Nghẹt thở trên những con đường... đau khổ

Đường nút thắt cổ chai ở Cầu Trắng
Đường nút thắt cổ chai ở Cầu Trắng
TP - Dù giao thông Tây Nguyên những năm qua đã được đầu tư cả nghìn tỷ, nhưng vẫn chưa khắc phục hết nhiều đoạn đường hỏng nát từ thành thị tới nông thôn. Dân vùng sâu phải quấn xích quanh các lốp xe máy, còn dân thị thành phải chịu đựng cảnh đường nát, đường bị chặn, bị “thắt” với đủ thứ lý do.  

Vùng sâu: Xe quấn xích!

Mùa mưa, chúng tôi đi công tác ở các xã vùng sâu tỉnh Đắk Nông, về các thôn 2, thôn 3, thôn 8… của xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, mới ngấm nỗi cơ cực. Chiếc xe gắn máy của chúng tôi vừa chạm đầu thôn 6 thì không thể di chuyển thêm được bước nào nữa, vì đường trơn hơn đổ mỡ. Dân sống bên đường cho biết, để đi qua được con đường này phải đến tiệm xe “độ” xích vào bánh để lốp mới có lực ma sát để… bon.

“Nhà tôi có 3 xe máy, cả 3 đều gắn xích. Toàn bộ các hộ dân ở thôn 3 cũng đều làm vậy. Những con “trâu sắt” này khỏe lắm, có thể chở hàng tạ cà phê… phi như bay”.

Anh Nguyễn Trọng Quang cho biết

Tại vị trí xe chúng tôi đang mắc lầy, hàng chục xe máy khác băng qua mà không hề hấn gì, vì họ đã ráp lốp xích. “Nhà tôi có 3 xe máy, cả 3 đều gắn xích. Toàn bộ các hộ dân ở thôn 3 cũng đều làm vậy. Những con “trâu sắt” này khỏe lắm, có thể chở hàng tạ cà phê… phi như bay”, anh Nguyễn Trọng Quang cho biết. Thôn 3 của xã Trường Xuân được ví là “thôn mười trong một, thôn một bình xăng”.  Anh Quang giải thích: “Mười trong một là bởi chúng tôi đi chợ một ngày ăn mười ngày. Bạn của tôi, khi đến thăm gia đình ra vào có một đoạn mà xe hết sạch bình xăng 3,5 lít, nên gọi là thôn một bình xăng”.

Xã Đắk Búkso, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) là địa bàn biên giới, đường dân sinh, chẳng khá hơn đường thôn 3 xã Trường Xuân là bao. Dân chúng cho biết chỉ có đường dẫn vào trung tâm UBND xã là thuận lợi, 12 thôn bản còn lại hễ mưa xuống là đường trơn như mỡ, nên dân ở đây đều phải ráp xích cho lốp xe máy. 

Ông Nguyễn Đình Báu trưởng thôn Tuy Đức cho biết: “Ở các xã khác, xe máy chỉ cần ráp xích bánh sau, riêng thôn này phải ráp xích cả hai bánh. Cuối tháng 5 vừa rồi, một người dân ngã xe, gãy chân. Từ nhà đưa con đến trường cách 12km, họ đành phải gửi con lại. Thôn tôi, hằng tháng đều phải phối hợp tuần tra biên giới với bộ đội biên phòng. Mỗi lần tuần tra ai cũng khiếp vì đường trơn nhẫy!”.

Đường nát vì ... hết tiền và xe quá tải!

Ngay tại trung tâm thành phố lớn như thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng có những đoạn đường đã và đang xuống cấp nghiêm trọng bởi dự án treo. Kiến nghị của dân gửi đến cơ quan chức năng nhiều năm qua vẫn nằm im trên giấy.

Nghẹt thở trên những con đường... đau khổ ảnh 1

Nắp hố ga lộ thiên ở đường Giải Phóng- Buôn Ma Thuột

Được xem là “thủ phủ” của các tỉnh Tây Nguyên nhưng việc xây dựng mới cũng như bảo trì đường giao thông nội thành Buôn Ma Thuột còn tồn tại nhiều vướng mắc. Thực tế cho thấy, nhiều tuyến đường đã và đang bị biến dạng nghiêm trọng bởi dự án treo, hoặc vá víu tạm bợ. 

Nhiều đoạn đường cửa ngõ, ngoại thành hỏng đâu vá đó, càng vá càng nát! Đường Giải Phóng (đoạn giao với đường Lê Duẩn), đường Mai Xuân Thưởng (đoạn giao với đường Phan Bội Châu), dù đang xuống cấp, nắp cống lộ thiên, hố voi, đá nổi lổm nhổm… nhưng hằng ngày vẫn phải oằn mình gánh những chuyến xe siêu trọng băm xới. 

Hai con đường này nằm trong dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn làm mới và mở rộng từ năm 2008. Thế nhưng, năm 2012 mới hoàn thiện được 2 khúc hai đầu đường, thì dừng lại. Ông Nguyễn Xuân Nở Phó phòng Quản lý đô thị UBND thành phố Buôn Ma Thuột giải thích: Lý do đơn giản là, hết tiền! 

