'Truyền thuyết' mới về hoa ban Điện Biên

'Truyền thuyết' mới về hoa ban Điện Biên
TP - Trên chuyến xe khách đường trường đưa hơn 30 nhà giáo thế hệ 59 trở lại thăm Điện Biên dự lễ kỷ niệm 50 năm, có một phụ nữ nhỏ nhắn lanh lợi. Mới tiếp xúc, không ai nghĩ chị cũng là người của thế hệ giáo viên 59.
'Truyền thuyết' mới về hoa ban Điện Biên ảnh 1
Cô giáo Liên bên một tác phẩm của chồng

Tôi lân la bắt chuyện làm quen, với tư cách là thế hệ giáo viên Tây Bắc đàn em. Lúc nghỉ dọc đường, chị giở cho tôi xem một bức ảnh đen trắng cũ kỹ, trong ảnh có một phụ nữ trẻ mặc áo cóm Thái, tóc búi tằng cẩu. “Chị đấy, lúc có mang đứa thứ hai”. Thấy tôi tròn xoe mắt, chị cười: “Làm dâu người Thái mà”...

Lê Hồng Liên sinh ra ở một huyện lỵ Cao Bằng. Dòng họ Lê của chị có xuất xứ xa xưa từ Thanh Hóa, từ một viên tướng chưa rõ vì lý do gì lên miền ngược để hòa nhập với cộng đồng người Tày.

Tuổi thơ của chị sống bên ông bà nội, cha mẹ, chú bác, trong không khí của một gia đình cách mạng nòi gắn với bước đường chinh chiến của người cha nguyên là Quân khu trưởng Quân khu Tây Bắc - cố trung tướng Lê Thùy.

Mối tình sét đánh

Từ một cô bé chưa thạo mặt chữ cái, chị đã quen với chuyện cõng em chạy càn, tránh bom đạn, quen với bàn tay thô nháp người cha chớp nhoáng vuốt lên khuôn mặt gầy gò của con gái lúc nhá nhem tối để rồi sau đó biền biệt theo các chiến dịch Tây Bắc, Đông Bắc, Biên giới.

Cho tới năm 1953, đang học lớp 3 tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, chị sang học tại Trường Thiếu nhi Vân Nam (Lư Sơn - Quế Lâm, Trung Quốc) cho tới năm 1957.

Những năm học tại Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (1957- 59) là cái mốc quan trọng của cả đời chị. Bước vào tuổi 17, bé nhất lớp, chị bắt gặp một mối tình sét đánh.

Anh Lò Văn Pấng, người Thái Điện Biên - cán bộ đi học và là bí thư chi đoàn lớp, đã giúp chị vào Đoàn. Sống xa gia đình từ nhỏ, trước một người con trai thông minh, tế nhị, ham hiểu biết và giàu tình cảm, chị mau chóng coi anh như một người anh lớn, một người thầy - thậm chí còn tìm thấy ở anh sự che chở của một người cha...

Sau rất nhiều năm tháng, chị vẫn còn giữ nguyên vẹn cái cảm giác ngọt ngào khó tả sau cái hôn đầu đời hai người trao cho nhau - ngay trong giờ tự học trên lớp buổi tối.

Hồi đó, học sinh yêu nhau bị coi là khuyết điểm trầm trọng. Họ thầm lặng nuôi giữ mối tình đầu, cho tới lúc bị phát hiện.

Chị sơ suất đánh rơi bài thơ tặng anh. Một bạn gái vô tình nhặt được đem báo cáo thầy chủ nhiệm. Anh bị kiểm điểm nặng hơn chị. Mặc dù điểm thi tốt nghiệp của hai người đều là 4 và 5 (thang điểm cũ), bằng tốt nghiệp của họ chỉ được ghi loại trung bình.

Tốt nghiệp, đúng vào dịp có quyết định của Bộ Giáo dục lần đầu tiên cử giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác, chị viết đơn tình nguyện  đi Tây Bắc.

Bạn bè, thầy cô giáo, và nhất là gia đình ngỡ ngàng, bởi họ đinh ninh một thiếu nữ con cán bộ quân đội cao cấp, nơi xin việc phải là chỗ thơm tho, đáng giá, thậm chí phải là chốn cung môn chứ không phải là “miền Tây xa vời vợi nghìn trùng”.

Trước khi lên Sở Giáo dục Khu tự trị Thái - Mèo (sau đổi  thành Khu tự trị Tây Bắc), chị báo cáo lại gia đình mối quan hệ với anh Pấng. Cả gia đình chị phản đối quyết liệt.

