Về vùng đất khát

Về vùng đất khát
TP - Nằm rải rác dưới chân núi đồi Dè, xã Cẩm Châu - Cẩm Thủy - Thanh Hóa có 9 thôn với 1.062 hộ, 4.785 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Dao, Mường, Kinh sinh sống. Vào mùa khô, cả xã có khoảng 80% số hộ thiếu nước sinh hoạt từ 5 – 7 tháng/năm.
Về vùng đất khát ảnh 1
Thiếu nước sinh hoạt là nỗi ám ảnh thường trực của người dân

Chúng tôi đến xã Cẩm Châu vào một ngày đầu tháng 10 khi người dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, trên cánh đồng bậc thang gập ghềnh thửa vàng thửa xanh manh mún. Cụ Hoà, một cư dân kỳ cựu ở đây vồn vã: “Anh hỏi UBND “xã khát” chứ gì?”.

Thấy chúng tôi cỏ vẻ ngạc nhiên, cụ giải thích: “Đến nơi đây chú hỏi tên “xã khát” còn nhiều người biết hơn là tên gốc. Cái tên này là do các thầy cô ở nơi khác về dạy học, thấy ở đây kham khổ vì giọt nước quá họ nói trêu vậy đấy. Nhưng nghĩ cũng đúng, không khát làm sao khi xã có 9 thôn thì có đến 8 thôn không có nguồn nước sinh hoạt rồi!”.

Tiếp chúng tôi, ông Hà Văn Lập, Chủ tịch UBND xã tỏ ra rất trăn trở khi nói về chuyện “khát” của xã. Thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây, cứ đến hẹn lại khát và người dân đến hẹn lại lo.

Anh Hà Văn Lập cho biết, tình trạng khan hiếm nước là thực trạng chung trong toàn xã, nhưng cách đây một, hai chục năm, nếu có thiếu chỉ thiếu 2 – 3 tháng thôi, nhà này thiếu lại xin nhờ nhà khác nên cũng không đáng ngại. Nhưng mấy năm gần đây khi mùa khô đến, nguồn nước cạn kiệt hết, may chỉ có vài nhà ở dưới các thung là có nước, nhưng cũng chẳng đáng là bao”.

Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa, phát nương làm rẫy. Toàn xã có 26,7 ha đất nông nghiệp thì 100% đầu là đất trồng lúa 1 vụ không ăn chắc, năng suất bấp bênh. Nên đa số người dân đều phải nhìn lên rừng, tập quán đốt nương làm rẫy của các dân tộc Dao, Mường, khiến hàng nghìn ha rừng bị chặt phá làm nương rẫy, nhưng cuộc sống của họ vẫn nghèo đói.

Ông Phạm Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 9 thôn, nhưng có 8 thôn với khoảng 80% số hộ thiếu nước sinh hoạt từ 5 – 7 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Nhưng trầm trọng nhất là thôn Trung Chính và thôn Trung Nghĩa”.

Việc thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt đối với một xã nông nghiệp đã kéo theo sự đói nghèo của người dân. Đã hơn chục năm nay xã Cẩm Châu vẫn chưa thoát ra khỏi danh sách xã 135 giai đoạn 2.

Năm 2007, toàn xã có gần 70% số hộ nghèo, 2 thôn có tỷ lệ cao là thôn Trung Chính với 90% và Trung Nghĩa với hơn 80%. Mặc dù được miễn hầu hết các khoản đóng góp như; thuế nhà đất, thuế nông nghiệp hay các khoản đóng góp khác…Nhưng Cẩm Châu vẫn là xã có tỷ lệ hộ nghèo đói cao nhất huyện.

Ông Hà Xuân Kỷ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã ái ngại nói: “Cách đây 7 năm cả xã không có học sinh nào thi đỗ đại học, trừ những học sinh được cử tuyển. Mãi năm 2004, mới có 2 em đỗ đại học. Chuyện học ở đây gay lắm, đến nay cả xã mới chỉ có gần 40 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước”.

Những cánh đồng hoang

"Đói nghèo thì dân chúng tôi khắc phục dần, nhưng chúng tôi chỉ xin Nhà nước xây cho cái đập để lấy nước cày cấy và sinh hoạt, chứ cứ cái đà này không biết chúng tôi còn phải chịu đói, chịu khát bao lâu nữa?" - Bà Bùi Thị Đục nói.

Ông Hà Văn Lập đưa chúng tôi ra cánh đồng trước mặt. Những thửa ruộng đất bạc màu xác xơ đã nứt nẻ chân chim.

Ông Lập giải thích: “Dân vùng này cũng chịu khó làm ăn lắm. Nhưng khổ nỗi, làm nông nghiệp mà nước không có thì đành nhìn đất phơi ra đó mà thèm.

Mỗi năm người dân nơi đây chỉ canh tác được một vụ nhờ trời. Mưa thuận, gió hoà thì còn đỡ. Còn không, có làm mà không có ăn, cứ như thế mãi rồi người dân cũng đâm nản. Người ta dáo dác tìm kế sinh nhai mới. Không có mưa thì đành chịu...”.

Chị Hà Thị Thịnh, thôn Trung Chính kể: “Khổ lắm chú ơi! Có nhiều lần thấy có hạt mưa, chúng tôi vội vàng cày đất tranh thủ gieo xuống vài sào vừng, ngô. Nhưng vừa gieo xuống được vài ngày thì trời lại trở nắng như thiêu, như đốt. Mưa thì đất mềm thế, nhưng khi nắng xuống nó lại khô đanh như gạch, không cây nào kịp lên được, làm nông thấy đất bỏ hoang ai không tiếc, nhưng cũng đành chịu thôi”.

Trưởng thôn Bùi Hùng Cường cho biết: “Thôn Trung Chính có 821 nhân khẩu nhưng chỉ có gần 3ha đất trồng lúa. Không đủ ăn người dân đổ xô lên rừng đốn củi, phát nương làm rẫy. Củi hết, đất bạc màu, hết đường làm ăn, nên đành tha phương cầu thực.

Hơn 50% dân số thôn đã rời làng đi làm thuê. Nhà ông Triệu Văn Nam, có 7 người thì 4 người đã đi vào Nam kiếm sống. Nhà ông Hùng, ông Liên cũng đóng cửa vào miền Nam rồi. Làng vắng hẳn, chỉ còn người già và trẻ con bám trụ lại làng. Nhiều nhà con cái cứ đến tuổi là theo nhau bỏ học dắt díu đi kiếm ăn cả...”.

Gian nan tìm nước

Về vùng đất khát ảnh 2
Chắt chiu từng giọt nước

Ông Phạm Văn Phượng, Trưởng thôn Trung Nghĩa lo ngại về tình trạng nguồn nước ngày càng kạn kiệt, không biết nay mai người dân sẽ sống ra sao? Bao đời nay hầu như hộ dân nào cũng cố gắng đào cho mình một cái giếng khơi, có giếng sâu hơn 20m, nhưng cũng chỉ có nước theo mùa.

Vì thế, bao đời nay để có nước ăn uống, mỗi nhà phải mất một lao động chủ lực chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển nước từ các con hói, khe suối về. Vào lúc cao điểm các khe suối cạn phải đi xa hàng chục cây số”.

Mấy năm trở lại đây, nắm được nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong xã, một số hộ đã mở dịch vụ chở nước thuê. Nguồn nước có khi phải lấy tận sông Mã, không qua xử lý, được đựng vào những chiếc thùng phuy và chở về bằng những chiếc xe công nông hoặc xe trâu, xe bò. Mỗi một thùng phuy như vậy có giá từ 20.000 – 25.000 đồng, và mỗi khối nước khi về đến nhà giá từ 30.000 – 35.000 đồng/m3.

Chị Bùi Thị Huệ nói: “Có người chở nước về nhà cho thì cũng tiện đấy, nhưng giá cao quá, mua được vài phuy chúng tôi lại phải mang can đi thồ về để dùng, chứ anh tính nhà tôi có 5 người, dùng tiết kiệm cũng phải 6 -7 m3, thu nhập nhà nông thì lấy đâu ra tiền mà mua nước”.

Cái khó ló cái khôn, khi nguồn nước ở các khe suối, mương quanh xã cạn kiệt, một số người dân đã nghĩ ra cách tìm nước ở những quả đồi khác rồi dùng ống nhựa dẫn về dùng.

Người đầu tiên thực hiện ý tưởng này là anh Phạm Hải Nam thôn Trung Chính kể: “Anh không thể tưởng tượng được chúng tôi vất vả đi tìm nước như thế nào đâu. Hơn 2 ngày trời lặn lội băng hết quả núi này sang quả núi khác mà vẫn không tìm thấy nước. Bốn anh em ngồi nghỉ chân trên tảng đá, ngồi quan sát thì thấy rất nhiều ong chúa bay qua lại.

Theo kinh nghiệm dân gian thì đó là những chú ong chúa đi lấy nước. Chúng tôi bắt một chú ong buộc mật hiệu màu trắng vào sợi tóc, cột vào lưng thả cho nó bay rồi theo dõi. Thế mà hiệu nghiệm thật. Khi tìm thấy nước bốn anh em mặt mũi nhem nhuốc, vui quá nhảy cẫng lên như tìm được vàng”.

Anh Nam nói tiếp: “Khổ nỗi tìm được nước, nhưng nước lại xa quá hơn 10km, không tính tiền công chỉ riêng tiền mua ống cũng ngót 10 – 15 triệu rồi. Chi phí cao nên lại phải rủ thêm vài hộ góp vào. Nguồn nước thì vẫn vậy, nhiều nhà quá nên nước về mỗi nhà cũng chỉ chảy lớn hơn cái que đũa một tý thôi”.

Sau anh Nam, cũng có một số hộ chung nhau dẫn đường ống về từ xã Cẩm Thạch, hay lấy ở Làng Khen (Quang Trung - Ngọc Lặc)... Nhưng cũng đều xa hàng chục cây số.

Theo anh Nam, cách làm này mới chỉ giải quyết như cầu tạm thời cho một số hộ có kinh tế khá hơn một chút, với những hộ khó khăn cũng rất khó. Hơn thế nữa tuổi thọ của đường ống cũng không được là bao, cộng với điều kiện chôn lấp trên những sườn đồi, nên sau trận mưa đường ống lại bị đứt, tắc nghẽn. Đó chưa kể đến việc một số trẻ con chăn trâu tinh nghịch chặt đứt đường ống... nên việc tu sửa rất tốn tiền và mất thời gian.

Không có nguồn nước, nên cứ đến mùa khô những người dân nơi đây lại phải chuẩn bị cho mình những chiếc can để thồ nước. Cánh từng tốp xe đạp đeo thồ, can lớn, can bé như những tốp lái buôn rượu đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.

“Quần áo có khi để om cả tuần mới đem đi giặt được, mỗi lần giặt hàng chục cân, nên giặt xong cũng hết cả buổi rồi, không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh khát nước đây?”.

Chị Lê Thị Lan ái ngại nói. Nghe câu hỏi này tôi chợt nghĩ đến câu nói của bà Bùi Thị Đục. “Không biết chúng tôi còn phải chịu đói, chịu khát đến bao giờ nữa?”.

MỚI - NÓNG