Nữ tác giả của những công trình vị nhân sinh

Nữ tác giả của những công trình vị nhân sinh
TP - PGS.TS Bạch Khánh Hòa, nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc (Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư), vừa nhận giải thưởng Kovalevskaia 2012 dành cho giới nữ Việt Nam làm khoa học.

> PGS.TS Bạch Khánh Hòa đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2012
> Trao giải Kovalevskaia cho hai nhà khoa học nữ

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực huyết học, những thành quả khoa học của bà đã được tôn vinh bởi tính hiệu quả trong các ứng dụng thực tiễn.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa (bìa phải) làm việc cùng các đồng nghiệp tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
PGS.TS Bạch Khánh Hòa (bìa phải) làm việc cùng các đồng nghiệp tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Nghe tin PGS.TS Bạch Khánh Hòa vừa được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2012, tôi gọi điện cho thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. PGS.TS Bạch Khánh Hòa là chị ruột của ông.

“Bố tôi sinh trưởng tại Nghệ An, mẹ tôi là người Hà Nội gốc nên tôi chỉ là người Hà Nội năm mươi phần trăm thôi”- chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia 2012 ý nhị trả lời khi được hỏi về gốc gác của mình.

Rồi bà cho biết, bố đẻ mình GS Bạch Quốc Tuyên (Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu, tiền thân của Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư) chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt bà vào con đường khoa học.

Cách đây vài chục năm, Bạch Khánh Hòa được bố đưa đến nơi làm việc. Phụ nữ thường thấy máu là sợ, nhưng Bạch Khánh Hòa lại khác. Điều này khiến GS Bạch Quốc Tuyên mỗi khi có dịp lại đưa tử nữ của mình đến Viện tham quan.

Sau này, Bạch Khánh Hòa mới hiểu bố mình là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về huyết học của nước nhà, nên ông rất muốn các con tiếp bước nghề của mình. Nhưng ông không ép buộc, mà muốn thử xem con gái có thích nghề không để tuỳ ý lựa chọn.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa. Ảnh: K.Na
PGS.TS Bạch Khánh Hòa. Ảnh: K.Na.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1978, bác sĩ Bạch Khánh Hòa về công tác tại Khoa Huyết học- Truyền máu (sau là Viện Huyết học - Truyền máu).

Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, bác sĩ Bạch Khánh Hòa cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu chuyên sâu về Miễn dịch di truyền huyết học.

Bà cùng các đồng nghiệp phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ và những vấp váp cười ra nước mắt: “Vào những năm 1980, chúng tôi nghiên cứu những tổn thương nhiễm sắc thể của bệnh nhân và những cựu chiến binh từ chiến trường B về bị nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi phải vất vả tìm mua một con bò sắp đẻ, để sau đó sẽ lấy bê con mới sinh rồi tạo huyết thanh thai B phục vụ nghiên cứu. Nhưng khi chở bò về đến Hà Nội thì nó đã đẻ rồi, không sử dụng huyết thanh của bê con được nữa. Chúng tôi vừa buồn vừa tiếc, bởi huyết thanh chỉ sử dụng được khi bê vừa mới ra ngoài mà chưa kêu be be”.

Vượt qua những thiếu thốn, nguy cơ phơi nhiễm chất độc dioxin, lây nhiễm các bệnh qua đường máu, bác sĩ Bạch Khánh Hòa vẫn kiên trì đeo đuổi những nghiên cứu khoa học của mình. Để đến năm 2001, bà cùng các đồng nghiệp làm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”, góp phần minh chứng hậu quả chất dioxin của Mỹ gây ra cho người dân Việt Nam.

Vượt qua những thiếu thốn, nguy cơ phơi nhiễm chất độc dioxin, lây nhiễm các bệnh qua đường máu, bác sĩ Bạch Khánh Hòa vẫn kiên trì đeo đuổi những nghiên cứu khoa học của mình.

Để đến năm 2001, bà cùng các đồng nghiệp làm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”, góp phần minh chứng hậu quả chất dioxin của Mỹ gây ra cho người dân Việt Nam.

Cũng trong năm 2001, nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm định lượng anpha phetoprotein để phát hiện sớm hiện tượng bất thường của thai mà PGS.TS Bạch Khánh Hòa cùng các đồng nghiệp tiến hành, cũng được đánh giá cao về tính ứng dụng.

Đâu là công trình khoa học tâm đắc nhất trong quá trình nghiên cứu của bà?. PGS.TS Bạch Khánh Hòa cho biết, đó là công trình Kháng nguyên bạch cầu người (HLA), Đây là đề tài bà từng bảo vệ luận án phó tiến sĩ năm 1990, có ý nghĩa thực tiễn ở việc chọn người cho và người nhận trong ứng dụng ghép tạng.

Sau đó, PGS.TS Bạch Khánh Hòa được đảm nhận trách nhiệm lựa chọn người cho và người nhận khi Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992. Ca ghép thành công là một thành tựu của ngành y thời ấy, từ đó mở ra cơ sở để ghép thận, gan, tim, tủy và tế bào gốc.

