Những ông vua không ngai

Một cú hạ bậc tín dụng từ “Bộ ba quyền lực” có thể khiến thị trường ngay lập tức rơi vào hỗn loạn Ảnh: Mary Altaffer/AP
Một cú hạ bậc tín dụng từ “Bộ ba quyền lực” có thể khiến thị trường ngay lập tức rơi vào hỗn loạn Ảnh: Mary Altaffer/AP
TP - Hãng xếp hạng Moody’s (Mỹ) vừa lên tiếng cảnh báo sẽ tiếp tục hạ bậc tín dụng của 17 ngân hàng tài chính toàn cầu và 114 tổ chức tín dụng châu Âu. Động thái này như đổ thêm dầu vào lửa vì Lục địa già đang khốn khổ với cuộc khủng hoảng nợ công.

Vậy những Standard & Poor’s (S&P, Moody’s, Fitch… là cái gì mà cả thế giới cứ phải nháo nhào theo những phán quyết của họ? Vì sao trong nhiều trường hợp, những tổ chức này còn uy quyền hơn cả chính phủ Mỹ? Cơ chế vận hành của họ ra sao và họ hưởng lợi những gì?

Quyền uy hơn cả chính phủ

Nếu bạn gọi điện thoại tới hãng Moody’s , sẽ có một giọng nói tự động cất lên. “Cuộc gọi của bạn có thể được ghi âm. Nếu bạn cần thông tin xếp hạng, nhấn phím 1. Nhấn phím 1, giọng nói tự động tiếp tục vang lên: “Bạn muốn xếp hạng trong lĩnh vực nào?”.

Moody’s, Fitch, S&P là bộ ba công ty xếp hạng thuộc dạng “ông trùm” trên thế giới, được coi là những thế lực trên thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, họ đánh giá tính “đáng tin cậy” của doanh nghiệp, các loại tiền tệ… Về lý thuyết, những thông tin họ đưa ra cung cấp cho các nhà đầu tư những ý tưởng, giúp họ phán đoán đầu tư vào đâu là an toàn.

“Xin chào Moody’s. Tôi muốn biết xếp hạng nợ công của nước Anh”. Đây là một loại câu hỏi thường làm dấy lên những tranh luận. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã khiến hạng bậc quốc gia của nhiều nước thành viên rớt ầm ầm. Moody’s xếp hạng cao nhất là mức AAA. Sau đó đến AA1, rồi dần tới hạng C. Nhưng thường cứ dưới BBB đều bị coi là hạng “ve chai”.

“Hạng bậc của nước Anh là AAA”, “cô tiếp tân Moody’s” trả lời. Có nghĩa là nợ công của nước Anh đang ở mức an toàn. Nhưng bên kia điện thoại vang lên một tiếng “boong”. “Tuy nhiên, thời gian tới có thể không hẳn sẽ rớt xuống AA1, nhưng nguy cơ là có”.

Như vậy có nghĩa là Moody’s đã nhen nhóm suy đoán chính phủ Anh sẽ không trả được nợ. Và có nghĩa là chúng ta không nên tiếp tục cho chính phủ Anh vay tiền thêm nữa. Các chủ nợ, lo lắng trước viễn cảnh này, sẽ đòi tăng lãi suất. Lãi suất tăng, chính phủ càng có nguy cơ vỡ nợ. Và cứ thế.

Rainer Bruederle, cựu bộ trưởng kinh tế Đức đã phải thốt lên khi S&P đe dọa hạ bậc 15 nước thuộc Liên minh châu Âu hồi tháng 11 năm ngoài: “Thật khó mà loại bỏ ý nghĩ rằng một số công ty xếp hạng, quản lý quỹ của Mỹ đáng chống lại châu Âu”.

Nhưng ngay cả bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng cay đắng: “S&P đã đưa ra những nhận định tồi tệ. Họ cho thấy họ thiếu kiến thức đến nhường nào về những đặc điểm của nền tài chính Mỹ”. Ngài bộ trưởng điên tiết vì thời điểm đó, tháng 8-2011, S&P hạ bậc tín nhiệm của nước Mỹ từ AAA xuống AA+.

Các công ty xếp hạng trả miếng:“Đơn giản là chúng tôi chỉ nói như thực tế đang diễn ra”.

Thực tế là quốc hội Mỹ đã mất cả mùa hè năm ngoái để bàn cách cứu nền kinh tế Mỹ. Cả mùa đông, lãnh đạo châu Âu tranh luận cách “vớt” đồng euro. S&P tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn có lý”.

Nhưng không phải lúc nào các công ty xếp hạng cũng đúng, nhất là thời gian gần đây. Năm 2009, Moody’s ra một báo cáo có tựa đề “Lo ngại của các nhà đầu tư về thanh khoản của Hy Lạp đặt không đúng chỗ”: trong vòng sáu tháng, Hy Lạp nộp đơn xin bảo lãnh phá sản, nhưng thực tế diễn ra chậm hơn 2 năm. Trong khi đó, S&P tính nhầm nợ công của Mỹ (tính nhầm ở mức 2.000 tỷ USD) khi hạ bậc tín dụng của nước này.

