Trỗi dậy hủ tục bùa ngải

Bà Nới may mắn thoát chết sau vụ vu oan cầm đồ thuốc độc
Bà Nới may mắn thoát chết sau vụ vu oan cầm đồ thuốc độc
TP - Nơi đại ngàn thâm u, hủ tục cầm đồ thuốc độc của người dân tộc H’re vẫn tồn tại dai dẳng và bất ngờ trỗi dậy và gieo rắc không ít cái chết, vụ án thương tâm tại các bản làng vùng cao Sơn Hà, Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Kẻ mất mạng, người bỏ làng

Bản Gò Da (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) yên bình, bỗng “nổi sóng” sau cái chết của ông Đinh Văn Lương (60 tuổi) cuối năm 2013 do căn bệnh ung thư gan.

“Kẻ bỏ đồ thuốc độc là phụ nữ, gần nhà, có mâu thuẫn với gia đình”- lời “thầy bói” chỉ điểm nguyên nhân cái chết của cha hằn sâu tâm trí Đinh Văn Hút (26 tuổi). Hút dồn mọi nghi ngờ vào bà Đinh Thị Na (45 tuổi cùng thôn). Anh ta rủ thêm Đinh Văn Bẻo (21 tuổi, Gò Da) tìm cách đánh đập, tra khảo bà Na. Sau cuộc họp dân làng, Hút dựng kịch bản bỏ “túi đồ” tại nhà một số người dân để vu oan người đàn bà xấu số.

Trong đêm, bà Na bỏ làng sang xã Long Môn (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) lánh nạn. Hút cùng đám thanh niên vẫn điên cuồng truy sát. Ngày 14/1/2014, biết bà Na trên đường về rẫy cách làng 1km, Hút cùng Bẻo kéo lên rẫy, dùng gậy gộc đánh đập dã man rồi lôi bà Na về làng để tìm chỗ cất giấu đồ độc. Kiệt sức, bà Na đổ gục xuống giữa đường, cả nhóm đánh đập bà Na đến chết, rồi bỏ xác nơi vệ đường.

Ông Đinh Văn Ny, chồng bà Na đau xót kể: Lúc đó thực hư chưa rõ ràng nên cả làng ai cũng nhìn vợ tôi như con “ma làng”. Ngày 15/1, gia đình mới phát hiện xác bà, nhưng không dám báo công an, chỉ biết lặng lẽ tìm cách đưa xác về nhà chôn cất. Không chỉ giết người, Hút, Bẻo còn “bắt vạ” gia đình nhiều trâu bò, lợn gà.

Trỗi dậy hủ tục bùa ngải ảnh 1

Miền cao Quảng Ngãi âm ỉ hủ tục cầm đồ thuốc độc

Hút cùng đồng bọn tiếp tục dồn sự nghi ngờ lên bà Đinh Thị Nới (59 tuổi, Gò Da), cho rằng bà là “người bày cách cho bà Na để đồ độc, giết người”.

“Áp Tết, cả đám người cầm gậy gộc bất ngờ kéo vào nhà tôi. Thằng Hút bảo tôi ra làng để phạt vạ. Tôi sợ quá ôm lấy chồng, nhưng chúng lấy thanh gỗ cháy đập vào người, rồi lôi ra ngoài trói tôi lại tra khảo, liên tục đấm đá” - bà Nới, nạn nhân thoát chết của vụ vu oan “ma làng”, run rẩy kể lại.

Trong đêm, bà Nới vượt làng bỏ trốn sang lánh nạn nhà con gái ở xã bên. Hút lùng sục tìm kiếm, dọa giết hết cả nhà bà, bắt vạ 5 con trâu, 3 con bò, 2 con heo.

Để đảm bảo an toàn cho bà Nới, cán bộ xã Sơn Ba đưa bà về trụ sở xã lánh nạn, bố trí người túc trực. Tuy nhiên, Húc kích động Đinh Văn Quang (con trai bà Na), cho rằng chính bà Nới đã “bày đồ độc” gây nên cái chết của mẹ mình. Quang liền phá cửa, xông vào trụ sở xã đòi giết bà Nới tới cùng.

Chỉ đến khi lực lượng chức năng làm sáng tỏ vụ việc, đưa ra ánh sáng hành vi lợi dụng hủ tục để giết người, cưỡng chiếm tài sản, bắt giam Hút, Bẻo, bà Nới mới được giải thoát khỏi lời nguyền “thuốc độc”.

Thượng tá Võ Văn Đãi, Trưởng công an huyện Sơn Hà, cho hay: Lợi dụng sự cả tin, nhận thức kém của bà con dân bản, Hút chủ mưu dựng chuyện, chiếm đoạt bà Na và bà Nới tổng tài sản hơn 100 triệu đồng. Hút và Bẻo đã bị khởi tố về hành vi giết người và tiếp tục mở rộng điều tra.

Trỗi dậy hủ tục

Lâu nay, tại nhiều bản làng ở huyện Sơn Hà đến Ba Tơ (Quảng Ngãi) án mạng nghị kị “cầm đồ” vẫn âm ỉ, tái diễn. Còn nhớ hồi đầu tháng 2/2012, hai đứa con của cặp vợ chồng H’re trẻ Đinh Văn Tôm, 27 tuổi, ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) bỗng dưng chết không rõ nguyên nhân.

Tôm nhớ lại lời bà Thương từng hăm dọa sẽ khiến hai đứa nhỏ nhà mình “không có cái miệng để nói, không có cái mắt để nhìn”, liền rủ anh trai Đinh Văn Tỷ vác rựa kéo đến nhà bà Thương.

Hoảng hồn trước sự truy sát, bà lão 70 tuổi phải cắt núi, băng rừng đến ở nhờ nhà người thân rồi ra trụ sở xã trú ngụ. Ông Đinh Văn Riễu, trưởng Công an xã Sơn Kỳ kể, sau khi địa phương tổ chức khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân cái chết của hai cháu bé, rồi tích cực làm công tác tư tưởng mới ngăn chặn vụ giết người vì hủ tục.

Trước đó, cuối năm 2010, ông Đinh Văn Teo (57 tuổi, thôn Bờ Nung, Sơn Kỳ) cũng may mắn thoát khỏi án tử của dân bản quy kết ông tội “cầm đồ thuốc độc”.

Ông Teo một lần trong lúc say rượu, có nói bóng gió về “đồ độc”. Để phòng trừ hậu họa, dân bản bàn nhau truy sát. “May mà có cán bộ kịp thời can thiệp, vận động giảng giải nếu không tôi đã mất mạng. Sau vụ đó, tôi sợ đến già, chẳng dám nói lại hai từ cấm kị đó”- ông Teo kể lại.

Chục năm trước tại thôn Làng Riêng (xã Sơn Kỳ), vì nghi ông Đinh Văn Roàng có “đồ độc”, 8 người trong thôn đã truy sát, đánh đập đến chết rồi kéo xác ông Roàng lên cầu vứt xuống sông.

Theo Công an xã Sơn Thủy (Sơn Hà), những năm gần đây đã có gần 5 vụ án cầm đồ thuốc độc. Không chỉ người dân mà chính cán bộ xã vẫn vướng vào hủ tục này.

Nghi ông Đinh Hà Nên (thôn Tà Cơn, Sơn Thủy) có “đồ độc”, cuối tháng 9/2009, ông Đinh Hà Ngoan, Chủ tịch Mặt trận xã Sơn Thủy vác gạch đến nhà đánh liên tiếp vào đầu khiến ông Nên trọng thương. Tối cùng ngày, nhóm 4 đối tượng khác tiếp tục kéo đến dùng gậy gạch đánh ông Nên đến chết mới chịu bỏ đi.

Thống kê công an huyện Sơn Hà: Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 22 vụ nghi bỏ bùa ngải độc. Điểm chung giữa các vụ việc này là lợi dụng niềm tin mù quáng của bà con miền núi, kẻ xấu đã thông qua lời phán của thầy mo, thầy bói để đánh đập, thậm chí là giết người và chiếm đoạt tài sản

Kỳ bí, huyễn hoặc “Đồ độc”

Theo quan niệm của người H’rê, chủ nhân của món “đồ độc” chỉ cần đặt “đồ” vào nhà ai, hoặc đụng chạm vào người đó rồi lầm bầm thần chú, tức thì, muốn người chết sẽ chết, muốn trâu bò bệnh phải bệnh.

Ở tuổi gần thất thập, già Đinh Văn Bố, Bí thư chi bộ thôn Bồ Nung (Sơn Kỳ) quả quyết: người ta rỉ tai nhau về chuyện “cầm đồ thuốc độc”, nhưng tận mắt chứng kiến thì chưa một lần. Dùng “độc” từ các loại lá như lá ngón, mủ của con cóc... thì đúng rồi, nhưng kiểu cầm đồ thuốc độc thì không có cơ sở.

Trỗi dậy hủ tục bùa ngải ảnh 2

Bà Thương người suýt mất mạng vì bị nghi kị cầm đồ thuốc độc

Chỉ là thứ truyền miệng, nhưng “đồ thuốc độc” khiến dân làng nghi kỵ, những kẻ quá khích gây án mạng dẫn đến những cái chết đau lòng.

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Hùng, Công an huyện Sơn Hà: Đối tượng bị nghi kị “cầm đồ” thường là những người hay rượu chè, say xỉn, đi đêm về hôm, ăn nói bất thường và hay hù dọa người khác, hoặc úp mở về chuyện có đồ độc.

Thực hư không ai chứng minh nổi, nhưng có thực tế người bị “vạ miệng” mất mạng vì hủ tục này thì thật đến 100%. Nguyên nhân thì rõ do mông muội cùng hủ tục, lệ làng đeo bám.

Đáng nói nạn “cầm đồ độc” diễn biến phức tạp và có chiều hướng biến tướng thành các trò lừa đảo, lợi dụng để lừa người nhẹ dạ cả tin, mê muội.

Mới đây, công an huyện Sơn Hà làm rõ vụ bà Đinh Thị Miết (xã Sơn Linh, Sơn Hà) cấu kết với 2 đối tượng trong thôn, chôn một số “túi lạ” giả “đồ độc” vào vườn nhà ông Đinh Văn Mắt nhằm lấy 100.000 đồng/1 túi giải độc, giúp ông Mắt khỏi bệnh đau thần kinh tọa.

Theo già Phạm Văn Căng (71 tuổi, xã Ba Trang, Ba Tơ), chuyện “cầm đồ độc” xưa nay chỉ nghe truyền miệng.

Theo lời đồn mà ông được nghe kể, có thể chia làm hai loại: Đồ khô là của những người giàu có, đồ ướt là của người nghèo. Muốn làm “đồ” phải nhờ thầy cúng đến, rồi đi tìm lấy lông mép của con cọp, cắm vào măng tre.

Chờ cho chiếc lông này hóa thành sâu. Con sâu lớn, ăn lá răm, thải ra phân. Phân này được dùng để chế đô. Nếu có râu cọp, đồ sẽ phát huy tác dụng nhanh.

Dễ hơn có thể làm bằng cách lấy lúa mới trộn với lúa cũ, muối mới trộn với muối cũ, rồi dùng tiết gà trắng trộn hai thứ lúa, muối hòa cùng đọt cây đại tướng quân, rễ cây đa, nước mã tiền… chờ đến bách nhật (100 ngày) để tinh luyện thành đô. Đến nay, nó cũng chỉ là lời đồn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.