Người tù Hỏa Lò địch vận “ông trùm” phòng nhì Pháp

Người tù Hỏa Lò địch vận “ông trùm” phòng nhì Pháp
TP- Người chiến sĩ cách mạng đó là bác Nguyễn Trọng Giao, giờ đã 80 tuổi và sống tại Hà Nội. Gần 60 năm trước, bác Giao bị Phòng Nhì Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Trải qua nhiều đòn tra tấn của kẻ thù, bác vẫn quyết không để lộ tung tích. Và khi đối mặt với tên trùm Phòng Nhì Pháp tại Hà Nội, bác Giao đã dùng lời văn của Victo Hugo để nói chuyện với hắn.

Thật bất ngờ, sau khi nghe những câu văn hùng hồn về chống chiến tranh, ca ngợi hòa bình của nhà đại văn hào Pháp, tên trùm Phòng Nhì này đã bị thuyết phục và đề xuất cấp trên trả tự do cho bác Giao.

Người tù Hỏa Lò địch vận “ông trùm” phòng nhì Pháp ảnh 1
Bác Nguyễn Trọng Giao (đứng bên trái nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) tại cuộc gặp mặt truyền thống lần thứ 15 của các chiến sĩ bị địch giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò

Vụ tiếp tế hy hữu trong tù 

Năm 1949, Nguyễn Trọng Giao công tác ở Ban địch vận Hà Nội.

Cuối năm đó, khi đồng chí Trưởng ban địch vận cũ nhận công tác vào vùng địch hậu, cấp trên đã cử đồng chí Vũ Kỳ về thay.

Công việc của bác Giao khi đó là phụ trách in tài liệu địch vận (chủ yếu là Pháp ngữ). Để tránh bị lộ, cơ sở in tài liệu này của ta được đặt tại Thanh Hóa, rồi sau đó được bí mật chuyển qua một số tỉnh để đưa về Hà Nội.

Trong quá trình hoạt động, bác Giao nhiều lần tiếp xúc với đồng chí Vũ Kỳ. Biết cấp trên từng là một cựu tù kiên cường, mưu trí của nhà tù Hỏa Lò nên những lúc rỗi bác Giao thường hỏi chuyện đồng chí Vũ Kỳ về những kinh nghiệm đối phó với địch trong tù.

Đồng chí Vũ Kỳ đã kể nhiều chuyện, trong đó có một kinh nghiệm làm bác Giao nhớ nhất: “Khi vào tù, điều quan trọng nhất là phải giữ sức khỏe. Mà muốn giữ sức khỏe thì phải ăn. Nhưng người tù không phải lúc nào cũng được ăn, thí dụ như có những lúc địch đánh đập, hỏi cung mà ta không chịu cung khai thì chúng thường tức giận và bỏ đói. Vì thế mỗi khi ăn nên bớt lại một phần để phòng những lúc như vậy còn có mà ăn”.

Đồng chí Vũ Kỳ còn nói thêm: “Đối với người tù, không có một vật dụng nào là không có tác dụng. Vì vậy, nếu có điều kiện thu thập được cái gì thì nên tìm cách giấu đi vì thể nào cũng sẽ có lúc dùng đến”. Những kinh nghiệm ấy về sau thật đắc dụng đối với bác Giao.

Tháng 3/1952, trong một lần vào nội thành Hà Nội hoạt động, bác Giao bị một tên phản bội chỉ điểm cho Cơ quan Phòng Nhì của Pháp bắt. Khi bị đưa vào nhà tù Hỏa Lò đã 12 giờ trưa, bác hỏi tên cai tù: “Sao trưa rồi mà không cho tôi ăn?”. Nghe vậy tên cai tù trố mắt nhìn bác Giao (lúc này mặc complet, sơ mi trắng, đeo cà vạt), vì không ngờ một thanh niên ăn mặc sang trọng như vậy mà lại đòi ăn cơm tù.

Sở dĩ bác Giao đòi ăn cơm là vì nhớ tới kinh nghiệm của đồng chí Vũ Kỳ phổ biến bữa trước là khi vào tù cần phải giữ sức khỏe. Tên quản tù nhếch mép cười: “Được, cứ về phòng giam rồi sẽ được ăn”.

Bác Giao bị đưa vào buồng số 3, xà lim án chém số 9 của nhà tù Hỏa Lò. Thời gian này, xà lim án chém số 9 do Cơ quan Phòng Nhì Pháp cai quản. Một lát sau, bác Giao được cho ăn cơm. Rồi trong vòng một tuần, chúng tiếp tục cho ăn mà không hề đả động gì đến việc hỏi cung bác Giao. Đây chính là một đòn tâm lý của chúng để tạo cho người tù tâm lý căng thẳng trước lúc bị hỏi cung.

