Một ngả đường đất Miến

Phật giáo là quốc giáo của Myanmar.
Phật giáo là quốc giáo của Myanmar.
TP - Hơn 400 km là quãng đường từ cố đô Yangon đến thủ đô mới Naypyidaw của Myanmar.

Đã hơn 10 năm thủ đô Yangon của Myanmar (Miến Điện) trở thành cố đô. Hơn ngàn năm trước, Myanmar đã 5 lần dời đô, lần cuối thủ đô được đặt ở Yangon. Và đầu những năm 2000, cuộc thiên đô từ Yangon về Naypyidaw không biết có phải lần cuối?

Ít xe, đường thoáng, phí thấp

Yangon (trước gọi là Rangoon) nối với Naypyidaw chả rõ có phải là đường cao tốc theo thông lệ quốc tế bởi vắng đi sự lòe loẹt lẫn chỉn chu đèn đóm, biển hiệu nhưng thênh thang 4 làn xe. Mà bằng bê tông không trải thảm nhựa nên có gập ghềnh chút xíu. Được cái ít xe, đường thoáng. Đại để, độ dài gần bằng từ Hà Nội vô đến Kỳ Anh, Vũng Áng (Hà Tĩnh). 

Cung chặng ấy nếu xe ngon chạy cật lực cũng phải từ 6 giờ sáng đến trưa trật mới tới, còn bên này mới hơn 10 giờ đã tới thủ đô mới Naypyidaw. Đó là còn chưa kể cái đoạn dừng ăn sáng ở một trạm nghỉ sạch sẽ. Một đĩa cơm, chút cá khô, đậu phụ thịt rim và canh, tính ra tiền Việt khoảng 90 ngàn. 

Lại được ngẩn ngơ ngó cô chủ quán xinh xẻo đang quỳ mọp thành kính dâng thức ăn cho một vị sư hành khất. Tiện thể cũng nói luôn cái phí đường cả đi lẫn về. Qua hơn chục cây cầu và hơn 800 cột số cả đi lẫn về, ngạc nhiên chưa, tổng cộng có hơn 70 ngàn đồng tiền Việt. Xứ mình, tiền mãi lộ đi đứt cũng phải cỡ vài triệu?

Nhưng để quy ra thóc cái thủ đô mới Naypyidaw này thì khó biết bao tiền. Phải là bộn lắm? Chính phủ đã huy động cật lực các lực lượng, phương tiện thi công tân tiến liên tục cả ba ca bốn kíp suốt hơn 2 năm trời để biến dãy đồi kiêm thung lũng của một khu rừng đại ngàn 2.000 năm tuổi thành một thủ đô mới hiện đại. 

Xe chúng tôi lướt chầm chậm trên các con đường thênh thang nhiều khúc, đoạn có tới 20 làn xe để qua Dinh Tổng thống, Tòa nhà Quốc hội, Dinh Thủ tướng, trụ sở các bộ, ngành, khu dân cư… được trần thiết hoành tráng, hiện đại. 

Xe đảo qua khu thương mại và khách sạn cùng khu dân cư được xây dựng với 1.200 tòa nhà chung cư 4 tầng. Mái nhà của các tòa nhà được sơn màu khác nhau theo nghề của những người ở. Rồi thủ đô có khu vực giải trí riêng. 

Cả khu vực tôn giáo. Sừng sững ngôi chùa Uppatansanti có kích thước và hình dạng giống chùa vàng Shwedagon ở Yangon, cùng với một số công viên, đài phun nước kết hợp trình diễn âm nhạc, ánh sáng mỗi đêm. Chính phủ Myanmar lại dành sẵn khoảng 5ha đất cho mỗi đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Naypyidaw.

Thủ đô mới của Myanmar xưng đô nhiều năm rồi nhưng vẫn thưa thớt người, xe, dù tất tật các bộ, ngành và cả tân Tổng thống đã rời Rangoon về đây mấy năm nay. 

Có một chỉ thị thế này, thứ Bảy, Chủ nhật dẫu được nghỉ, nhưng các cơ quan, công sở bộ, ngành vẫn phải cắt cử người trực cho bộ mặt thủ đô có sinh khí. Dẫu đổi thay hiện đại thế nào thì 5-10 năm và tận cả một thế kỷ sau có lẽ cái áo thủ đô mới Naypyidaw vẫn không thể chật chội và lạc hậu?

