Săn cá nóc gai, nghề độc!

Săn cá nóc gai, nghề độc!
TP - Khi tư thương Trung Quốc len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm mua những món lạ đời, thì nghề săn cá nóc gai bỗng trỗi dậy nơi vùng biển miền Trung. Dù nghe tới cá nóc, ai nấy rùng mình bởi sự chết chóc…

Mò gai đáy biển

Ông Nguyễn Văn Cảnh, 53 tuổi ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển (huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã mấy chục năm với nghề biển giả, thuộc từng lạch nước, vùng đảo ngoài khơi. Tiếp sức trên biển với ông là cậu con trai Nguyễn Văn Pha, từng xuất ngoại đánh bắt ở Malaysia, Philippines… Nghe hỏi chuyện săn cá nóc gai, cả hai cha con bỗng trở nên hồ hởi. Dù giá trị của cá nóc gai không thể bằng hải sâm hay nhiều loại hải sản khác, nhưng cái thú săn bắt có nhiều điều để nói.

Những ngư dân như cha con ông Cảnh tất nhiên không thể biết trên thế giới có tới 131 loài cá nóc, nhưng như cá nóc gai thì rành rẽ. Những năm trước xuống biển gặp cá nóc gai chỉ có lờ đi. Vì bắt về cũng chẳng biết làm gì, ăn vài con đã ớn. Chưa kể nó thuộc loài dữ dằn. Từng có người vô ý đưa tay gần miệng con nóc gai, liền bị nó đớp cụt luôn ngón tay. Loài nóc gai chỉ có một răng to ở hàm trên và hàm dưới, nhưng món ăn khoái khẩu của chúng lại là … đá sỏi và san hô dưới lòng biển. Ông Cảnh từng có lần đưa thử miếng xác san hô cứng ngắc vào miệng một con cá nóc gai, nó liền nhai rau ráu như … nhai kẹo !

Theo ngư dân, cá nóc gai ở vùng biển Việt Nam ít và nhỏ con hơn so với các vùng biển của Malaysia, Philippines mà ngư dân Bình Châu, Bình Hải được cấp phép làm thủ tục sang khai thác. Ngư dân Trần Văn Bình (thôn 2 xã Bình Hải, Bình Sơn), người chuyên đi lặn ở Malaysia, kể: Lặn bắt cá nóc gai thường ở độ sâu trên 20 m, nhưng cũng có khi chỉ sâu 4-5m, cạn hơn so với lặn bắt hải sâm (vú nàng). Nhưng nếu gặp hải sâm chỉ việc lượm lên như nhặt ổ bánh mỳ, thì bắt cá nóc gai phải công phu và thật khéo léo.

Thường một nhóm thợ lặn khi xuống nước khoảng 5 người. Một bình khí nén và bình ắc quy 110V đặt trên thuyền cung cấp cho họ khí thở thông qua những ống dẫn hơi ngậm vào miệng và ánh sáng từ những chiếc bóng điện đặt trong vỏ chai thủy tinh cầm trên tay. Tay kia cầm chiếc vợt. Mỗi tốp lặn thường ngâm dưới đáy biển từ 1-2 tiếng đồng hồ. Dưới đáy biển, những con cá nóc gai nghe động liền hút nước và không khí đầy bụng, bỗng chốc trở nên tròn căng như quả bóng lớn dựng tua tủa hàng trăm chiếc gai nhọn hoắt. Đây là thứ vũ khí sinh tồn của loài nóc gai, đến như loài bạch tuộc khổng lồ kẹp vào cũng phải nhả ra tức thì. Những người thợ lặn khéo léo dùng cây đột bằng sắt nhọn dài 1 m đâm tử thương con nóc gai. Tiếp theo là căn ke để đâm xuyên qua nách cá, cho xẹp hết nước và không khí. Con cá nóc giờ như quả bóng xì hơi, được xúc vào vợt. Mỗi con cá nóc gai nặng từ 5-7kg, có con 10kg. Cá mang lên thuyền, dùng kéo xẻ lấy thịt ăn, không hết thì vứt xuống biển. Chỉ giữ lại bộ da tua tủa gai và cái bong bóng cá. Từ hai năm trở lại đây, có nguồn thu mua, phong trào săn cá nóc gai bỗng trở nên hot. Theo ngư dân Trần Văn Bình, thời giá ở biển bây giờ, 20 ngàn đồng/kg da tươi, da đã phơi khô là 200 ngàn đồng/kg. Còn bong bóng cá, mua tại biển đã tới 1 triệu đồng/kg khô. Mỗi tàu đi về thường mang theo mấy tạ da nóc gai đã phơi khô và bong bóng.

Da cá nóc gai được thu mua
Da cá nóc gai được thu mua .

Gan và sữa … Tây Thi

Ít ai biết, Tây Thi - mỹ nhân Trung Hoa thời Xuân Thu từ hàng ngàn năm trước đã được so với món ăn khoái khẩu là gan và… tinh hoàn cá nóc, được ví là “gan và sữa Tây Thi”! Bởi vậy, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ chết do ăn cá nóc chiếm tới 45% số chết do ngộ độc thực phẩm hàng năm, chỉ ít ỏi những ngư dân biết phân loại và biết cách ăn, thì người Trung Quốc đã ráo riết thu mua. Cùng với cơ, tinh hoàn, thì da cá nóc gai là một món khoái khẩu của người Trung Quốc.

