Những cuộc đời vọng cổ

Những cuộc đời vọng cổ
TP - Có câu thơ quen thuộc về nghệ sỹ cải lương: “Người vô cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh quang lẫn đoạn trường”. Nhưng nhiều người trong số họ, cuối đời vẫn cứ đoạn trường, như thể câu vọng cổ buồn đeo đẳng mãi…

> Cô bán chiếu thành Nghệ sĩ nhân dân
> Chàng trai Bắc đoạt 'Chuông Vàng Vọng cổ' miền Nam

Mở quán nhậu

Con hẻm bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở khóm 4, phường 7 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có các quán cải lương của nghệ sĩ Đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng). Đó là quán Nghệ sỹ Linh Tuấn-Thanh Kim Hiền của vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn- Thanh Kim Hiền, quán Ca cổ 9999 của vợ chồng nghệ sĩ Vương Tuấn- Kiều Loan.

Các nghệ sỹ của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) mở loạt quán ca cổ Công Tràng, Ngân Trinh- Mạnh Tường, Lệ Mỹ, Hoài Cổ…trải dài theo con đường từ trung tâm TP Bạc Liêu đến Cầu Xáng. Còn con đường Nguyễn Du ở phường 5 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có lúc được người dân gọi là con đường nghệ sĩ, vì có loạt quán nhậu của nghệ sĩ Đoàn cải lương Hương Tràm.

Nghệ sỹ Minh Sang 67 tuổi, đã vô rừng trồng tràm
Nghệ sỹ Minh Sang 67 tuổi, đã vô rừng trồng tràm .

 Khi tôi nói sắp bán nhà trả nợ, mấy đứa khóc như mưa, không ăn uống gì. Tôi hứa, khó quá đành bán nhà, nhưng nếu mở quán khác sẽ mời tất cả đến kiếm cơm, kiếm cháo

NSƯT Minh Sang

NSƯT Minh Sang của Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) mở quán Minh Sang trên đường Nguyễn Du, kể: “Người dân ĐBSCL ai cũng biết đờn ca vọng cổ. Các đoàn cải lương chuyên nghiệp lần lượt giải tán hoặc hoạt động lay lắt, nghệ sĩ tự cứu mình bằng cách mở quán. Nhưng quán ế lắm, có ngày chỉ được vài bàn khách, không đủ chi phí”.

Nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh có thời là thần tượng trong giới mến mộ. Thế rồi quán ca cổ khá sang trọng mọc lên ở phường 8 (TP Cà Mau) với chương trình rôm rả “Cùng hát với nghệ sĩ Minh Cảnh”. Được một thời gian, quán ế, nghệ sỹ Minh Cảnh bị người ta đòi tiền mà ông đã vay để mở quán.

Họ tìm ông không khác thời săn tìm thần tượng; chỉ khác hồi nào Minh Cảnh rạng rỡ phấn son, còn sau này buồn rười rượi. Sau đó, “Minh Cảnh được một người bạn bên Mỹ mời sang, bao trọn gói, để hát trừ nợ. Nhưng hát không nhiều người nghe nên mắc kẹt, không biết làm sao có tiền về nước” – nghệ sỹ Minh Sang nói.

Hát đám ma, chạy xe ôm

Nghệ sỹ Chính Quý, tên thật là Lê Thanh Quý, 64 tuổi, ngụ khu vực 8, phường Hiệp Thành (TX Ngã Bảy, Hậu Giang) quê gốc Khánh Hòa, lên 9 tuổi bắt đầu học đàn theo nghiệp ca hát của cha mẹ, tham gia nhiều đoàn hát như Hương Biển, Kim Chung, Nha Trang… Năm 1971, một lần đi hát, ông gặp nghệ sĩ Đỗ Thị Tuyến ở đoàn hát Kim Chung, và nên vợ nên chồng.

Năm 1994, gia đình ông vào sinh sống tại Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ông chơi được đàn cò, guitar, violon, tranh, kìm, bầu… Gia đình ông sống trong ngôi nhà lá chừng 40 m2, ven sông, bên trong treo nhiều huy chương, bằng khen thưởng thành tích văn nghệ.

