên một tỷ đồng, phần trích vượt được điều tiết ngân sách huyện.

“Lẽ ra chúng tôi được gần 1,3 tỷ đồng/năm từ phí BVMT. Thực tế chỉ được cấp một tỷ đồng“, ông Đinh Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND Xã Mông Sơn, nói.

Điều 5, Nghị định Số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ, quy định phí BVMT đối với KTKS, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương, nơi có hoạt động KTKS. Khoản thu đó được quy định phục vụ cho các hoạt động như phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động KTKS; khắc phục suy thoái, ô nhiễm do hoạt động KTKS gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan nơi có hoạt động khai thác.

Được biết Xã Mông Sơn sử dụng nguồn thu từ phí BVMT để tổ chức trồng cây xanh, xây dựng khu thu gom rác thải tập trung, mở rộng nghĩa trang. Trong khi đó, các tác động trực tiếp từ khai thác đá như đá bay vào nhà và tám cây số mặt đườngbị bằm nát như tương hoặc không được quan tâm hoặc chỉ được sửa theo kiểu “sửa xong lại hỏng ngay”. Bao năm nay không thể giải quyết dứt điểm. “Một tỷ, thậm chí tỷ ba đổ vào đây cũng không đủ để khôi phục đường”, ông Đinh Hùng Vỹ khẳng định.

Được hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai khoáng để phục hồi môi trường trên địa bàn, các câu trả lời đều là “Tôi không biết” hoặc “Tôi chưa rõ”.

“Đến tôi là đại biểu hội đồng nhân dân xã cũng không thể biết được tiền đó dùng ra sao, chi cho việc gì”, chia sẻ của ông Đinh Văn Lưu, Thôn Thủy Sơn, Xã Mông Sơn.

Ông Hoàng Văn Minh, Thôn Làng Cạn, cho biết ông chưa bao giờ biết đến cái gọi là phí BVMT: “Chắc chỉ có các anh, các chị kế toán, tài chính mới biết được. Tôi chỉ biết nhà tôi suốt ngày đón những trận mưa đá mỗi khi mỏ khai thác nổ mìn mà vẫn chưa được di dời”.

Còn ông Nguyễn Nguyên Thắng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Xã Mông Sơn, lại rất muốn biết các khoản đóng góp của doanh nghiệp khai thác khoáng sản dùng để làm gì.

Tổng thu thuế tài nguyên và phí BVMT đối với doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn Huyện Yên Bình xấp xỉ bảy tỷ đồng (2013) và 3,7 tỷ đồng (chín tháng đầu năm Năm 2014).

Ngay Phó Chủ tịch huyện, Nguyễn Đức Điểm, cũng chỉ biết tỉnh quy định ngân sách chi cho việc BVMT tại nơi có hoạt động KTKS là 20 % cho tỉnh, 50 % cho huyện và 30 % cho xã có mỏ. Trong đó, 50 % ngân sách chi cho huyện được UBND Huyện Yên Bình dùng để cân đối ngân sách chung. Tiền tập trung cho việc thu gom rác thải, trồng cây xanh và, thậm chí, chi cho chương trình nông thôn mới. Một phần cho chi quản lý.

Còn 30 % tỉnh giữ lại, “tôi cũng không biết tỉnh dùng để làm gì”, ông Điểm nói.

Không chỉ Huyện Yên Bình, khi chúng tôi tới Huyện Trấn Yên, “toàn bộ phí thu được nộp thẳng vào kho bạc. Sau đó, tỉnh sẽ phân bổ ngược trở về huyện và xã”, Ông Lã Tiến Ngọc, Chi cục phó Chi Cục Thuế Huyện Trấn Yên nói với đoàn nhà báo.

Tuy nhiên, chúng tôi “cũng chỉ biết thu chứ không được biết có chi cho bảo vệ môi trường hay không bởi đây là nhiệm vụ của bên tài chính”, ông Ngọc cho biết thêm.

Chưa bao giờ, tôi có được thông tin về việc thu chi ngân sách phí BVMT, ông Lê Đình Đạo, Chủ tịch Hội Địa chất – Khoáng sản Yên Bái, từng giữ chức vụ Phó Giám Đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Yên Bái, cho hay.

Một số địa phương không thu đủ phí BVMT theo khối lượng khai thác. Quy định mức thu phí thấp. Nếu thu đủ cũng chưa đủ kinh phí khắc phục hậu quả môi trường do khai thác khoáng sản gây ra. Không những thế, các khoản thu về phí BVMT đều được nộp chung vào ngân sách địa phương và việc phân bổ trở lại được thực hiện theo luật ngân sách.

“Có hiện tượng không rõ ràng về các khoản chi để phục hồi môi trườngở nơi diễn ra hoạt động khai khoáng”, Thạc sĩ Lại Văn Mạnh, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách, Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho biết.

Phí BVMT và ký quỹ phục hồi môi trường trong KTKS là hai công cụ quan trọng góp phần đảm bảo bền vững về mặt môi trường trong KTKS. Ta cần đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm và suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục và tái tạo”, Thạc sĩ Lại Văn Mạnh, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách, Bộ Tài nguyên & Môi trường, chia sẻ.

Ông Mạnh cũng cảnh báo phí BVMT trong KTKS phải được sử dụng tiết kiệm. Nguồn phí này không chỉ sử dụng để cải tạo môi trường trước mắt mà phải cân nhắc và dự phòng cho những hệ lụy lâu dài.

 (*) Ngành khai khoáng thế giới lưu truyền câu nổi tiếng “Lời nguyền tài nguyên” (resource curse). Cụu từ này được dùng để mô tả nghịch lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu có tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không thể tái tạo như khoáng sản và nhiên liệu, nhưng không có được tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế như các nước nghèo tài nguyên.

Lẽ thường, các quốc gia phong phú về tài nguyên ắt phải có lợi thế nhiều hơn, giàu có và phồn vinh. Thế nhưng, các nhà kinh tế học lại khám phá ra điểm đáng ngạc nhiên của tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hiện đại là các nền kinh tế được hậu thuẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại có xu hướng phát triển chậm hơn so với các nền kinh tế ở các quốc gia khác.

Theo Macartan Humphreys, Jeffrey D. Sachs, và Joseph E. Stiglitz, các tác giả nổi tiếng biên tập cuốn “Thoát khỏi lời nguyền tài nguyên” (Escaping the Resource Curse).

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG