Trèo lên đỉnh núi, nếm trái đào tiên

Trèo lên đỉnh núi, nếm trái đào tiên
Cuối hạ, tôi trở lại Mẫu Sơn. Miền sơn cước này hùng vĩ chứa đựng nhiều điều kỳ thú luôn thôi thúc mọi người khám phá.

Con đường nhỏ như vệt rắn bò trườn lên những ngọn núi cao vút trên 1200 mét so với mực nước biển. Nơi có khí hậu mát mẻ với những cô sơn nữ người dân tộc Dao ngồi trên sườn núi ăn quả đào tiên rồi ném xuống khe lạch.

Từ đó rừng đào mọc lên. Hoa đào đỏ thắm như má người sơn nữ. Quả đào căng như vầng trăng mười sáu lơ lửng trên ngọn Khuổi Cấp cao ngút trời... Bây giờ đào đã vào cuối vụ.

Những quả đào muộn chỉ còn lác đác trên ngọn cành cao. Nhưng được ăn tận gốc những quả đào hiếm muộn đã thôi thúc bước chân của chúng tôi nhanh hơn... 

... Già bản Đặng Tăng Phúc, một người bản địa, dân tộc Dao dẫn chúng tôi rẽ vào con đường mang tên Chân Mây. Tôi vừa đến khu nghỉ mát Mẫu Sơn bèn tìm đến già và nhờ dẫn đến một bản người Dao có nhiều đào nhất. Già bảo: “ở Mẫu Sơn, nơi nào cũng có đào, nhưng nhiều hơn cả có thôn Khuổi Cấp, Bản Tẳng... Nhưng ta nên đi đến thôn Ngàn Pặc, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vì nơi đó không những có đào ngon và có cả rượu quý Mẫu Sơn nữa”.

Chúng tôi đi bằng xe máy trên những con đường đầy ổ voi, ổ trâu uốn lượn trên những sườn đồi, sườn núi trập trùng. Bản Ngàn Pặc cách khu Du lịch Mẫu Sơn 6 cây số đường rừng. Chúng tôi đi xe máy chừng 4 cây số rồi gửi xe ở một nhà người Dao ven rừng, cuốc bộ men theo những vạt rừng có bóng cây to. Đi chừng hơn một cây số thì già Phúc chỉ tay về hướng trước mặt nói: “Bản Ngàn Pặc ở trong đám mây kia kìa. Nhưng đi đến đó cũng phải mất một... chiếc khăn vắt vai nữa đấy!”.

Trèo lên đỉnh núi, nếm trái đào tiên ảnh 1
Khách đến nhà, tự trèo hái những trái đào muộn

Người Dao ở Ngàn Pặc từ ngàn đời nay đã sống trong rừng đào. Quả đào chín cây đem hương đi tìm những con chim Pi-oóc ca khắp núi đồi. Mấy năm gần đây, từ khi Khu Du lịch Mẫu Sơn được phục hồi, cứ vào dịp tháng 6 và tháng 7 bản Ngàn Pặc rộn rã cảnh chàng trai người Dao trèo lên cây đào, hái những quả to, ngon cho vào gùi. Khi gùi đầy quả, những cô gái “địu” mang xuống chân đồi bán cho người Kinh.

Bây giờ ngoài việc đem biếu người thân làm quà, thờ cúng tổ tiên, người Dao Ngàn Pặc còn biết “đối lưu” hàng hoá hoặc bán đào lấy tiền rồi ra chợ huyện Lộc Bình mua dầu, mua muối, mua đài nghe tiếng nói của Đảng...

Già làng Đặng Tăng Phúc dẫn chúng tôi đến một vườn đào rộng lớn rồi cất tiếng hú gọi người. Một tiếng hú đáp lại. Chị Dương Mùi Viễn đang cho cây củi vào bếp bèn chạy ra đón chúng tôi. Chị Viễn năm nay 56 tuổi. Cây đào trước ngõ bằng tuổi chị. Chúng tôi ra rừng đào xung quanh nhà.

