Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP - Trận mưa rừng trong đêm khiến cho chuyến đi của chúng tôi trên đường 10 và đường 16, hai nhánh xuyên Trường Sơn cuối cùng trên đất Quảng Bình trở nên khó khăn và vất vả hơn. Trầy trật mãi rồi chúng tôi cũng bò được vào đến Làng Ho.
Trường Sơn kí sự ảnh 1
Những đứa trẻ bản Rum lấy đường Hồ Chí Minh làm sân chơi

Nơi đây, trong những năm tháng chiến tranh được coi là điểm cực nam của Quảng Bình, là điểm đối đầu giữa hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam.

Trong bốn tuyến xuyên Trường Sơn là đường 12A, đường 20, đường 16, đường 10, tuyến đường 10 được đánh giá là gian khổ, hiểm nguy và khốc liệt nhất. Chỉ với 74 km xuyên rừng đã huy động trên 6.000 TNXP.

Sau gần một năm khi Trường Sơn chọc thủng đã có 200 TNXP mãi mãi nằm lại với con đường. 700 người khác mang thương tật vĩnh viễn.

Trong hồi ức của ông Nguyễn Văn Đệ, cựu TNXP khi nói về sự chịu đựng gian khổ, mất mát hy sinh của lực lượng TNXP khi thi công tuyến đường này đã nhắc đến một sự thật nghiệt ngã của cuộc chiến, mà ở các tuyến đường khác chưa từng xảy ra.

Đó là, không quân Mỹ tập trung đánh phá vào con đường này hết sức ác liệt khiến cho sự chi viện của tuyến sau bị gián đoạn. Từ tiêu chuẩn 24 kg gạo/người/tháng xuống còn chỉ 10 kg, rồi còn 5 kg cho đến không còn kg nào và phải cầm hơi bằng rau rừng. Nhiều đội viên TNXP chết đói trong thời kỳ phong tỏa khốc liệt đó...

Hơn 40 năm, núi đồi đã hồi sinh ngút ngàn rừng thẳm. Con đường nhánh Tây Trường Sơn bằng bê tông vắt ngang, vươn về phía trước. Những bản làng người Vân Kiều đang bám dọc đường định cư. Hình như mọi sự đổi thay đang dần được nhóm lên dọc theo các tuyến đường máu lửa ngày ấy...

Bên đường nhánh Tây

Đồn Biên phòng Làng Ho anh hùng giờ khang trang, bề thế áp sát con đường Tây Trường Sơn. Phía xa xa trước mặt là đỉnh “nghìn linh một”, điểm cao chiến lược mà từ nơi đây tập trung sức mạnh hậu phương hết lòng chi viện cho tiền tuyến.

Thượng tá Nguyễn Đình Thương, Đồn trưởng cùng hai đồn phó là Lê Văn Chánh và Nguyễn Tuấn Minh coi chúng tôi như người nhà. Nếu không được anh Minh chủ động giới thiệu thì chúng tôi đã nhầm Đồn trưởng Thương là già làng Vân Kiều.

Nước da đen mái, môi thâm của một người chịu với sốt rét rừng. Anh Thương có thâm niên bám đồn hơn 20 năm nay. Dân bản quanh vùng lấy họ Hồ đặt cho anh và gọi anh là Hồ Thương. Đồn Làng Ho đóng chân trên địa bàn 2 xã Kim Thủy và Ngân Thủy (Lệ Thủy). 4.000 dân dàn mỏng trên một địa bàn rộng lớn với 27 km đường biên.

Khi chúng tôi muốn biết bản nào hiện đang khó khăn nhất trên địa bàn, Đồn phó trinh sát Nguyễn Tuấn Minh nói rằng, người Vân Kiều vùng này đều đang rất khó khăn, nhưng khó khăn nhất bây giờ vẫn là bản Rum, bản cuối cùng của Quảng Bình dưới chân đỉnh “nghìn linh một” tiếp giáp Quảng Trị và bản Tân Ly cách đồn chừng mươi cây số ra phía Bắc.

Chúng tôi tìm đến bản Rum. Đây là bản nằm cuối chót đường 16, bây giờ dịch chuyển ra bám sát đường HCM nhánh Tây. Bản có 24 hộ. Trưởng bản Hồ Văn Ngàn nói với chúng tôi rằng, nhờ có con đường nhánh Tây này mà cư dân của bản mới biết được cái chữ.

Ông Ngàn khoe: Nhìn bản nghèo thế này thôi nhưng có đến 13 học sinh học trường nội trú của tỉnh và 28 học sinh đang theo học trường nội trú của huyện. Dân bản mình giờ đang nhà tranh tạm bợ, nhưng đã có chủ trương hỗ trợ cho làm nhà mới rồi. Nay mai thôi.

Ông Hồ Vàng (43 tuổi), ló đầu qua lỗ thủng của tấm cửa lá góp chuyện: Mấy năm nay mùa màng thất bát. Không có đất để làm rẫy, dân bản sống chủ yếu nhờ đi lấy mây và săn bắt thú rừng...

Chúng tôi nhìn về phía đầu bản, một ngôi nhà to, vững chãi dựng mấy chiếc xe máy, ông Vàng nói đó là nhà của người dưới xuôi lên đây buôn bán và mua lại những gì mà dân bản khai thác và săn bắt được từ rừng...

Rời bản Rum, ngược ra phía Bắc chừng mươi cây số, có bản Tân Ly nằm ngay sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây này. Chúng tôi không ngờ ở đây đang còn tồn tại một bản nghèo đến thế. 53 ngôi nhà bé ti như túp lều, lụp xụp, mái tranh hoai mục và trống hoác tứ bề.

Những đứa trẻ đen nhẻm đầu trần, chân trần đang mò ốc dưới khe nhỏ đầu bản. Ghé chân vào ngôi nhà như chỉ được làm bằng hai mái tranh chụp lên mặt đất, chủ nhà là Hồ Văn Dinh (25 tuổi) cùng vợ là Hồ Thị Tình (24 tuổi) với ba đứa con ngang đầu nhau đang ngồi dưới bóng cây trước nhà tránh nắng.

Đã giữa trưa, nhưng bếp ở góc nhà chỏng chơ một chiếc nồi nhôm, tịnh không thấy lửa. Hỏi đã ăn cơm chưa, Hồ Văn Dinh lắc đầu bảo, trưa nay hết gạo. Chiều vô rừng kiếm được cái chi thì tối nấu ăn luôn thể.

Anh Dinh nói rằng, đang giáp hạt, dân bản Tân Ly nhà nào cũng thiếu đói. Chờ đến mùa phải còn tháng nữa. Giờ dân chỉ biết vào rừng kiếm được cái gì có thể bán được để lấy tiền đong gạo...

Rời bản Rum, bản Tân Ly, bản chót cùng trên tuyến đường ngang xuyên Trường Sơn trên đất lửa Quảng Bình với ngổn ngang tâm trạng. Mảnh đất này đã chịu quá nhiều mất mát, đau thương. Những phận làng, những phận người ở nơi rừng thẳm cứ day dứt hoài trong tâm trí chúng tôi trên đường ngược Trường Sơn về phố...

Chúng tôi tần ngần đứng ở Ngã ba Âm phủ ngày nào để cố hình dung một phần nhỏ câu chuyện trong kí ức của ông Nguyễn Văn Đệ: “6.000 con người, 6.000 miệng ăn chỉ cầm hơi bằng rau, củ rừng gần cả tháng, họ gần như hoàn toàn kiệt sức.

Ngồn ngộn công việc ở ngoài mặt đường kia. Lãnh đạo Cục Công trình 1 quyết định gom số xăng còn lại của toàn tuyến đổ đầy năm xe tải, mở đường máu về lấy lương thực tiếp tế. Tất cả như nín thở hồi hộp đếm nhịp thời gian.

Năm xe chở đầy gạo đã quay trở lên, chỉ còn chưa đầy năm cây số nữa là an toàn. Tất cả hy vọng, chờ đợi đều dồn về phía con đường trong sự căng thẳng tột độ. Xe vừa vượt qua được Ngã ba Âm phủ thì máy bay của địch phát hiện.

Bom, rốc-két giội xuống như mưa. Cả năm xe đều bị trúng bom bốc cháy ngùn ngụt. Các chiến sỹ lái xe cảm tử đều hy sinh...

MỚI - NÓNG