Venezuela: Chuyện chưa kể - Kỳ 1

Ông Martinez
Ông Martinez
TP - Bên hiên nhà đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Caracas, tôi đang đợi một người. Người đó từng can dự vào sự kiện gần nửa thế kỷ trước, ông trong nhóm du kích quân Venezuela bắt sống tên trung tá Mỹ Micheal Smolen để đổi mạng Nguyễn Văn Trỗi.
 Ông Martinez
Ông Martinez.

Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu vọng về nơi Venezuela cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ Latinh. Trong lúc đợi, không hiểu sao âm hưởng của ca khúc nổi tiếng một thuở một thời của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cứ láy đi láy lại. Và cả câu thơ của Tố Hữu Du kích quân Caracas đã vì anh/ Bắt được tên giặc Mỹ giữa đô thành...

Rồi cuối cùng ông cũng tới. Dáng đi chậm chạp khó nhọc. Chiếc áo khoác màu vàng khoác hờ lộ ra khuôn ngực vậm vạp. Chiếc mũ mềm che không hết khoảng đầu đã hói. Và lạ chưa, chiếc huy hiệu Đoàn TNCS đang đậu trên vành chiếc mũ mềm và huy hiệu Công đoàn Việt Nam đeo trên ngực...

Ông cười hề hề khi nói đến xuất xứ những chiếc huy hiệu ấy rằng, bất cứ huy hiệu nào ở Việt Nam của người Việt tặng đều là báu vật với ông! Những người Việt của cơ quan đại diện Tập đoàn Dầu khí này đều biết ông đều thân thiết cả.

Carlos, người cùng đi với ông là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela, năm nay mới 46. Ông nói mình là hậu sinh của lớp du kích kháng chiến từng chống lại mấy chế độ độc tài thân Mỹ như người cựu du kích quân Martinez đây.

Cách đây ít năm, ông Carlos là người đưa lên mạng toàn bộ câu chuyện như là huyền thoại về việc du kích quân Caracas năm 1964 đã bắt giữ viên trung tá không quân Mỹ Micheal Smolen để đổi mạng cho chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi.

Sự kiện thì gần như cả thế giới biết nhưng cái tên Martinez từng chìm lút sau hàng chục năm trong vô vàn những biến động về chính trị của đất nước Mỹ Latinh này gần đây mới được công bố.

Anh Nguyễn Văn Bài phụ trách hành chính của cơ quan đại diện PVN chuyển ngữ cho chúng tôi.

Những năm 60 của thế kỷ trước, Venezuela nghẹt thở dưới chế độ độc tài thân Mỹ của Tổng thống Raun Leoni. Với những du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam có sức khích lệ, cổ vũ họ rất nhiều. Người du kích quân Martinez đây thuộc phiên chế của Binh đoàn hoạt động nội thành số 1 (Brigada Urbana N01), do Luis Correa làm Tư lệnh.

Nói đến Luis Correa, Nhà văn lừng danh châu Mỹ Latinh Garcia Markez từng nhận xét rằng đó là "một trong những đạo diễn xuất sắc nhất" Venezuela mọi thời đại.

Luis Correa đạo diễn và viết kịch bản 13 bộ phim về xã hội Venezuela những năm tháng dưới các chế độ áp bức. "Ledezma, vụ án Mamera" là một trong những bộ phim đặc sắc nhất của ông tố cáo sự đàn áp của cảnh sát, bảo vệ những người bị áp bức. Nhưng cũng vì nó, ông đã bị chính quyền bắt giam nhiều năm.

Trong thập niên 1950, Luis Correa làm việc tại Đài phát thanh 12 của Đảng Cộng sản Venezuela. Ông tham gia Ban chấp hành sinh viên đại học của Đoàn Thanh niên Cộng sản Venezuela, tốt nghiệp khoa báo chí Đại học UCV. Luis Correa tham gia phong trào đấu tranh vũ trang và từ một chiến sỹ ông trở thành chỉ huy đơn vị chiến thuật biệt động nội thành.

Chuyện gần nửa thế kỷ trước

Vào một ngày đầu tháng 8-1964, Tư lệnh Luis Correa thông báo cho mọi người biết là ở Việt Nam có một người thợ điện tên là Nguyễn Văn Trỗi đã mưu sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc. Namara. Cuộc ám sát không thành và anh Trỗi bị bắt. Chính quyền Sài Gòn sẽ mang anh ra xử bắn. Ông Luis Correa giao cho tổ chức hành động của UTC có 12 người phải tổ chức bắt cóc một tên Mỹ nào đó để đổi lấy anh Trỗi.

Nhận được lệnh, tổ hành động họp bàn và lên danh sách những lính Mỹ có thể bắt được. Bắt một lính Mỹ thì không khó, nhưng vấn đề là phải chọn được một lính Mỹ có giá trị để làm cái việc trao đổi?

Do có mối quan hệ mật thiết với lực lượng biệt động nội đô Caracas, Tổ hành động đã nhắm đến một viên đại tá không quân Mỹ. Nhưng mục tiêu ấy tự nhiên nhiều ngày khuất dạng. Lại phải chuyển sang một đối tượng khác là một viên trung tá, phó của viên đại tá kia.

Chiến sĩ du kích Martinez trong Tổ hành động được trao nhiệm vụ lên kế hoạch điều nghiên lộ trình của viên trung tá này. Một kế hoạch táo bạo được vạch ra. Nhưng một việc khó lại ló dạng. Bắt được viên trung tá nhưng phương tiện đâu để chở về căn cứ trong khi mật vụ quân cảnh của chế độ độc tài thân Mỹ giăng đầy? Nhưng Martinez và đồng đội đã có cách...

Một sáng tháng mười năm 1964, ông Martinez không nhớ ngày, tổ hành động của Martinez đã mưu trí táo bạo đoạt được chiếc xe của viên cảnh sát lẻ đi tuần. Họ trói hắn lại bỏ trong thùng xe. Trong khi đó Martinez áp sát ngôi nhà của viên trung tá đột nhập vào phòng dí súng vào đầu rồi bí mật điệu hắn ra chiếc xe đã chờ sẵn. Cả tổ hành động phóng ngay về khu căn cứ cách Caracas hơn 50 km...

Tin viên trung tá không quân Micheal Smolen bị bắt chỉ sau đó ít giờ đã làm chấn động thủ đô Caracas. Và cũng lập tức, các phương tiện truyền thông của Caracas và nhiều hãng tin trên thế giới thường trú tại Caracas đã loan đi rộng rãi cái tin quân du kích Venezuela ra điều kiện phải thả chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi thì tính mạng viên trung tá Mỹ Micheal Smolen mới được đảm bảo. Cả hai đầu địa cầu đều rúng động trước tin ấy. Chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn ngay lập tức phải dừng lại việc xử tử biệt động Nguyễn Văn Trỗi...

Ông Martinez thảy chiếc mũ mềm lên bàn thở ra khó nhọc cứ như cái việc vất vả nguy hiểm ấy mới vừa xảy ra hôm qua! Ông kể với chúng tôi sau khi điệu trung tá Micheal Smolen về căn cứ, ông có nhiệm vụ phải chuyển chiếc cặp tài liệu cùng bộ quần áo của viên trung tá cho Tư lệnh Luis Correa.

Trên đường đi ông có ghé qua nhà. Linh cảm của một người mẹ đã phát hiện ra việc làm bất thường ấy của con trai khi nhìn ông chằm chằm rồi hỏi, phải mày có dính đến việc bắt tên trung tá Mỹ mà mấy hôm nay đài báo nói ầm lên đó không?

Lúc đầu ông chối nhưng bản tính nghịch ngợm lẫn hiếu thắng của chàng trai mới 20 tuổi đã phá vỡ nguyên tắc giữ bí mật của đội du kích. Martinez đã cười nhận với mẹ. Điều Martinez không ngờ là mẹ cậu rất vui và tán thưởng việc làm của con trai và dặn đi dặn lại phải cẩn trọng!

...Có lẽ đoạn kết của vụ đổi mạng nổi tiếng ấy như mọi người đều biết. Nhưng qua câu chuyện của người cựu du kích quân Caracas năm xưa, tôi hình dung ra động thái nghĩa hiệp của du kích quân Caracas là đã đơn phương thả viên trung tá Micheal Smolen trước hy vọng chính quyền Sài Gòn khi ấy phải tôn trọng việc thả chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi! Khuôn mặt ông Martinez càng thêm lựng đỏ khi ông tức tối rằng chúng tôi đã bị lừa. Rằng không thể lường trước được sự lật lọng đớn hèn ấy!

Tới lúc này tôi mới để ý dáng đi của ông Martinez khá khó nhọc. Hỏi thăm thì không ngờ, sau khi nghe tin viên trung tá Micheal Smolen được thả trên đường trở về căn cứ thì ông bị bắt. Khẽ vén ống quần, chợt lộ ra một bên đầu gối sưng vù, dấu vết đòn tra của chế độ độc tài, ông Martinez cho hay vẫn thường tấy lên đau nhức.

Càng ái ngại hơn khi nghe chuyện của ông Carlos, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Venezuela, ông Martinez đến bây giờ vẫn chưa vợ con. Ông sống một mình bằng tiền trợ cấp của chính phủ 1.000 Bolio/ tháng (khoảng 400 USD). Thi thoảng bạn bè trong đội du kích ngày xưa cũng có thăm hỏi trợ cấp... Nhưng cũng chả còn được mấy người.

Tư lệnh kiêm nhà văn Luis Correa, dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hữu nghị chính thức Venezuela cũng có dịp chụp ảnh chung. Luis Correa từng phụ trách công tác an ninh tại Công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA, Nhưng tháng 3 vừa rồi Luis Correa đã đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt khắc khổ của ông Martinez. Ông bộc bạch rằng rồi cát bụi cũng trở về với cát bụi mà thôi. Chắc rồi mai kia ông sẽ được gặp anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người mà ông hết sức mến mộ.

Còn nữa

Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.