Tình yêu của những người thợ nơi đại công trình

Tình yêu của những người thợ nơi đại công trình
Anh Bổng – một kỹ sư rất “nghề” chỉ vào núi đá nói với tôi: Cậu có biết bài thơ của Giáng Vân viết về công trình thủy điện Sông Đà, nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc không? “Em ru gì, lời ru cho đá núi. Đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian…”.

Nó tâm trạng, an ủi người đi phá đá, ngăn sông, đắp đập xây dựng công trình thủy điện nhiều lắm!

Hình như ở công trình thủy điện nào người ta cũng hát. Đá bỗng trở nên có tâm hồn. Với những người đang làm thủy điện Sơn La, tâm hồn, tình cảm yêu thương còn sâu lắng hơn.

Cuộc đời gắn với công trường

Len lỏi trong đại công trường Mường La, tôi “chộp” được kỹ sư Hoàng Đình Mười (Xí nghiệp sông Đà 5.06). Dù mới tốt nghiệp Đại học Thủy lợi năm 1998, song anh là người lúc nào cũng đưa ra được nhiều cải tiến kỹ thuật mới trong thi công.

Khi xây cửa dẫn nước, tường, thân cống thượng lưu (thuộc hệ thống kênh dẫn dòng), Mười và cộng sự đã mạnh dạn đề nghị Ban điều hành dự án, đội thiết kế… thay thế cốp pha chống bằng cốp pha treo cho phù hợp điều kiện thi công khó khăn trên địa hình sông Đà sâu và cao.

Thuyết trình tính khoa học, an toàn và đảm bảo độ chịu lực của bê tông, Mười đã được cấp trên đồng ý cho thay đổi phương thức thi công không những dùng cốp pha treo mà còn cả thay đổi chiều cao khối đổ bê tông.

Với 2 sự thay đổi này, hạng mục công trình do 70 công nhân Cty Sông Đà 5 thi công đã rút ngắn được thời gian thực hiện và tiết kiệm gần 1 tỷ đồng cho Nhà nước.

Công trường Sơn La sẽ còn là nơi thực hiện nhiều phương pháp tiên tiến hơn trong những hạng mục tiếp theo.

“Tổng công trình sư” Nguyễn Kim Tới có lần thú nhận với tôi rằng, khi quyết định lên Sơn La nhận vị trí Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện Sơn La, anh đã phải cố gắng vượt qua phút xao lòng. Có sự trùng lặp kỳ lạ trong những bước đi của anh ở các vị trí khác nhau khiến anh liên tưởng mình như đời lính.

Ngày 12/3/2003, từ Đà Nẵng chuyển ra được Hà Nội, cũng chính ngày ấy sau đó một năm anh lại lên Sơn La. Kỹ sư Tới gắn với sông Đà như cái mệnh. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, kỹ sư Tới là một trong 3 vạn người tham gia đại công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình.

Năm 1993, vào xây dựng công trình nhà máy thủy điện Ialy, rồi hầm đường bộ Hải Vân và bây giờ là Sơn La. Nơi đâu, kỹ sư Tới cũng đi đầu trong đội trọng điểm thi công những hạng mục trọng yếu của công trình. Điều hành gần 5.000 người trên đại công trường Sơn La (tương lai con số này sẽ là 15.000).

Kỹ sư Tới bao giờ cũng là người điềm tĩnh. Công trường vừa là nơi anh làm việc vừa là nơi chia sẻ tình cảm với đồng nghiệp đến từ mọi miền quê, mà tuổi trẻ của họ thuộc về công trình, đồi núi… như anh. “Tôi có nỗi ám ảnh là bị gõ cửa, nghe điện thoại trong đêm. Ngày thi công thủy điện Hòa Bình, vừa xả xong nước hầm thứ hai chưa kịp chợp mắt, điện thoại lại reng, reng…

Đó lại là tai nạn đang chờ mình giải quyết. Thủy điện Sơn La không phải đào hầm vì sử dụng công nghệ đầm lăn, bớt được nguy hiểm, song khó tránh sơ suất trên công trường lớn và thi công dài ngày như vậy. Với tôi, xây xát nhỏ nhất nếu xảy ra với anh em lao động cũng là nỗi buồn lớn!” – Kỹ sư Tới giãi bày.

Trên công trường Mường La, tất bật, kỹ sư Tới luôn là người đi ngủ muộn và thức dậy sớm nhất, anh cho biết, “lính” công trường là “con người tiến độ”, mình không dậy sớm làm sao biết anh em làm việc thế nào, sai một ly là đi lạc vào… rừng. Núi rừng Mường La đã ngủ say lâu quá rồi, phải đánh thức để dòng điện thượng nguồn sông này sớm hòa vào lưới điện của đất nước thôi.

