Ngắm "linh hồn" sông Mekong

Cá heo Irrawaddy trên sông Mekong Ảnh: KA
Cá heo Irrawaddy trên sông Mekong Ảnh: KA
TP - Lo sợ sẽ không còn cơ hội chiêm ngưỡng cá heo sông Irrawaddy- loài cá nằm trong top 10 loài bị đe dọa nghiêm trọng trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), chúng tôi tìm đến khu vực sinh sống chủ yếu của chúng. Đó là khúc sông dài 190km trên nhánh chính sông Mekong giữa địa phận tỉnh Kratie của Campuchia và Champasak của Lào.

> Cá heo trên sông Mê Kông sắp tuyệt chủng

Mai phục dọc biên giới

Quỹ bảo vệ động vật quốc tế (WWF) công bố Irrawaddy là một trong 10 loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trong năm 2012.

Tin nhắn này lan nhanh trong hộp thư của nhóm và sáng kiến ra sông Mekong ngắm cá heo của anh Quốc được nhiều thành viên hưởng ứng. Chúng tôi bay từ TPHCM sang TP Pakse, Champasak.

Từ Pakse, mất khoảng 2 giờ vượt qua quãng đường 150km theo quốc lộ 13 bằng ô tô, đoàn tham quan đến Ban Vuenkham (huyện Khong) - ngôi làng cổ của đồng bào dân tộc thiểu số mà khách nước ngoài hay đến tham quan.

Chúng tôi thuê chiếc xuồng máy với giá 90 ngàn kíp (240 ngàn đồng) ra giữa dòng, nhìn sang phía bờ sông Campuchia (thuộc khu vực Anlung Chheuteal, tỉnh Rattanakiri) và dừng cách bờ khoảng 100m để mai phục những chú cá heo sông Irrawaddy, tên khoa học là Orcaella brevirotis, họ Delphinidae, bộ thú biển Cetartiodactyla.

Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn chưa thấy chú cá heo nào xuất hiện. Bác lái xuồng tên là Chạn Pone động viên chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi bởi chúng thường nổi lên mặt nước để hít thở và đùa giỡn vào khoảng 16 - 18 giờ.

Xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, hàng ngàn con cá heo Irrawaddy từng sống yên bình trong lòng sông Mekong và các phụ lưu ở Lào, Việt Nam và Campuchia.

Đây là loài cá rất thông minh, thân thiện, hiểu tiếng người nên có thể ứng cứu khi thuyền gặp nạn và thường phát ra âm thanh đuổi các bầy cá về phía lưới cho dân chài.

Do đó hàng trăm năm trước đã có luật buộc các làng chài ven sông phải chia phần ăn cho các đàn cá heo nước ngọt vốn được xem là rất linh thiêng này.

Cá heo Irrawaddy có tuổi thọ khoảng 30 năm, bắt đầu thời kỳ sinh sản kể từ năm thứ 7 đến thứ 9 với thời gian mang thai kéo dài 14 tháng và mỗi lứa chỉ đẻ một con, khoảng cách giữa các lứa từ 3 đến 4 năm.

Cá con dài gần 1m nhưng trọng lượng chỉ khoảng 10kg, tỷ lệ con non có thể sống sót đến lúc trưởng thành thấp.

Tốc độ sinh sản đã thấp lại thêm vấn nạn ô nhiễm môi trường và tình trạng sử dụng lưới đánh cá tràn lan nên số lượng cá heo nước ngọt vẫn suy giảm rất nhanh, hiện chỉ còn không quá 100 con, trong đó quần thể cá heo ở khu vực dọc biên giới giữa Lào và Campuchia chỉ khoảng 7 - 8 con và đây là khu vực duy nhất ở Lào còn loài cá heo này sinh sống.

Bởi thế, không phải đoàn du khách nào cũng may mắn được chiêm ngưỡng cá heo sông - loài cá mà giới phong thủy cho rằng đem lại may mắn và tiền bạc.

“Nhìn kìa, một đôi cá heo vừa nổi lên!”- Quốc kêu rối rít. Theo tay chỉ của Quốc, đầu tiên chúng tôi nhìn thấy 2 cái vây lưng màu xanh xám cong cong và hơi nhọn, sau đó là phần lưng trơn bóng.

Chạn Pone nhẹ nhàng khua mái chèo để chiếc xuồng tiến gần đến chỗ cá heo hơn. Quốc đề nghị Chạn Pone cho lên bờ Campuchia để ngắm rõ hơn nhưng ông từ chối bởi như thế là phạm luật.

Quốc kể 10 năm trước cũng từ bến đò này, anh cùng một số khách nước ngoài được một bác lái đò chở hẳn sang bờ sông Campuchia để xem cá heo thỏa thích.

Lúc ấy một vài lính biên phòng Campuchia đang làm nhiệm vụ ở biên giới vui vẻ cho đoàn du khách từ Lào sang được lên bờ thuận tiện ngắm
cá heo.

Một chú cá heo bỗng phởn chí quẫy đùng đùng rồi tung mình khỏi mặt nước làm nổi rõ cái trán tròn ủm, mõm bầu bĩnh, 2 vây cánh như hai mái chèo nhỏ nhắn xinh xắn; màu sắc ở bụng sáng hơn so với phần lưng.

Những con cá heo trưởng thành này dài từ 2,3 - 2,5m, nặng trên dưới 200kg. Chạn Pone cho biết cách đây khoảng 4 năm, một con cá heo lớn chết bệnh dạt vào bờ nặng không dưới 250kg.

Tìm về nơi phát tích truyền thuyết cá heo sông

Cá heo Irrawaddy trên sông Mekong Ảnh: KA
Cá heo Irrawaddy trên sông Mekong.  Ảnh: KA.
 

Thấy chúng tôi muốn tìm hiểu về cá heo Irrawaddy, Chạn Pone tiếp tục lái xuồng ngược dòng Mekong khoảng 20 phút đến Khone Phapheng hùng vĩ - thác nước lớn nhất Đông Nam Á và được mệnh danh là thác Niagara của châu Á.

Thác có tổng chiều cao 21m bao gồm quần thể thác ghềnh rộng lớn với dòng chảy rất xiết kéo dài nhiều kilômét và gần như nối liền hai bờ sông Mekong.

Sự án ngữ của Khone Phapheng khiến nơi đây trở thành khúc sông hung dữ nhất của dòng Mekong (xuyên qua lãnh thổ của 6 quốc gia) nên không một phương tiện nào dám tới gần thác.

Thời Pháp thuộc, từng có một nhóm tiền trạm ngược dòng sông Mekong khảo sát để mở tuyến đường thủy xuyên ba nước Đông Dương (Việt Nam - Campuchia - Lào) nhưng mọi kỳ vọng đều bị dập tắt khi đoàn đối diện với thác Khone Phapheng cuồn cuộn sóng nước: Vào mùa khô thác tung bọt trắng xóa còn vào mùa mưa dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy và đổ ầm ầm rền vang như sấm, dường như luôn chực chờ nuốt chửng bất cứ thứ gì chẳng may rơi xuống dòng nước.

Vừa hướng dẫn chúng tôi leo lên những mỏm đá nổi giữa dòng nước chờ xem loài cá heo nước ngọt nổi lên kiếm ăn và đùa giỡn, ông Buonthanh kể: Ngày nọ, cô công chúa xinh đẹp tên là Sida được Quốc vương kinh đô Luang Phrabang (cố đô Lào) cho xuôi dòng Mekong theo lý trình Lào - Campuchia - Việt Nam rồi ra Biển Đông và ngược lên Trung Quốc để làm ăn, buôn bán. Nàng được vua cha tặng một con thuyền, người hầu nam tên Kha cùng một số loài vật như chim, ếch, vịt, gà...

Khi đến quần đảo kỳ bí Siphanđone (Lào), thuyền bị mất phương hướng chạy vòng vòng. Công chúa và đoàn tùy tùng đã sống trên thuyền suốt 3 năm và sống sót nhờ nguồn cá phong phú ở nơi này. Sau đó, thuyền của công chúa tìm được lối để tiếp tục nam tiến nhưng lại đối mặt thác nước Khone Phapheng.

Nàng và người hầu Kha bối rối, không biết phải tiến lùi ra sao bởi gà mái thì kêu dừng lại, ếch bảo sâu lắm, vịt khuyên quay lại, chim cảnh báo coi chừng mất mạng; duy chỉ gà trống dõng dạc gáy tiến lên.

Họ quyết định làm theo ý gà trống và hậu quả là thuyền rơi xuống thác Khone Phapheng và mất hút. Công chúa hóa thành Nok Sida- loài chim ăn cá phổ biến, còn người hầu thành cá heo Irrawaddy.

Ngày nay mỗi khi Irrawaddy nổi lên mặt nước là Nok Sida xuất hiện bởi trong lúc tìm thức ăn, cá heo đuổi loài cá khác trồi lên mặt nước để chim dễ dàng bắt được.

Du khách xem cá heo ở biên giới Lào và Campuchia Ảnh: KA
Du khách xem cá heo ở biên giới Lào và Campuchia Ảnh: KA.

Ngày nay Siphanđone là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Lào không chỉ bởi sự độc đáo lạ thường (dòng sông Mekong ở quãng này bỗng phình to hơn 1km và kéo dài hơn 10km chứa đựng bên trong nó gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ) mà còn có thác Khone Phapheng hùng vĩ và sự tồn tại của loài cá heo quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Anh Saat - một cán bộ sinh sống ở địa phương còn cho biết đây cũng là quê hương của Ngài cựu Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone.

Tên Khamtay nghĩa là vàng ở phía Nam, còn họ Siphandone là do ông tự đặt để thể hiện niềm tự hào về quê hương mình.

Rời nước Lào, chúng tôi tiếc nuối vì không còn điều kiện xuôi dòng Mekong ngắm loài cá này ở tỉnh Kratie (Campuchia) hay khám phá đàn cá heo Irrawaddy (khoảng 20 con) mà nhóm nghiên cứu Viện Sinh học nhiệt đới phát hiện và ghi hình được ở vùng biển quanh quần đảo Bà Lụa, thuộc khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang vào tháng 9-2011.

Một chú cá heo bỗng phởn chí quẫy đùng đùng rồi tung mình khỏi mặt nước làm nổi rõ cái trán tròn ủm, mõm bầu bĩnh, 2 vây cánh như hai mái chèo nhỏ nhắn xinh xắn; màu sắc ở bụng sáng hơn so với phần lưng.

Những con cá heo trưởng thành này dài từ 2,3 - 2,5m, nặng trên dưới 200kg. Chạn Pone cho biết cách đây khoảng 4 năm, một con cá heo lớn chết bệnh dạt vào bờ nặng không dưới 250kg.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG