Thần chú của người Cơ tu

Thần chú của người Cơ tu
TP - Thổi, tiếng Cơ tu là măn. Thổi bằng cách đọc thần chú. Không phải ai cũng được phúc phận này. Người biết măn có thể chữa bệnh, đặc biệt là chữa được rắn độc cắn. Nhưng cũng có lời đồn có người măn xấu, hại người. Măn hư hư thực thực, nhưng là một nét văn hóa của người Cơ tu.

Tôi mời Bhling En uống nước. Anh chậm rãi uống rồi ngồi im. Dáng điệu khoan thai bỗng dưng biến mất, mặt đổi sắc, mắt như đi giật lùi, sợ hãi và chối từ lia lịa khi tôi vừa mở miệng hỏi anh chuyện “thổi cho người ta rụng tóc”.

Không có đâu, không có đâu, tôi không biết đâu. Anh nói như xua đuổi. Người mách tôi địa chỉ này là một cán bộ huyện, anh này nói ông đó biết thổi nhưng chắc chắn không nói đâu.

Anh En cũng nói, nhưng lại là chuyện ông già anh thổi chữa rắn độc cắn là hết ngay, rồi thêm ở thôn Agrồng của thị trấn còn ông già thổi rắn cắn cũng giỏi. Còn thổi rụng tóc mình không biết đâu. Nói xong anh đứng lên vội vã đi về như vừa bị phát giác điều gì.

Tại miền tây Quảng Nam, người Cơ tu tại Tây Giang chiếm một bộ phận lớn, mà sự hình thành dân cư, sắc thái văn hóa của họ tốn không ít bút mực bởi sự đa dạng đặc sắc lẫn không ít chuyện kỳ bí.

“Tu” theo tiếng Cơ tu nghĩa là nguồn nước. Người Cơ tu là người sống ở đầu con nước. Chỉ mỗi nội hàm của từ này đã mở ra thênh thang bao điều khoáng đạt như trời đất. Mà lẽ đời, đã vận sinh tử vào chốn ấy, thì người ta thường hành hiệp với hai dòng máu người và trời, ăn ở trần gian nhưng mơ cõi trời cõi tiên.

Tôi đi tìm nghệ nhân Ketic làng Ka Noon, xã A Xan. Ông không có nhà. Chào tôi là những mặt nạ, hình thù các con vật với những sắc màu nhẹ như hơi thở được treo quanh nhà.

Ketic là nghệ sĩ Cơ tu nổi tiếng vẽ và điêu khắc. Tay nghề của ông cao, nên được người ta mời trang trí cho nhà nguyên gốc của người Cơ tu ở Huế tại làng Hương Hồ.

Không học trường lớp nào, ông vẽ như là từ sự mách bảo của trời, màu sắc thì lấy từ những viên đá sặc sỡ dọc con suối quanh làng mài đi làm màu nước.

Những bức tranh ông vẽ, phù điêu ông chạm, có một con mắt mở to hồn nhiên mơ màng mà không kém huyền hoặc như khói trời xa thẳm. Tôi nhớ lúc gặp ông ở thành phố, hỏi chuyện “thổi”, ông nói ngay rằng, lạ lùng, ít người biết lắm, nó không đơn giản như chuyện người ta làm bùa ngải thông thường hay nghe nói đâu. Đó là thứ trời cho đấy, không chứng minh được đâu, nhưng có thật. Ông nói, mắt hốt nhiên thành kính pha chút sợ sệt.

Ông Briu Liếc, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang kể ba chuyện mà ông chứng kiến: Tại thôn Ga Nil, xã A Xan, có ông Cónh Điền là đảng viên, có tài thổi chữa rắn cắn, đã cứu trên 100 người, không để lại dị tật.

Ai ở vùng này mà bị rắn cắn đều đến ông, chắc chắn sẽ sống chứ họ không đến trạm xá. Ông Điền làm phúc, không nhận của ai tiền bạc, quà cáp. Năm 2000, ông Liếc dẫn đầu một đoàn công tác đi vùng cao thuộc thôn Đhung, xã Ch’ơm.

Trong thôn có người bị rắn cắn đã nửa tháng, đang chờ chết. Trong đoàn công tác, may thay, có người biết thổi. Ông Liếc liền yêu cầu ông này cứu người. Chỉ thổi 3 lần vào buổi sớm, trưa và tối, ngày hôm sau người kia cử động được và hiện còn sống. Ông Briu Liếc đã từng viết sách về chủ đề này.

Cũng tại thôn A’Grih, xã A Xan có ông Cónh Đhon có biệt tài thổi chữa bệnh trâu bò. Nhà ai trâu bò bị đau chỗ nào, không cần phải dắt trâu bò đến mà chỉ đến nói cho ông biết, nhưng với điều kiện là con trâu đó phải…có tên và chỉ cho đúng chỗ bị thương.

Mừng đâm trâu của người Cơ Tu
Mừng đâm trâu của người Cơ Tu.

Nghe xong, ông sẽ thổi và gãi thân hình ông ta tượng trưng nơi trâu bị thương, đảm bảo ngày mai ngày kia sẽ hết đau. Tại thôn Chà nốc, xã Ch’ơm tháng 9-2004, Bệnh viện Đà Nẵng trả về một người bị u não, về đến xã thì đã chết lâm sàng.

Người nhà mời ông thầy thổi đến. Thổi xong, ông bảo rút dây ô xy đi. Cựa quậy. Thổi tiếp mấy ngày sau, thì khỏe và sống mãi đến giờ.

Nhưng, có măn cứu người làm phúc, nhưng cũng có thứ măn hại người, thổi đau thổi chết nếu thù ghét ai. Và tất nhiên, chuyện này nó không đứng ngoài những can dự tình ái, vốn là thứ đảo điên kiếp người.

Trong tình yêu, nếu dính phải măn pr’heel như quấn riết quyến luyến, còn khi muốn đường chia hai lối thì măn z’jắh thế là cay đắng ghét bỏ trao nhau. Người có măn chưa hẳn là dị nhân, nhưng chắc chắn hành tung lạ với người thường.

Hôm kia tôi lên huyện, nghe anh em nhỏ to có ông cán bộ huyện bị ai đó ghét thổi rụng hết tóc, khiến bố mẹ ông phải cúng heo gà xin giải độc, còn ông thì nói là xuống đồng bằng ăn phải cá ngừ đại dương nên bị dị ứng. Người tin thì ít, kẻ nghi thì nhiều.

Tôi mang thắc mắc hỏi họ thổi bằng gì, bạn cười, rằng đã nói là thần chú, thổi bằng hơi chứ bằng gì. Họ ngồi gần người định thổi, vuốt tóc, thế là hôm sau tóc người đó sẽ rơi dần.

Từng có chuyện ở A Tiêng, một ông chứng minh mình biết măn, bèn nói tôi sẽ thổi cái cây kia, mai nó sẽ bắt đầu chết. Mà thật, cây to thế mà mai bỗng dưng lá héo dần rồi chết đứng. Để biết người có măn ư, thì ông En đấy.

Ông đó thổi chữa sơ cứu bị bỏng, đau khớp được, còn thổi rụng tóc thì làm điều ác, nếu có biết ông cũng không nói đâu, sợ làng nghi kỵ ghét bỏ. Người có măn kỵ phụ nữ.

Nhà họ, nếu có quét nhà thì ông ta không bao giờ quét gầm giường vì cho rằng nơi đó nhớp nhúa. Ra quán xá, ăn uống đông người, món nào lạ, họ không động đũa, vì… sợ có người sẽ măn mình. Đi đến nhà ai, dép họ sẽ để nơi dễ quan sát nhất, bởi sợ người khác lén bỏ lá vào dép, mình sẽ bị bùa ngải.

Tóm lại họ đi đứng nói năng kỹ lưỡng ngó trước trông sau như điệp viên. Ôi, sống như thế thì quá khổ, cứ ngay ngáy lo phúc họa giăng lưới không biết khi nào, như thế là cực rồi, chữ tài liền với chữ tai một vần… Những chuyện như thế cứ tiếp nối, phủ lên, trùm lên, người ta hay đưa mắt nghi ngờ lo sợ ai đó trong làng mình biết thổi, phật ý họ, có ngày mang họa.

Xa xưa, nghe kể gần như làng nào cũng là người biết thổi. Năm tháng cuộc sống đổi thay, người ta tiếp cận dần với văn minh kỹ thuật, mở mang trí tuệ, nên nhiều khi những trò hù dọa có măn bị lật tẩy, măn bây giờ cũng còn đó nhưng không nhiều.

Nhưng, ít hay nhiều thì người ta cũng không dám to tiếng với họ, chỉ lưu truyền nhỏ to này nọ. Màn sương huyền bí vẫn chưa hết. Một khi mối liên thông giữa kẻ sống giữa rừng với thế giới siêu nhiên còn đó, thì những ám ảnh siêu hình, hành động siêu hình vẫn còn được nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ siêu hình, mà hình như nếu mất điều này thì người miền núi không còn là họ.

Ông Briu Liếc, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang kể chuyện mà ông chứng kiến: Tại thôn Ga Nil, xã A Xan, có ông Cónh Điền là đảng viên, có tài thổi chữa rắn cắn, đã cứu trên 100 người, không để lại dị tật. Ông Bhriu Liếc, đã làm cuốn sách có tên “Tiếng thông dụng C’tu-Kinh và văn hóa làng C’tu”, Sở VHTT Quảng Nam ấn hành năm 2006.

Thế giới của giấc mơ

Không phải ai cũng được phúc phận biết măn. Người biết thổi nhắm người nào đó trong nhà mà phẩm hạnh tử tế, trong sạch, thông minh, bí mật truyền cho vào ban đêm lúc yên tĩnh nhất, tuyệt đối không để người thứ ba biết.

Thần chú được truyền xong, thuộc lòng rồi nhưng không phải là linh ứng ngay được. Một thế giới khác vẫn can dự hàng ngày và chi phối ghê gớm tâm linh người Cơ tu, đó là giấc mơ. Mỗi sáng dậy, khi có chuyện hệ trọng, họ bắt đầu một ngày mới bằng giấc mơ đêm qua với hồi hộp, hoảng sợ hoặc kiếm gà kiếm rượu ăn mừng.

Nếu như nằm mơ thấy bồng bé sơ sinh, chó vẫy đuôi, được cho quà quý hoặc gái đến nhà xin làm vợ…thì đó là giấc mơ tốt. Còn nếu mơ mặt trời xế chiều là có họ hàng mất; mơ đi ngoài bị người khác thấy, mơ trần truồng, gãy răng cửa, vắt cắn, bắt được cá ương…là điềm dự báo những thứ không hay ho gì đang rình rập mình.

Vì thế, thần chú sẽ linh nghiệm nếu đêm đó mơ điều haay, bằng không thì vứt. Và nếu ai được người âm truyền cho măn thì đó là bảo bối quý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG