Thuyền thúng xuất ngoại

Lão Liêm miệt mài gắn bó với nghề đan thuyền thúng thủ công. ẢNH: NGUYỄN HUY
Lão Liêm miệt mài gắn bó với nghề đan thuyền thúng thủ công. ẢNH: NGUYỄN HUY
TP - Bỏ biển lên bờ, lão ngư Phan Liêm (tổ 22A, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) gắn nghiệp cha truyền con nối đan thuyền thúng, xuất ngoại hàng trăm chiếc sang Úc, Nhật, Philippines... Đây là hộ ít ỏi còn sót lại với nghề đan thuyền thúng thủ công trên địa bàn Đà Nẵng.

Kỹ nghệ “luyện” thúng

Ở tuổi gần thất thập, bên hiên nhà nằm ngay phía ngã ba Hoàng Sa - Phan Bá Phiến (Thọ Quang), ngày nào ông cũng cặm cụi từng đường chẻ tre chuốt nan, đan thuyền thúng. Những thân tre xanh, to bằng bắp chân, dài gần chục mét, chỉ bằng vài đường cắt tỉa nhanh chóng đã nằm thành miếng thẳng tắp, hong phơi giữa đường.

Ông bảo: nghề đan không khó lắm, chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và dẻo dai. Nói thế, nhưng ông có những bí kíp ít ai có được. Bằng chứng, thuyền thúng mang thương hiệu “by Liem” được cộng đồng ngư dân trên địa bàn tín nhiệm, tin dùng và tiếng lành đồn xa ra cả quốc tế.

Tre được gia đình ông tìm đặt mua tận miền đồi núi Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng). Ngày đầu, những bó tre dài chắc phải vận chuyển theo đường sông rạch rồi cẩu tải lên bờ đem về.

Cả chục năm nay, ông Liêm thuê luôn đội xe tải để vận chuyển qua đường bộ. Theo ông, chọn tre là yếu tố quan trọng để tạo độ bền cho thuyền thúng.

Với đặc thù địa hình đồi núi, tre ở Hòa Vang đảm bảo yếu tố chắc khỏe, dẻo dai. Độ tuổi tre từ 1,5 năm trở lên nhưng không quá già vì khi quét lớp chống nước bên ngoài sẽ khó có độ kết dính.

Thuyền thúng xuất ngoại ảnh 1

Gắn cả đời với biển, nghiệp đan lát thuyền thúng, lão Liêm đượm buồn vì nghề ngày càng mai một

Đôi bàn tay gân guốc, săn chắc, lão ngư ngày nào vừa cười nói, vừa nhanh thoăn thoắt róc tỉa những thân tre dài. Vỏ tre được cạo sạch, mỗi lát nan dài 10 - 20cm, tùy vào kích thước thuyền thúng.

Cứ thế, mỗi thuyền phải đến trên dưới 10 cây tre. Mất 4-5 ngày trời, phơi tre giữa cái nắng ráo, các thanh nan se lại, dẻo chắc. Như một phản xạ của người có thâm niên với nghề, ông Liêm chỉ cần liếc qua, ướm thử hình dáng rồi đan các thanh tre thành những mối liên kết.

Xong khâu đoạn đan là đến khâu lặn tròn, buộc dây cước để giữ hình hài thúng. Tỉ mỉ nhất là đoạn quét lớp chống nước cho tre. Ông đưa ra một xô đen đặc, thủm mùi.

“Cứt bò đấy! Kinh nghiệm dân gian truyền lại rồi cứ thế phát huy. Cứt bò thấm vào các thanh nan tre, bịt kín các lỗ hổng. Khi nào thả thúng xuống biển, gặp nước, cứt bò sẽ nở ra và tạo thêm một lớp bảo vệ chống thấm hoàn hảo”, ông lão nói.

Quy trình chung như thế. Nghe không khó nhưng để đạt đến độ hoàn hảo, hiếm ai làm được như ông. Xong lớp phân bò, lại cẩn thận hong khô thuyền thúng rồi quét lớp dầu rái (chiết từ loài cây trên vùng núi Sơn Trà, Đà Nẵng - PV).

Theo ông, ngày trước chưa có nhựa composite, những chiếc thuyền thúng của ông chỉ tuổi thọ trên chục năm. Sau này khi nhựa composite thịnh hành, ông mày mò nghiên cứu rồi quét thêm lớp nhựa này vào. Thuyền thúng thêm công đoạn “tôi luyện” mới, nâng tuổi thọ lên gấp 2-3 lần.

Nối nghiệp gia truyền

Men bờ biển Đà Nẵng, hàng loạt thuyền thúng của ngư dân trên địa bàn đều do bàn tay lão Liêm “tôi luyện” thủ công. Chiếc nhỏ có đường kính trên 1,3m, chiếc trung bình 2-2,5m.

Những chiếc lớn, có gắn máy đẩy, được chế theo dáng bầu dục, ngang 3m, dài 6m. Có lần, ông đan chiếc thuyền thúng “khủng” gấp 3 lần thuyền bầu dục bình thường. Thuyền lớn cần kết cấu hoàn chỉnh, đảm bảo độ cân đối. Khó nhất là chọn những thân tre dài để tạo tính liên kết.

Lớp trẻ ngày nay chẳng còn quan tâm mấy cái nghề đan lát và thuyền thúng thủ công. Thuyền thúng gắn với giá trị văn hóa biển. Thế nên cần lắm sự chung tay bảo tồn, gìn giữ.