Để đầu óc được thoải mái, bác Giao liên tục đi lại và quan sát xà lim mình bị giam. Phát hiện miếng thép tại khoang thông hơi trên cửa ra vào bị gỉ, bác Giao bèn trèo lên xem thì thấy bật ra một góc. Lay thử chỗ góc bị bật, bác Giao thấy bên trong ai đó đã giấu từ trước một cuộn dây gai mềm. Bác vội trèo xuống, thầm nghĩ đây sẽ là nơi giấu bớt cơm khoai hằng ngày để đề phòng lúc địch bắt nhịn đói thì còn có cái mà ăn.

Thế là hằng ngày, mỗi bữa ăn bác Giao lại bớt lại một phần để đựng vào trong đôi bít tất đã giặt sạch (mà bác giữ lại được) và giấu vào lỗ thủng trên khoang thông hơi. Đến bữa sau, bác lại ăn phần cơm này và bớt phần cơm mới  đem đi cất. Việc quay vòng này tránh cho cơm khỏi bị thiu, có thể dùng tới bất kỳ lúc nào nếu cần.

Bác Giao hồi tưởng lại: “Sau một tuần tôi bắt đầu bị hỏi cung. Và không hiểu sao người hỏi cung tôi đầu tiên lại là đại uý Goertz, Trưởng Phòng Nhì Pháp tại Hà Nội. Goertz tỏ ra là người có học, không xưng hô “mày tao” với tôi và thẩm vấn bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, tôi không chịu cung khai, Goertz bắt đầu để cấp dưới tra tấn và bỏ đói tôi. Lúc này, việc dự trữ cơm nói trên là phương sách rất hiệu quả giúp tôi không bị đói, qua đó giữ được sức khỏe để tiếp tục đối phó với kẻ thù. Và tôi cũng không ngờ rằng việc dự trữ cơm này còn khiến tôi tiếp tế được cho đồng đội ngay trong xà lim, một việc làm hy hữu, có khi là độc nhất vô nhị”.

Vào trung tuần tháng 5/1952, đột nhiên địch đưa 3 đồng chí của ta vào giam tại buồng số 5, cạnh buồng của bác Giao. Sau đó, chúng đưa 3 người đi hỏi cung, mãi trưa mới cho về và bỏ đói. Trước tình hình đó, bác Giao quyết định tiếp tế cho đồng đội, nhưng chưa biết bằng cách nào. Sực nhớ cửa sổ của hai phòng giam chỉ cách nhau khoảng 2 mét, mà phần lưới thép bên ngoài lâu ngày đã bị gỉ có thể thò tay ra ngoài được, bác Giao đã nghĩ ra cách tiếp tế.

Trước hết, bác lấy tất cả lượng cơm mình dự trữ được dồn cả vào một chiếc tất rồi dùng cuộn dây gai mình thấy bữa trước buộc chặt một đầu. Chuẩn bị xong, bác Giao bèn bày cách cho đồng đội thò tay ra ngoài cửa sổ buồng giam để nhận cơm. Sau đó, bác cầm đoạn dây gai dài chừng 2 mét (đầu kia buộc bít tất đựng cơm) rồi thò tay ra cửa sổ và bắt đầu quay. Tại cửa sổ bên kia, một đồng đội đưa tay ra ngoài để nhận chiếc bít tất đựng cơm trong quá trình quay sẽ mắc vào tay.

Tuy nhiên, sau khi nhận được chiếc bít tất đựng cơm, đồng đội của bác Giao lại tuột tay khiến phần cơm rơi xuống đất. Cũng may lúc đó là buổi trưa nên cai ngục không qua lại, nhưng ai cũng biết nếu để lâu tất địch sẽ phát hiện ra thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả việc 3 đồng đội bị nhịn đói. Trong tình huống cấp bách đó, thật may một đồng đội khác trong buồng giam đã kiếm được một đoạn dây thép để khều chiếc bít tất đựng cơm vào trong xà lim.

Địch vận cả “ông trùm” phòng nhì Pháp

Khi bị bắt, bác Giao biết cơ quan Phòng Nhì Pháp không có chứng cứ để buộc tội mình. Chính vì vậy từ đầu đến cuối, bác luôn thể hiện mình là một người được học hành, đồng thời cũng chịu khó buôn bán để lấy tiền học tập. Tuy nhiên, để đối phó với địch không phải là chuyện đơn giản, nên ngoài  dũng cảm chịu đựng mọi đòn tra tấn của kẻ thù, người chiến sĩ cách mạng còn cần cả sự mưu trí nữa.