Tình yêu kết trái giữa rừng

Lên Mường La là đối diện gian khó. Khí hậu khắc nghiệt nén con người xuống lòng sông; giá mớ rau, cốc nước bốc lên trời, cao hơn ở Hà Nội. Những người đến khai sáng Mường La không thiếu tình yêu.

Một “nhà thơ công trường” có lần đã “tức” cái khó khăn đó mà “sinh” tình trong mấy câu thơ đăng trên tạp chí Sông Đà, rằng: “Ngày anh về bản em bừng sáng/Ánh điện rực trời, tiếng máy giục vào ca/ Người phố núi bỗng thành người phố thợ/ Kinh, Thái, Tày một khối kết thành hoa…”.

Sống với núi rừng, si mê đến thế, thảo nào đám cưới rất riêng tư trên công trường bỗng trở thành những niềm vui rộn ràng đáo để. Dương Anh Bình một kỹ sư rất trẻ chuyên về kỹ thuật trắc đạc, kỹ thuật tọa độ… Từ Yên Bái đến với công trình thủy điện này đầu năm 2002, Bình đã sớm tìm được một cô gái xứ Thanh – Lê Thị Loan trên đất Mường La để gửi gắm cuộc đời mình.

Ngày cưới của anh tưng bừng xóm công trường ít Ong. 15 mâm cỗ cưới không nhiều! Nhưng lễ vu quy đã vui lên thực sự khi lãnh đạo Cty Sông Đà 9 –những người chủ hôn đám cưới của Bình khởi động các tuần bia để anh em chia mừng hạnh phúc cho Bình. Hạnh phúc đám cưới xa nhà!

“Tình yêu của tôi và Loan ở đây nói chung hoang sơ lắm. Lúc mới lên đây, đất này có quán cà phê, giải trí gì đâu. Cứ đi chơi hồn nhiên giữa rừng. Vậy mà bây giờ chúng tôi đã có với nhau một mặt con – Dương Hoàng Anh” – Bình tâm sự.

Trong dãy nhà dài của khu tập thể 908, vợ chồng Bình sống thật hạnh phúc. Tương lai của con anh? Chắc công dân “quốc tịch” đại công trường Sơn La này sẽ tiếp tục theo nghề xây dựng công trình thủy điện như bố!

Để khắc sâu vào núi rừng Tây Bắc dấu ấn một tình yêu, Lê Hiến Hiền (Cty cổ phần thủy điện Nậm Chiến) lại chọn cách khác: đặt tên con. Trước ngày cưới một hôm, trên đường từ thủy điện Nậm Chiến trở về huyện Mường La, đường khó đi quá, xe bị sa lầy trên đỉnh Sam Xít, Hiền bỏ cả xe cuốc bộ về cho kịp ngày cưới.

Lấy tên đỉnh đèo cao nhất của Mường La (đèo Sam Xít) đặt tên cho con cũng đồng thời là cách để anh ghi nhớ kỹ hơn những ngày gian khó ở Mường La. Lê Đèo Sam Xít- cậu bé lai Thái có cái tên rất Tây là sự kết tinh tình yêu của Hiền và cô gái Thái - Đèo Thị Nhung vẫn đang sống trong âm vang tiếng máy reo của Sông Đà, suối chiến.

Vinh dự cho tôi trên công trường Mường La cũng được dự tiệc báo hỷ đám cưới của đôi bạn trẻ Thực – Hòa (đội giám sát kỹ thuật) ngay trong Ban điều hành dự án. Mọi thứ đều đơn giản, đồ ăn nhiều hơn mọi ngày một chút, anh em xúm lại nghe lãnh đạo chúc mừng hạnh phúc và rồi “thơ sông Đà” cất lên.

“Nhấp hớp rượu ngon chúng mình cùng hát/ Hát khúc Sông Đà hùng tráng bản trường ca/ Nào sạp đây chúng mình chung điệu nhảy! Nốt nhạc múa xòe như nhuộm cả mùa xuân…”. Với trường ca sông Đà vô tận, có lẽ chăng những tình yêu, hạnh phúc của các đôi “uyên ương công trường” bé nhỏ?

Khó có ai nói được điều đó, chỉ biết rằng hạnh phúc này đang vươn cùng sức lớn công trường, và đáng yêu hơn sẽ còn rất nhiều trẻ nhỏ như Lê Đèo Sam Xít lại được sinh ra và ghi dấu ấn trên đất Mường La. 

>>Bài 1: Gian nan chuyện chuyển dời

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.