Người cứu thoát 7.000 đồng đội

Người cứu thoát 7.000 đồng đội
Câu chuyện dưới đây phác thảo về chiến công đặc biệt xuất sắc của một chiến sĩ tình báo trong mạng lưới “H10-A22”.

Nội dung, tình tiết được viết dựa theo tài liệu của Tình báo quân đội (Tổng cục II – Bộ Quốc phòng): “Điệp vụ ngay trong lao tù”. Vì nhiều lý do, chúng tôi chưa nêu họ tên thực của chiến sĩ tình báo này, mà xin mạn phép được gọi với biệt danh “Năm Lê”.

Trong hai ngày 28-29 tháng 11 năm 1969, Tòa án của Ngụy quyền Sài Gòn đã đưa ra xét xử vụ án gián điệp được mang tên là “Mission imptssible – Huỳnh Văn Trọng” trong đó, “bị cáo” là một số chiến sĩ tình báo của ta trong lưới “H10-A22”.

Mạng lưới tình báo  chiến lược mang mật danh “H10 - A22” của nhà tình báo trứ danh Vũ Ngọc Nhạ đã làm kinh ngạc cả thế giới.

Ngay trong một tài liệu mật của quân đội Mỹ- Nguỵ, địch đã phải thừa nhận:

Từ trước tới nay, loại trừ tiểu thuyết tình báo, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Chúng tôi (Địch – PV) không muốn nói đến sự thành công trong việc xâm nhập và leo cao lên các cơ quan then chốt. Điều mà chúng tôi muốn nêu lên ở đây là sự thành công của họ quá tốt đẹp, đối với những phần tử đã bị lộ liễu, đã từng bị phát giác, Vũ Ngọc Nhạ và đồng bọn đã từ địa vị là những kẻ tử tội, nghiễm nhiên trở thành những công chức cao cấp, những ủy viên Thủ tướng, Tổng thống.

Những tin tức chiến lược mà cảnh sát quốc gia biết họ đã cung cấp, có giá trị giúp cho Hà Nội có những dự kiến chắc chắn, kiểm định chính sách của họ đối với chiến tranh hiện nay.

Năm Lê cũng là một trong số đó. Phiên toà đã vô hình chung làm cho tên tuổi các chiến sĩ tình báo của ta trong lưới “H10-A22” nổi tiếng khắp thế giới về tài trí cũng như bản lĩnh chính trị. Kết thúc phiên toà, Năm Lê cùng một số đồng đội đã bị Ngụy quyền kết án chung thân khổ sai.

Biết Năm Lê là một mắt xích quan trọng trong số các chiến sĩ tình báo lọt được vào phủ Tổng thống Ngụy quyền, bọn địch sau khi xét xử, kết án, đã không đưa Năm Lê ra Côn Đảo, mà bí mật giam kín và dùng mọi thủ đoạn để khai thác cho mãi tới đầu năm 1971, khi bất lực hoàn toàn trước khí phách và trí não của Năm Lê, bọn địch mới đưa ông ra Côn Đảo giam cầm.

Trong thời gian bị địch giam giữ tại Sài Gòn, Năm Lê vẫn tìm mọi cách liên lạc với Trung tâm và mọi thủ đoạn tra tấn cộng với cả một hệ thống phương tiện kỹ thuật tình báo hiện đại nhất của Mỹ – Ngụy cũng không ngăn cản được những hoạt động tình báo tiếp theo của Năm Lê.

Khi biết kẻ địch có ý định đưa Năm Lê ra Côn Đảo, Trung tâm đã chỉ đạo ông tạo dựng được một vị trí thuận lợi nhằm có thể tiếp tục hoạt động tình báo ngoài Côn Đảo. Bằng mối quan hệ của mình, Năm Lê đã liên lạc được với một nhân vật có địa vị ở đảo vốn trước đây là một nhân viên dưới quyền.