Lần bác Giao bị Phòng Nhì Pháp tra tấn bằng quay điện, một phương thức tra tấn mà địch cho là rất hiệu quả. Một lần khi bị quay điện, do quá đau dẫn đến thiếu kiểm soát nên bác Giao đã bị phọt phân ra ngoài. Chúng vội dừng việc tra tấn lại, vì tất cả đều rất sợ bẩn.

Thấy vậy, bác Giao vờ cuống quýt cởi ngay quần dài lau chỗ phân bẩn khiến bọn chúng càng sợ. Nắm được điểm yếu của địch, nên những lần tra tấn bằng quay điện sau bác Giao vận dụng lại khiến bọn chúng thôi không tra tấn bác bằng phương pháp này nữa.

Sau một thời gian dài tra tấn không xong, mật thám Pháp đã bắt đầu tin bác Giao chưa hẳn là Việt Minh. Sau đó đại uý Goertz tiếp tục hỏi cung bác Giao. Goertz hỏi: “Lý do vì sao anh vào thành?”. Bác Giao đáp: “Việc không quân Pháp tăng cường đánh phá vùng Việt Minh kiểm soát đã làm tôi mất các điều kiện để kiếm sống và học hành nên tôi nghĩ về Hà Nội là tốt nhất. Ở đây tôi có các điều kiện tốt để kiếm sống và học hành. Hơn nữa nếu may mắn tôi còn có thể đi Pháp chữa bệnh viêm đại tràng mãn tính bị biến chứng”.

Đại uý Goertz tỏ ý không tin, bác Giao nói: “Nếu vậy, tôi sẽ xuất trình giấy chứng nhận bệnh tình của các bác sĩ đã cấp cho tôi”. Nói rồi bác kể tên một loạt bác sĩ người Pháp nổi tiếng ở Hà Nội cho Goertz. May mắn là trước kia bác Giao đã từng đi khám bệnh đại tràng tại phòng khám của các bác sĩ kia thật.

Sau cuộc hỏi cung trên, Goertz không dễ tin ngay. Những trận tra tấn lại tiếp tục. Xen giữa những trận đòn đó, Goertz lại hỏi cung bác Giao. Những lần gặp đó, bác Giao vẫn trả lời trôi chảy mọi điều, đồng thời luôn tỏ ra mình là người có học. Một lần sau cuộc hỏi cung, bác Giao hỏi Goertz: “Đại uý, bao giờ mới chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu này? Đây thực là một cuộc chiến tranh không những tàn khốc mà còn cực kỳ vô nghĩa, nó đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng thanh niên Pháp và Việt. Cho ai? Và để làm gì?”.

Thấy Goertz nhìn mình chằm chằm, bác lại hỏi: “Đại uý đã đọc Victo Hugo, đại văn hào Pháp, Hiệp sĩ của hoà bình thế giới chứ?”. Thấy Goertz ngồi im không trả lời, bác Giao bèn đọc một đoạn trong một tham luận nổi tiếng của Victo Hugo đã đọc tại Thượng viện Pháp để phản đối chiến tranh, ca ngợi hoà bình: “Hoà bình là đạo lý của văn minh, chiến tranh chỉ là tội ác. Sự chém giết dù hào nhoáng, huênh hoang và vương giả cũng chỉ là ô nhục. A, hãy cất cao tiếng thét của văn minh. Không! Không! Không! Ta không muốn lũ bạo tàn gây chiến cuộc, ta không muốn phường man rợ tàn sát dân. Ta không muốn cuộc chiến giữa dân tộc này với dân tộc khác, ta không muốn cuộc chiến giữa người với người…”.

Bác Giao còn đọc dài nữa những câu văn hùng tráng của Victo Hugo. Goertz im lặng ngồi nghe, trầm tư suy nghĩ rồi nói: “Cá nhân tôi, tôi trả tự do cho anh”. Bác Giao nói: “Cảm ơn đại uý trước”. Goertz nói: “Đừng cảm ơn trước. Điều đó do cấp trên của tôi quyết định”.

Sau cuộc gặp trên, được trên đồng ý, bác Giao đợi qua ngày Quốc khánh Pháp (14/7/1952) rồi viết một bức thư để Trưởng trại giam Hỏa Lò chuyển cho Goertz. Chẳng biết sau cuộc hỏi cung cuối cùng cũng như khi nhận được bức thư của bác Giao, Goertz đã báo cáo những gì với cấp trên mà đến ngày 21/7/1952, cơ quan Phòng Nhì Pháp đã trả tự do cho người chiến sĩ cách mạng này.

MỚI - NÓNG