Chuyện một hành trình tử tế (kỳ cuối):

Người từ ảnh bước ra

Xung phong
Xung phong
TP - Khoảnh khắc xuất kích tại trận đánh ác liệt ở đất Cam Lộ đầu năm 1970 của Trung đoàn Độc lập 27 được phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng Xung phong.

Không khuôn cứng trong hình là hình ảnh hai người lính thông tin trẻ đang căng mình trong tư thế tác nghiệp chiến đấu mà người bấm máy trong tích tắc ấy đã chớp giữ được thứ nhỡn lực rất trận mạc đặc thù cùng với hậu cảnh khá sinh động. Cần ăng ten Kulicov khí tài đặc thù của lính báo vụ. Vài khuôn mặt nhòe mờ trong tư thế lao lên… Gần nửa thế kỷ qua, Đoàn Công Tính qua Xung phong đã góp cho tượng đài vệ quốc Việt một chi tiết sinh động bắt mắt. Phải vậy nên giới truyền thông nước ngoài dẫu có hiếm hoi đề cập thời chiến tranh chống Mỹ thường phải dẫn Xung phong?  Và khỏi nói, bao người Việt mình ngần ấy thời gian kể từ khi Xung phong xuất hiện, đầu tiên là báo Sư đoàn sau là báo Quân đội nhân dân, rồi sau này có điều kiện ấn loát xuất bản, triển lãm…, Xung phong đã, đang và sẽ bắt mắt với hậu thế?

…Tôi gặp lại nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính ở thành cổ Quảng Trị. Ông vừa bay ở TPHCM ra qua ngả Huế. Thoáng thấy Đoàn Công Tính chắc phải ghìm nhịp bước lanh lẹ cố hữu của mình khi nhập với một nhóm người. Hai người đàn ông ngó hom hem bận quân phục cũ. Và một người phụ nữ ngó vẻ nông dân chất phác. Họ chầm chậm bước trước tượng đài cổ thành. Chắc Đoàn Công Tính đưa người nhà đi tham quan? Với lại ông này thì có lắm người biết? Nên tôi chỉ giơ tay chào thoáng qua…

Hai chiến sĩ ngày ấy- bây giờ

Buổi chiều điện thoại lại cho ông, tôi giật mình suýt kêu lên cứ như mình vừa qua cái cảm giác sáng nay vừa để tuột một thời khắc của lịch sử vậy!

Bởi trong nhóm người ấy, có hai chiến sĩ nhân vật của Đoàn Công Tính trong  Xung phong.

May mắn, tôi đã có được một cuộc gặp lại.

Người manh mảnh, nhỏ thó nhưng khá hoạt bát (ngồi gần Đoàn Công Tính) và người đang nói vào máy bộ đàm là ông Đỗ Đức Thắng đây. Ông Thắng quê Phúc Thọ, Hà Tây cũ. Vào chiến trường năm 1968.  Suốt 4 năm chiến trường chà đi xát lại đều mặt trận Quảng Trị cả. Trong trận đánh ác liệt ngay tại Bích La Đông, Triệu Phong - quê của  Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông bị thương nặng và được chuyển ra Bắc nằm ở Viện 5 Sơn Tây rồi chuyển về Khu điều dưỡng thương binh (khi ấy là Trại thương binh) của Hà Tây với thương tật 31% vĩnh viễn.

Khi đó có phong trào đón thương binh về làng. Thương binh Thắng  được đón về tại quê nhà Sen Chiểu, Phúc Thọ. Người em gái của một đồng đội từng chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị với Thắng đã để ý đến anh thương binh mới về làng. Rồi nên vợ nên chồng. Một thời gian sức khỏe khá lên, Thắng tham gia cấp ủy, được bầu làm Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sen Chiểu. Trong chuyện trò, dường như ông Thắng cố nói tránh đi những gian nan, tất tả cái thời trụ vững ở quê nhà để nuôi đàn con lít nhít 2 trai 3 gái nay đều phương trưởng, ngoan ngoãn. Ông nghẹn ngào khi nhắc đến những đồng đội hy sinh và luôn cho mình là người may mắn. Khoát tay chỉ vào những nhân ảnh mờ mờ phía sau bức hình, ông Thắng cho hay, họ đều hy sinh trong trận đánh năm 1970.

