Số phận của Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường

Số phận của Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường
TP - Năm 1965, Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) đã dùng súng trường bắn rơi máy bay F105 giặc Mỹ. Và bây giờ khi gặp lại nhau, họ chỉ còn có 7 người.
Số phận của Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường ảnh 1
Sư đoàn trưởng phòng không 365 trò chuyện với tiểu đội nữ dân quân. Ảnh: N.D.C

Chị Hoàng Thị Kim Dung (60 tuổi), nguyên Tiểu đội phó cứ mân mê từng bàn tay chị em trong tiêu đội nói: “Đã 43 năm rồi còn gì. Tóc chúng mình đã ngả bạc mất rồi…”. 

Tháng 10 năm 1965, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt các tuyến đường ở Lạng Sơn hòng cắt “huyết mạch giao thông” chiến lược của ta. Những cây cầu sắt ở huyện Chi Lăng là mục tiêu đánh phá của chúng.

Đại tá Đặng Đức Thọ, Sư trưởng Sư đoàn phòng không 365 (thuộc quân chủng PKKQ) cứ tấm tắc khen:

“Các chị dùng súng trường bắn rơi máy bay thật là giỏi, thật kỳ diệu. Tôi nghe danh các chị đã lâu, nay mới được gặp mặt”.

Tiểu đội phó Hoàng Kim Dung kể: Huyện Chi Lăng thành lập tiểu đội dân quân nữ gồm 11 người, toàn là đoàn viên trẻ làm nhiệm vụ túc trực chiến đấu ở đồi Khau Phục, sẵn sàng dùng súng bắn máy bay Mỹ đến oanh tạc khu vực cây cầu sắt lâm trường Mỏ Đá (thuộc xã Quang Lang, huyện Chi Lăng).

Hôm đó, một trưa đầu tháng 10/1965, tiểu đội đang tranh thủ tập một bài hát bên giao thông hào, cho ngày hội diễn văn nghệ sắp tới thì có tiếng ra-đa báo động.

Trên bầu trời xuất hiện tốp máy bay Mỹ lao về hướng cầu sắt. Các chị mỗi người một khẩu súng, chọn góc độ đã định sẵn sàng nhả đạn. Một chiếc F105 điên cuồng chúc đầu xuống đồi Khau Phục cắt bom.

Cả tiểu đội đồng loạt nổ súng. Trong mịt mùng khói bom, mọi người nghe thấy tiếng reo vang bên tổ “canh giới” phía núi Cai Kinh: “Rơi rồi. Máy bay Mỹ bị tiểu đội chị em bắn hạ rồi. Hoan hô chị em!”.

Trên bầu trời có một cột lửa bốc cháy liệng rơi về phía xã Quan Sơn. Cả tiểu đội vui mừng, hét toáng lên: “Giặc Mỹ thua rồi, các đồng chí ơi!”.

Chị Hoàng Thị Kim Dung bảo: Những viên đạn súng trường của tiểu đội chúng tôi vẫn còn “găm” vào xác máy bay Mỹ. Và trận này, ta còn bắt được hai phi công của giặc.

Chị Trần Thị Hiền cho tôi xem bức ảnh do nhà báo Vũ Bách, phóng viên báo Lạng Sơn chụp, nói: “Sau trận đánh, thay mặt chị em, tôi được đi báo công của tiểu đội với Trung ương. Chúng tôi đã trao mảnh vỏ máy bay bị bắn rơi cho ông Hoàng Quốc Việt làm bằng chứng”.

Chị Hiền cho biết thêm, bức ảnh chụp sự việc này dù đã qua nhiều thời gian nhưng chị vẫn lưu giữ nó như một báu vật nên hình ảnh vẫn còn nét.

Chị Hiền là Phó bí thư Đoàn xã, gia nhập tiểu đội khi mới bước sang tuổi 17. Không những trực tiếp tham gia chiến đấu, tiểu đội còn làm nhiệm vụ cứu thương.

Sau chiến công vang dội của tiểu đội, nhiều nhà báo, nhà văn, đến quay phim chụp ảnh phỏng vấn, ghi hình các chị. Lại có một bài hát ca ngợi chiến công của tiểu đội.

Chị Hiền xúc động nhớ lại lần được đi nhận cờ luân lưu của cấp trên tặng tại xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Rồi sau đó, năm 1966, tiểu đội lại được đi dự Đại hội mừng công toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).

…Đại tá Dương Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm đến số phận tiểu đội nữ dân quân Quang Lang nên đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn và Huyện đội Chi Lăng tìm  và mời các chị về dự lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập LLVT tỉnh Lạng Sơn.

Các chị được ngồi ở vị trí trung tâm, những tấm áo chàm màu xanh giản dị của các chị  bỗng trở nên nổi bật, được nhiều người chú ý. Đại tá Dương Hiền đã ôn lại chiến công của tiểu đội, giới thiệu từng chị với cả hội trường, những tràng pháo tay nổi lên không dứt.

Anh hùng phá bom Nông Văn Nghi khi kết thúc buổi lễ đã ùa đến ôm lấy các chị xúc động nói: “Các chị ơi. Ngày xưa em cùng các chị đánh không quân Mỹ đây mà. Có những hôm em sang chơi trận địa, các chị còn cho chùm quả dâu da chín”.

Bà Đường Thị Kim, lão thành cách mạng nổi tiếng ở xứ Lạng vừa ôm lưng chị em vừa hát vang lời ca ngợi tiểu đội nữ bắn rơi máy bay. Đại tá Đặng Đức Thọ, Sư trưởng Sư đoàn phòng không 365 (thuộc quân chủng PKKQ) cứ tấm tắc khen: “Các chị dùng súng trường bắn rơi máy bay thật là giỏi, thật kỳ diệu. Tôi nghe danh các chị đã lâu, nay mới được gặp mặt”.

Đại tá Thọ khẳng định, chiến công của tiểu đội nữ dân quân Quang Lang không những mãi là niềm tự hào với truyền thống quê hương xứ Lạng đó là còn là niềm tự hào của Quân chủng Phòng không - Không quân VN.

Chị Hoàng Thị Kim Dung ứa lệ tâm sự: “Thực ra trong tiểu đội có 11 chị em. Hôm nay vắng 4 người. Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thìn lâm bệnh trọng đã mất cách đây khoảng chục năm.

Vi Thị Bay ở làng Cóc, xã Quang Lang (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) vướng bận việc tang bà vãi (bà ngoại) nên không đến họp mặt. Còn hai thành viên nữa của tiểu đội bặt tin tức, không biết giờ ở phương nào”. 

Nói rồi, chị Dung giới thiệu lại từng người đang đứng chung quanh: Đây là Vi Thị Trong, người làng Đăng, Hoàng Thị Sáy ở Nà Tài, xã Vân Thủy, Nông Thị Páy sống ở Khuân Thúng, xã Quang Lang, Nông Thị Nệ ở thị trấn Đồng Mỏ...

Các chị em đều vào tuổi U60 cả rồi và hiện đang sinh sống ở quê hương huyện Chi Lăng. Còn chị Vương Thị Len thì theo chồng làm dâu ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn.

Các nữ dân quân Quang Lang bị “bao vây” hồi lâu trong niềm xúc động, trân trọng của mọi người. Trước lúc chia tay, chị Hoàng Thị Kim Dung cho biết: Hiện nay, các cấp, các ngành đã quan tâm, giải quyết các chế độ, chính sách cho các chị.

Vào những ngày lễ, tết, kỷ niệm, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng đều mời các chị đến dự hoặc tặng quà .Cuộc sống đại đa số các chị đã ổn định.

Tuy vậy, tiểu đội vẫn rất mong muốn được một lần về Hà Nội vào lăng viếng Bác Hồ. Tuổi của các chị đã cao, không biết ước nguyện đó bao giờ mới được thực hiện ?

Chị Trần Thị Hiền khẽ cầm lấy chiếc lược để chải mái tóc xòa trên trán. Chiếc lược kim loại làm bằng xác máy bay Mỹ như ánh lên cùng mái tóc điểm bạc…

Chiếc xe đưa tiểu đội nữ dân quân Quang Lang rời xa thành phố Lạng Sơn đã lâu mà những ánh nhìn lưu luyến, kính trọng của mọi người vẫn còn dõi theo mãi.

Xứ Lạng, đầu tháng Giêng 2007

MỚI - NÓNG