Phập phù con chữ vùng đất 'tám không'

Học sinh vùng giáp biên giới phía Tây.
Học sinh vùng giáp biên giới phía Tây.
TP - Dẫu biết nghề dạy học ở vùng sâu, vùng xa là gian khổ, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi xót lòng khi chứng kiến cảnh xoay xở chật vật mỗi ngày của các thầy cô giáo những điểm trường ở các xã giáp biên giới phía Tây của tỉnh Đắk Lắk. 

Vùng đất này, thời điểm mà chúng tôi có mặt vẫn không có điện, đường, trạm y tế, chợ, địa giới hành chính, nước sạch, hộ khẩu và không cả những lớp mầm non...

Dạy tiểu học kiêm mầm non!

Những ngày mưa cao điểm đầu tháng 9, từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến các xã giáp biên huyện Ea Súp. Chị Hoàng Thị Kiều Oanh, cán bộ huyện đoàn cho biết: Tiểu khu 249 (xã Ea Lê) và thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan) là hai địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Muốn vào đó phải có người dẫn đường, vì đến cả người bản địa đi còn dễ bị lạc, do trường học nằm sâu tít trong rừng cao su.

Đang loay hoay tìm ngã rẽ, chúng tôi may mắn gặp một lão nông sống tại tiểu khu 249 đang trên đường mang thức ăn về nhà, liền mời ông lên xe, đi theo hướng ông chỉ. Đường hoang vắng không một bóng người, mặt đường cũng không in hằn dấu vết của các phương tiện giao thông. 

Chiếc xe gắn máy của chúng tôi nhiều đoạn dài phải “đóng” số một mới nhích được từng mét. Có những đoạn, hố voi sâu gần nửa mét, bùn nhão nhoét, “mắc cạn” là chuyện hiển nhiên. “Vẫn chưa tới trường học đâu, phải chạy những hơn 30 phút nữa và lao qua hàng trăm hố mới đến nơi”- người dẫn đường nói.

Sau gần một giờ đồng hồ bẻ lái chật vật đến toát mồ hôi, căng thần kinh, chúng tôi mới đến được điểm trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Ngôi trường vừa được xây mới, trông khá khang trang. Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc, thầy giáo Nguyễn Văn Thuột cho biết, bản thân thầy cũng là nạn nhân của những cái hố bẫy người. “Tôi vừa bị ngã vào một vũng bùn lầy giữa đường. Ngày nào tôi cũng đi và về trên con đường này, ngã liên tục. Do vậy, trong cặp của tôi ngoài tài liệu, giáo án, còn có bộ đồ “xơ cua”, để thay khi bị ướt và quá bẩn !”.

Phập phù con chữ vùng đất 'tám không' ảnh 1

Học sinh lớp 5 trường tiểu học Nguyễn Trãi nghe giảng bài.

Vì không có lớp mầm non, nên 100% học sinh nơi này đều được “tuyển thẳng” lên lớp 1. “Do không được đào tạo cơ bản, nên việc tiếp thu kiến thức của các em rất kém. Học sinh giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, còn tiếng phổ thông thì phát âm trọ trẹ rất khó hiểu. Vì vậy, chúng tôi vừa dạy kiến thức mới cho các em, vừa dạy tiếng, dạy chữ. Hiện tại trường còn 2 lớp để trống. Hi vọng năm học tới sẽ có giáo viên mầm non chịu về đây !” - Thầy Thuột tâm sự.

“Nói về thiếu thốn thì kể cả ngày cũng không hết. Ở đây lỡ có mệnh hệ nào, đành cầu may, phó mặc cho số phận. Mua một viên thuốc đau bụng, chạy xe mất hàng giờ đồng hồ, ra trung tâm huyện mới có.

Thầy Bùi Văn Mạnh

Đầu năm học mới 2015, UBND xã Ea Lê làm cho giáo viên căn nhà gỗ, mái lợp tôn cũ. Do tôn tận dụng từ một căn nhà hoang, nên cứ mưa xuống, nước trong nhà dột như ngoài trời. “Nói về thiếu thốn thì kể cả ngày cũng không hết. Ở đây lỡ có mệnh hệ nào, đành cầu may, phó mặc cho số phận. Mua một viên thuốc đau bụng, chạy xe mất hàng giờ đồng hồ, ra trung tâm huyện mới có. Đi chợ, chi một lần 100 nghìn mua thức ăn cho cả tuần. Có những khi mưa tầm tã cả tuần lễ, chúng tôi chỉ biết bám vào dân, xin từng bó rau, nắm gạo, hay xuống suối mò cua bắt ốc cải thiện bữa ăn…” - thầy Bùi Văn Mạnh tâm sự.

