Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ

Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ
TP- “Đứa mô rứa bay?”- Một giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm vọng ra từ phía sau cửa sổ nhà lớn khi thấy bóng người lạ. “Mệ nội tui đó”- Anh Doãn, cháu nội cụ Nguyệt, tiếp chuyện chúng tôi bằng một lời giới thiệu.

Cụ Nguyệt 118 tuổi đấy ư? Thấy chúng tôi còn nghi ngại, anh Doãn mở ngăn kéo lấy ra một xấp giấy tờ, trong đó có tấm thẻ căn cước in hình cụ bà Trần Thị Nguyệt, năm sinh 1890, trú tại thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ ảnh 1
Đứa chắt ngoại 5 tháng tuổi đang trong vòng tay yêu thương của cố ngoại 118 tuổi Trần Thị Nguyệt

Lá vàng trên cây

Chồng của cụ Nguyệt là cụ ông Đào Điệt có tuổi trong thẻ căn cước “khiêm tốn” hơn, vì chỉ sinh năm... 1909. “Thời Pháp thuộc, ông nội tui khai lui tuổi để trốn lính đó. Chứ tuổi thật năm nay cũng khoảng 115 rồi. Ngó rứa chớ cả ông, mệ nội tui vẫn còn khỏe lắm” - Cậu cháu nội Đào Văn Doãn (42 tuổi) bộc bạch.

Nghe chúng tôi chuyện trò ở nhà dưới, cụ Nguyệt từ nhà lớn bước xuống ân cần hỏi han tuổi tác, công việc: “Cháu năm ni mấy tuổi rồi, làm việc ở mô?”. “Dạ mới 35 thôi bà ạ”- Tôi đáp.

Thú thật tôi chẳng dám nói ra tuổi của mình vì nó quá nhỏ bé so với cái “kho” tuổi “thọ đẳng quy hạc” của cụ Nguyệt. Như một thói quen, cụ Nguyệt miệng móm mém nhai trầu và không quên mời chúng tôi cùng ăn cho vui.

Mặc dù sống qua ba thế kỷ, thọ đến 118 tuổi, nhưng theo người nhà, cụ Nguyệt chưa một lần nào lâm bạo bệnh phải đối diện tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Cụ ông Đào Điệt lại khác, vì có đến hai lần tưởng chừng đã chết, gia đình đưa từ bệnh viện về nhà mua quan tài, khăn áo lo hậu sự, nhưng rồi cụ ông bỗng dưng “sống lại” và hưởng thọ cho đến giờ.

Ở xã Phú Xuân tôi từng nghe kể về một gia đình có hơn 20 liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhưng nơi đây đang có thêm một câu chuyện “cổ tích” thú vị về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với 4 người con trai hy sinh thời kháng chiến chống Mỹ, sống thọ qua ba thế kỷ. Không ai khác, đó chính là cụ bà Trần Thị Nguyệt.

Cụ Nguyệt có tất thảy 7 người con. Cả cháu chắt nội ngoại hiện chỉ hơn 30 người. Hai người con gái lớn của cụ năm nay xấp xỉ 90 tuổi, nhưng đều đã qua đời. Cuộc đời cụ Nguyệt có những năm tháng buồn đau xé lòng, vì tất cả bốn người con trai đều lần lượt hy sinh vì nghĩa lớn. Cũng may, những người con trai liệt sĩ của cụ đều có hậu thế nối dõi, con cháu hiện nay đều đề huề, nên khi về già lòng cụ cũng vợi đi những mất mát lớn lao trong quá khứ.

Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ ảnh 2
Tấm giấy CMND ghi năm sinh 1890 của cụ Nguyệt

Bà mụ của cả xã

Điều đặc biệt, mặc dù sống qua ba thế kỷ, trở thành người cao tuổi nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng tinh thần, sức khỏe của cụ Nguyệt vẫn còn rất tốt, đi đứng hoạt bát, trí óc minh mẫn, nói năng lưu loát, chỉ có thính lực là hơi yếu. Tôi ngồi hàng giờ mà vẫn không nghe hết những câu chuyện xưa của cụ. Cụ nhớ tên tuổi từng người con trai: Lứ, Hai, Tư, Bốn đã hy sinh năm xưa.

Cụ bảo: “Tui lấy chồng năm 19 tuổi, đến 20 tuổi thì có con đầu lòng. Những đứa con gái đầu đến nay đã mất cả rồi. Mấy thằng con trai cũng bỏ tui mà về với tổ tiên hết. Thằng Lứ tuổi Tý, thằng Hai tuổi Thân...”. Không chỉ có những người con đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước vẻ vang, bản thân cụ Nguyệt cũng tham gia cách mạng, từng nhiều lần bị địch bắt tra khảo, tù đày.

Cụ kể: “Hồi năm bảy hai (1972), tui đi tiếp tế cho cách mạng thì bị địch bắt. Thằng Thanh ấp trưởng ác ôn hắn đá tui một cái vào hông làm gãy mấy cái xương sườn. Hắn đưa tui ra doi cát Mũi Hàn phơi nắng, còn gí súng vào mang tai dọa bắn, nhưng tui nhất quyết không khai ra cơ sở cách mạng. Những người con trai tui lúc đó đã hy sinh hết rồi, có mất thêm tui nữa cho Tổ quốc cũng chẳng sao. Đến năm bảy lăm (1975), tui bị địch bắt thêm một lần nữa, nhưng ở tù vài bữa thì đất nước giải phóng”.

Cụ bà 118 tuổi, không chỉ là một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng kiên trung, bất khuất mà còn là người phụ nữ giàu lòng thiện, bà mụ đỡ đẻ nổi tiếng một thời cho dân nhiều xã Phú Xuân, Phú An, Phú Mỹ, Phú Tân... Chị Trần Thị Mộng (25 tuổi) - cháu ngoại cụ Nguyệt - như chợt nhớ ra một điều bí mật: “Chính em cũng được mệ ngoại đỡ đẻ chứ ai. Mà không riêng gì em mô, nhiều người cháu nội, cháu ngoại khác cũng do chính tay mệ làm bà mụ.

Thằng Phước, thằng Phúc, thằng Phong đều được mệ cắt rún (rốn) hết đó”. Anh Doãn tiếp lời: “Mới rồi, một cậu thanh niên xã bên qua làng này có công chuyện đã tìm đến thăm mệ tui và còn tự nhận do chính tay bà cắt rốn sau khi người mẹ không may ra giữa đầm mò cua, bắc ốc rồi đẻ lọt xuống nước”.

Được biết, có hàng trăm dân làng thuộc lứa U50 đang sống trong vùng Phú Xuân, Phú An do chính tay cụ Nguyệt đỡ đẻ. Có người không quên ơn giúp “vượt cạn” của cụ Nguyệt, nên cứ mỗi dịp lễ Tết vẫn ghé thăm, đem theo quà mừng tuổi cụ.

Ông Nguyễn Văn Toản, năm nay ngoài 50 tuổi, người cùng làng cho biết: “Mệ Nguyệt đâu chỉ có tài đỡ đẻ giỏi mà còn giúp nhiều cặp hiếm muộn có con, như vợ chồng bà Thu, bà Gái, ông Lành... Thậm chí mệ Nguyệt còn có tài “khóa” giúp những cặp sinh nhiều, sinh dày nếu có yêu cầu”. Thời trẻ, cụ Nguyệt làm nghề buôn bán vặt, với gánh khoai, gánh dưa, gạo muối rong ruổi từ làng này sang xã nọ.

Nghe ở đâu có người sắp sinh, cụ dẹp cả buôn bán để giúp đỡ họ vượt cạn. Gia đình nào quá túng bấn, cụ còn để lại cả gánh gạo chưa bán giúp cho người phụ nữ nghèo có cái ăn, để có sữa cho con bú trong những tháng ngày ở cữ khốn khó. Cụ Nguyệt còn có thêm tài vặt là bấm huyệt và chích lể rất tốt. Nhờ nhiều tài vặt và tấm lòng thương người tha thiết, mà cụ có thể đi đến nhiều xóm làng ở vùng giáp ranh thời chiến, bí mật móc nối liên lạc với các cơ sở cách mạng mà địch không làm gì được.

Nhớ sống thiện con nhé!

Cụ Nguyệt lại móm mém nhai trầu. Đã bước sang “bách niên” mà da dẻ cụ vẫn hồng hào, lưng thẳng, mắt sáng, tai to, mũi dài trông rất phúc hậu. Chỉ có hai hàm răng là không còn cái nào. Những người làng vẫn quan niệm rằng, nhờ làm nhiều việc thiện, cộng thêm những người con trai ra đi quá sớm, nên họ đã “độ trì” và để lại tuổi cho cụ Nguyệt sống lâu đến bây giờ. “Mệ tui vẫn còn khỏe lắm, mỗi bữa ăn được ba bát cơm.

Thỉnh thoảng chống gậy qua làng bên thăm người thân, ra mộ thắp nhang cho tổ tiên, ông bà và các con - Anh Doãn tâm sự - Sống lâu như rứa mà mệ tui có bí quyết chi mô anh. Cứ cơm ngày ba bữa đều đặn, bữa sáng cũng ăn cơm, không rượu chè, thuốc lá. Với sức khỏe như ri, không chừng mệ còn sống thêm được 10 năm nữa cũng nên”.

Tôi bất chợt nhìn lên tường nhà, tấm bằng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cụ Nguyệt được treo trang trọng giữa nhà. Mấy năm trở lại đây, ghi nhận công lao của cụ, Huyện đội Nam Đông đã nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nguyệt.

Hàng tháng cụ Nguyệt còn có thêm chế độ hỗ trợ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tiền trợ cấp người cao tuổi, nên cuộc sống khi về già thảnh thơi, an nhàn. Thi thoảng cụ Nguyệt còn nhờ người nhà đưa đi thăm con cháu ở tận thành phố Vinh (Nghệ An) hay Đà Nẵng.

Tôi ghé vào tai cụ thưa nhỏ: “Cụ có khi nào sợ chết không ạ?”. Cụ cười bình thản: “Chuyện sống chết có chi mà phải lo. Với tuổi này, lại được con cháu thương yêu phụng dưỡng, có xuôi tay nhắm mắt cũng yên lòng rồi. Cứ sống nhân từ thì trời sẽ cho những gì mà các con mong ước. Nhớ sống thiện nghe con...

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.