Về đâu làng thuyền Phong Nha?

Về đâu làng thuyền Phong Nha?
TP - Bến thuyền Phong Nha thưa thớt khách, trời cũng đã về chiều, nhưng ông  Cao Văn Trạng (Làng Na - Sơn Trạch - Bố Trạch) vẫn kiên nhẫn cầm lái con thuyền ngồi chờ...

Biết đâu, có một tour nhỡ độ đường nào đó đến muộn thì ông lại có cái may mắn kiếm được một chuyến chở khách tham quan vào động trong ngày hôm nay?

Ông cứ ngồi vậy mông lung nhìn dòng Son ngăn ngắt lặng lờ trôi và trong sâu thẳm nghĩ suy của ông cái câu hỏi: Rồi sẽ đi về đâu nghề lái thuyền chở khách du lịch vào thăm Đệ nhất động? Câu hỏi đó đồng hưởng vang lên không chỉ của riêng ông.

Về đâu làng thuyền Phong Nha? ảnh 1
Thuyền trên sông Son

Ảm đạm làng thuyền

Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (DSTNTG) năm 2003, người dân vùng đệm nơi đây đã kỳ vọng vào một sự đổi thay diệu kỳ.

Họ sẽ được đổi đời với một loạt hệ thống dịch vụ đi kèm khi mà lượng du khách ùn ùn đổ về vùng di sản. Người nhiều vốn thì nghĩ ngay đến chuyện xây nhà nghỉ, nhà hàng. Những người ít vốn hơn thì vay mượn mua lấy con thuyền chở khách du lịch vào tham quan Đệ nhất động.

Một cuộc chạy đua không có đích và cả không có trọng tài. Nhà nghỉ, nhà hàng mọc lên vô tội vạ với các chiêu chèo kéo khách ngày càng xa vùng trung tâm hơn.

Thuyền chở khách du lịch được mua sắm với tốc độ chóng mặt. Người ta đã phải vào tận Lệ Thủy để buôn thuyền ra bán cho cư dân Sơn Trạch. Giá thuyền thời đó cứ thế  lên vòn vọt. Từ 20 triệu, đến 25 rồi 30 và đã có lúc lên đến giá 40 triệu đồng một thuyền.

Thiếu tiền họ vay ngân hàng. Nhà ít thì 10 triệu, nhà nhiều thì vay 20-30 triệu. Và lượng thuyền đang là 110 chiếc đầu năm 2003 thì đến giữa năm 2005 lên đến 309 chiếc.

Làng Na là làng điển hình của việc sắm thuyền. Cả làng chỉ có 115 hộ, nhưng có đến 150 thuyền. Gia đình ông Trạng cũng nằm trong cơn lốc sắm thuyền.

Ông bảo: “May mà tui sắm thuyền sớm. Vay ngân hàng 10 triệu, mượn người thân 10 triệu nữa là đóng được thuyền. Một tuần có vài chuyến chở khách vào động, đến giờ thì trả hết nợ nần. Nhà tui như ri là may. Hàng trăm hộ khác đang “tiến thoái lưỡng nan”.

Liệu người dân Sơn Trạch có nhầm khi nhận định về xu thế phát triển du lịch? Một thực tế là năm 2004 ở đây tổ chức lễ hội đón Di sản. Lượng khách du lịch đổ về PN-KB đông chưa từng có với gần 350.000 lượt người.

Rồi sau “thăng hoa” ấy, lượng khách về với Phong Nha mỗi năm một ít dần. Như năm 2006 vừa rồi lượng khách đã giảm đi gần 100 ngàn lượt người. Và hệ quả của nó là hàng trăm chiếc thuyền kéo dài thời gian chờ khách.

Theo cách tính toán của ông Lê Thanh Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái - Văn hóa PN-KB thì mỗi thuyền chở 14 khách, muốn  cho một thuyền mỗi ngày có một chuyến thì lượng du khách đến đây phải đạt 4.000-4.500 khách/ngày.

Con số lý tưởng đó trong năm chỉ có 2 ngày 30/4 và 1/5. Còn với lượng khách chỉ đạt 250 ngàn lượt/ năm, thì mỗi ngày chỉ có 600-700 khách và như thế, chỉ huy động 1/6 lượng thuyền hiện có.

Điều đó cũng có nghĩa là một tuần một thuyền chỉ chạy được 1 chuyến. Như chứng thực cho cách tính toán của ông Lợi, chủ thuyền Nguyễn Văn Phương ở thôn Xuân Tiến (Sơn Trạch) đầy tâm trạng: Tui vay ngân hàng 30 triệu đồng đóng mới con thuyền này.