Vựa thu gom da cá nóc của ông Nguyễn Chí Sơn nằm lặng lẽ bên đường ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng ông khẳng định mình là người duy nhất thu mua loại hàng độc này ở địa phương, và cũng chỉ mới bắt đầu từ hai năm lại đây. Ông Sơn quê ở An Hải trên đảo Lý Sơn, nhưng không làm nghề biển mà chỉ kinh doanh. Ông gom mua đủ loại hải sản, trong đó chủ yếu là da cá nóc gai từ ngư dân Bình Châu, Lý Sơn và nhiều nơi lân cận. Những bộ da cá nóc gai to như chiếc quạt giấy, tua tủa gai nhọn ép vào nhau dày đặc như hàng rào kẽm gai, mỗi gai có tới 3 chân. Da cá đem phơi khô, đóng bao, chuyển ra cửa khẩu Trung Quốc. Người làng Xuân An và nhiều nơi kể, những người Trung Quốc về làng, nói sõi tiếng Việt, đi khắp thôn xã, vận động thu mua, bày dân biết cách xử lý luộc, phơi, bày cả cách xây lò hấp hải sản để xuất khẩu. Sau khi tạo được đường dây, họ chỉ việc ở vùng biên chờ ăn hàng.

Những ngày này vựa của ông Sơn đã gom được hàng tấn da cá nóc khô, đóng chặt trong từng bao lớn chờ chuyển đi. Tuy nhiên, theo lời ông Sơn, việc buôn bán với người Trung Quốc thường xuyên “trật vuột”, nhiều phen lỗ nặng. Có lần ông đưa hàng ra biên giới, nhưng bạn hàng Trung Quốc viện cớ về quê ăn rằm, không chịu mua. Đành phải gửi lại, đến giờ vẫn chưa bán được. Mới đây, ông lại bị một vố với hải sâm. Lô hàng hải sâm của ông đưa sang nhưng họ không mua. Lý do là sấy không đúng quy cách ! Là hàng đắt tiền, dễ hỏng, ông đành mang về Sài Gòn bán 1,3 triệu đồng/kg khô.

Chính ông Sơn cũng không biết người Trung Quốc mua da cá nóc gai để làm gì. Nhưng theo cha con ngư dân Nguyễn Văn Cảnh, loài cá nóc này ăn được tất cả, chỉ bỏ bộ ruột. Còn da cá, luộc thật mềm, dùng kìm nhổ hết gai rồi nấu súp, húp một bát là “lên tiên”…

Bong bóng cá nóc gai cũng xuất khẩu
Bong bóng cá nóc gai cũng xuất khẩu .

Bắt tuốt luốt

Cách đây chừng 2 tháng, tàu QNg 66029 TS của ông Lê Túc (44 tuổi, ở An Hải, Lý Sơn) trúng một chuyến hải sâm đậm nhất trong lịch sử lặn bắt loài hải sản quý hiếm này. Sau chuyến biển kéo dài tháng rưỡi ở quần đảo Trường Sa, tàu ông thu về tới 1,5 tấn hải sâm, bán giá chưa qua sơ chế đã được gần 2,5 tỷ đồng!

Sẵn sàng xuống lòng biển Ảnh: Nguyễn Huy
Sẵn sàng xuống lòng biển Ảnh: Nguyễn Huy.

Không kể đặc sản hải sâm, khi tư thương Trung Quốc tăng cường thu mua đủ thứ, thì ngư dân cũng bắt sạch sẽ mọi thứ không bỏ con gì, như cách gọi của dân địa phương là bắt tuốt luốt. Cha con ông Cảnh thay phiên nhau kể tên những động vật biển hồi trước thấy ngó lơ, giờ đua nhau bắt vì được giá. Những là con đồn đột (800 ngàn đồng/kg), con nận (khoảng 1 triệu/kg), con áo tơi (1 triệu/kg), con hài (18 ngàn đồng/con), con da trăn (50 ngàn/con), con son (màu như son môi 40 ngàn đồng/kg tươi), con hổ (rằn ri như da hổ 40 ngàn/con) … Có hàng chục loại với những cái tên lạ lẫm như vậy dưới đáy biển.

Ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi thừa nhận: Chi cục chưa nghe thông tin về đánh bắt và thu mua cá nóc gai. Với những loài động vật biển quý hiếm khác như rùa biển, san hô, rong mơ…, Chi cục đều đã khuyến cáo, tuyên truyền vận động ngư dân hạn chế khai thác. Tuy nhiên việc mua bán thường diễn ra ngay trên biển, không công khai nên khó nắm bắt. Tới đây sẽ phối hợp liên ngành tiến hành kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu - ông Nguyễn Thanh Hùng tỏ ra dè dặt: “Bắt nóc gai và những hải sản khác chủ yếu là dân Lý Sơn, còn dân Bình Châu không có mấy”. Còn việc tư thương Trung Quốc sang, ông cũng không nắm rõ, và cho biết có thể họ đi theo những quan hệ riêng với dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.