Nhân vật này trước đây rất nể phục và kính trọng Năm Lê cho nên đã hết sức tác động và kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn bị giam ở trại tù số 5, Năm Lê được giao giữ chân phụ kế toán và các dịch vụ văn phòng được trú ở khu I do Ban An ninh đảo quản lý và được hưởng một số sinh hoạt tự do như đi lại, chơi thể thao, tắm biển (tất nhiên trong những khu vực đã quy định).  

Đây là một điều vô cùng thuận lợi cho những hoạt động điệp báo sau này. Ngoài ra, Năm Lê còn tìm cách tiếp cận và được viên chúa đảo Đào Văn Phô giao “trách nhiệm” dạy kèm tiếng Anh cho con hắn. Không một ai, kể cả tên chúa đảo ngờ được rằng, Năm Lê vẫn thường xuyên hằng năm, theo định kỳ, giữ mối liên lạc với Trung tâm tình báo quân đội ta.

Cuối năm 1972, Hội nghị 4 bên tại Paris đang dần đi tới hồi kết. Việc trao đổi tù binh đã được đưa ra bàn luận trên bàn Hội nghị. Tổng thống  Ngụy  Nguyễn Văn Thiệu đã gian manh và trắng trợn đưa ra số lượng tù chính trị của ta ở Côn Đảo là 5.000 người – một con số rất thấp so với thực tế.

Phái đoàn của ta cũng biết rõ như vậy nhưng ta lại không hề có tài liệu hoặc chứng cứ để thuyết phục được dư luận và cộng đồng trên thế giới ủng hộ. Trong khi đó, phía Mỹ lại ra sức bênh vực cho phía Thiệu.

Họ dàn dựng cho báo chí và ngay cả trong Hội nghị nhân quyền thế giới, Mỹ – Thiệu cũng ra sức tuyên truyền, khẳng định rằng số lượng 5.000 tù chính trị của ta ở Côn Đảo là đúng.

Dã tâm của Mỹ -  Thiệu là rất hiểm độc. Bởi ngoài con số 5.000 tù chính trị kia, vẫn còn hàng ngàn chiến sĩ của ta bị địch bắt bí mật, không có án và bị đưa ra Côn Đảo  giam giữ kín và sẽ bí mật thủ tiêu hoặc sử dụng vào những mục đích đen tối cho bọn địch sau này.

Nhằm vạch trần bộ mặt  trí trá của bè lũ Thiệu và cũng là để cứu sống nhiều ngàn sinh mệnh đồng đội, phái đoàn của ta đã điện khẩn về nước yêu cầu phải bằng mọi cách có được trong tay bản danh sách, số lượng tù nhân của ta tại Côn Đảo do chính tay chúa đảo ký tên, đóng dấu gửi cho Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu.

Nhiệm vụ nặng nề này đã được Trung tâm giao phó cho Năm Lê. Khi nhận được “mật lệnh”, Năm Lê đã suy tính rất nhiều. Trong thâm tâm ông ý thức được rằng, chỉ cần sơ sẩy một chút là biết bao chiến sĩ, đồng đội có nguy cơ bị thủ tiêu.

Sau mấy đêm tính toán, Năm Lê đã phác ra một kế hoạch tỉ mỉ và hạ quyết tâm dù phải hy sinh nhưng trước khi chết, bản danh sách kia phải lấy được và chuyển về đất liền. Kế hoạch của Năm Lê được tiến hành theo 3 bước: 1. Xác định chính xác bản danh sách đó nằm ở đâu; 2. Đột nhập, thu giữ tài liệu; 3. Cất giữ tài liệu (đề phòng trường hợp bị địch phát hiện nếu phải hy sinh thì tài liệu vẫn được cất giữ và Trung tâm sẽ giao cho người khác tìm lại nơi cất giữ đó) và chuyển nhanh về đất liền.