Gợi chuyện với người bên cạnh ông Thắng trong Xung phong, ông Hồ Minh Quang quê ở thôn 8, Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có hơi khó khăn. Nghe kém mắt mờ, nhưng ông Quang khá vui tính…  Hỏi thăm gia cảnh, ông thở dài rằng, mình chỉ ước ao có một cháu ngoại. Bởi ông đương là cha của 4 con giai.

 Ông Hồ Minh Quang  thời gian lăn lộn trận mạc thì suốt 8 năm 6 tháng toàn ở chiến trường Quảng Trị. Anh lính thông tin trung sĩ măng tơ có ánh nhìn sắc lạnh trước tuổi về phía kẻ thù, sau gần nửa thế kỷ nay là một ông lão gầy mảnh mắt mờ qua bao lần vết thương tái phát. Suốt 4 năm chiến trường Quảng Trị, ông Thắng và ông Quang luôn sát bên nhau khi cùng tiểu đội, trung đội, đại đội. Biết được địa chỉ của nhau, cái lần được tác giả bức ảnh mời ra Hà Nội tặng Xung phong, ông Thắng vui mừng viết thư cho bạn hẹn ngày ra Hà Nội tái ngộ để tao trao cho mày bức ảnh thời oánh nhau do chính nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhờ tao chuyển cho mày…

Người từ ảnh bước ra ảnh 1

Từ trái qua: Vợ ông Hồ Minh Quang, ông Hồ Minh Quang, ông Đỗ Đức Thắng, ông Đoàn Công Tính. Ảnh: Xuân Ba

Người từ ảnh bước ra ảnh 2
Người từ ảnh bước ra ảnh 3

Nụ cười thành cổ

Chuyến hội ngộ ấy chưa kịp diễn ra thì cả hai ông đều là khách mời đặc biệt của chương trình tri ân Hùng thiêng Đất Mẹ…

Còn người phụ nữ có cái cười rụt rè kia là vợ ông Hồ Minh Quang.  Sức khỏe kém nên ông Quang được đặc cách mang vợ đi cùng để tiện việc chăm sóc. Ánh nhìn ấm áp cùng động thái cài lại cái cúc áo cho chồng… Phải, bà đang là người hạnh phúc với chất giọng nghèn nghẹn khi vừa đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Quảng Trị về. Mần răng mà ác liệt rứa? Nội cái tỉnh ni nghe nói tới hơn bảy chục nghĩa trang. Đi viếng mộ liệt sĩ coi bia biết họ hy sinh hầu hết cùng cái tuổi năm 1949 với ông nhà tôi cả…

  

Chuyện đã dài với Đoàn Công Tính mà vẫn hơi thiêu thiếu. Dịp ấy, Đoàn Công Tính ra Hà Nội dự một triển lãm ảnh.

Này, nhân vật bức ảnh Xung phong của ông hình như đang còn sống…, một cựu binh của Trung đoàn 27 thì thầm với ông vẻ như không chắc… Đoàn Công Tính chưa nghe hết câu đã chồm lên Đúng không ? Ở đâu?

Thoáng nhanh những tình tiết bức ảnh Nụ cười Thành cổ.

Nụ cười Thành cổ đương được treo trang trọng trong Nhà truyền thống Thành cổ kia…

Người từ ảnh bước ra ảnh 4

Ông Đỗ Đức Thắng và ông Hồ Minh Quang là khách mời đặc biệt của chương trình tri ân Hùng thiêng Đất Mẹ

Đó là câu chuyện về người thương binh Lê Xuân Chinh. Theo lời kể của ông Đoàn Công Tính, bức ảnh được phóng to treo trong Bảo tàng Thành cổ và năm 2012 có người bạn cùng quê với anh Lê Xuân Chinh vào thăm Bảo tàng đã kêu to lên: “ Trời ơi, thằng Lê Xuân Chinh bạn cùng xóm với tôi kia kìa! Hiện hắn còn sống”.

Lần theo địa chỉ của cái người thảng thốt kêu ấy, Đoàn Công Tính biết được anh Lê Xuân Chinh còn sống thật và hiện ở tận Điện Biên. Chuyện anh Chinh đi xây dựng kinh tế mới Điện Biên thì dài… Anh Chinh bị thương phần mềm và bị sức ép của bom pháo khá nặng nên được đưa về tuyến sau điều trị rồi được trả về quê ở Thái Bình, không kịp nhận giấy chứng thương và các giấy tờ khác.

Vất vưởng nghề nông ở quê nhà Thái Bình, thường xuyên ốm đau quặt quẹo vì vết thương tái phát, anh Chinh tìm lên tận Điện Biên kiếm sống... Dằng dặc 30 năm, vô vàn những túng bấn xo xúi trong túp nhà tranh, con cái không ai học hết cấp 2, bản thân anh không có chế độ, chính sách gì…

 Và sự phát lộ năm 2012 ấy, với Nụ cười Thành cổ  cùng sự xúm tay của đồng đội và những cơ quan có trách nhiệm khác đã giúp anh Chinh làm được thẻ thương binh, được hưởng các chế độ, rồi sau đó được cấp nhà tình nghĩa…

Đoàn Công Tính gặp may? Có thể? Có thể là ông đã bất ngờ, trong khung cảnh chiến địa Quảng Trị ác liệt, chạm mặt với một tổ xung kích trong tư thế chuẩn bị (hoặc đang) chồm người trong tư thế xung phong. Góc độ cùng kỹ thuật ghi hình khoảnh khắc ấy cho phép hiện lên hai khuôn mặt mà hậu thế dẫu có lờ mờ nhưng sau một hồi căng nhỡn lực vẫn nhận ra đó là 2 anh lính Đỗ Đức Thắng và Hồ Minh Quang. Còn Hứa Kiểm? Cũng như Đoàn Công Tính, ông đã tinh nhạy gần bằng hoặc hơn khi chộp được khoảnh khắc cũng Xung phong của hai người lính xung kích đương dũng mãnh tung mình băng qua chiến hào. Tinh nhạy hơn, phải chăng bức Xung phong của Hứa Kiểm chỉ còn là hình khối cực ấn tượng của một kỹ thuật chụp khác kiểu hơi bị nhẩn nha chân dung với Đoàn Công Tính?

Áy náy bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây

Dân ảnh chuyên nghiệp thường căn cứ trên đường nét, hình khối của ảnh mà đọc thẳng ngay chất lượng cũng như kỹ thuật của tác giả? Nhưng có một thứ tri hình tri ảnh bất tri tâm?  Vẫn một phẩm chất người lính của Đoàn Công Tính gần như cố hữu ngay thẳng, rõ ràng khi gần đây ông thành thực trên một trang mạng.

  Bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây ông chụp cách đây 45 năm, ngày ông mới vào nghề phóng viên ảnh, một bức ảnh từng gây ấn tượng với độc giả nước ngoài. Có thể do kiểu chụp thiếu sáng, hay đúng hơn là chụp ngược sáng, nên cơ quan không cho lưu trữ. Nhưng vì tiếc công đi chụp, lại thấy tấm phim đẹp nên Đoàn Công Tính đã cuộn lại và cất trong tủ trong nhiều năm. Mãi đến năm 2002, ông in cuốn sách ảnh Khoảnh khắc, tấm phim mới được đem ra sử dụng. Và đến năm 2007, ông tái bản cuốn sách lần hai. Nhưng do phim bị ố vàng, phần thác nước trong ảnh bị mất. Người ta đã cứu tấm ảnh của Đoàn Công Tính bằng cách ghép phần thác nước khác vào.  Ông dễ dãi gật đầu. Bức ảnh in ra lần hai trong cuốn sách bắt mắt hơn lần đầu tiên. 

Năm 2014, Ban tổ chức Festival nhiếp ảnh báo chí quốc tế - Visa pour e’Image Perpignan, tổ chức hằng năm tại thành phố Perpignan, miền Nam nước Pháp, đã chọn bức ảnh in mới này của Đoàn Công Tính. Nhưng nhà nhiếp ảnh Đan Mạch Jorn Stjerneklar đã phát hiện ra bức ảnh lần hai và lần đầu tiên có sự khác biệt rất lớn ở phần phông cảnh - thác nước phía sau những người lính Trường Sơn. Ông đã tìm đến Đoàn Công Tính…

Với tinh thần cầu thị, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhận ngay sai sót của mình. “Đáng lý tôi phải tỉnh táo, nhạy bén hơn. Với kinh nghiệm hàng chục năm cầm máy, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải sai lầm ngớ ngẩn như vậy. Tôi thành thật xin lỗi công chúng và cũng mong mọi người thông cảm cho tôi, một ông già đã ngoài 70 tuổi, trí nhớ đã suy giảm”.

Chuyện chỉ có vậy mà khiến ông cứ dằn vặt…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.