Cha chị thì bàng hoàng, kiên quyết không chấp nhận với lý do chị còn ít tuổi, và hệ trọng nhất là gia đình anh Pấng có người đi lính cho Pháp. Thương cha mẹ, chị khóc hết nước mắt, hứa cắt đứt quan hệ tình cảm với anh.

Tháng 9 - 1959, chị bám theo một chuyến xe tải của đơn vị cha lên thủ phủ Khu Tây Bắc nhận nhiệm vụ. Tại lớp tập huấn giáo viên toàn Khu ở Sở Giáo dục, chị gặp lại anh.

Mối tình của hai người lại bùng cháy. Họ nhận ra rằng không thể rời xa nhau được nữa, và lòng dặn lòng rồi sẽ dần dần thuyết phục cha mẹ.

Hai người cùng trực tiếp gặp giám đốc Sở GD Khu trình bày nguyện vọng. Được ủng hộ, họ về dạy tại châu Tuần Giáo (lúc đó Khu tự trị TB có 18 châu).

Hè năm 1960, anh đưa chị về Điện Biên để ra mắt đại gia đình. Họ chưa thể ngờ đến một sự phản đối của xã hội còn ghê gớm hơn là phía gia đình chị.

Trước đó, sau mấy đợt di dân khai hoang từ xuôi lên, cũng xuất hiện vài gia đình chồng Thái - vợ Kinh, và hình thành một dư luận khắp các mường Thái quanh Điện Biên. Nào là “con dâu người Kinh ngồi lên đầu giường bố chồng”; nào là “...vỗ vai mẹ chồng đang giã gạo rồi khen mẹ khỏe lắm”; v.v.

Sự kiện một cô giáo miền xuôi lên làm dâu người Thái làm xôn xao thung lũng lòng chảo một thời gian dài. Bố anh làm Chủ tịch HTX Co Nham xã Thanh An - một HTX điển hình được Chính phủ tặng bằng khen và được nhiều phái đoàn tới tham quan. Mẹ anh là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Họ là những người giàu tình cảm, hiểu biết, thương con, tin ở con trai mình lựa chọn đúng. Thế là, một đám cưới theo phong tục người Thái được tổ chức vào cuối hè năm 1960 - không xe hoa, không váy cưới.

'Truyền thuyết' mới về hoa ban Điện Biên ảnh 2
Vợ chồng chị Liên anh Pấng và các con

Cuộc hôn nhân của anh chị đã bổ sung một cách nghĩ mới mẻ trong quan niệm của người Thái Điện Biên về hôn nhân giữa các dân tộc.

Khi chị có mang con đầu lòng, anh đang dạy học ở trường cấp I Mường Ẳng thì được Bộ Văn hóa mời về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu để theo học điêu khắc.

Thì ra, hồi học ở Trường Sư phạm Miền núi Trung ương, anh có làm một bức phù điêu Bác Hồ, sau gửi tặng nhà trường; một chuyên gia mỹ thuật Liên Xô tình cờ ngắm nghía bức tượng, phát hiện ra năng khiếu của anh bèn làm công văn đề nghị đừng để bỏ phí một tài năng.

Thế là, chưa đầy hai mươi tuổi, chị đứng trên bục giảng với tư cách một cô giáo của thế hệ giáo viên 59 lịch sử, đồng thời chuẩn bị làm mẹ. Từ đây, chị cũng bắt đầu cuộc sống chồng xuôi vợ ngược tới suốt tám năm sau.

Để hợp lý hóa gia đình, chị xin lên Điện Biên công tác, sống ở nhà chồng và được dạy học gần nhà độ một năm vì có con nhỏ.

Định mệnh

Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chị đã có một lớp học trò nhiều dân tộc. Có em chỉ kém chị một, hai tuổi, có em đã xây dựng gia đình.

Chị đếm đốt ngón tay điểm lại những học sinh lứa đầu tiên của chị - sau này hầu hết trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành của huyện, tỉnh, và cả trung ương.

Từ mái trường nơi tiếp giáp Đất - Trời (Phạ Đin), bàn chân của cô giáo nhỏ nhắn đặt tới nhiều làng bản của Lai Châu, Điện Biên. Chị được tín nhiệm làm quản lý giáo dục nhiều năm - từ hiệu trưởng trường cấp I rồi đến phó phòng giáo dục.

Ngoài ra chị còn phải đảm đương nhiều công tác khác như ủy viên ban chấp hành công đoàn ngành, đại biểu Hội đồng Nhân dân Huyện, Hội phó Phụ nữ, Phó Bí thư Huyện Đoàn.

Hãy thử hình dung một núi công việc chuyên môn, chính quyền, đoàn thể đổ lên đầu một phụ nữ qua chưa lâu cái tuổi hát những bài hát nhi đồng, lại phải học nói tiếng Thái, tập mặc áo cóm, tập khắp (hát) dân ca Thái, tập giã gạo bằng chân, tập thêu thổ cẩm, tập búi tóc lên đầu (tằng cẩu) cho đúng tục lệ phụ nữ đã có chồng, tập ăn tập làm những món ăn của người Thái như rêu đá, ngóe nấu măng chua, nậm pịa, cá pỉnh tộp.

Chồng xa biền biệt, chỉ đôi lần về nghỉ hè. Chồng chị học mỹ thuật hết ba năm trung cấp, rồi lại tiếp tục năm năm cao đẳng nữa. Học tới năm thứ ba cao đẳng thì anh ngã bệnh, phải về nhà chữa bệnh hết hai năm.

Đỉnh cao thử thách là năm 1978. Một năm trước đó, anh bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp và về nhận công tác ở Ty Văn hóa Lai Châu, còn chị thì được cử đi học Trường Quản lý Giáo dục tại Hà Nội.

Chị đang học thì nhận tin dữ, anh bị nhiễm trùng máu. Chị vội quay lên Điện Biên, rồi đưa anh về Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Lúc đó chưa có thuốc đặc trị như bây giờ, anh đã không qua khỏi...

Năm 1980, chị chuyển sang Tuyên Quang công tác. Trên chuyến xe U Oát chở mấy mẹ con, đồ đạc của cả gia đình và một đời nhà giáo Tây Bắc không chứa hết đáy xe - trong đó, quý giá nhất là chiếc hòm hỗ đựng thư từ của vợ chồng, những phác thảo tranh tượng cùng ghi chép của anh về trang phục Thái, và chiếc nồi quân dụng mà người cha tặng làm của hồi môn...

Hơn ba mươi năm vừa làm cha vừa làm mẹ, chị đã gây dựng được một gia sản quý giá. Đó là bốn con đã trưởng thành (trong đó có con út theo nghề điêu khắc của cha), cùng sáu cháu nội - ngoại cũng đã lớn và học hành tử tế.

Trong căn phòng vẫn còn dấu vết của ngôi nhà cấp bốn và nồng ấm tình người, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi đã nghe bài thơ chị viết tặng anh, với giọng đọc mang âm hưởng của một cô giáo trên lớp, với sự dịu dàng của một phụ nữ đã quen chịu đựng, quen vượt qua nhiều mất mát.

Trong “Lễ kỷ niệm 50 năm đoàn giáo viên miền xuôi lên Tây Bắc” do Sở GD&ĐT Điện Biên tổ chức, ở hội trường lớn, giữa hàng trăm khuôn mặt xúc động, chị ôm choàng lấy người học trò tóc cũng đã hoa râm - nhà giáo ưu tú Hà Quý Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu.

Nơi núi rừng Tây Bắc, bên cạnh vẻ đẹp mênh mang, nỗi buồn của tình yêu xưa kia, hoa ban hôm nay, còn rưng rưng vẻ đẹp của sự hy sinh, lao động sáng tạo của biết bao đôi lứa từ nhiều miền quê tìm về đây.

Mối tình của cô giáo Lê Hồng Liên và nghệ sĩ điêu khắc Lò Văn Pấng góp thêm một truyền thuyết mới về loài hoa kỳ lạ chỉ Tây Bắc mới có. Những cánh hoa ban trắng muốt trên một thành phố đang gấp rút thực hiện nốt những điều cần thiết để được chính thức mang danh hiệu mới: Thành phố Hoa Ban.

Sau rất nhiều năm tháng, chị vẫn còn giữ nguyên vẹn cái cảm giác ngọt ngào khó tả sau cái hôn đầu đời hai người trao cho nhau - ngay trong giờ tự học trên lớp buổi tối.

Hồi đó, học sinh yêu nhau bị coi là khuyết điểm trầm trọng. Họ thầm lặng nuôi giữ mối tình đầu, cho tới lúc bị phát hiện.

Chị sơ suất đánh rơi bài thơ tặng anh. Một bạn gái vô tình nhặt được đem báo cáo thầy chủ nhiệm.

Anh bị kiểm điểm nặng hơn chị. Mặc dù điểm thi tốt nghiệp của hai người đều là 4 và 5 (thang điểm cũ), bằng tốt nghiệp của họ chỉ được ghi loại trung bình.

Nguyễn Bích Ngọc - Nguyễn Yên Thế
Điện Biên - Hà Nội,tháng 10 - tháng 12/ 2009

MỚI - NÓNG