Ông Liêm bộc bạch

Ông Liêm chẳng nhớ nổi nghiệp đan thuyền thúng có từ bao giờ. Chỉ biết từ đời ông nội, truyền đến đời bố, rồi đến ông kế tục.

Cụ Phan Văn Bửu, bố ông Liêm từng là thuyền trưởng đánh bắt xa khơi có tiếng của Đà Nẵng. Những năm thập niên 1950, thuyền trưởng Bửu lèo lái con tàu hơn 10CV ngang dọc vùng biển Đà Nẵng, ra tận mạn phía Bắc. 14 tuổi, Liêm theo cha thành “ngư dân chính hiệu”.

Cụ Bửu lên bờ, nhường lại cho con con tàu gỗ. Hơn 30 tuổi, làm thuyền trưởng tàu, ông Liêm mạnh dạn nâng cấp công suất máy. Không ít lần ông thực hiện hành trình dài hơn tháng trời lênh đênh trên biển đánh bắt, vào Cà Mau, ra Cát Bà...

“Ngày đó đánh bắt dễ. Thả lưới là đầy cá mực. Nhưng đầy hiểm nguy thách thức. Làm gì có la bàn, máy định vị như bây giờ, chỉ đánh bằng kinh nghiệm, không ít rủi ro”- ông nói.

Nhớ chuyến hành trình những năm 1984-1985, ông cùng con trai út lên thuyền đánh bắt, lạc ngay vào trận cuồng phong ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Con tàu may mắn thoát nạn nhưng bị thiệt hại đáng kể.

Ông đành bỏ biển, lên bờ làm nghề đan thuyền thúng. Anh con trai út phát hoảng, bỏ luôn nghề biển. Nhà có 4 con trai, 1 gái, hiện chỉ 2 con trai lớn Phan Minh (43 tuổi), và Phan Ánh (37 tuổi) cùng theo cha làm nghề “gia truyền”.

Theo anh Minh, hàng chục năm qua, có nhiều người học đan thuyền thúng. Nhưng phần lớn đều bỏ vì công việc đòi hỏi sự khéo tay, ngồi lâu nên dễ đau lưng, nhức mỏi. Nghề nào nghiệp đó, không còn đi biển, nhưng nghề này góp phần giúp ngư dân gắn bó với nghề đánh bắt gần bờ.

Thuyền thúng “By Liem” xuất ngoại

Xế trưa, ba cha con ông Liêm tất bật đan, hong khô và quét chống nước cho những dãy dài thuyền thúng đặt mé đường. Ông bảo: cần làm gấp để chuẩn bị bàn giao lô hàng hơn chục thuyền thúng “xuất ngoại” sang Úc.

Năm 2013, nhiều người dân, hãng du lịch Úc cũng đặt trọn gói 12 chiếc thuyền thúng “by Liem” để mang ra nước ngoài. Họ bảo đưa về để quảng bá ngành nghề thủ công biển của Việt Nam và hoạt động phát triển du lịch biển bên đó.

Thuyền thúng xuất ngoại ảnh 2

Du khách quốc tế thích thú xem lão Liêm trổ tài đan thuyền thúng thủ công

Hơn chục năm nay, câu chuyện xuất ngoại thuyền thúng của ông Liêm nức tiếng cả hội nghề đan tre thủ công, nghề cá. Đầu năm 2002, trong chuyến tình cờ đang đan thuyền thúng cho bà con ngư dân Đà Nẵng trước nhà, một đoàn du khách Nhật tò mò đến tham quan. Họ dành cả buổi đứng giữa nắng chỉ để xem ông già tóc trắng, râu bạc, da ngăm đen thoăn thoắt những đường đan điệu nghệ.

Một trong số vị khách này xin mua, rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài qua các đơn vị vận chuyển hàng thủ công xuất ngoại. Cứ thế, nhiều đoàn du khách Nhật tìm đến ông. Không chỉ Úc, Nhật, du khách các nước Tây Ban Nha, Anh, Philippines tìm đến, đặt mua nhiều lô hàng thuyền thúng của gia đình ông Liêm...

Nhờ đường “xuất ngoại” thuyền thúng, gia đình ông trụ lại với nghề. Mấy mươi năm trước, phong trào đi biển nhiều, nghề đan thuyền thúng phát triển. Cả phường Thọ Quang có đến gần chục hộ đan thuyền.

Giờ Đà Nẵng, số hộ theo nghề đan thuyền thủ công này chỉ còn sót lại gia đình ông và một hộ trên địa bàn Thanh Khê. Lúc cao điểm mỗi tháng xuất xưởng đến trên dưới 20 thuyền cho ngư dân trên địa bàn, còn lại gần chục chiếc cho các mối xuất khẩu. Nhìn căn nhà 3 tầng khang trang nằm bên mé đường, ông lão tự hào bởi chính thành quả, công sức gắn bó với nghề của mình.

Một thuyền thúng, thợ thường phải đan cả tuần lễ, nhưng với ông Liêm và các thành viên trong gia đình chỉ mất khoảng 5 ngày/thuyền/người.

Chiếc nhỏ nhất, bán với giá 3,5 triệu đồng. Khi xuất ngoại, thuyền thúng có giá hơn. Tính thu nhập, mỗi tháng đạt gần 10 triệu đồng/người.

Ông Liêm nói: So với nghề biển, nghề trên bờ này ổn định hơn, khỏa lấp nỗi nhớ biển sau những ngày tháng lênh đênh sóng gió, mưu sinh với nghề.

MỚI - NÓNG