Để tiến hành bước 1, Năm Lê đã phải nghiền ngẫm và quan sát rất kỹ. Trong những dịp tới nhà dạy cho con viên chúa đảo, Năm Lê đã không bỏ sót một ngóc ngách nào và đi đến kết luật rằng, viên chúa đảo đã và sẽ không bao giờ mang bất kỳ  tài liệu nào về nhà.

Như vậy, tài liệu này chỉ có thể nằm trong tủ hồ sơ đặt tại văn phòng. Đó là một dãy nhà kiến trúc theo kiểu Pháp, tường được xây dựng rất kiên cố, lợp ngói vuông, các cửa đều sử dụng các loại khoá chắc chắn.

Dãy nhà được ngăn làm nhiều phòng, mỗi phòng đều làm một trần ngăn với mái để chống nóng; mỗi trần như thế có một ô vuông dành cho việc lên xuống mỗi  khi cần sửa chữa, bảo dưỡng mái nhà hay sửa chữa đường dây điện.

Sau một thời gian quan sát, Năm Lê đi đến kết luận là bản danh sách đó nằm trong tủ hồ sơ mật tại phòng của chánh văn phòng trong dãy nhà kể trên. Trong suốt thời gian làm “phụ tá” cho viên kế toán trưởng, Năm Lê đã hết sức khéo léo chiếm được cảm tình tuyệt đối của anh ta. Vào một buổi chiều Năm Lê quyết định thực hiện bước 2.

Khi sắp hết giờ làm việc, Năm Lê trình bày với viên kế toán trưởng rằng cần phải làm thêm giờ, có thể thời gian sẽ kéo hết nửa giờ ngày hôm sau để hoàn thành bản báo cáo tình hình cung ứng lương thực trên đảo để kịp báo cáo về Nha Cải huấn Sài Gòn. Người kế toán trưởng chẳng mảy may nghi ngờ, liền giao chìa  khoá phòng cho Năm Lê.

Ngay buổi tối hôm đó, Năm Lê đã trèo lên những tủ đựng tài liệu tại phòng kế toán, lọt qua ô vuông trên trần nhà và lần đến trần phòng Chánh văn  phòng và chui xuống cũng qua lối ô vuông.

Tại đây, Năm Lê khéo léo dùng nến dẻo in mẫu khoá tủ tài liệu mật trong phòng Chánh văn phòng. Công việc suôn sẻ không hề gây nghi ngờ cho ai. Chờ dịp thuận lợi, Năm Lê nhờ một cơ sở tin cậy đang làm việc tại xưởng cơ khí của nhà máy điện trên đảo đánh hai chiếc chìa khoá: một của phòng kế toán, một của tủ tài liệu trong phòng  Chánh văn phòng.

Sau khi đã có chìa khoá trong tay, Năm Lê chọn thời điểm hành động vào một buổi chiều tối thứ 7 vì đó là lúc ra tay thuận tiện nhất khi địch đang sa vào những thú vui giải trí ngày cuối tuần. Trước khi đột nhập, Năm Lê đã liên lạc với cơ sở của ta về ngày giờ hành động.

 Do đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Năm Lê tiếp cận mục tiêu vẫn bằng đường từ phòng kế toán qua ô vuông trên trần. Năm Lê suýt phát lên tiếng khen ngợi người của ta khi đánh chìa khoá tủ hồ sơ vì vừa tra vào ổ khoá, cánh cửa tủ đã bật mở.

Dưới ánh sáng của chiếc đèn pin nhỏ, Năm Lê phải nén tiếng reo vui mừng khi chạm tay vào bản danh sách tù nhân dấu son đỏ chói do chính chúa đảo ký tên gửi đích danh Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu, trong đó, danh sách tù nhân của ta do địch giam giữ lên tới 12.000 người. Những danh sách này được ghi rất rõ, cụ thể trong 3 bản, ngoài ra, Năm Lê còn lấy được 2 bản mật lệnh của Nguyễn Văn Thiệu do văn phòng Tổng thống chuyển cho chúa đảo. 

MỚI - NÓNG