Thăm nhà Phạm Tuân – Một góc trời riêng giữa bao la vũ trụ

Thăm nhà Phạm Tuân – Một góc trời riêng giữa bao la vũ trụ
TPO - Ba mươi năm sau, dễ đến ngàn bài báo viết về anh, về chuyến bay lịch sử mang niềm kiêu hãnh Việt. Giờ, Phạm Tuân đang sống khoẻ mạnh, hiện đại, loáng thoáng bận rộn, và người Anh hùng vẫn còn đó một tầm nhìn đầy khát vọng…

“Tám rưỡi tối nay nhé! Nhà số 35, ngõ 111, Cù Chính Lan. Nhớ alô trước. Mình còn đi thăm anh bạn mới lên lon tướng. Sáng mai lại ra Nội Bài đón Go-rơ-bát-cô”! Nhanh. Rõ và chính xác. Trung tướng trả lời điện thoại nhà báo cho một cuộc hẹn.

Nhiều năm cầm bút viết về người lính, tôi đã hai lần có cơ hội phỏng vấn Phạm Tuân về việc chuyên nghiệp hoá nhà binh và thành lập câu lạc bộ máy bay mô hình, nhưng chiều nay, trước lúc nhấc máy gọi, tôi không dám chắc anh còn nhớ không bởi con người quá nổi tiếng từng làm rung động hàng chục triệu trái tim người Việt Nam đã có quá nhiều nhà báo tìm gặp suốt ba mươi năm qua.

Căn nhà bốn tầng nằm sâu trong ngõ dài cuối phố. To, rộng, đẹp. Đừng ai hỏi Phạm Tuân có giàu không, dẫu anh vừa mới về hưu tròn đôi năm sau cả thời gian dài giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng quân đội.

Nhà nước và nhân dân chẳng phụ lòng người anh hùng tài ba. Mấy trăm mét đất được cấp ở một khu ven đô, bán đi, anh gom về xây nhà trong khu phố lính. Phạm Tuân bảo, ở đây đỡ buồn, toàn anh em đồng đội cả, về nghỉ rồi qua lại hằng ngày trò chuyện mới vui.

Bức ảnh sung sức nụ cười chiến thắng và tự tin của hai nhà du hành vũ trụ Việt - Xô, Phạm Tuân - Go-rơ-bát-cô, như oà ra trang trọng phòng khách. Dĩ nhiên, ai chưa đến nhà Phạm Tuân đều có thể hình dung ra vô số kỷ vật nhuốm cái chất phi thuyền, máy bay, tên lửa, mũ phi công… được bày ra đâu đó trong nhà cựu du hành vũ trụ. Đúng vậy.

Kiến trúc sư thiết kế căn nhà này hồi ba năm trước đã tinh tế xếp đặt. Một chiếc máy bay chiến đấu hiệu Rafael mà Phạm Tuân được tặng khi dẫn đoàn cán bộ sang Pháp giao lưu, một tên lửa vỏ thép sáng quắc do quân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất, hai tàu thuỷ chiến đồ sộ dài ngoằng cũng là sản phẩm của quân đội ta… Những mô hình đã gắn với Phạm Tuân nhiều kỷ niệm và thách thức nhà binh đang ngự tại nghiêm túc trên giá gỗ bình yên mà chỉ có vị Trung tướng mới hiểu hơn ai hết.

Trung tướng tự tay pha trà. Cái áo sẫm giản đơn rộng tay thật hợp với thân hình vạm vỡ của người đàn ông đầu sáu.

Tôi xách máy ảnh đi ngó khắp phòng khách. Nếu không khéo kính dụ thì chưa chắc bạn sẽ được Phạm Tuân thuyết lời quanh những mô hình kia đâu nhé. Anh thong thả chỉ vào một con tàu đóng trong hộp kính to: “Có lần, tôi sang Tây Ban Nha, mới hay kiểu tàu này họ sản xuất từ đời nào. Bây giờ họ bỏ hết, bỏ luôn ngành công nghiệp này vì lo ô nhiễm, tốn nhân công, nay họ nhập tàu về bởi công nghệ ngoài nước không hơn thế. Nhưng ta thì khác, như thế mới phù hợp thực tế của ta…”.

Quay qua chiếc máy bay chiến đấu, anh bảo Việt Nam từ bao năm nay không có nhiều phi công chiến đấu giỏi vì giới trẻ ít có những cơ hội được định hướng tư tưởng về không quân. Bốn năm trước, anh rất vui khi câu lạc bộ máy bay mô hình phía Bắc ra đời. Có thể ứng dụng không quân thời bình cho cứu hộ cứu nạn, chữa cháy rừng, hay phục vụ huấn luyện chưa phổ biến, nhưng ngắm nhìn hoặc tham gia chơi máy bay mô hình sẽ làm cho người trẻ tuổi yêu thích máy bay chiến đấu hơn, và họ sẽ cống hiến trí tuệ thông minh cho không quân…

Đã hơn 21 giờ tối. Tôi mải nghe chuyện máy bay, tên lửa, bẵng quên tò mò chuyện nhà anh cho đến khi một người phụ nữ bước vào. “Vợ anh đấy! Bác sỹ quân y, cũng mới về hưu. Tối hay sang nhà hàng xóm chơi, tiện thì thăm bệnh giúp”.

Chị mỉm cười chào tôi rồi lên phòng. Ấm trà vơi nửa. Phạm Tuân cười thật hiền, vẫn tự tay rót. Nhà báo cũng mới sực nhận ra chậu cát lan ba nhành trổ bông đỏ tuyệt đẹp đặt giữa bàn.