Trên những triền đồi đất, núi đá đào men theo thớ đất mọc lên xanh tốt. Có cây cao đến hơn 5 mét. Triệu Mùi Phẩy, con gái chị Dương Mùi Viễn năm nay gần 14 tuổi. Cô sơn nữ người Dao này ban đầu còn bẽn lẽn nấp trong buồng lén nhìn trộm chúng tôi. Đôi má Phẩy ửng đỏ, làm mọi người cứ ngỡ có trái đào tiên giấu trong tấm rèm bằng vải hoa con công Trung Quốc.

Sau thấy chúng tôi thích thú tìm những quả đào trên những cành cao, Phẩy mạnh dạn hướng dẫn cách trèo cây, hái quả. Em nói: “Năm nay đào không sai quả đâu. Hơn nữa bây giờ cuối mùa nên chỉ còn những quả bé sót lại”.

Chúng tôi đu mình trên cành cây và chọn hái những quả mà con chim mổ sứt sẹo bởi chỉ những quả ngon, chim mới ăn. Mà đúng thật, đào tiên Mẫu Sơn ăn vừa ngọt, vừa ngon, đượm mùi thơm dìu dịu...

Chúng tôi hỏi: “Phẩy có mang đào xuống núi bán?”. Phẩy cười ửng đỏ cả khóe mắt: “Bây giờ người Dao ít mang xuống núi bán lắm. Cũng có người mang quả đào lên Khu Du lịch Mẫu Sơn bày cho khách xem, ai mua thì mua. Còn đa số người buôn từ khi đào còn non đã lên tận bản để mua cả vườn rồi...”. Chúng tôi chuyền tay nhau những quả đào muộn. Chẳng mấy chốc đã kín các túi áo, quần...

Chị Dương Mùi Viễn đưa cho chúng tôi mỗi người nửa bắp ngô mà chị đã nướng từ lúc nào. Mùi ngô nếp đượm giọng nói của chị: “Nhà có nhiều đào. Năm nay có khoảng 500 cây cho ăn quả. Có quả to gần cái ấm pha chè. Những quả to, ngon bán được gần 7 nghìn đồng/cân...”.

Rồi chị thoăn thoắt xuống bếp. Mùi thơm của cơm nếp nương phảng phất. Triệu Mùi Phẩy đã kết thân với một nữ sinh trong tốp “tránh nắng” của chúng tôi. Phẩy thích thú khi thấy chúng tôi say sưa nghe chuyện về đào. Phẩy nói: “Nhà em có cây đào trăm tuổi đấy. Nhưng nhà ông Dì Sài nhiều đào nhất vùng. Bố em bảo sai quả nhất là vào năm 1988, toàn bản có tới 250 tấn đào”.

Già làng Đặng Tăng Phúc-vốn là Trưởng Ban Định canh định cư của tỉnh Lạng Sơn, thạo việc, nói: “Đào tiên bây giờ thoái hoá nhiều. Tỉnh cũng đã có kế hoạch phục tráng cây đào Mẫu Sơn nhưng vẫn chưa có kết quả. Đào tiên ngon, bổ nhưng do đường sá xa xôi, cách trở nên giá trị kinh tế còn thấp. Nhà nhiều đào cũng chỉ thu được vài triệu một năm...”.

Tôi sờ vào túi lôi ra quả đào vừa hái được. Tôi thấy Triệu Mùi Phẩy lén nhìn. Chưa kịp phỏng vấn cô sơn nữ người Dao này thì con trai chị Viễn tên là Triệu Sáng Kim, năm nay 20 tuổi đã đem đến trước mặt tôi một chén rượu “đít bằng” to như  bao thuốc lá và nói: “Triệu Mùi Phẩy bảo các anh, chị uống chén rượu mà nó có công ủ men lá rừng đấy!”.

Tôi chưa kịp hiểu gì thì già Đặng Tăng Phúc bảo: “Rượu người Dao không nấu bằng men củ riềng mà bằng lá quý mọc ở góc rừng. Hái men, ủ men phải là những cô gái trẻ chưa có chồng thì mới được rượu”. Tôi đưa chén lên miệng làm “ực” một hơi, ban đầu cảm thấy rượu hơi ngái ngái nhưng mùi thơm rất đặc trưng. Đặc biệt là rượu rất êm...

Già làng Đặng Tăng Phúc giải thích thêm: “Nước nấu rượu phải lấy từ nơi đầu nguồn núi Mẫu. Củi nấu rượu phải là cây gỗ chắc mới đượm ánh lửa... Cứ độ mùa thu, các cô gái tuổi trăng tròn người Dao lại lên rừng tìm kiếm men lá và gùi nước về nấu rượu. Mùa cưới mà...”.

Chị Dương Mùi Viễn liên tục mang ra những bắp ngô nướng nóng hổi chiêu đãi chúng tôi. Chị cho biết: Chị và con gái đã trồng giống ngô lai mới trên hai, ba quả đồi. Năm nay thu hoạch khá, có ngô nấu cháo ăn đậm miệng đồng thời nuôi con lợn, con gà. Điều đáng mừng là: Từ khi khách dưới chân núi Mẫu Sơn thích rượu men lá, Triệu Mùi Phẩy lớn khôn đã giúp chị tìm men rượu, ủ men rất khéo nên rượu nhà chị ngon và...được rượu nhiều.

Chị Viễn dành rượu bán cho dân bản và khách du lịch, thu nhập cũng khá: 8 ngàn 500 đồng/lít. Người buôn mang xuống núi, đến thành phố Lạng Sơn có thể bán hơn 10 ngàn/lít... Chị Viễn cho biết: Bên cạnh quả đào, rượu đặc sản quê chị đã đem lại một diện mạo cuộc sống mới. Đồng bào Dao không du canh, du cư nữa, đời sống đã bớt khổ, có của ăn, của để.

Chị Viễn khoe với chúng tôi: Ngôi nhà trình tường mới này chị mới hoàn thành đầu năm nay, tiền vật liệu và công mất gần chục triệu đồng. Vậy mà chị không phải vay mượn người trong bản. Đúng là “Điều chưa có trong văn tự người Dao”.

Triệu Mùi Phẩy cười rúc rích. Một thanh niên nhà ở quả đồi bên cạnh sang chơi nhà chị Viễn. Thấy có cô bé người Kinh trông dễ mến đang cầm quả đào trên tay, người thanh niên liền đánh bạo hỏi: “Muốn ăn quả đào nữa không? Tôi đi hái cho. Nhưng phải uống với tôi một chén rượu làm tin đã!”

...Nắng đã lên quá đỉnh đầu. Mặc dù gia đình chị Dương Mùi Viễn cứ giữ lại ăn cơm, nhưng già làng Đặng Tăng Phúc “phát sóng ngắn” giải thích nên chị mới cho chúng tôi xuống núi. Trước khi ra về, hai chàng trai người Dao cầm chai rượu mời khắp lượt chúng tôi, còn cô sơn nữ Triệu Mùi Phẩy thì nấp vào khe cửa nhìn mãi theo bước chân đoàn “cán bộ dưới xuôi”.

Đi đến một đoạn đường cuối rừng đào, chợt già làng Đặng Tăng Phúc reo lên: “A. Đây có một búi cây làm men rượu này!”. Chúng tôi nhìn thấy những cành lá nhỏ dài, mềm như lá thông non, xanh mướt mọc ở một góc núi. Mọi người xúm lại ngó nghiêng. Tôi đưa tay định hái một cành mang về làm kỷ niệm nhưng chợt nhớ đến câu chuyện của già Đặng Tăng Phúc về các công đoạn nấu rượu Mẫu Sơn nên rụt tay lại. Tôi nhìn lên ngôi nhà đậu chênh vênh trên sườn núi. Hình như Triệu Mùi Phẩy đang dõi theo chúng tôi. Tự dưng mặt tôi bừng đỏ như trái đào tiên vậy...

 Mẫu Sơn,đầu tháng 8/2005

MỚI - NÓNG