Tuy nhiên, có vẻ chỉ có ít người tin các hãng xếp hạng nói sai. Và có lẽ vì thế, bộ trưởng tài chính các nước thường không ưa gì các hãng xếp hạng. Họ cho rằng chúng chỉ làm tình hình thêm rối ren.

Hồi năm 2008, hàng ngàn người mua nhà ở Mỹ dừng trả lãi trên tài sản thế chấp do khó khăn kinh tế. Khủng hoảng lan rộng vì ngân hàng và các quỹ đầu tư phải tìm cách bảo vệ những tài sản thế chấp ấy (thường là chính căn nhà của người dân) và mất rất nhiều tiền.

Một phần là giới ngân hàng đã không có tầm nhìn xa, phần cũng vì các hãng xếp hạng đã không cảnh báo kịp thời cho họ. Trong năm đó, một số khoản nợ được xếp hạng AAA, trong khi thực chất là nợ khó đòi. Trường hợp tương tự đã xảy ra với các “ông kẹ” Enron (tập đoàn năng lượng), Lehman Brothers (ngân hàng) và AIG (bảo hiểm).

Một nhân viên của Lehman Brothers xếp đồ đạc rời trụ sở khi ngân hàng này nộp đơn phá sản năm 2008 Ảnh: Rex Features
Một nhân viên của Lehman Brothers xếp đồ đạc rời trụ sở khi ngân hàng này nộp đơn phá sản năm 2008. Ảnh: Rex Features .

Vài ngày trước khi chuyện bung bét, Moody’s, S&P và Fitch vẫn xếp các “đại gia” này vào hạng mục “đầu tư an toàn”. Điều gây sốc là, hơn một nửa số nợ của các tập đoàn được S&P xếp AAA đã từng bị tụt hạng trong vòng 7 năm trước đó, theo nghiên cứu của nhà kinh tế Sukhdev Johal.

Đưa tiền thì sống, chống thì chết

Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các công ty xếp hạng nhận tiền từ chính các công ty họ xếp hạng. Nếu bạn muốn được xếp hạng, bạn phải trả từ 1.500 USD tới 2,5 triệu USD, tùy theo quy mô của công ty. Về lý thuyết, đây là một xung đột lợi ích, vì có động lực để công ty xếp hạng tăng hạng cho công ty thuê xếp hạng.

Điều này có thể giải thích vì sao, trong gần một thập kỷ qua, các công ty xếp hạng tránh trả lời các câu hỏi đại loại “ngân hàng nào yếu kém”, hoặc “sổ sách của công ty đó chính xác tới đâu”… “Chúng tôi dựa vào các con số kiểm toán”, một chuyên gia xếp hạng nói.

Như vậy, thực tế ở đây là: “Công ty xếp hạng phát huy hiệu quả khi khách hàng của họ trung thực”.

Có một câu chuyện thế này. Năm 1998, hãng Moody’s viết thư cho công ty bảo hiểm khổng lồ của Đức là Hannover Re. Dù Hannover không phải là khách hàng của mình nhưng Moody's nói sẽ xếp hạng họ miễn phí.

Nhưng sai lầm của Hannover là đã không phản ứng gì. Moody’s bắt đầu xếp hạng tình trạng các khoản nợ của Hannover, nhưng công ty này lại đăng ký với S&P và một hãng nhỏ hơn có tên AM Best.

Năm 2003, Moody's hạ bậc các khoản nợ của Hannover xuống mức thấp, và vì uy tín của Moody’s, các cổ đông hoảng sợ, bán tháo cổ phiếu. Hannover Re mất 175 triệu USD trong nháy mắt. Moody’s từ chối bình luận khi tờ Washington Post phỏng vấn về vụ này.

Có người đã phải thốt lên: "Họ đã xây dựng cho mình các đặc quyền, và rất khó, nếu không muốn nói là không thể chống lại họ”.

Có hơn 150 công ty xếp hạng trên toàn thế giới, nhưng để có danh tiếng, một công ty lớn thường phải được một hoặc cả ba hãng S&P, Moody’s và Fitch xếp hạng. Hai công ty đầu nắm 40% thị phần thế giới, Fitch nắm khoảng 15%.

Với những nước như Anh, Mỹ và Pháp, việc bị hạ bậc tín dụng không nghiêm trọng như các nước châu Âu còn lại. Viễn cảnh bi quan mà Moody’s đưa ra không làm mất giá đồng Bảng hay trái phiếu chính phủ Anh nhiều, chỉ số FTSE 100 bị ảnh hưởng tí chút.

Thậm chí kể cả hạng bậc của Anh rớt xuống AA1, cũng chả sao, vì hầu hết các nước khác cũng “cùng chung con thuyền” và cuối cùng thì nhà đầu tư vẫn phải cho đồng tiền của mình đi “trú ẩn” ở đâu đó.

Nhưng với những nước châu Âu khác thì tình hình sẽ nghiêm trọng do khả năng chống chọi, “miễn nhiễm” của kinh tế những nước này yếu hơn và dễ chao đảo hơn. Chính vì lẽ đó, đã có đề xuất từ các nước thấp cổ bé họng đòi lập hãng xếp hạng đặt trong tay Liên hợp Quốc, hoạt động từ kinh phí của cả người vay và người cho vay.

Xuân Thủy
theo Guardian

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG