Tận diệt chim trời

Anh Quán chuẩn bị giăng bẫy
Anh Quán chuẩn bị giăng bẫy
TP - Trong tiết thu mát mẻ, các loài chim đủ chủng loại từ cò, ngói, khách, én…từng đàn lũ lượt bay về. Đây cũng là lúc những thợ bẫy chim ở Trần Phú, Chương Mỹ, Hà Nội vào mùa săn bắt.
Anh Quán chuẩn bị giăng bẫy
Anh Quán chuẩn bị giăng bẫy.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km về phía tây, đã hàng chục năm nay xã Trần Phú nổi tiếng bởi có nghề bẫy chim. Từ đây mỗi ngày, hàng ngàn con chim "xấu số" được các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội thu mua để rồi cho lên đĩa.

Cả làng bẫy chim

Vừa đến Trần Phú, hỏi thôn Kỳ Viên, chị thợ may đầu thôn bảo: "Anh đến vào giờ này thì họ ra đồng hết rồi, đang vào mùa bẫy chim mà". Rồi chị chỉ cho tôi đường ra cánh đồng phía sau làng giáp với một xã khác. Cả một cánh đồng rộng bao la chỉ vừa mới thu hoạch lúa xong chưa đầy một tháng. Hơn 2 giờ chiều, trên những thảm cỏ rộng ở giữa cánh đồng hàng chục người đang lom khom đặt bẫy. Tôi giả làm khách mua chim, một thanh niên gầy gò, đen sạm phất tay: "Khó lắm anh ơi, không mua nổi đâu. Trong làng có người trả giá cao đặt mua hết cả rồi".

Người thanh niên giới thiệu tên Tuyền, ở thôn Kỳ Viên, thôn có số lượng gia đình làm nghề bẫy chim đông nhất xã. Tuyền cho biết: "Cả thôn hiện có khoảng 50 gia đình làm nghề còn tính số lượng người thì đông hơn nhiều vì có những gia đình có 5 người thì cả 5 đều ra đồng bẫy chim cả". Cũng theo Tuyền thì cả năm chỉ có mấy tháng sau khi kết thúc vụ hè thu là có chim để bẫy, những tháng khác, thanh niên trong làng đi làm ăn xa hết vì ở nhà thì hất nghiệp.

Một thanh niên trong nhóm của Tuyền nói: "Nếu tính theo âm lịch thì nghề này kéo dài được 6 tháng, từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Nhưng thường thì chỉ 3 tháng là hết chim, phần vì người bẫy nhiều, phần vì sợ mà các đàn chim tan tác hết".

Nằm sát Kỳ Viên là Dương Kệ, thôn đứng thứ 2 về số lượng người làm nghề bẫy chim. Anh Nguyễn Văn Quán, mới 30 tuổi nhưng đã có thâm niên trên 10 năm bẫy chim, cho biết:"Ở thôn có trên 30 lưới đánh chim nhưng người Dương Kệ chủ yếu bẫy chim ngói, cò, còn người Kỳ Viên thì đánh chim ri, khách, cò... Chim ngày càng ít đi, người bẫy thì ngày một đông nên làm nghề này bây giờ khó khăn lắm".

Lán ngụy trang của thợ bẫy chim
Lán ngụy trang của thợ bẫy chim.

Công nghệ "che mắt" chim trời

Ở Trần Phú, người bẫy chim không dùng bẫy chông hay thuốc độc như một số vùng khác. Tất cả các loại chim đều được đánh bằng lưới theo cách anh Quán nói vui là dùng kế gậy ông đập lưng ông. Anh Quán đánh duy nhất loài chim ngói bằng cách dùng chim mồi để dụ chim trời sa lưới.

Gần cuối chiều, tôi theo chân anh Quán vác lưới ra sân cỏ rộng gần Trường bắn Miếu Môn để giăng bẫy. Vừa đi anh vừa nói: “Có những buổi, bọn tôi dậy từ 3 giờ đêm để ra đồng giăng bẫy và ngồi chờ cho đến khi trời sáng. Đầu mùa thu, thời tiết thay đổi chim bắt đầu bay về, là thời điểm mùa bẫy chim ở đây bắt đầu".

Ánh nắng cuối chiều dịu xuống. Anh Quán chọn một điểm thuận lợi, rộng và bằng phẳng để giăng lưới. Chiếc lưới dùng bẫy chim thiết kế rất đơn giản, chỉ là 2 tấm lưới đã được đóng nẹp cố định hình chữ nhật kích thước tùy vào ý đồ của thợ bẫy chim, ở các góc có buộc nối bằng những sợi dây thừng dài để thợ bẫy chim điều khiển. Hai mảnh lưới được đặt song song khoảng cách giữa 2 lưới rộng chừng gần một mét. Tối thiểu mỗi lần bẫy phải có từ 3-4 con chim mồi trở lên đặt ở khoảng cách giữa hai tấm lưới.

Điều tôi thắc mắc là những con chim mồi lại rất ngoan ngoãn đậu trên chiếc cọc mà anh Quán đóng xuống đất. Anh Quán cho biết: "Tất cả những con chim ngói này là tôi bẫy hôm trước, sở dĩ chúng đứng im thế là do đã bị khâu kín mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi dùng những sợi dây tơ bóc từ thân cây chuối khâu hai mí mắt lại, như thế chim không bị đau và sẽ rất hiền. Một chân chim bị buộc dây cước trắng dài 4-5 m, đầu dây còn lại buộc cố định vào cọc".

Sau khi mọi việc hoàn tất, anh Quán bảo tôi chui vào một cái lán nhỏ ngụy trang bằng lá cây móc và lá sắn để chim không nhìn thấy. Chờ gần một tiếng, phát hiện thấy đàn chim chao liệng phía trên, anh Quán bảo: "Phải bình tĩnh chờ đàn chim ngói hạ xuống độ cao thích hợp có thể nhìn thấy chim mồi phía dưới thì ta mới tung chim mồi".

Khi đàn chim xuống khá thấp, anh Quán giật dây, tung một con chim mồi lên cao, những con chim khác nghe có động đồng loạt bay lên. Trông thấy đồng loại, đàn chim đang bay phía trên sà xuống dưới đúng tầm lưới. Nhanh như cắt anh, Quán giật dây, những con chim ngói vừa sà xuống bị lưới úp gọn. Anh Quán vừa gỡ chim vừa bảo: "Đàn này đi ít, chỉ được chục con, đàn 40-60 con bẫy mới thích".

Cũng là cách "che mắt" chim như thế nhưng với các loại chim khác thợ bẫy chim lại dùng âm thanh. Bẫy thì giống nhau nhưng thay chim mồi thật bằng cách phát cuốn băng có ghi âm tiếng chim, khi nghe tiếng, đàn chim sà xuống, thế là sập bẫy. Ông Trịnh Cao, một "cao thủ" bẫy chim bằng âm thanh ở thôn Kỳ Viên cho biết, bẫy bằng cách này rất hiệu quả vì loại chim rất thích tụ tập đông thành bầy đàn và thường không nghi ngờ gì khi nghe tiếng chim kêu gọi bạn.

Chim ngói mồi bị khâu kín mắt
Chim ngói mồi bị khâu kín mắt.

Hiu hắt bóng chim

Hiện nay các món ăn chế biến từ thịt chim đang được ưa chuộng vì thế mà nghề bẫy chim càng phát triển mạnh ở Trần Phú. Đông người bẫy thì chim cũng hiếm đi và giá cả bị đẩy lên cao hơn. Anh Nguyễn Văn Quán cho hay: "Năm 2009, giá mỗi con chim ngói là từ 28-30 nghìn đồng nhưng hiện nay thì giá đã cao gấp đôi mà vẫn không đủ chim để cung cấp cho các nhà hàng. Với giá cả như thế, có người bẫy kiếm được 2 triệu đồng/ngày, một khoản thu nhập rất lớn với người dân ở đây".

"Người bẫy chim quá nhiều, các loài chim cứ thưa dần vì chưa kịp sinh sôi đã bị tận diệt. Chim quí thì bắt nhốt bán nuôi làm cảnh, chim thường thì làm lông cho vào chảo rán. Tóm lại kiểu gì cũng chết".

Không chỉ bẫy quanh làng, thợ bẫy chim Trần Phú còn đạp xe rong ruổi khắp nơi bẫy chim. Trước đây, cứ sau mùa gặt là cánh đồng nơi này chim, cò bay về trắng đồng nhưng mấy năm nay thì hiu hắt vì bẫy giăng kín mặt đất.

Ông Trịnh Cao thú thực: "Người bẫy chim quá nhiều, các loài chim cứ thưa dần vì chưa kịp sinh sôi đã bị tận diệt. Chim quí thì bắt nhốt bán nuôi làm cảnh, chim thường thì làm lông cho vào chảo rán. Tóm lại kiểu gì cũng chết".

Còn nguyên nhân khác nữa khiến chim "hết hồn, hết vía" không dám bén mảng bay về là tiếng súng của những tay thợ săn nổ đùng đoàng suốt ngày, kể cả ban đêm. Sáng bẫy bằng lưới, ban đêm nhiều người lại mang đèn pin, vác súng đi hạ những con chim ngủ trên cây. Chim trời dù có bao nhiêu cánh cũng khó mà bay cho thoát.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.