Một ngả đường đất Miến ảnh 1

Yết kiến Tăng thống Myanmar.

Vị Tăng thống và 3 quốc sự

Nhớ lần đến Myanmar năm kia, tôi có cái duyên được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM), dẫn đến và hầu chuyện với Tăng thống Myanmar. Mà vị ấy có liên quan đến việc định đô, thiên đô này. 

Là cả câu chuyện dài tại sao Trần Bắc Hà có duyên được gặp vị Tăng thống Myanmar, được chính ngài ban riêng cho xá lỵ Phật ngọc và ngài đã tặng xá lỵ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra sao. Xin khất bạn đọc một dịp khác…

Vị tăng thống tối cao mà tôi may mắn có duyên được bái yết có tên là Silananda sinh năm 1938, căn tu rất sớm, suốt 11 năm là tiểu, từng theo học Đại học Phật giáo dòng Tiểu thừa, năm 1959 là sư. Ngài tu nghiệp nhiều năm ở Ấn Độ, từng hành đạo ở Nepal, Trung Quốc, Sri Lanka… 

Lại bất ngờ được biết ngài là chỗ quen thân với thầy Huyền Diệu trụ trì ở Việt Nam cổ tự. Đặc biệt, ngài Tăng thống có mối quan hệ sâu đậm với hai yếu nhân Myanmar là Thống tướng Than Shwe và Tổng thống Thein Sein. Xuất thân từ gia đình bần nông, ngoài 20 tuổi, Thein Sein gia nhập quân đội.

Ông nhanh chóng chứng tỏ mình là nhà quản trị hơn là người lính. Những năm 1990, ông Thein Sein là trợ lý của Thống chế Than Shwe. Bốn năm làm tư lệnh quân đội tại vùng ma túy khét tiếng Tam giác vàng, không có bất cứ cáo buộc nào về hành vi buôn lậu hay lạm quyền của ông.

Trộm nghĩ, một đất nước với chế độ quân sự chuyển thành dân sự nếu không có căn tính hòa bình của một quốc gia có quốc giáo là Phật giáo thì sự chuyển đổi sẽ nhọc nhằn, khốn khổ núi xương sông máu, chứ chả nhẹ nhàng thế này? 

Vị tăng thống đã đóng góp, hiến kế những gì cho sự bình yên kiến quốc Myanmar? Phật giáo Myanmar nhập thế hay xuất thế? Lần gặp hiếm hoi đó, nhờ một anh phiên dịch thành thạo, tôi đã mạnh dạn vuột ra câu hỏi khó khăn khi nghĩ đến những đồn đại, không biết chính xác đến đâu rằng, chính vị tăng thống này đã đóng góp, đã can dự vào 3 việc tầm cỡ quốc sự. Đó là việc ngài cố vấn cho Thống tướng Than Shwe và Tổng thống Thein Sein việc dời đô từ Yangon sang Naypyidaw. Việc thứ hai là thay đổi tên nước. Việc cuối là thay đổi quốc kỳ Myanmar.

Cặp mắt vẫn khép hờ, khuôn mặt bất động bình thản, ngài Tăng thống không phản đối cũng như không phủ nhận. Nhưng chừng như sự thật đang được toát yếu và phát lộ ngay trong trạng thái vô ngôn ấy? Hay, dở đúng sai? Chả biết. Nhưng toàn bộ cơ quan hành chính, tóm lại là bộ máy của thủ đô Yangon nhiều đời đã được thiên đô về Naypyidaw.

Và vào lúc 15 giờ (giờ địa phương) ngày 21/10/2010, các cơ quan nhà nước, công sở… nhận được thông báo hạ quốc kỳ cũ. Đài truyền hình nhà nước phát thông báo thay đổi quốc kỳ và lễ thay cờ diễn ra đồng thời trên khắp cả nước. 

Quốc kỳ mới gồm ba dải màu vàng (trên) - xanh (giữa) - đỏ (dưới) và ngôi sao màu trắng ở giữa. Quốc kỳ mới với 3 màu biểu trưng cho tình đoàn kết, hoà bình, ổn định, sự dũng cảm và tính kiên quyết. Cùng ngày, tên nước được đổi từ Liên bang Myanmar thành Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Một ngả đường đất Miến ảnh 2

Một góc thủ đô mới Naypyidaw.

Ý thức tự chủ và môi trường

Chế độ mới Myanmar dường như là chỗ dựa chắc chắn, bền vững cho ý thức tự chủ và ý thức về môi trường của người dân Myanmar? Chuyện con đập thủy điện Myitsone mới đây là một ví dụ sinh động.

Myanmar có một biên giới dài từ bắc xuống nam với Trung Quốc. Myitsone thuộc phía cực bắc Myanmar, nơi đầu nguồn sông Irrawaddy giáp ranh Trung Quốc cả hai phía bắc và phía đông. Irrawaddy là con sông dài nhất, có lưu vực lớn nhất và lưu lượng nước lớn nhất Myanmar. Dự án thủy điện khổng lồ Myitsone được đề xuất xây dựng theo một trao đổi của Tướng Than Shwe và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2005.

Myitsone được khởi công xây dựng từ tháng 11/2009 và dự kiến hoàn tất năm 2017. Đến lúc hoàn thành, nhà máy thủy điện Myitsone có thể sản sinh 29.400 kWh/năm. Đập thủy điện Myitsone được xem là đập nước lớn thứ 15 trên thế giới. Chi phí xây dựng cho dự án này tương đương 3,6 tỷ USD. Myitsone sẽ được giao lại toàn bộ cho chính quyền Myanmar sau 50 năm do người Trung Quốc quản lý và vận hành.

Khi công trình được khởi công, nhiều người dân trong và ngoài Myanmar phản đối. Ngoài những viện dẫn xác đáng về tác động xấu về môi trường,  thiệt hại về kinh tế và điều quan trọng nhất Myitsone là huyệt đạo nhạy cảm về an ninh - quốc phòng của cả vùng Bắc Myanmar. 

Theo giới quan sát, từ khi trở thành Tổng thống, ông Thein Sein dường như giật mình khi soát lại quan hệ quốc tế của Myanmar; ông nhận thấy, việc đóng cửa đất nước, chỉ gắn kết với Trung Quốc nhiều năm qua chỉ làm đất nước luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu, bị Trung Quốc o ép và cộng đồng thế giới cô lập. 

Ngày 4/2/2011 và qua thảo luận trong nội bộ chính quyền, ông Thein Sein đưa ra các sáng kiến môi trường, trong đó có việc xem xét dự án thủy điện trên sông Irrawady, công khai cho công chúng góp ý. Kết quả khảo sát thật bất ngờ, khoảng 90% người dân được hỏi đều phản đối dự án đập thủy điện Myitsone.

Với việc thả hàng ngàn tù nhân chính trị, tạo điều kiện cho các nhà đối lập, bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, từ chối mua vũ khí của Trung Quốc, cải cách dân chủ, phát triển quan hệ với nhiều nước, Myanmar nay đã quá khác xưa. 

Trong khi đó, Trung Quốc đòi bồi thường những gì họ đã bỏ ra bước đầu xây dựng công trình thủy điện, cụ thể là 500 triệu USD. Chính quyền Myanmar lại công khai vấn đề. Và cũng ngay lập tức, chính phủ nhận được 90% phản hồi từ người dân là dẫu có gấp đôi số tiền ấy cũng kiên quyết dừng Myitsone. 

Trước khi rời Naypyidaw, chúng tôi dừng hồi lâu trước Dinh Tổng thống mới. Dinh Tổng thống ngó xa như một mê cung của tòa lâu đài với lối kiến trúc cổ kính nhưng tân kỳ. Tổng thống Htin Kyaw năm nay 69 tuổi, vốn là trợ lý thân cận của bà Suu Kyi. Ông từng theo học một trường đại học tại Anh. Phụ thân ông là nhà văn, nhà thơ Min Thu Wun nổi tiếng. Và bây giờ, ông Htin Kyaw là người tiếp nối di sản tích cực mà lãnh đạo tiền nhiệm Thein Sein để lại.

MỚI - NÓNG