Thưa vắng học sinh

Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi ngược đường đến với hai điểm trường mầm non Sơn Ca và trường tiểu học Nguyễn Trãi ở thôn Bình Lợi. Cách trung tâm xã Cư M’lan những 30 km. Mặt đường cũng lổm ngổm ổ gà, hố voi. Đoạn dẫn vào trường bùn lầy lội, mặt đường bị xẻ làm ba, làm bốn gò rãnh, do dòng nước chảy xiết vào mùa mưa.

Phập phù con chữ vùng đất 'tám không' ảnh 2

Cô giáo trường Nguyễn Văn Trỗi chuẩn bị bữa tối.

Chúng tôi đến hai điểm trường đúng lúc các thầy đang sang nhà dân xin ngủ ké, còn các cô ngủ tại lớp học. “Buổi trưa các thầy xin ngủ nhờ ở nhà tôi, do trường không có chỗ lưu trú. Chúng tôi xem các thầy như con cháu trong nhà. Nhà tôi rộng rãi, luôn mở cửa chào đón các thầy”- Bà Lê Thị Lạnh (69 tuổi) hồn hậu kể.

Cả 3 điểm trường tiểu học Nguyễn Trãi, tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và mầm non Sơn Ca đều được xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm học 2015, do huyện đoàn Ea Súp kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Khi hoàn thiện, trường Sơn Ca được cấp một máy phát điện chạy bằng xăng, khi phát thì gầm rú như máy đào đá ngoài công trường, nên chỉ dùng để bơm nước. “Bơm đầy một bình nước có dung tích 1.500 lít, bị “đốt” những 50 nghìn tiền xăng. Nước giếng khoan không sử dụng được vì bị nhiễm phèn. Khi mùa khô đến, mái tôn tích nhiệt, phòng học sẽ như một lò than nung cả cô lẫn trò” - Một cô giáo trường Mầm non Sơn Ca cho biết.

Học sinh ở trường tiểu học Nguyễn Trãi thường xuyên bỏ học. Vì vậy, có lớp quá ít học sinh, có lớp học sinh vượt quá tuổi so với quy định. Cụ thể: “Lớp 5 mới mở chỉ có 6 em theo học; lớp 3 chỉ có 10 em, trong đó có một em năm nay bước sang tuổi 14; lớp 1 phải ghép chung hai lớp.  Chúng tôi đang lập kế hoạch vận động trẻ em đến lớp đông hơn trong thời gian tới”- thầy Lê Ngọc Quyết nói có vẻ ... không tự tin lắm!

Đủ thứ thiệt thòi

Lãnh đạo hai xã Ea Lê và Cư M’lan cho biết nơi này chủ yếu là đồng bào người Tày, Nùng, Dao, Mông, Thổ… Năm 1990, họ di chuyển từ vùng  Tây Bắc vào, chặt phá rừng lấy đất canh tác và dựng nhà, từ đó đến nay vẫn chưa được cấp hộ khẩu. Riêng tiểu khu 249 vẫn chưa có địa giới hành chính, không có các chức vụ như trưởng, phó thôn và các tổ chức liên quan. Tên gọi được đặt theo tên của một công ty cao su đóng chân tại địa bàn. Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan, ông Phạm Văn Phước giải thích: Sở dĩ thôn Bình Lợi chưa được cấp sổ đỏ, là vì đất dân ở có nguồn gốc chiếm dụng trái phép đất lâm nghiệp.

Dù sống trong điều kiện quá thiếu thốn, nhưng đội ngũ giáo viên vẫn  yêu nghề, tự khắc phục khó khăn, bền bỉ bám trụ để dạy chữ nghĩa cho trẻ em nghèo. Điều chúng tôi băn khoăn, 100% giáo viên nơi đây không được hưởng chế độ ưu tiên chính sách khu vực 3. Trao đổi về vấn đề này, ông Kiều Hòa Nha, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “ Do tiểu khu 249 chưa thành lập địa giới hành chính, nên nhiều năm nay giáo viên chỉ nhận lương, không được trợ cấp, chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài thu nhập chính từ lương, thầy cô không có thêm khoản thu nào khác”- Thầy Nha nói! ”.  

Ông Nguyễn Vĩnh Trinh - Phó chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Để giải quyết chế độ ưu tiên vùng 3, phải do dưới đề xuất và được Sở thẩm định thực tế kỹ lưỡng mới có. Nếu xã, huyện làm đúng quy định, chúng tôi mới giải quyết đúng chế độ được, không để giáo viên vùng sâu, vùng xa thiệt thòi đến thế”.

MỚI - NÓNG