Như năm nay, một tháng chỉ chạy được 3 chuyến. Mỗi chuyến trừ chi phí còn lại 40-50 ngàn đồng. Đó là chưa kể sửa chữa lớn nhỏ, tân trang, chi phí học nghiệp vụ lái tàu, thợ máy, phòng tránh tai nạn cho du khách... Ông Phương buông tiếng thở dài: Cứ như ri chắc phải bán nhà mà trả nợ.

Về đâu làng thuyền Phong Nha? ảnh 2
Ông Cao Văn Trạng (trái)

Làng thuyền đang “vỡ”

Phải bỏ ra 30 triệu đồng để sắm mới một con thuyền để rồi mỗi tháng thu nhập từ nó chỉ 120-150 ngàn đồng đang là bài toán nan giải đối với cư dân làng thuyền Phong Nha.

Người ta đang nhìn thấy trước một tương lai không mấy sáng sủa của lối kinh doanh tự phát mà lỗi chưa hẳn hoàn toàn thuộc về người dân nơi đây.

Chị Hồ Thị Hải, chủ một con thuyền còn mới cáu, vừa mới sang nhượng đổi chủ, ngậm ngùi: “Vay ngân hàng 25 triệu, chạy tháng vài ba chuyến không đủ trả tiền lãi. Bán tống bán tháo được sớm là còn may, không  thì ngân hàng cũng đến xiết nợ. Xót lắm chứ, nhưng biết mần răng?”.

Hiện thời, làng thuyền cũng đang rầm rộ việc bán thuyền. Hàng chục hộ cũng đang rao bán với giá rớt khủng khiếp. Những chiếc thuyền vừa được đóng 25-30 triệu đồng, giờ đây đang rao bán giá chỉ 12-13 triệu đồng mà cũng chẳng có người mua.

Một lẽ, thuyền chở khách tham quan du lịch được đặt đóng theo mẫu đặc thù chuyên dụng của nó, khó cải tạo để trở thành thuyền cho những công việc khác.

Nếu có muốn cải tạo chăng, thì người mua phải bỏ ra không ít kinh phí nữa. Còn nếu mua để cũng chỉ cho việc chuyên chở khách du lịch ở đây, thì người dân nghèo Xuân Sơn, trước thực trạng hiện nay chẳng ai dám mạo hiểm dù là mua thuyền với mức đại hạ giá...

Ai đang cùng lo với nỗi lo của người dân Sơn Trạch? Giải pháp nào để làng thuyền Phong Nha tồn tại? Câu hỏi đó đã và đang được người dân lành nơi đây khắc khoải tìm lời giải.

Trước đây, khi PN-KB chưa trở thành Di sản, để mưu sinh, hàng trăm hộ dân, nhất là lực lượng thanh niên ồ ạt vào khai thác sản vật từ rừng để sinh sống. Đó là nghề “cha truyền, con nối”.

PN-KB trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, cùng với việc tuyên truyền, vận động giáo dục, hàng trăm hộ dân thôi phá rừng, chuyển nghề, kiếm đủ sống bằng việc mua sắm thuyền chở khách tham quan.

Rừng Di sản yên bình và được bảo vệ. Trước những khó khăn và thực trạng ảm đạm của làng thuyền, đã rục rịch, manh nha những tốp thanh niên âm thầm sắm hàng quay trở vào rừng. Một dấu hiệu bất an cho vùng Di sản.

Có lẽ, để duy trì được làng thuyền, lâu dài và bền vững không có cách nào khác là tạo cho PN-KB một sự hấp dẫn cùng một sức hút mạnh mẽ du khách bằng một loạt các giải pháp đồng bộ.

Còn trước mắt, theo như ông Nguyễn Thế Thường, cán bộ làng Na thì  người dân nơi đây cần một dự án phụ trợ nào đó như nuôi cá lồng trên sông Son, hay làng nghề gì đó để người dân có thể kiếm sống vào những mùa Phong Nha vắng khách. Có như thế mới duy trì được làng thuyền.

Đừng để hiện tượng tự phát sắm thuyền, rồi tự phát bán bỏ thuyền, đến khi, khách du lịch nườm nượp đổ về đây người dân lại một lần nữa vay ngân hàng sắm thuyền giá cao. Tâm nguyện ấy của ông Thường rất đáng để chính quyền nơi đây lưu tâm.

MỚI - NÓNG