“Mình mê lan. Cõng về nhà cả mấy trăm chậu rồi. Để tất trên tầng bốn. Hơn dăm chục loài đấy!” - Trung tướng dịu dàng khoe. Tôi giục anh đưa lên tầng ngó coi.

Bước chân chắc nịch leo bậc vững vàng. Tôi gắng bám sau để trò chuyện. Con gái anh đã lấy chồng, hai vợ chồng ở Sài Gòn, làm nghề tài chính ngân hàng. Phạm Tuân cũng đã lên chức ông ngoại mấy năm, hôm rồi vừa bay vào thăm chúng nó. Con trai anh thì chưa vợ, du học về, theo nghề chị gái luôn. Thế là chẳng đứa nào theo nghề bố Tuân.

Trung tướng bảo cuộc sống hiện đại rồi, tôn trọng lớp trẻ thôi… Đã có lần anh hỏi mấy đồng đội, đều tướng tá cả, rằng có ông nào định cho con mình đi nghề binh làm phi công chưa, ngẫm lại nhà mình cũng mới thấy khó thật.

Vòm trời ban công tầng nóc như bị lấp lại. Tôi cứ ngỡ mình vừa lạc vào một chợ… chậu hoa treo dày đặc từ cao xuống thấp. Nào lan Hải Yến, địa lan, cát lan… chồng chồng lấp lấp giăng ra. Trung tướng vê nhẹ tay bên mép lá Nghinh Xuân, loài lan khó tính hoa đẹp. Chăm lan phải ngày hai lần tưới nước. Trước lúc đi ngủ đêm nào cũng phải lên ngó vườn lan. Đi đầu về cũng lên ngó vườn lan. Đi vắng là phải dặn kỹ vợ con về vườn lan.

Hôm bị mưa bão vừa rồi, mái vòm vườn lan bị tốc thế là sáng dậy mình anh trèo lên lợp lại. Bên nách tường anh còn phải sắm cả cần cẩu nhỏ để đưa những chậu lan to xuống khi cần né giời ngày xấu hay lúc lan nở mà mang khoe dưới hiên nhà.

Phạm Tuân với tay bật vòi bơm nước máy. Làn mưa mù bung sương toả ra vườn lan treo. Anh nói máy bơm của quốc phòng sản xuất khá tốt, và nhìn chung máy móc gì do quốc phòng làm cũng tốt hơn. Nhưng nhìn rộng ra thì còn nhiều hạn chế lắm.

Ở nước ngoài, vũ khí, máy móc quân sự thường do những hãng dân sự sản xuất, nhà nước phải đặt hàng của họ, nên họ cạnh tranh khốc liệt để có sản phẩm tốt nhất. Còn ta thì… hơi bị tách bạch. Cơ chế thì còn nhiều chuyện dài dài.

Anh bảo từ ngày nghỉ hưu cũng thường cùng mấy người bạn đi du lịch trong nước bằng ôtô tự lái. Tự lái xe, hiểu xe, lại thấy buồn vì ngành công nghiệp ôtô của ta yếu ớt. Những năm chống Pháp, bộ đội quốc phòng đã sản xuất được rãnh xoắn (một bộ phận quan trọng trong động cơ ôtô), rồi tiện trục, làm vành, đĩa, tất cả chất lượng đều cực xịn. Thế mà sau này cơ chế thay đổi, mãi đến những năm gần đây mới mở ra ngành công nghiệp này, thì…

Người Việt Nam duy nhất được tặng danh hiệu Anh hùng tới ba lần đứng lặng đôi chút, rồi kéo nhà báo lên mấy bậc cao nữa coi vườn rau sạch cũng do anh chăm sóc. Phía dưới có tiếng chim gáy vọng lên khi có anh đèn buông hắt. Anh nói nhà nuôi hơn chục con đủ loại.

Thế đấy. Góc trời riêng này có màu xanh tươi tắn từ bàn tay vị tướng, có những hàng chậu kiểng ngăn nắp rất kỷ luật hướng lên bầu trời cao, có cái hiện đại cài lẫn suy tư và một tầm nhìn mà một nhà báo còn hẻo chữ như tôi chưa thể hiểu hết.

Năm giờ 15 phút sáng, cứ đều đặn không chệch một phút, Phạm Tuân thức dậy đi tập thể dục. Chơi bóng (tennis). Bảy giờ về tắm, ăn sáng, đọc báo. Trưa ngủ nửa tiếng. Chiều dạo thăm bạn bè, đồng đội, hàng xóm. Tối xem thời sự ti vi. Và Phạm Tuân mê bóng đá. Uôn-cúp vừa rồi chỉ sót đôi trận. Thỉnh thoảng tham gia cùng mấy người bạn bàn chuyện làm ăn. Thời gian rỗi hơn thì sắp xếp đi chơi nước ngoài. Và anh nhớ nước Nga, nhớ Go-rơ-bát-cô. Hai người qua lại hai nước thăm nhau luôn. Go-rơ-bát-cô cũng từng tới nhà riêng thăm Phạm Tuân ở Hà Nội.

Chuyện cứ dài ra mãi. Rồi anh cũng hỏi chuyện nhà báo, bình chuyện làm đường sắt cao tốc, hơi buồn vì chuyện ầm ĩ ở Hà Giang, vui vì nhiều thanh niên trẻ Việt Nam bây giờ quá giỏi…

Chia tay lúc đã chạm khuya. Anh hẹn một hôm sẽ cùng nhà báo đi câu cá, thú vui này anh mới… bập thôi. Và sáng mai anh sẽ dậy rất sớm để ra sân bay đón người bạn lịch sử trở lại Việt Nam, người đã cùng anh bước vào con tầu Soyuz năm 1980 bay vào bao la vũ trụ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.