Riêng đối với PGS.TS Bạch Khánh Hòa, từ ca ghép tạng đầu tiên đến nay, bà thường xuyên tham gia hỗ trợ một số bệnh viện như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi T.Ư... để triển khai công tác ghép tạng.

Tận tâm

Câu chuyện lần hồi trở về phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, một trong 10 thành tựu y học nổi bật của nước ta trong 5 năm gần đây. Bà kể một chuyện đáng nhớ diễn ra gần đây là ca ghép tế bào gốc đồng loại của bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần, cô gái 7 năm chống chọi căn bệnh ung thư máu, tác giả cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” gây xúc động cho nhiều người thời gian qua.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa tham gia ca ghép phức tạp này, sau khi thử thấy anh trai Thuần có thể hiến tế bào gốc, nhưng không phù hợp hoàn toàn các bộ gen. Tuy nhiên việc ghép tế bào gốc cho Thuần vẫn cần tiến hành, nếu không khả năng xấu nhất có thể xảy ra.

“Khi ca ghép thành công, chúng tôi rất vui, bệnh nhân là một người rất cá tính”- bà nói. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khi chữa thành công cho người bệnh, những bác sĩ như bà cũng không tránh khỏi nỗi buồn.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa kể, vài năm trước, một bệnh nhi mắc căn bệnh hiểm nghèo về máu và việc điều trị chỉ có phương pháp duy nhất là ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, cháu không có anh chị em ruột nên rất khó tìm người đủ điều kiện cho tế bào gốc. Mặc dù gia đình và các bác sĩ đã cố gắng hết sức, nhưng tất cả cuối cùng đành bó tay.

Đó là điều khiến PGS.TS Bạch Khánh Hòa day dứt mãi: “Năm vừa qua, Viện chúng tôi mới thành lập Trung tâm Tế bào gốc, trong đó có ngân hàng tế bào gốc để giúp những bệnh nhân bị ung thư máu, suy tủy xương… chữa bệnh”.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa đã chủ trì 4 đề tài cấp bộ, 7 đề tài cơ sở; tham gia 2 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp thành phố; công bố 63 bài báo về các công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cùng nhiều bằng khen của Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa cũng từng có các công trình nghiên cứu các kháng nguyên hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đoạn trung tính nhằm hỗ trợ điều trị ngày càng hiệu quả hơn.

Bà cũng nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật mới trong sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (viêm gan B, HIV, giang mai, sốt rét…) để có máu sạch phục vụ điều trị.

Hiện đã đến tuổi nghỉ hưu và rời công tác quản lý, nhưng PGS.TS Bạch Khánh Hòa vẫn tiếp tục làm việc tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư để nghiên cứu những công trình khoa học.

Nhiều năm qua, bà còn tham gia đào tạo sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ tại Đại học Y Hà Nội. “Được truyền lại những gì mình có cho sinh viên, cho thế hệ trẻ là niềm hạnh phúc mà tôi rất trân trọng”- bà tâm sự.

Tuy nhiên, nữ giảng viên này rất thẳng thắn với học trò. Mỗi khi tiếp xúc với những sinh viên chọn ngành huyết học, bà thường hỏi “đã nghĩ kỹ chưa?”. Rồi bà nói với các bạn trẻ: Những bệnh nhân mắc bệnh về máu thường hiểm nghèo, họ vào bệnh viện bằng cửa trước rồi ra bằng cửa này thường ít, còn vào cửa trước ra cửa sau là nhiều. Vì vậy đã làm công việc này phải biết kiên trì với thất bại. Bên cạnh đó, lời khuyên của bà dành cho học trò là cần phải biết làm việc theo nhóm, công việc nghiên cứu cần có sự đam mê, can đảm và tận tâm: “Tôi đạt được một số thành công hiện nay cũng là do tận tâm làm việc và được sự cộng tác của đồng nghiệp”.

Tâm sự về giải thưởng mình vừa giành được, PGS.TS Bạch Khánh Hòa cho biết: “Tôi nghĩ rất nhiều nhà khoa học nữ có những nghiên cứu giá trị. Mỗi người nghiên cứu một hướng, như nghiên cứu cơ bản, phát minh, ứng dụng… và đều có những đóng góp khác nhau. Có lẽ lần này những nghiên cứu ứng dụng được quan tâm nhiều hơn”.

Rồi bà chia sẻ, trong những năm qua mình làm nghiên cứu với tâm niệm để người bệnh có được cuộc sống như bao người bình thường khác, và hạnh phúc khi thấy được nụ cười của người bệnh.

Khi được hỏi “Trong hơn 30 năm qua, bà thấy đâu là thử thách mà các nhà khoa học, nhất là phụ nữ cần phải vượt qua?”, bà nói: Công việc nghiên cứu nhiều lúc thất bại. Đơn cử, khi nghiên cứu để tìm nguyên nhân dẫn đến suy tủy xương, chúng tôi phải kiên trì làm đi làm lại, thậm chí cả tháng trời. Đó chính là thử thách lớn cho những người làm nghiên cứu phải vượt qua. Sự phân phối thời gian hợp lý để giải quyết hài hòa giữa việc cơ quan và việc gia đình là một điều kiện hết sức cần thiết để có thể thực hiện ước mơ làm nghiên cứu khoa học”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.