Về hai lá thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa

Về hai lá thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa
TP - Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), một trong những nghệ sĩ lớn, tác giả của Quốc ca Việt Nam, đã viết 2 lá thư riêng này vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước...
Về hai lá thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa ảnh 1
Nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 1995). Ảnh Lê Quang Châu

Hồi đó, sức khỏe của Văn Cao đã kém lắm rồi, chứng bệnh gai cột sống khiến ông luôn đau đớn, đi lại hết sức khó khăn, trong khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao” vào mùa xuân 1988.

Đó là một sự kiện  chưa từng có vào thời điểm ấy. Bởi Văn Cao vẫn được xem là tác giả “từng có vấn đề”, nên việc ông được tổ chức đêm nhạc riêng, khiến nhiều người còn nghi ngại, thậm chí còn có cả ý kiến phản đối.

Nhưng đó cũng là thời gian Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nhiều giá trị đã được nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan, công bằng hơn, trong đó có văn hóa nghệ thuật.

Nếu đêm nhạc Văn Cao được tổ chức thành công, cũng đồng nghĩa với việc ông được “xóa án dư luận”, sau mấy chục năm bị hiểu nhầm trong im lặng.

Vì vậy, Văn Cao rất cần người đứng đầu ngành Văn hóa là Bộ trưởng Trần Văn Phác ủng hộ. Ông liền nghĩ ra cách viết thư, nhờ bà vợ trực tiếp mang đến nhà riêng của Bộ trưởng...

Thiếu tướng, nhà văn Văn Phác, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa những năm 1987-1992, nhớ lại: Ông và nhạc sĩ Văn Cao vốn đã có mối quan hệ bạn bè văn chương thân tình từ lâu.

Trong kháng chiến chống Pháp, khi Văn Phác là cán bộ chính trị của Đại đoàn 312, Văn Cao cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế đơn vị chiến đấu, đã được Văn Phác tạo mọi điều kiện tốt nhất.

Sau này, thỉnh thoảng họ vẫn gặp nhau tại các hội nghị họp mặt văn nghệ sĩ. Một lần, Văn Cao cùng vợ đến nhận Huân chương ở hội trường 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi tan hội nghị thì trời mưa, Văn Phác cũng là đại biểu tới dự, đã dùng xe ôtô của Bộ trưởng Văn hóa, đưa vợ chồng Văn Cao về tận nhà…

Lá thư thứ nhất, đề ngày 30/12/1987, Văn Cao viết bằng 2 mảnh giấy có dòng kẻ, loại giấy học trò được dọc nhỏ, cỡ 13 cm x 18 cm, viết bằng nét bút to, kín cả 2 mặt nên thành 4 trang, có đánh số thứ tự. Văn Cao xưng hô với Bộ trưởng Trần Văn Phác là “Anh Phác thân mến”. Nội dung thư như sau:

“Anh Phác thân mến!

Hôm nay nhà tôi thay mặt tôi đến thăm anh chị và có cuốn thơ kính biếu anh chị nhân dịp đầu “Xuân 1988”. Kính chúc anh chị năm mới dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.

Có lẽ khoảng giữa tháng 1/1988 Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức đêm nhạc Văn Cao. Hiện nay các anh chị em ca sĩ do anh Quý Dương tập hợp để tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”. Nhưng cũng do sự nhiệt tình của anh chị em đã làm và đã được Hội Nhạc sĩ ủng hộ rất tích cực.

Tuy vậy tôi vẫn mong muốn được sự ủng hộ giúp đỡ của Bộ Văn hóa ta và sự giúp đỡ nhiều của Cục Âm nhạc và Múa. Nhất là về mặt vật chất cho anh chị em diễn viên.

Nhà tôi sẽ trình bày điều đó với anh. Có lẽ vài hôm nữa tôi sẽ tới thăm anh và mong anh giúp đỡ để “Đêm nhạc Văn Cao” sẽ giành được phần nào về tinh thần phục vụ quần chúng được kết quả tốt.

Có thể động viên quần chúng và hâm nóng tinh thần cách mạng, do những ca khúc cũ của tôi đã sáng tác từ thời Cách mạng Tháng 8. Như các bài: “Chiến sĩ Việt Nam”, “Chiến sĩ Hải quân”, “Bắc Sơn”, “Trường ca Sông Lô” và “Công nhân Việt Nam” v.v... Ngoài ra, có xen kẽ bằng mấy bài hát mơ mộng như “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”, v.v...

Có lẽ khi được gặp anh tôi nói chuyện thêm sau.

Rất mong sự giúp đỡ của anh.

Thân ái,

30/12/1987

Đã ký: Văn Cao.

Về hai lá thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa ảnh 2
Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1988 cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phác

Trong lá thư trên, Văn Cao đề nghị Bộ Văn hóa giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất cho đêm nhạc của mình. Nhưng theo Văn Phác cho biết, thì cái mà Văn Cao cần là lãnh đạo Bộ Văn hóa “bật đèn xanh” cho đêm nhạc của ông.

Và Văn Cao đã được toại nguyện, vì trong quyền hạn và chức trách của mình Văn Phác đã ủng hộ người nhạc sĩ tài ba hết lòng. Trong đêm nhạc Văn Cao diễn ra tháng 1/1988, Văn Phác tham dự từ đầu đến cuối.

Lá thư thứ hai, đề ngày 24/9/1988, được người nhạc sĩ tài hoa viết gọn trong một trang giấy có dòng kẻ, nhưng xét về hình thức và “phép lịch sự” còn “tệ” hơn cả lá thư trước, vì nội dung bị tác giả dập xóa nhiều chữ, lại viết ngay vào mặt sau một chiếc phong bì (một cách tiết kiệm giấy thời đó). Nội dung như sau:

“Trân trọng kính gửi:

Anh chị Trần Văn Phác.

Nhân ngày rằm Trung thu năm nay, vợ chồng tôi xin trân trọng kính chúc sức khỏe anh chị và gia đình.

Hôm nay nhà tôi tới thăm anh chị và nói qua để anh biết rõ về tình hình sức khỏe của tôi. Vì tôi vẫn ốm, bệnh gai cột sống, ngày càng yếu đi, mặc dầu đã được chữa bệnh tích cực cả đông + tây y kết hợp.

Xin trân trọng cảm ơn anh vì anh luôn luôn nói giúp trên báo và đã trực tiếp giúp tôi trong những đợt biểu diễn mùa xuân 1988 về “Đêm nhạc Văn Cao”.

Hôm nay nhà tôi tới thăm anh chị, thay tôi để cảm ơn anh chị.

Tôi rất mong sẽ có dịp đỡ bệnh và sẽ đến thăm anh chị vào một ngày gần đây.

Thân kính,

24/9/1988

Đã ký: Văn Cao”.

Nhưng rất tiếc là cho tới ngày mất, vì điều kiện sức khỏe không cho phép, nhạc sĩ Văn Cao đã không thể tới thăm nhà văn Văn Phác tại nhà riêng.

Mới đó mà gần 20 năm đã trôi qua. Nhà văn Văn Phác cho biết: Việc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Văn hóa tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao” ngày đó là một sự kiện văn hóa đã được báo chí và dư luận rất quan tâm.

Đại đa số quần chúng nhân dân và dư luận người yêu âm nhạc cả nước rất phấn khởi. Sau “Đêm nhạc Văn Cao”, nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác cũng đã tổ chức những đêm nhạc riêng rất thành công. Điều đó giống như đã góp thêm một luồng gió mát vào không khí đổi mới trong văn học nghệ thuật một thời.

Trong khi thực hiện cuốn sách “Văn Phác tuyển tập”, tình cờ chúng tôi phát hiện những tư liệu quý nêu trên. Được phép của nhà văn Văn Phác và qua báo Tiền phong, chúng tôi xin được công bố cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng 3/2007

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.