Những nốt lặng trong Công viên lịch sử văn hóa

Những con dê vào công viên lịch sử văn hóa. Ảnh: T.N.A
Những con dê vào công viên lịch sử văn hóa. Ảnh: T.N.A
TP - Đại công trình mang tên Công viên lịch sử văn hóa dân tộc TPHCM được xem như một trong những công trình làm thay đổi diện mạo của thành phố phương Nam. Nhưng công trình như nàng công chúa còn say nồng giấc ngủ giữa rừng xanh.

Vắng lặng

Công viên lịch sử văn hóa dân tộc được ưu tiên xây dựng trên một ngọn đồi đất tự nhiên độc đáo hiếm có của TPHCM. Đây cũng chính là điểm tự nhiên cao nhất của thành phố. Sự vắng lặng của công viên thật dễ nhận ra bởi ngay gần đó là Khu du lịch Suối Tiên, một khu du lịch xã hội hóa, diện tích hơn 100ha, nhưng mỗi năm đón 4,5 triệu lượt khách du lịch khắp nơi đổ về. 

Khi tôi ghé vào Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, một công trình được xem là “vĩ đại” do nhà nước đầu tư quản lý vận hành thì cửa công viên chỉ là một thanh chắn nằm trên cao, cái chòi bảo vệ đóng kín không ai trực. Trên con đường đi vào khu công viên lịch sử văn hóa, chỉ thấy vài người bán dạo đi vào rồi lại đi ra vì họ cũng chẳng tìm thấy được vị khách nào.

Công trình lịch sử văn hóa được chủ trương xây dựng từ năm 1992 nhưng đến nay vẫn mới chỉ hoàn thành được một hạng mục chính là Đền tưởng niệm các vua Hùng (khánh thành từ năm 2009) và các công trình mang tính phụ trợ như cổng, đường sá, ao hồ. Năm 2015 mới khởi công thêm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. 

Các công trình thu hút sự tham quan vui chơi khác vẫn còn nằm trên giấy, như: Quảng trường Độc lập và đài Thống nhất, Khu tái hiện các thời kỳ lịch sử cận đại, Khu tưởng niệm Bác Hồ, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Khu Giải trí dịch vụ công cộng, Khu sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời,  Công viên mạo hiểm và quảng trường Hòa Bình… mới xuất hiện trên sa bàn khi người hướng dẫn giới thiệu.

Những người bảo vệ ở trong căn nhà cấp bốn trong rừng chỉ đường cho tôi đến khu văn phòng. Đi ngoằn ngoèo một lúc, tôi thấy một tòa nhà nằm giữa trảng cây khá ngăn nắp. Nhiều tuyến đường chằng chịt, nhưng hầu như không bóng người. 

Khu vực bãi giữ xe, được dành cho cả xe ô tô, xe máy, hẳn là để phục vụ số lượng khách rất lớn, song vắng lặng chỉ có vài người cắt cỏ bé nhỏ đi lại trong cái nắng sớm phương Nam. Thảng hoặc có những con dê không rõ của nhà ai, chúng cứ đi lang thang kiếm ăn trong bãi giữ xe, ung dung tìm những cọng lá non, ăn no rồi lăn ra ngủ.

Đồ nhái

Tôi được nhân viên trong khu công viên văn hóa giới thiệu đi tham quan. Mọi người rất nhiệt tình có lẽ tôi và họ cũng cùng nghiên cứu và làm việc trong ngành văn hóa. Tôi trước theo học sau đại học tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, nên rất thích thú với các công trình lịch sử văn hóa. Song, nhìn những gì ở đây không khỏi chạnh lòng khi trong nhà trưng bày lịch sử rất ít hiện vật, ngoài một cái kiệu mới làm, nghe nói để phục vụ nghi lễ. Tất nhiên, kiệu xưa thì không thể còn. Nhưng trong tủ kính bày các hiện vật thời Đông Sơn lại toàn là… “đồ giả”.

Những nốt lặng trong Công viên lịch sử văn hóa ảnh 1

Cổ vật Đông Sơn trưng bày là đồ phục chế

Những mũi lao đồng, rìu đồng Đông Sơn đều là đồ phục chế khá cẩu thả, sơ sài và không hề điển hình cho những cổ vật thời kỳ này khi chúng rất ít hoa văn, chưa kể màu sắc cũng nom rất… mới mẻ. “Đây là đồ phục chế” - hướng dẫn viên nói với tôi. Dĩ nhiên tôi biết điều ấy, nhưng chẳng lẽ mấy trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng khu công viên lại không thể dành ra một khoản kinh phí khiêm tốn để sưu tầm trưng bày lưu giữ các hiện vật gốc? Học sinh, sinh viên, những người yêu thích văn hóa Việt, du khách và nhà nghiên cứu nước ngoài sẽ nghĩ gì khi đến một Công viên lịch sử văn hóa lớn nhất miền Nam này, nhưng lại không thể thấy những hiện vật gốc.

Đất nước Việt Nam là quê hương của đồ đồng Đông Sơn, chắc chắn không thể không có những cổ vật thời đại ấy. Việc phục chế cũng cần thiết khi không muốn trưng bày hiện vật gốc, nhưng lại trưng bày những sản phẩm phục chế ít giá trị là vài chiếc rìu, chiếc lao, chứ không phải mô phỏng trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng chẳng hạn. Mấy bạn trẻ xúm xít xem những hiện vật mô phỏng và tôi băn khoăn không biết có nên nói với các bạn rằng: “đồ đồng thật của ông cha ta đẹp hơn thế rất nhiều!”.