Đường thi công dở dang khiến dân khổ: “Xe tải chạy qua rung chuyển cả nhà. Bụi bẩn và tiếng ồn tra tấn hằng ngày khiến chúng tôi thở như cá ngáp. Nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp”- một người dân bức xúc nói.

Cùng tình cảnh nói trên, đường 79 (bắt đầu từ đường Phan Huy Chú kéo dài tới quốc lộ 14) đoạn qua xí nghiệp Tùng Lâm thuộc các khối 6, khối 7, khối 8, khối 9, phường Khánh Xuân cũng đang bị xe siêu trọng băm tan nát. Mặt đường xuất hiện những hố rộng đến 4 - 5m, như những cái bẫy người và xe khi mùa mưa đến.

“Mỗi ngày, hàng trăm học sinh các trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Tiểu học Nguyễn Huệ, THCS Huỳnh Thúc Kháng, THCS Đào Duy Từ, THPT Lê Duẩn qua lại mấy cái hố trên mặt đường này. Ngày nào cũng có học sinh ngã! ”- ông Đặng Chí Thân, 61 tuổi ngụ tại tổ dân phố 8, phường Khánh Xuân bức xúc, cho biết. 

Hằng năm, UBND phường Khánh Xuân khắc phục sự cố bằng cách rải đá cấp phối vá đường, “vá” chưa tròn năm lại… tái vá. “Đường hỏng nhanh do xe quá tải cày xới! ”- ông Vương Văn Huy khối phó khối 6 phường Khánh Xuân khẳng định.

Kiến nghị của người dân về đường nát, đã được ông Nguyễn Anh Dũng- Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột phúc đáp bằng văn bản, khẳng định: “Đường tuy đã xuống cấp nhưng vẫn còn sử dụng tạm trong điều kiện ngân sách chưa có khả năng đầu tư hoàn thiện”.

Băm, chặn, thắt đường... đủ kiểu!

Mấy năm qua, đơn vị thi công xây mới trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk tùy tiện chặn luôn ngõ vào đường Phạm Hồng Thái (phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột) khiến hàng trăm hộ dân khổ sở phải đi đường vòng. Nhiều người dân bức xúc phản ánh đến báo Tiền Phong.

 Giải thích về lối làm bất thường này, ông Trương Văn Thắng, Phó ban quản lý dự án xây dựng trụ sở UBND tỉnh xác nhận: Đường bị chặn nhiều năm nay khiến dân bức xúc. Biết vậy, trên đã có kế hoạch làm mới đường Phạm Hồng Thái  nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn! 

Nghẹt thở trên những con đường... đau khổ ảnh 2

Xe bánh xích ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông)

Nội thành Buôn Ma Thuột còn có những đoạn đường “nút thắt cổ chai” như đoạn từ Cầu Trắng tới chỗ giao nhau với đường Đinh Tiên Hoàng; đường không có lề, hoặc mất lề từng quãng dài như đoạn đầu đường Nguyễn Văn Trỗi giáp đường Phan Chu Trinh, đường Lê Thánh Tôn. Nhiều đoạn đường do dân góp tiền tu sửa dù cách không xa cơ quan công quyền nhưng vẫn bị các phương tiện siêu trường, siêu trọng mặc nhiên băm nát. 

Riêng đường Lê Duẩn, phường Ea Tam đoạn dài gần 2 km đôi bên Cầu Trắng, chỉ  từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 8/2015 đã xảy ra tới 22 vụ va quẹt và tai nạn giao thông, làm 5 người chết,  nhiều người thương tật vĩnh viễn. 

Tại đoạn có chỗ đột ngột thắt lại như nút cổ chai, gồ ghề, dốc cao, sau mỗi cơn mưa, lòng đường biến thành dòng sông chảy xiết. Một số người chạy xe máy đến khu vực này, vì tránh nước và lách tránh các hố đã ngã xuống đường, bị xe ô tô cán qua.

“Nếu chính quyền thật sự quan tâm sửa chữa đường sá,  khơi thông cống rãnh, thì đã tránh được bao nhiêu cái chết thương tâm cho dân!”- ông Nguyễn Hữu Toản (65 tuổi), một người dân nhà ở bên đường, đau xót nói. 

Ông Trần Phước Thanh, Vụ phó Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Trong “3 Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), thì Tây Nguyên được xem là nơi giao thông còn nhiều khó khăn nhất. Nhu cầu nhiều nhưng khó khăn nguồn vốn! Thời gian qua, nhiều dự án làm đường ở Tây Nguyên bị ngưng trệ vì ngân sách rất eo hẹp. Ban chỉ đạo Tây Nguyên đang đề xuất Bộ Giao thông cân nhắc ban hành một cơ chế đặc thù, để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông trên Tây Nguyên. 


MỚI - NÓNG