Nhà có ba mẹ Việt Nam anh hùng

Má Mến với con gái thứ ba Lê Kim Hoàng Ảnh: Đ.V.H
Má Mến với con gái thứ ba Lê Kim Hoàng Ảnh: Đ.V.H
TP - Nhà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mến ở ấp 6, xã Tân Bình (Cai Lậy - Tiền Giang) nằm cặp mé rạch Bà Thửa. Anh Trần Văn Chuyền con rể thứ 5 của mẹ đang loay hoay bên trại sấy lúa, niềm nở hướng dẫn: "Cứ để đại xe bên này, ở đây không ai lấy gì đâu mà sợ. Tui bơi xuồng chở anh qua nhà..."

> Hướng về cội nguồn

Má Sáu Mến
Má Sáu Mến.
 

Chờ hài cốt chồng và con

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mến (Sáu Mến) năm nay ngoài 85 tuổi, nhưng đi đứng còn khỏe mạnh. Má cười móm mém nhưng phúc hậu, hỏi thăm, hệt như với con cháu thân quen từ xa đến thăm, má kể chuyện tỉ mỉ. Những bà má đất Nam bộ đâu cũng thế. Không khách sáo, không màu mè, dè dặt khách lạ.

Má Sáu Mến có 5 người con, thì hai con trai và chồng má đều là liệt sĩ. Cô con gái lớn Lê Kim Hoàng đang ở Mỹ Tho, còn chị thứ 5 Lê Thị Bé Năm là chủ căn nhà tôi đang ngồi. Quanh nhà với 2,5 công đất là vườn cây trái xum xuê, nhìn các vật dụng trong nhà cũng đủ thấy gia đình chị Năm đủ ăn.

Má kể, anh Lê Văn Mum (Lê Thanh Tâm) sinh năm 1948, thoát ly theo cách mạng từ năm 1961, thuộc Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 A tỉnh Mỹ Tho. Bị địch bắt trong trận đánh chống càn vào ngày 2-3-1963. Sau đó bị địch tra tấn dã man, đày qua các nhà tù Mỹ Tho, Chí Hòa, Côn Đảo. Ngày 23-3-1966 anh Lê Văn Mum hy sinh, vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang Hàng Dương với bạn tù chính trị.

Còn anh con thứ Lê Văn Đạt (Sương) sinh năm 1952, tham gia cách mạng tháng 1-1967. Anh Đạt là trinh sát Tiểu đoàn 261, hy sinh trong một trận công đồn giặc vào ngày 9-3-1969. Ngày anh Lê Văn Đạt cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày ông Lê Văn Chăn - chồng má, thoát ly theo cách mạng từ tháng 9-1945 - đã anh dũng hy sinh tại kinh Chà Là, tỉnh Kiến Tường cũ (nay là Long An).

Chồng và con trai má đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Người cha liệt sĩ ở đâu đó quanh khu vực kinh Chà Là, còn con trai nằm đâu đó trong xã Thiên Hộ - Cái Bè. Bản thân má Sáu Mến ngoài việc chôn chặt nỗi đau trong lòng, hằng ngày còn tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hai lần má Mến bị địch bắt, đánh đập rồi được thả vì "không làm gì được bà già Việt Cộng".

Năm 1995, má Sáu Mến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 1996, Cty Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang xây tặng má căn nhà tình nghĩa trong con hẻm nhỏ, thuộc Khu phố 1, phường 6, TP Mỹ Tho. Quanh quẩn ở phố thấy buồn, má Mến lại bắt xe đò về Cai Lậy sống với con gái thứ năm.

“Về đây cả tháng, thấy người khỏe ra, nhưng ra vô nhìn quanh vườn nhà, nghĩ đến chồng con đã hy sinh... thấy lòng buồn lắm”. Má kể hai lần được tỉnh cho ra Hà Nội dự lễ, nghỉ dưỡng vui chưa từng có. Cảm động đến giờ, đó là lần đầu tiên vào Lăng viếng Bác Hồ.

Tại một hội nghị má dự ở Hà Nội, mọi người đề nghị má hát một bài cho vui, má bắt nhịp bài hát thời kháng chiến khi đi vận động cứu tế Việt Minh, kêu gọi quân nhân theo giặc bỏ ngũ. Không một ai nhớ để hát phụ họa, một mình má cứ thế hát, khí thế ngất trời.

Chị Bé Năm nói: “Má tui có hai lần lên bàn mổ khối u trong người, nên sức khỏe không được như xưa. Vậy mà má vẫn yêu đời, liều thuốc bổ này có ích với má nhiều lắm”. Má bảo: Sống đã hơn 85 tuổi rồi, là sống giùm cho chồng con không được sống.

Chị Lê Kim Hoàng, 57 tuổi thương binh 3/4 là con gái thứ ba của má Mến hiện ở TP Mỹ Tho cũng thoát ly làm giao liên cho cách mạng từ năm 16 tuổi. Do có năng khiếu ca hát nên chị vào đoàn văn công tỉnh và theo nghề cho đến năm 1980 thì nghỉ hưu. Năm 1983 chị lập gia đình với Thượng tá Lê Tửu - Cán bộ Tuyên huấn Quân khu 9.

Nhắc chuyện gia đình, chị Ba Hoàng cho biết : Cả gia đình, dòng họ nội ngoại, rể dâu, con cháu tất cả đều làm cách mạng. Chỉ tính sơ bên ngoại đã có 3 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 20 liệt sĩ. Bên nội, do ba mất sớm nên thất lạc, ít gần nên chưa thể tính được. Má Sáu Mến còn được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Bữa cơm trưa có thịt kho mặn, có canh rau vườn nhà và cá kho tộ của chị Năm nấu, má Sáu Mến ép phải ăn cho hết. Má Sáu Mến dặn: "Sau này rảnh, nhớ chạy xuống đây ăn cơm với má để má sống tới một trăm tuổi nhen...".

Má Mến với con gái thứ ba Lê Kim Hoàng Ảnh: Đ.V.H
Má Mến với con gái thứ ba Lê Kim Hoàng. Ảnh: Đ.V.H.
 

Mẹ anh hùng sinh con anh hùng

Mẹ ruột của má Sáu Mến là cụ Nguyễn Thị Hiển sinh năm 1898, tại ấp 6, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Bến đò ngang qua Rạch Bà Thửa của nhà má Sáu Mến chính là căn nhà cũ của cụ Hiển trước đây. Nay người con trai út Trần Văn Bình (Mười Lớn) đang ở và thờ tự.

Năm 1916, cụ Hiển lập gia đình với ông Trần Văn Hoanh sinh năm 1896 người cùng ấp. Ông bà đã sinh hơn 10 người con, trừ những người mất từ lúc còn nhỏ thì còn 6 trai, 3 gái. Cụ Nguyễn Thị Hiển có 3 người con liệt sĩ. Con trai lớn Trần Thanh Liêm, sinh năm 1929, tham gia cách mạng đơn vị tỉnh đội Mỹ Tho, hy sinh ngày 9-11-1967 trong một trận chống càn, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Người con trai kế là ông Trần Văn Thanh sinh năm 1932, nguyên là xã đội trưởng xã Tân Bình, huyện Cai Lậy. Trong một trận chống càn tại quê nhà ngày 2-10-1969 ông đã chiến đấu và hy sinh. Người con gái út là bà Trần Thị Minh (Út Xiếu), sinh năm 1940 là Tiểu đội trưởng Hậu cần tỉnh đội Mỹ Tho đã hy sinh trên đường đi công tác vào ngày 1-2-1970. Chồng của bà Út Xiếu cũng là một cán bộ, hy sinh trước đó không lâu.

Sinh thời, cụ Hiển đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay sau nhà và thường xuyên tiếp tế cho cách mạng. Căn hầm bí mật vẫn còn đến giờ như một di tích nhỏ của gia đình cách mạng. Tại đây, trong lần địch đi càn, một cán bộ đã tung lựu đạn tiêu diệt mấy tên địch rồi thoát hiểm an toàn. Cụ Hiển còn là Hội trưởng Hội mẹ tiếp tế Việt Minh, con gái cụ là má Sáu Mến là Hội trưởng Hội chị tiếp tế Việt Minh.

Gia đình của cụ Hiển là một gia đình của các liệt sĩ. Người con gái đầu lòng của cụ là bà Trần Thị Đấu, là một phụ nữ trung kiên, đảm đang. Chồng bà Đấu là ông Lê Văn Cưỡng- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường (nay là Long An) bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Bà Đấu kiên cường cho hai con là Lê Văn Điểm và Lê Thị Tám tiếp gót cha anh chiến đấu hy sinh để trả thù nhà, nợ nước.

Con dâu thứ tư của cụ Hiển là bà Đặng Thị Biểu sinh năm 1920 ở ấp Cầu Dừa, xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy. Bà Biểu có 5 người con (4 trai, 1 gái) thì cả 4 con trai đều tham gia cách mạng. Ba người con của bà là liệt sĩ, trong đó còn một anh chưa tìm thấy hài cốt.

Ngày 17-12-1994 bà Đặng Thị Biểu được Nhà nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cùng đợt với mẹ chồng là cụ Nguyễn Thị Hiển. (Cụ Hiển mất tháng 9-1973. Năm 1994, cụ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng).

Trong gia đình cụ Hiển còn có con gái thứ bảy là bà Trần Thị Ngộ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Tám và con gái là liệt sĩ Nguyễn Thị Dung. Có người con trai là anh Nguyễn Văn Tràng bộ đội Tiểu đoàn 281- Mỹ Tho. Một lần đi công tác, anh nhớ má Ngộ nên tạt qua nhà thăm, bị trúng đạn nên chết không được công nhận là liệt sĩ.

Như vậy, gia đình của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiển có đến 3 người là Mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Hiển, con gái - má Sáu Mến, con dâu - bà Biểu) với trên 20 liệt sĩ là con cháu, dâu rể...

Cựu binh Mỹ tìm mẹ Hiển

Theo nhà văn quân đội Đậu Viết Hương (Tám Hương), có một cựu binh Mỹ trở lại Mỹ Tho tìm ông xin một số tư liệu để viết về những bà mẹ Việt Nam. John - người cựu binh từng tham chiến tại chiến trường Mỹ Tho, đặc biệt là vùng Cai Lậy - cho biết, từng làm nhân viên CIA đến Việt Nam vào những năm 1965-1968 trong chiến dịch tìm và diệt. Nhiệm vụ của John chủ yếu là lập hồ sơ các gia đình có thân nhân theo Việt Cộng.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Hiển ở Cai Lậy có 9 người con là cả 9 người cầm súng chống lại Mỹ. John cho biết, từ chỗ kính trọng đến kính sợ khi biết rằng bà Hiển- cụ già 70 tuổi - cũng là một Việt Cộng.

Cựu binh Mỹ đã hỏi thăm rất nhiều về bà Mến và các con bà, để viết về những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Quê hương Cai Lậy, Tiền Giang giờ đã thay da đổi thịt, cuộc sống xã hội đã bớt phần khó khăn. Nhưng vết thương lòng của những bà Mẹ Việt Nam anh hùng không thể nguôi ngoai.

Mỹ Tho, tháng 7-2011 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG