Những chuyện ít biết về hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B - Kỳ 2

Những chuyện ít biết về hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B - Kỳ 2
TP - Trong  hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B, không chỉ có sơ yếu lý lịch, thẻ đoàn viên, đảng viên… mà dường như còn có lửa. Thứ lửa mà thượng sỹ Nguyễn Trung Hiếu đã nói với Frederic Whitehust khi ngăn viên sỹ quan người Mỹ này đốt cuốn nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm: “Bản thân trong nó đã có lửa”…

>> Kỳ 1: Một buổi chiều, ba người đàn ông khóc

Những chuyện ít biết về hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B - Kỳ 2 ảnh 1
Một góc trong hồ sơ đi B của nhà văn Anh Đức

Kỳ II: Lửa xuân thời đạn bom

“Tôi không sợ chết, chỉ sợ không xứng đáng…”

Trong rừng tài liệu  Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (TTLTQGIII) tôi may mắn tìm được hồ sơ đi B của nữ nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Chiều hôm ấy, tôi lật giở từng trang và  bỗng gai người khi đọc những dòng trong

Đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu”:

“Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu.

Tình hình đế quốc Mỹ  ngày càng ngang ngược đẩy mạnh cuộc chiến tranh ăn cướp của chúng ở miền Nam và gần đây chúng liên tiếp cho máy bay bắn phá miền Bắc, là một thanh niên, tôi đã tình nguyện ghi tên đăng ký Ba sẵn sàng. Nhưng nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất. Xin các đồng chí hiểu cho tôi! Đã từ lâu, tôi mong ước vô cùng được vào miền Nam chiến đấu…

Tôi năm nay 24 tuổi , hoàn toàn khỏe mạnh, đã mười năm nay không ốm đau, không có bệnh tật gì. Trong suốt 8 năm kháng chiến (từ 1946 đến 1954)  tôi đã quen với bom đạn và những trận càn quét tấn công của thực dân Pháp. Dạo đó, tôi hoạt động thiếu nhi. Hòa bình lập lại, tôi đi học và đã từng làm Bí thư chi đoàn trường Trưng Vương.

Tôi làm báo từ tháng 2/1961 đến nay đã được bốn năm. Như vậy, nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi v…v. Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ.

Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nếu Đảng gọi tôi “vào Nam chiến đấu”, tôi xin có mặt ngay mà không cần một phút giây nào thu xếp. Tôi không có một vương vấn, vướng víu nào cả...”.

Nguyện vọng được vào miền Nam chiến đấu cháy bỏng là vậy, nhưng đằng sau lá đơn ấy ít ai biết nhà văn  Dương Thị Xuân Quý đang nuôi con nhỏ trong khi chồng – nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ở chiến trường B. Có đủ  lý do chính đáng để người phụ nữ ấy ở lại Hà Nội, nhưng Xuân Quý đã gửi lại cô con gái nhỏ vừa cai sữa cho bà ngoại và lên đường.

Cả hai vợ chồng Dương Thị Xuân Quý cùng chung một cơ quan – Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, nhưng thời gian họ được ở bên nhau rất ngắn ngủi vì thường xuyên đi công tác. Bao nhiêu gian nan nguy hiểm nữ nhà văn này đều vượt qua, chỉ nỗi nhớ con là nặng trĩu hằng đêm. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết những câu này tặng vợ: “Anh hiểu lắm em ơi; Một người mẹ lên đường ra trận; Vượt đỉnh Trường Sơn; Còn dễ hơn; Vượt qua nỗi  nhớ con thăm thẳm”.

Thế rồi, đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1968, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh trong một trận càn của địch ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Trớ trêu thay, trước đó một ngày, nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa sáng tác “Bài thơ tình yêu” với những câu sau đó được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc như: “Cuộc đời vẫn đẹp sao; Tình yêu vẫn đẹp sao; Dù đạn bom man rợ thét gào; Dù cách xa hai ngả đường chiến dịch; Ta vẫn cùng chung nhau một mảnh trăng ngần...”.

Từ thành phố Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc đọc cho tôi nghe những câu trên qua điện thoại với giọng trầm buồn, dường như ký ức về  cái ngày đau thương ấy lại ùa về: “Thôi em nằm lại ở đất lành Duy Xuyên; Trên mồ em có mùa xuân ở mãi; Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”.

Hơn 30 năm qua, ông Bùi Minh Quốc bỏ công đi tìm kiếm, góp nhặt những tư liệu và tác phẩm của vợ mình để xuất bản cuốn Hoa rừng và tới đây là Tuyển tập Dương Thị Xuân Quý. Nhưng có  một tài liệu mà ông chưa tiếp cận được vì chẳng biết ở đâu, đó là hồ sơ đi B của nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Khi tôi thông báo hồ sơ đó đang ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, giọng ông Quốc vui hẳn: “Nhất định tôi sẽ đi xin lại hồ sơ đó”.

Hồ sơ đi B của Sao Mai - Đặng Thùy Trâm

Những chuyện ít biết về hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B - Kỳ 2 ảnh 2
Lá đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu của nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Những nét chữ nhỏ gọn trên nền giấy úa vàng đã nằm im trong kho lưu trữ hơn 30 năm nhưng dường như vẫn toát lên thứ ánh lửa của lý tưởng tuổi trẻ. Thứ lửa vẫn ẩn chứa trong số hơn bảy vạn hồ sơ lẫn kỷ vật của cán bộ đi B ở TTLTQG III và dĩ nhiên có trong hồ sơ của liệt sỹ- bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Hồ sơ của Đặng Thùy Trâm gồm các tài liệu  như sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, lý lịch đoàn viên, giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, giấy giới thiệu đối tượng Đảng…

Trải qua thời gian, các giấy tờ (giấy in rônêô) đã ngả sang màu vàng nhưng vẫn rõ những hàng chữ nghiêng, mềm mại. Nó giống hệt nét chữ trong cuốn nhật ký đã làm tên tuổi Đặng Thùy Trâm trở nên nổi tiếng.

Theo hồ sơ, Đặng Thùy Trâm còn có biệt danh là Sao Mai, sinh ra và sống những năm tuổi thơ gian khó trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại miền quê Thanh Hóa. Ngay từ thời niên thiếu, chị đã vô cùng căm thù giặc khi chứng kiến cảnh vùng quê Hậu Lộc bị máy bay địch ném bom.

Những lời tự thuật trong lý lịch và các nhận xét của chính quyền, đoàn thể đã toát lên hình ảnh Đặng Thùy Trâm như một người con gái nhân hậu, một người bạn chân thành với bạn bè, một bác sỹ  có tấm lòng cao cả. Chỉ cần đọc qua hồ sơ đi B của chị cũng có thể hiểu vì sao Đặng Thùy Trâm lại viết nhật ký hay và xúc động đến như vậy.

Hồ sơ đi B đó nằm ở trong kho lưu trữ hơn 30 năm và mới được trao lại cho mẹ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm trong thời gian gần đây.

Bà Quách Thị Thư đưa ra một danh sách hồ sơ cán bộ đi B và tôi tình cờ thấy tên Bùi Đức Ái với bí danh Anh Đức – nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như Hòn Đất”, Một chuyện chép ở bệnh viện . Hồ sơ của ông vẫn còn thẻ đảng viên, tờ khai lý lịch và cả quyết định điều động công tác (đi B) do nhà văn Nguyễn Đình Thi thay mặt Đảng, Đoàn Hội nhà văn Việt Nam ký ngày 6/4/1962.

Một phần sử quan trọng của đời mình vẫn nằm ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III mà dường như nhà văn Anh Đức vẫn không hay biết? Tôi tìm được số điện thoại và gọi vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhà văn Anh Đức. Đầu dây bên kia, vợ nhà văn Anh Đức – bà Trần Phúc Mộng Loan cho biết chồng mình vừa trải qua một cơn tai biến mạch máu não, sức khỏe vẫn còn yếu, nói chuyện rất khó khăn.

Nhưng khi nhắc đến chuyện đi B, giọng bà Loan  trở nên nồng nhiệt: “Tôi cũng là cán bộ đi B, hồ sơ vẫn còn bị thất lạc chưa tìm thấy. Tôi và nhà tôi hứa hôn ở Hà Nội rồi cả hai đi B và cùng làm đám cưới ở chiến khu miền Đông Nam Bộ…”.

Nhà văn Anh Đức cầm lấy ống nghe, có vẻ như mấy từ “hồ sơ cán bộ đi B” đã khiến tác giả của Hòn Đất chẳng thể ngồi yên dù vừa trải qua một cú sốc lớn về sức khỏe. Ông nói: “Tôi đi B năm 1962 và đến năm 1964 thì viết được tiểu thuyết Hòn Đất. Sau này giải phóng miền Nam hồ sơ của mình không biết ở đâu. Tôi muốn tìm lại nó như một kỷ niệm của đời mình”.

Rồi đây, một ngày nào đó chắc hẳn bà Loan sẽ ra Hà Nội để tìm lại một thời tuổi trẻ của hai vợ chồng trong hai bộ hồ sơ đã thất lạc hơn 30 năm nay.

Kỷ vật của cán bộ đi B: Xử lý ra sao?

Những chuyện ít biết về hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B - Kỳ 2 ảnh 3
Ông Trương Quang Quyền đã tìm được hồ sơ đi B của anh trai mình

Nhưng còn  hơn 7 vạn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B  ở TTLTQG III, làm thế nào để trao trả hết?

Ông Nguyễn Minh Sơn - phó giám đốc TTLTQG III -  cho biết: “ Hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B trước đây thuộc quyền quản lý của Ủy ban thống nhất Chính phủ và sau đó được chuyển giao cho TTLTQG III. Năm 2004, chúng tôi lập đề án giải quyết hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B. Theo đó, trước mắt Nhà nước sẽ cấp tiền để chỉnh lý khối tài liệu này”.

Nhờ sự chỉnh lý đó, giờ đây  chỉ cần đánh tên và quê quán của cán bộ đi B lên máy tính được kết nối với hệ thống phần mềm tra tìm tự động của TTLTQG III,  kết quả  hiện ra ngay tức thì.

Buổi sáng hôm ấy, trong gian triển lãm hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi đã tận mắt chứng kiến ông Trương Quang Quyền ở 10B Ngọc Hà (Hà Nội) đánh tên người anh ruột Trương Quang Lộc quê huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) lên màn hình vi tính. Chỉ giây lát, máy tính  thông báo đã tìm thấy hồ sơ của ông Trương Quang Lộc.

Cho dù việc tìm kiếm đã trở nên tiện lợi, nhưng vẫn còn rất nhiều người không biết hồ sơ, kỷ vật đi B của mình, hay của bố, của anh mình… đang nằm ở TTLTQG III để đến nhận. Và lại có những người dẫu có biết cũng chẳng có điều kiện từ Cần Thơ, Cà Mau… ra Hà Nội mà dò tìm hồ sơ trên máy vi tính.

Bà Phạm Thị Bích Hải – Phó giám đốc TTLTQG III, cho biết: “Sắp tới chúng tôi có thể sẽ gửi danh sách hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B về  quê của họ và đề nghị Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh đó thông báo tới những địa chỉ cần thiết”.

Bên cạnh khối hồ sơ khổng lồ, hiện nay TTLTQG III còn giữa một số tiền tiết kiệm và vàng của cán bộ đi B gửi lại. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, trao trả số tiền vàng này như thế nào là cả một vấn đề và trước hết Nhà nước cần cho một hướng giải quyết.

Sẽ còn nhiều cuộc tìm kiếm và trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B. Mong rằng căn phòng của ông Nguyễn Tiến Định sẽ vẫn đầy nước mắt, nhưng là nước mắt của những cuộc hội ngộ và ký ức hào hùng, như tôi từng chứng kiến trong buổi chiều hôm ấy.

MỚI - NÓNG