Sài Gòn - Thơm thảo những tấm lòng

Chú Chín (hàng sau ngoài cùng bên trái) và các tình nguyện viên sẵn sàng đón tiếp thí sinh
Chú Chín (hàng sau ngoài cùng bên trái) và các tình nguyện viên sẵn sàng đón tiếp thí sinh
TP - Không có con, cháu đi thi nhưng cứ đến mùa thi, nhiều gia đình tại TPHCM lại tất bật dọn nhà, chuẩn bị chăn màn, thức ăn nước uống, đón tiếp sĩ tử như người nhà…

Chăm lo sĩ tử như con ruột

Ông Lê Văn Khắp, người dân thường gọi với cái tên thân mật là chú Chín,  trú tại số nhà 685/78/18 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM. Đây là mùa thứ tư ông tham gia Tiếp sức mùa thi (TSMT), dự tính, mùa thi này ông tiếp đón và lo ăn ở cho khoảng 50 - 60 sĩ tử chưa kể phụ huynh.

Là con út, sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị, ông Chín phải dừng bước ở ngưỡng cửa đại học rồi đi bộ đội vì gia đình không có điều kiện để học tiếp. Đến năm 2011, trong một lần đi làm từ thiện tại một xóm nghèo ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định, chứng kiến canh nhiều phụ huynh phải chật vật bán trâu bò, bán lúa để lo tiền cho con đi thi đại học, ông đồng cảm ngậm ngùi. “Thấy hoàn cảnh các cháu như mình ngày xưa, tôi tâm nguyện sẽ nuôi các cháu ăn ở miễn  phí trong những ngày thi để phụ huynh yên tâm”- ông Chín nói và nhớ lại năm đó, 4 em học sinh đầu tiên từ Bình Định vào TPHCM dự thi đại học được chăm lo ăn ở miễn phí cho đến ngày lên xe về lại quê.

Tiếng lành đồn xa, đến mùa thi năm 2012, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TPHCM liên lạc với ông Chín nhờ phối hợp TSMT cho sĩ tử. Sẵn máu từ thiện trong người, ông tham gia ngay và nhận nuôi 53 sĩ tử trong năm này. Đến năm 2014 ông lại nuôi 56 sĩ tử khác… “Nhớ lần đầu tiếp đón thí sinh, tôi phải chạy vạy khắp xóm để mượn xoong nồi, chén bát vì thí sinh lại đến đông với hơn 50 người, chưa kể phụ huynh. Sau lần đó, tôi sắm nguyên 3 bộ nồi nấu cơm (mỗi nồi nấu cả chục kg gạo - PV) cùng hằng trăm chén bát, chăn gối…”, ông Chín kể.

Ngoài lo cho sĩ tử, ông Chín còn lo cho cả phụ huynh. Ông thuê sẵn hai phòng trọ gần nhà, một phòng cho phụ huynh nữ, một phòng cho phụ huynh nam. “Nhà này chỉ cho thí sinh ở để tập trung ôn thi, phụ huynh sẽ ở nhà bên cạnh đề phòng khi con đau ốm, còn việc ăn uống, ngủ nghỉ của phụ huynh cũng hoàn toàn miễn phí như thí sinh”, ông Chín cho biết.

Năm nay, công tác tiếp đón thí sinh về dự thi THPT Quốc gia của ông Chín được bắt đầu từ ngày 26/6 với các công việc như dọn dẹp nhà cửa, mua mấy tạ gạo, thực phẩm, chăn màn… “Các cháu đến đây ở không phải làm gì ngoài việc ăn, ngủ, ôn thi và đi thi. Về phần ăn uống, mỗi ngày tôi đích thân đi chợ và vào bếp, còn áo quần, các bạn tình nguyện viên cũng sẽ giặt cho các cháu. Riêng 10 giờ tối 30/6 tới đây, mỗi cháu sẽ được một bát cháo bò để tẩm bổ trước ngày thi”, ông Chín cho hay.

Để động viên các sĩ tử đi thi, ở mỗi góc nhà, chú Chín còn dán thông báo “treo thưởng 200 ngàn đồng nếu sĩ tử nào đậu đại học”. Ông nói phần thưởng không nhiều, nhưng tiếp thêm động lực để các cháu tự tin đi thi. Tiết lộ về kinh phí để lo cho các cháu, ông Chín cho biết, từ tháng 7 hằng năm, mỗi tháng mình trích ra một khoản tiền để gửi ngân hàng, đến tháng 6 năm sau thì rút ra để TSMT. Với tình cảm thiết thực dành cho sĩ tử, năm 2013 và 2014, ông Chín vinh dự nhận được Bằng khen của Thành đoàn TPHCM và UBND TPHCM trong việc TSMT, hỗ trợ và đảm bảo tốt nhất cho thí sinh dự thi đại học…

Nguyễn Huỳnh Quốc Doanh, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn Thông, Đội trưởng đội TSMT tại nhà ông Chín cho biết, từ ngày 26/6 đến hết ngày thi sẽ có 8 - 10 tình nguyện viên túc trực 24/24 giờ để cùng ông Chín chăm lo cho thí sinh.

9 năm liền đón tiếp sĩ tử…

Cả tuần nay, ông Nguyễn Văn Thành, ngụ phường 9, quận 5, TPHCM lại tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tiếp sĩ tử về dự kỳ thi tốt nghiệp. Hai vợ chồng ông Thành năm nay đã ngoài 70 nhưng khi nghe tin kêu gọi TSMT của Thành đoàn, ông bà vẫn háo hức tham gia. “Năm nay là năm thứ 9 vợ chồng tôi TSMT cho sĩ tử. Trung bình, mỗi năm chúng tôi tiếp sức chỗ ở cho khoảng 30- 40 cháu”, ông Thành cho biết.

Sài Gòn - Thơm thảo những tấm lòng ảnh 1

Chuẩn bị bữa ăn cho thí sinh

Cầm chiếc khăn ướt lau bàn tròn và mấy cái ghế, ông Thành nói: “Đây là những bộ bàn ghế vợ chồng tôi sắm để các cháu học bài, ăn cơm”. Theo ông Thành, trước đó mỗi lần thấy các sĩ tử ngồi học bài, ăn cơm mỗi đứa một góc khổ quá nên vợ chồng ông sắm 3 bộ bàn, 30 cái ghế inox để các cháu ngồi.

Dù đã 9 năm TSMT, nhưng cứ đến gần thi, ông lại đến công an phường báo cáo cho thí sinh ở. “Mình làm việc đàng hoàng nhưng cũng phải có nguyên tắc, dù sao cũng phải báo cáo cho khoa học để chính quyền dễ bề quản lý và cũng giúp đỡ nếu có sự cố xảy ra”- ông nói. Với ông Thành, đảm bảo tâm lý cho thí sinh thi rất quan trọng. Theo ông, cứ mỗi lần báo đài đến là tôi hạn chế cho gặp thí sinh, bởi cứ sợ các em đang học lại bị lôi ra phỏng vấn, quay phim làm các em ngại ngùng, ảnh hưởng đến tâm lý…

Các em khi đến đây ở, ông Thành vẫn phổ biến đầy đủ nội quy. “Đơn giản là các em đi lại nhẹ nhàng, biết nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Buổi sáng, 5 giờ tôi mở cửa, tối 10 giờ đóng cửa để đảm bảo an toàn cho các em ăn ở, ôn thi…”, ông Thành cho biết. Cũng như ông Chín, với tấm lòng hảo tâm và nhân ái, trong ba năm liền (năm 2012, 2013, 2014), ông Nguyễn Văn Thành vinh dự được UBND TPHCM tặng bằng khen “Đã có nhiều thành tích trong công tác tổ chức, thực hiện và tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi”.

Dẹp kinh doanh nhường chỗ cho sĩ tử

Như mọi năm, cứ vào những ngày cuối tháng 6, chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, 45 tuổi, trú phường 15, quận 10, TPHCM lại chuẩn bị đón thí sinh. Đây là năm thứ 5 chị tham gia TSMT, cho thí sinh ở miễn phí. Căn nhà thí sinh ở là nơi chị dùng để kinh doanh, buôn bán, tầng trên lầu chị dùng làm kho hàng, nhưng đến mùa thi, chị xếp gọn lại tạo điều kiện cho thí sinh có chỗ ở sạch sẽ.

Mỗi năm sắm thêm một ít, giờ chăn màn, nồi cơm điện, chén bát thứ gì cũng đủ đầy. “Đến mùa thi thì mình lôi chăn màn, chén bát ra để các em dùng. Hết mùa thi thì mình rửa sạch, đóng gói cẩn thận. Công việc còn lại chỉ là lau nhà, quét mạng nhện cho sạch để các em có chỗ ngủ mà thôi…”, chị Diệp nói.

Sài Gòn - Thơm thảo những tấm lòng ảnh 2

ông Nguyễn Văn Thành chuẩn bị bàn ghế để tiếp đón thí sinh

Chị Diệp cho biết: “Do nhà kinh doanh nên nhiều lúc đông khách, nhiều phụ huynh cũng chạy vào phụ bán, có phụ huynh còn ra đứng giữ xe giúp nữa. Rồi thí sinh, nhiều em sau khi thi đậu, vào lại thành phố nhập học, các em ghé lại thăm, có em mang mấy ký trái cây nhìn cảm động lắm…”.  Năm nay, để chuẩn bị cho thí sinh đến ở trọ, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, chị còn chuẩn bị sẵn mấy thùng mì tôm, lương khô, thịt hộp… để sẵn trong nhà phòng khi thí sinh và phụ huynh có nhu cầu bồi dưỡng. “Giúp được các em cái gì thì tốt cái đó, quan trọng là làm sao để các em thi tốt, em nào cũng đậu đại học hết là vui lắm rồi…”, chị Diệp tâm sự.

Chung tay TSMT năm nay, trường THCS và THPT Nhân Văn, quận Tân Phú, TPHCM cũng tiến hành đưa đón hơn 330 em học sinh nghèo của tỉnh Tây Ninh về ăn ở, ngủ nghỉ tại trường miễn phí. Kết thúc thi, nhà trường cũng sẽ đưa các em trở về lại Tây Ninh miễn phí.n

Chiếu phim, trò chơi giúp sĩ tử thư giãn trước giờ G

Trường Trung cấp Ánh Sáng ở quận 12, TPHCM hỗ trợ 800 chỗ trọ miễn phí cho các sĩ tử. Tại đây, trường mở cửa tiếp đón thí sinh, phụ huynh đến ở từ ngày 28/6 đến 5/7 tại các cơ sở: 402-404 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 và 39/18/9 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Riêng đêm 29/6, tại hai cơ sở trên sẽ tổ chức chiếu phim, tổ chức các trò chơi phục vụ thí sinh, phụ huynh…để thư giãn trước khi vào kỳ thi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.