Điểm nhấn

Tôi được giới thiệu công trình được hoàn thiện đưa vào sử dụng chính là Khu tưởng niệm các vua Hùng. Công trình này thực tế chỉ là một trong những hạng mục của Khu lịch sử cổ đại. Công trình tưởng niệm các vua Hùng đẹp và độc đáo với những hàng tre, những khu thờ phụng uy nghi. “Đất và nước thờ tại đây đều được đưa vào từ khu đền Hùng ngoài Phú Thọ”- nhân viên hướng dẫn nói với tôi.

Ngoài sân thấy phơi các loại hoa khô. Bên trong sảnh, các nhân viên tạp vụ tự nấu cơm ăn nồi niêu ngổn ngang và tranh thủ ngủ trưa ngoài sảnh: “Thứ Năm có sinh viên tới tham quan đấy” - mọi người nói với tôi. “Muốn mua cơm phải đi xa nên tự nấu ăn”. Chị Dung, tạp vụ mở cửa cho tôi lên tầng trên thắp hương cho các vua Hùng nói: “Tôi vào làm việc từ khi công trình được đưa vào sử dụng. Hiện lương của tôi là 90.000 đồng mỗi ngày, tự lo cơm. Ngày Chủ nhật không lương vì không làm”. Chị nói: “Đây là công trình lịch sử văn hóa nên thành phố không bán vé. Thỉnh thoảng sinh viên đến cắm trại thì chỉ lấy tiền cho thuê lều trại”. Chồng chị làm thợ hồ, theo như lời chị, hai vợ chồng không mua nổi xe máy.

Những nốt lặng trong Công viên lịch sử văn hóa ảnh 2

Đá đảo chủ quyền được bộ đội gửi tặng cho Công viên lịch sử văn hóa dân tộc TPHCM

Chị Dung dẫn tôi qua khu vực trưng bày những viên đá chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Chị kể, mọi người rất trân trọng đưa những viên đá san hô lên trưng bày ngay gần bàn thờ các vua Hùng. Những viên đá san hô linh thiêng của biển đảo Tổ quốc như chỗ dựa tinh thần cho chị, người công nhân nghèo vẫn sớm hôm chăm nom chu đáo. Chị cứ một mình vừa lau chùi vừa cặm cụi nói: “Bộ đội gửi từ ngoài đảo vào!”. 

Chờ đợi

Những người làm việc ở công viên đều nói với tôi rằng tất cả đều chờ đợi các hạng mục công trình sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Một số thông tin nói rằng Công viên sẽ hoàn thành vào năm 2020, song nếu với tiến độ phập phù này khoảng thời gian 5 năm liệu có đủ lấp kín các hạng mục trên diện tích khoảng 400 ha? 

Chẳng hạn khu Cổ đại cứ theo thiết kế có tổng diện tích hơn 84ha, song mới chỉ hoàn thành khu tưởng niệm các vua Hùng diện tích gần 6ha (xây dựng 5.000m2). Các hạng mục khác của thời cổ đại như tái hiện văn hóa Hòa Bình, nhà nước Văn Lang, truyền thuyết Lạc Long Quân, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ngô Quyền… chưa thấy đâu. 

Các khu vực khác như khu lịch sử trung đại 29 ha, khu cận hiện đại gần 36ha, Khu sinh hoạt văn hóa 245 ha… Chị Thu Phương, cán bộ của Công viên văn hóa lịch sử nói: “Chúng tôi đang tìm các đối tác phù hợp để hợp tác triển khai”.

Chị Phương tâm sự “Việc triển khai công trình lớn như thế này đòi hỏi sự thận trọng trong đầu tư”. Khi nghe giới thiệu về công trình quy mô bậc nhất  từ chủ trương thành phố người ta thấy sự “đầu tư về ý tưởng” cũng cần thiết không kém gì đầu tư tài chính. 

Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương cách đó không xa cũng có đền thờ vua Hùng, Mẹ Âu Cơ. Khu du lịch Suối Tiên ngay cạnh đó của TPHCM cũng đã có khu vực du lịch văn hóa lịch sử với tượng đài Thánh Gióng, đền thờ Đinh Tiên Hoàng, tượng Hai Bà Trưng…

Thành phố không ít điểm thờ vua Hùng. Khu tưởng niệm các vua Hùng ở Công viên lịch sử văn hóa này mới được xây dựng năm 2009, thì di tích đền thờ vua Hùng tại Thảo cầm viên đã nổi tiếng từ năm 1954 và được Bảo tàng lịch sử Việt Nam TPHCM trực tiếp quản lý -  đó cũng là điểm tổ chức hội hoa hàng năm của thành phố. 

Mới đây Di tích đền thờ vua Hùng tại Thảo cầm viên đã được TPHCM công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp thành phố! Để công viên lịch sử văn hóa lớn nhất thành phố lại do chính quyền trực tiếp xây dựng không bị nhạt nhòa giữa những điểm vui chơi, tham quan, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa khác, du khách ngóng đợi những nét riêng và hấp dẫn của nó, chứ không chỉ là những cổ vật phục chế sơ sài hay những sự bắt chước, sao chép thô thiển.  

   7/2015

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư tiến sĩ sử học Trần Ngọc Thêm cho biết: “Những công trình lịch sử văn hóa thế giới đã làm không ít và thành công, rất đông khách. Theo tôi, nên để nhiều thành phần cùng tham gia dự án để thu hút được nhiều tài lực. Những khu du lịch lịch sử ở Đại Nam hay Suối Tiên rất đông khách, chứng tỏ không phải du lịch lịch sử không thu hút các bạn trẻ mà cần phải xem lại cách làm của Công viên lịch sử văn hóa dân tộc đã phù hợp hay chưa”.

MỚI - NÓNG