Gia đình ông Chính Quý hát đám ma từ năm 2000, cả vợ chồng và hai con. Ông cho biết, mỗi đám ma, phục vụ một ngày đêm là 1,5 triệu đồng, thấy nhà nào nghèo ông cúng lại 500 ngàn.

Bà Đỗ Thị Tuyến kể: “Có khi người ta kêu hai ba đám cùng lúc làm không xuể, trong khi tôi và chồng tuổi già, sức khỏe lại yếu. Có khi hai ba tháng trời không ai kêu”.

Ông Phạm Thanh Hùng ôm đàn khi vắng khách đi xe ôm. Ảnh: Hòa Hội
Ông Phạm Thanh Hùng ôm đàn khi vắng khách đi xe ôm. Ảnh: Hòa Hội.

Ông Phạm Thanh Hùng, 50 tuổi, ở xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), cũng hát cải lương từ tuổi 13. Bây giờ, cuộc sống gia đình ông nghèo. Hàng ngày, ông chạy xe ôm hoặc phụ vợ - biên đạo múa Thúy Hằng - bán cà phê. “Những lúc buồn, rời xe ôm, tôi ôm đàn guitar hát vài bài cho đỡ ghiền”, ông Hùng nói.

Còn NSƯT Minh Sang ở cái tuổi 67, không còn hát được, cũng ít người mời đóng phim, nên ông giao lại quán nhậu cho vợ quán xuyến. Ông vào rừng trồng tràm, nuôi cá đồng ở U Minh hạ. Tìm ông trong rừng tràm ở ấp 16, xã Khánh Thuận (U Minh, Cà Mau), ông khoe là theo cải lương từ lúc 14 tuổi, được thương mến nên Lâm ngư trường Sông Trẹm giao mấy chục ha để trồng rừng, nuôi cá. Ngồi trong căn chòi, ông dõi mắt nhìn xa: “Tôi chỉ còn chút này, quán ca cổ đang kiếm người bán vì con cái đứa trốn nợ, đứa vỡ hụi…”.

Hơn chục nữ ca sĩ cải lương và nhạc công nghe tin ấy, rất buồn. “Hôm trước, tôi nói sắp bán nhà trả nợ, mấy đứa khóc như mưa. Tôi hứa, khó quá đành bán nhà nhưng có mở quán khác sẽ mời tất cả đến kiếm cơm, kiếm cháo”, ông thở dài, nước mắt ứa ra.

Tình nghệ sĩ, nghĩa vợ chồng

Những câu chuyện đời thường ấm áp và tình nghĩa cũng khiến cuộc sống về chiều của nghệ sỹ cải lương bớt phần buồn thương.

Khán giả của các đoàn cải lương Kim Chung, Phương Dạ Thảo, Cao Văn Lầu, Hương Tràm hẳn còn nhớ hề Ốc. Ở tuổi 69, danh hề Ốc bị bệnh nặng, sống trong căn nhà thuê ở phường 8 (TP Cà Mau), được người chạy xe ôm đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Gia đình NSƯT Minh Sang, Hồng Chi, Tuấn Liêm…thay nhau vào viện chăm sóc. Nhưng sau 3 ngày, danh hề Ốc qua đời.

Hai nghệ sĩ Minh Sang, Tuấn Liêm vừa thông báo cho bạn bè vừa chạy xin quan tài, đứng ra tổ chức đám tang. Danh hề Ốc có vợ và con ở TP Hồ Chí Minh mà không liên lạc mấy chục năm, trên đường lưu diễn, ông gá nghĩa vợ chồng với người phụ nữ nghèo ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Về già, ông đi hát đám ma, đám cưới, vợ ông bán bún trên đường Nguyễn Du, phường 5 (TP Cà Mau). Cuộc sống nghèo và cô đơn.

Đám tang của danh hề Ốc tổ chức tại Đoàn cải lương Hương Tràm. Bạn bè nghệ sĩ, người hâm mộ phúng viếng được hơn 10 triệu đồng, đủ trang trải đám tang, rồi thiêu, lấy cốt đem vô chùa.

Nghệ sĩ Minh Sang cho biết: “Tôi có dịp họp mặt với anh em nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh, kể chuyện danh hề Ốc qua đời thì người vợ lớn đã đến Cà Mau mang di ảnh, cốt về thờ cúng. Thấy vậy cũng ấm lòng”.

Vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh. Ảnh: Tiến Hưng
Vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh. Ảnh: Tiến Hưng.

Nghệ sĩ Lý Minh (Lê Công Minh) ở phường 7 (TP Sóc Trăng) đã 74 tuổi. Lúc tôi đến, ông đang nằm võng, nghe cải lương qua chiếc radio nhỏ. Ông lụm cụm đứng dậy đón khách: “Sáng sớm, bà nhà tôi sang quán nghệ sĩ Linh Tuấn, chút nữa về!”.

Ông sinh ra trong gia đình cha mẹ không hòa thuận, thành ra mồ côi, phải đi ở đợ. Ham ca hát nên 14 tuổi, ông theo đoàn cải lương, cứ đoàn này giải thể lại tìm đoàn khác và cuối cùng về Đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng).

Năm 2001, Chuông Vàng giải thể, anh em nghệ sĩ tứ tán. Vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh lãnh “một cục” hơn 10 triệu đồng, cộng với bạn bè giúp đỡ mua được miếng đất, hai người hàng xóm hai bên cho ké bức tường, dựng căn nhà gỗ, lợp thiếc. “Tủ, bàn, ghế, giường đều anh em cho cả. Cất nhà rồi không điện thì điện lực cho, không nước thì bên cấp nước cho”, ông cười hể hả.

Đang nói chuyện, nhân viên cấp nước gõ cửa kêu đóng 5.000 đồng. Nghệ sĩ Lý Minh bước ra cửa, nói: “Chú em dám lấy 5.000 đồng nghen”. Anh nhân viên cấp nước mau mắn: “Có tiền thì đưa, không thì để đó, ai dám đòi ông”. Nghệ sĩ cười để lộ hàm răng xiêu vẹo, ám vàng khói thuốc.

Thôn nữ Nguyễn Thị Nguyệt, mê Lý Minh, theo đoàn hát nấu cơm. Họ thành vợ chồng, từ son trẻ đến già không có con. Nhưng ông tâm đắc: “Không ai tốt bằng vợ tôi, bao năm gian khổ đều thủy chung, son sắt, không so đo”.

Quán nghệ sỹ Linh Tuấn-Thanh Kim Hiền
Quán nghệ sỹ Linh Tuấn-Thanh Kim Hiền .

Nghệ sĩ Linh Tuấn- Thanh Kim Hiền (Sóc Trăng) mở quán ca cổ, trả công giúp việc nhà cho vợ của nghệ sỹ Lý Minh mỗi tháng 500.000 đồng nhưng thực ra, bao chuyện ăn uống cho vợ chồng nghệ sỹ già.

Hai buổi sáng chiều, bà Nguyễn Thị Nguyệt đi làm về, mang theo tô cơm, ít thức ăn cho chồng. Ông Lý Minh kể: “Nhiều lúc, ăn miếng cơm vợ mang về hơi buồn nhưng cũng vui vì thấy cái tình nghĩa vợ chồng và tình đồng nghiệp còn ấm áp”.

Vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn- Thanh Kim Hiền cùng hơn chục cô ca sĩ cải lương gọi vợ chồng nghệ sĩ Lý Minh là ba má. Bà Nguyệt không hề buồn trách cuộc sống bần hàn hiện tại: “Xóm này ai cũng tốt, thấy vợ chồng tôi đi đường, cho quá giang đỡ tốn tiền. Lại may nhờ trời cho sức khỏe, phụ giúp vợ chồng Linh Tuấn để kiếm sống. Chỉ lo sắp tới mùa mưa rồi, làm sao lợp lại mái nhà cho đỡ dột, mỗi khi mưa xuống, vợ chồng già không còn phải ngồi nhìn nhau chờ mưa tạnh, khổ lắm”. Bà cười nhẹ nhàng dưới mái thiếc cũ sét, lốm đốm trời xanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG