Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự - kỳ 5

Trường Sơn kí sự - kỳ 5
TP - Từ ngã ba Khe Ve theo trục đường 15A ngày xưa - đường Hồ Chí Minh hôm nay, chếch hướng Tây Nam chừng 15km là đến địa phận Hóa Tiến (Minh Hóa, Quảng Bình). Xét theo lý trình của tuyến thì Hóa Tiến nằm ở Km 473.
Trường Sơn kí sự - kỳ 5 ảnh 1
Tấm bia bị khuất lấp chìm trong nước thải

Trong lịch sử của đường Trường Sơn, ở Hóa Tiến, có một hệ thống hang động được Tổng cục Hậu cần chọn làm căn cứ của sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, các kho hàng chiến lược phục vụ cho cuộc chiến vĩ đại và nơi đây cũng là điểm tập kết điều dưỡng, cứu chữa thương bệnh binh của bộ đội Trường Sơn ngày đó.

Hóa Tiến bây giờ đã là một thị tứ sầm uất. Cách đây chừng 10 năm, Hóa Tiến được chọn để xây dựng trung tâm cụm xã. Bám sát hai bên đường Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới là hàng quán, chợ búa, trụ sở và hệ thống dịch vụ thời thượng. Ghé hỏi cô bé tên Hương ở quán cắt tóc, gội đầu sát đường về hệ thống hang lèn của đoàn 559 năm xưa ở đâu.

Cô bé mở to đôi mắt đen láy ngạc nhiên và nở một nụ cười tươi lắc đầu: “Ở đây làm chi có hang lèn. Cháu có nghe ai nhắc đến nó bao giờ đâu”. Một vị trung niên đang ngồi trên xe máy trước cổng chợ chen vào, hang Hóa Tiến chỉ cách đây chừng hai kilômét theo con đường làng trước mặt.

Áng chừng đã đi được hai kilômét, chúng tôi ghé vào một nhà dân. Một phụ nữ tuổi chừng 60 nhìn chúng tôi dò xét: “Mấy chú là ai? Đến đó làm chi? Răng không vô gặp trưởng thôn hay công an thôn mà hỏi. Bọn tui già rồi biết chi mà nói...”.

Con đường làng đến đây là dừng lại bởi một khe suối chảy ngang qua trước mặt. Nhác thấy có hai thanh niên đang giặt dưới khe, chúng tôi xuống làm quen. Hai thanh niên dừng tay, ngước nhìn chúng tôi thăm dò: “Răng mấy chú tự tiện đến đây mà không có cán bộ thôn. Rứa là không được mô. Nhà trưởng thôn sát ngã ba kia. Các chú đến đó mà hỏi...”.

Chúng tôi cứ phân vân mãi về thái độ của dân ở đây. Họ thực sự không biết hang lèn Hóa Tiến, hay vì một lí do nào đó mà họ không được phép tiết lộ cho người lạ. Chúng tôi đành quay xe tìm về nhà trưởng thôn. Một ngôi nhà rường vững chãi và bề thế. Ông trưởng thôn có nhà.

Ông là Đinh Thanh Mại, tuổi mới ngoài 50. Chúng tôi trình hết những giấy tờ cần có với ông, ông Mại mới yên tâm bảo, đó là nguyên tắc từ trước đến nay khi có người lạ đến vùng này.

Thôn mà chúng tôi đang ngồi đây là thôn Yên Phong (Hóa Tiến). Một thôn yên bình với những nương ngô đang ngát xanh quanh khe suối. Chỉ 50 hộ dát mỏng bám quanh hệ thống hang lèn sừng sững, điệp trùng. Hàng trăm ngọn núi đá vôi cứ thế tựa vào nhau như làm nên một trận đồ bát quái. Ai đó chọn nơi đây làm căn cứ đặt chỉ huy sở quả là tinh tường.

Ông Mại kể với chúng tôi rằng, những người trong làng có thời kì tham gia xây dựng và bảo vệ hệ thống hang lèn này, giờ người thì mất, người thì chuyển đi nơi khác cả. Những cư dân ở  đây, ngày đó đang tuổi thiếu niên. Kí ức trong họ về một vị trí bí mật thời chiến không nhiều.

Từ khi lặng im tiếng súng đến nay, dân trong vùng vẫn giữ được ý thức nêu cao cảnh giác, không bao giờ tiết lộ vị trí hang cũng như những gì đang còn trong đó. Bởi, cho đến bây giờ, hệ thống hang này vẫn là khu vực quân sự cấm quay phim, chụp ảnh...

Vị trí mà chúng tôi dừng lại hỏi thăm đường chỉ cách cửa hang chừng mươi thước, thế mà những người chúng tôi gặp, ngay giữa thời bình, vẫn nhất nhất không chỉ cửa hang.

Thế mới biết, hệ thống hang lèn chỉ huy sở nơi đây trong những năm chiến tranh ác liệt, với sự che chở đùm bọc của nhân dân trong vùng gần như an toàn tuyệt đối... Cả thôn có 50 hộ thì có đến 28 hộ nghèo được hưởng tiền trợ cấp dịp tết. Dù thế, không có ai vào hệ thống hang lèn kia để tư túi, dù chỉ chút sắt vụn...

Quặn lòng người đang sống

Muốn cắm một nén nhang trước tấm bia lịch sử này, nhưng không có bát nhang nào ở đó cả. Tất cả bị cây dại bời bời ăn dần và phủ kín...

Khi thi công đường Hồ Chí Minh thời CNH, lúc thiết kế con đường đi qua Hóa Tiến, người ta phải nắn cong một đoạn nền đường cũ để không phải đụng đến một tượng đài nho nhỏ (đúng hơn là một tấm bia lớn) ghi lại dấu ấn lịch sử nơi đây. Chúng tôi ngược xuôi tìm mãi tấm bia này vẫn không thấy đâu. Hỏi gần như hầu khắp những chủ hàng quán ven đường đều nhận được cái lắc đầu: “Không biết”. “Làm chi có...”.

Chúng tôi định quay xe rời Hóa Tiến thì thấy một cụ già vẫy tay: “Các chú tìm tấm bia à? Hỏi chi bọn trẻ đó. Nó nằm ngay đây thôi”. Cụ chỉ tay vào đám cây cối um tùm sát mép đường Hồ Chí Minh, phía sau hai ngôi nhà xây. Không ngờ nó nằm ngay trước mắt mình mà không thể nhìn thấy. Vạch cây rừng chui vào, một bia đá cao chừng ba mét hiện ra. Nước thải từ hai ngôi nhà kia tạo thành vũng bốc mùi xú uế bao quanh chân bia.

Bia đúc bằng bê tông đã lở lói và nứt nhiều chỗ nhưng những dòng chữ còn rõ lắm: “Các hang động xã Hóa Tiến-Minh Hóa, nơi Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 cất giữ kho hàng và điều trị thương binh của Bộ đội Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. Điểm Di tích Lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh. Quyết định số 236/VH/QĐ, ngày 12/12/1986”.

Cụ già chỉ đường cho chúng tôi lúc nãy vẫn còn đứng chờ chúng tôi. Cụ chua chát, một tấm bia di tích quan trọng như thế mà bị rẻ rúng nhường kia thì trách chi lớp trẻ sau này không biết đến sự hy sinh, đổ máu của cha anh cho hòa bình, độc lập. Có nhiều nhặn và tốn kém gì đâu một tấm biển chỉ dẫn, một buổi lao động phát quang, một xe đất tôn nền lên cao...

Họ vô cảm và phó mặc vì đã lỡ cấp đất cho hai ngôi nhà kia mọc lên rồi. Trách nhiệm của các vị quản lý không biết đang nằm ở đâu...

Còn tiếp

MỚI - NÓNG