Về lại “cố hương” ở trời Tây

Về lại “cố hương” ở trời Tây
Còn cách thành phố Dresden (Đức) chừng hơn chục cây số, chiếc xe bus rẽ vào con đường nhỏ trải nhựa phẳng lỳ dẫn đến thị trấn Moritzburg.
Về lại “cố hương” ở trời Tây ảnh 1
Bà Ruth mừng vui đón học trò cũ sau gần 50 năm xa cách

Trên xe là một nhóm người Việt đã có tuổi, những người vào giai đoạn 1956 - 1959, khi còn nhỏ đã được nước bạn Cộng hòa Dân chủ Đức đón sang nuôi dưỡng ở thị trấn Moritzburg.

“A, hàng cây này, tôi vẫn nhận ra mà”. “Rạp chiếu bóng vẫn còn đây này”.  Tiếng reo trong xe ngày càng lớn. “Gần 50 năm rồi, chúng tôi mới được trở lại Moritzburg, trở lại quê cũ lúc thiếu thời của mình” - Ông Đinh Huy Tam - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam xúc động.

Nước mắt ngày hội ngộ

Thị trấn Moritzburg mùa thu thật đẹp. Những ngôi nhà có cửa sổ lớn, rèm trắng lấp ló trong tán cây. Ở phía cuối con đường chính, lâu đài Moritzburg hiện lên nguy nga, tráng lệ giữa hồ nước mênh mông. Lâu đài này đã gắn chặt với tuổi thơ của 149 thiếu nhi Việt Nam nay tóc đã điểm bạc về thăm lại chốn xưa.

Bên đường, những ống kính máy quay phim, máy ảnh của các phương tiện truyền thông Đức, trong đó có đài truyền hình MDA, báo Bild, Saechsische Zeitung… xúm quanh một cụ già đang dang rộng cả 2 tay chào đón những người trên xe. “Cô Maria” – tất cả đồng thanh thốt lên. Đấy là cô bảo mẫu đã chăm chút những thiếu nhi Việt Nam như con của mình.

Mọi người ùa xuống xe, ríu rít chạy đến bên cô Maria hệt như lứa tuổi chín, mười năm xưa. “Ôi, những đứa con của tôi đã trở lại” - bà Maria rưng rưng ôm ghì lấy từng người. Những giọt nước mắt lăn dài trên những gò má đã nhiều nếp nhăn… “Cô Ruth Rehmet đau chân không đi đón các con được. Cô đang chờ ở trong trường”.

Xe dừng trước cổng trường Kaethe-Kollwitz. Một cụ già tóc trắng như mây đang cố hết sức gõ 2 chiếc vung nhỏ chờ mọi người chạy tới. “Minh Hà, mày đấy à”, bà Ruth hét lên vui sướng.

 PGS-TS Phạm Minh Hà, đại biểu Quốc hội khoá 10, nguyên Phó hiệu trưởng ĐHBKHN ôm chặt lấy người mẹ thời ấu thơ. “Châu Thu nữa, Thu Cúc này, Thanh Cần, Minh Phương…”. Bà Ruth cứ hét lên như thế đến lạc cả giọng. Bà bảo đã phải xem lại ảnh rất kỹ để có thể nhận ra được từng đứa con mà bà đã chăm sóc suốt 4 năm trời.

Cô và trò hân hoan như đang sống lại những ngày tháng êm đềm 50 năm về trước. “Cô Ruth vui tính nhưng nghiêm khắc lắm. Học sinh sợ nhưng cũng rất yêu cô – PGS Phạm Minh Hà kể - Cô bắt học sinh ăn hết tất cả các món dọn ra, phải uống hết khẩu phần sữa hàng ngày. Buổi tối cô đi đắp chăn cho từng người rồi hát ru cho đến khi chúng tôi ngủ cô mới nhẹ nhàng khép cửa về phòng mình”.

Ở Kaethe-Kollwitz có rất nhiều bà mẹ, ông bố như thế. Nhà báo Trần Đương- nguyên phóng viên TTXVN tại Đức trong 10 năm kể: “Có bà mẹ ngồi mạng lại từng lỗ tất rách cho chúng tôi. Có mẹ đem giầy của chúng tôi ra hiệu sửa”.

Đến tận bây giờ, bác Giang Hồng Triều vẫn không thể nào quên hình ảnh thầy Wolf, thầy chủ nhiệm của mình. Tiếc rằng, bác Triều và các bạn cùng lớp chẳng bao giờ còn được gặp lại thầy nữa. Ai cũng thương quý thầy vì tính thầy trầm tĩnh, thương học sinh như con của mình.

Thầy không lập gia đình, ở vậy với bà mẹ già ở Dresden. Cả lớp đã được thầy dẫn về nhà chơi và ăn bữa cơm trưa với gia đình. Nghỉ hè nào thầy cũng đưa học sinh đi chơi. Khi những thiếu niên VN về nước sau 4 năm học tập, từng người ôm lấy thầy khóc nức nở. Mắt thầy cũng đỏ hoe, rưng rưng…

Với ông Trần Đình Quy- nguyên cán bộ Tổng Cty Saigon Tourism, thầy Alfred Richter chính là người đã giúp định hướng tương lai sau này. Thầy Alfred từng là hoa tiêu máy bay, rất giỏi tính toán, dù là những phép tính phức tạp nhất.

Phương pháp dạy của thầy là truyền cho học sinh tư duy tính toán nhanh nhất. Học sinh nào giải được những phép toán của thầy được tiến lên 1 bước. Cậu học sinh Quy tính toán chậm nên thường xuyên phải đứng cuối lớp.

Cậu quyết chí “phục thù” bằng cách buổi sáng thức dậy sớm và nằm yên tại chỗ lấy giấy ra tính toán. Rồi cậu cũng tìm ra được công thức tính nhanh nhất, giải được tất cả các phép toán của thầy. Buổi tối hôm diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm, thầy Alfred cũng đến dự và nhắc lại kỷ niệm xưa với học trò. Chỉ có điều, thầy đã già yếu lắm rồi.

Ký ức về thầy Hiệu trưởng

…Về lại chốn xưa, nhiều người chẳng còn được gặp lại cố nhân nữa. Phần lớn các thầy cô đã về nơi thiên cổ. Trong số 5 thầy cô còn sống, 1 cô giáo đang nằm liệt giường, 1 thầy đã chuyển đi vùng khác, chẳng ai biết địa chỉ. Mái trường Kaethe-Kollwitz êm đềm năm xưa của họ cũng đã đổi khác.

Ngôi nhà vườn xinh xắn nằm ở phố Saolowastrasse yên tĩnh, gần ngoại ô Berlin. Bà Lilo Haubenschild dáng người gầy gò cùng con gái ra cửa niềm nở đón khách, những học trò cũ trường Kaethe-Kollwitz trong số 149 thiếu niên VN sang học 50 năm trước, nơi chồng bà, ông Hans Haubenschild, làm Hiệu trưởng một thời gian dài.

Bước vào phòng khách, cứ ngỡ như đang đến chơi nhà một người Việt Nam nào đó. Hầu hết những bức tranh khảm trai, tranh khắc gỗ treo trên tường là tranh phong cảnh làng quê sông nước Việt Nam yên bình. Trên giá sách đặt bộ tượng Tam Đa, thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha, chiếc đĩa khảm ngọc trai…

Về lại “cố hương” ở trời Tây ảnh 2
Những cựu học sinh Moritzburg 50 năm trước…

Đây là những kỷ vật học trò Việt Nam mang sang tặng thầy. Bên trái tủ, bức ảnh ông Hans đặt cạnh những đoá hoa còn tươi nguyên. Mọi người chắp tay cúi đầu thành kính vái lạy người đã khuất theo phong tục Việt Nam.

…Cũng vào độ thu này 50 năm trước, khi đoàn tàu chở 149 thiếu nhi Việt Nam dừng ở ga Brest, biên giới Ba Lan và CHDC Đức, thầy Hiệu trưởng Hans đã đến tận đây đón đoàn.

Năm 1955, đời sống của người dân CHDC Đức gặp rất nhiều khó khăn. Người dân làng Moritzburg còn thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là nhu cầu thiết yếu ăn, mặc. “Bà con mình còn đói, vậy mà họ lại đưa người nước ngoài vào”. Đã có những lời xì xầm bàn tán như thế.

Vậy là ông Hiệu trưởng cùng nhiều cán bộ người Đức quyết định phải nói chuyện với 3000 người dân Moritzburg để họ hiểu đây là việc làm cần thiết, một hành động của tình đoàn kết quốc tế.

Đầu tháng 9/1955, một cuộc họp do thầy Hans khởi xướng với chủ đề “Mười năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” được tổ chức tại trung tâm xã. Và người dân ngoại ô Dresden đã hiểu và yêu mến nhân dân Việt Nam hơn. Họ càng thông cảm và đón tiếp nồng nhiệt những đứa con Việt Nam đến quê hương mình.

Trong số các cựu học sinh Moritzburg, nhiều người đã trở thành những cán bộ nắm giữ cương vị quan trọng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TW, bà Trần Thị Kim Hoàng - nguyên Phó Tổng GĐ Tổng Cty Du lịch Sài Gòn…

Cũng có nhiều người đã vào Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Công việc của thầy Hans và đồng nghiệp lúc đó là kết hợp với Bộ Ngoại giao chăm lo mọi vấn đề vận chuyển, an ninh và đời sống để đón nhận các học sinh Việt Nam.

Bộ Y tế CHDC Đức lúc đó có cả một quyết định về việc tạo dựng một khu vực thật sạch sẽ cho các em. “Riêng việc chuẩn bị quần áo cần thiết cho các em đâu có dễ dàng gì.” - ông Hiệu trưởng tâm sự với nhà báo Trần Đương trong lần bác đến thăm ông vào mùa thu năm 1980.

Ông Hans đã đáp tàu đến vùng Zwickau, quê hương của ngành dệt truyền thống, nói chuyện với lãnh đạo các xí nghiệp: “Chúng ta đều vì tình đoàn kết quốc tế theo tinh thần giai cấp công nhân. Quả thật chúng tôi đang rất cần quần áo cho các em. Mong các đồng chí cho tổ chức ca sản xuất đặc biệt dệt vải và giao cho thợ may ở Dresden may quần áo”. Giữa thời buổi khó khăn, vải vóc rất thiếu thốn, vậy mà mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Trong chiến tranh, ông Hans đã đi lính và bị thương ở 2 bàn chân. 8 ngày trước khi giải phóng, ông chạy trốn vào một quân y viện ở áo và từ đó trở về Đức. Rồi ông trở thành đảng viên Cộng sản.

…Tiếp chuyện khách, thỉnh thoảng bà Lilo Haubenschild lại đưa tay gạt nước mắt. Nỗi buồn đau vẫn chưa nguôi ngoai từ khi người chồng yêu quý mất. Do bà hay bị xúc động mạnh nên gia đình không muốn để bà tiếp xúc nhiều. Những học trò cũ của ông Hans vẫn thường xuyên đến đây hơn sau khi ông Hiệu trưởng mất…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.