Viên đá kỳ lạ ở Lâm Đồng

Viên đá kỳ lạ ở Lâm Đồng
TP - Mê đá đến mức quên cả ăn, ngủ… Nghệ nhân có ngày sinh khá đặc biệt (2/9/1963) này hiện đang sở hữu một bộ sưu tập đá khổng lồ, tổng trị giá ước tính lên đến trên 1,5 tỷ đồng.
Viên đá kỳ lạ ở Lâm Đồng ảnh 1
Tác phẩm "Chân dung Bác" - nhìn gần

Chưa hết, anh còn là chủ nhân của những viên đá “biết nói”, trong đó độc đáo nhất là viên đá có hình “Chân dung Bác” – một công trình điêu khắc độc nhất vô nhị của thiên nhiên.

Một ngày trung tuần tháng 11/2006, sau khi nhận được cú điện thoại bất ngờ của phóng viên quay phim Quốc Huy (Đài truyền thanh – Truyền hình Di Linh), từ TP Đà Lạt, tôi phóng xe máy về Di Linh tìm đến nhà riêng của nghệ nhân Đoàn Giàu để “mục sở thị” những tác phẩm đá cảnh của anh.

Tại đây, chúng tôi được anh Giàu giới thiệu và cho xem bộ sưu tập đá quý, hiếm do chính anh cất công săn tìm từ nhiều năm nay.

Thú “săn” đá

Theo giới “săn” đá chuyên nghiệp, muốn tìm đá đẹp phải kiên nhẫn và chịu khó đi xa. Có khi họ phải đi trên 200 cây số, lặn lội xuống tận Tánh Linh (Bình Thuận) may ra mới tìm được những viên đá ưng ý.

Theo kinh nghiệm của những “ông trùm” săn đá chuyên nghiệp ở Di Linh (Lâm Đồng), khu vực có nhiều đá nhất hiện nay là Hàm Thuận – Đa Mi, vì ở đây có thể tìm được đá đẹp và quý hiếm.

Tìm trầm thì phải lên núi. Tìm đá thì phải xuống sông, xuống suối. Khi thì đi vài ba ngày, có khi đi cả tuần liền nhưng đâu phải lúc nào cũng có đá mang về.

Hành trang  mà giới săn đá mang theo là cơm nắm, nước uống, xà beng và giỏ đựng đá. Cuộc hành trình tìm đá của họ khá gian nan nhưng bù lại nếu tìm được một viên đá đẹp thì còn gì vui sướng bằng và vì thế mọi mệt nhọc cũng tan biến.

Nếu may mắn “trúng quả” thì cũng kiếm được kha khá tiền. Một tay săn đá chuyên nghiệp tiết lộ, mỗi tháng thu nhập không dưới 2 triệu đồng. “Đi tìm đá vất vả nhưng cũng có cái thú riêng của nó.

Mỗi khi tìm được một viên đá đẹp là anh em ngồi lại nâng niu, ngắm nhìn hoài mà không biết chán. Ở nhà một ngày là nhớ tới đá rồi. Không đam mê thì không thể đi săn đá được!”-   Nguyễn Văn Duy và Nguyễn Văn Ngàn – hai tay săn đá chuyên nghiệp ở Di Linh khẳng định như vậy.

Bộ sưu tập đá… bạc tỷ!

Mê đá đến mức quên cả ăn, ngủ, anh Đoàn Giàu - Nghệ nhân 43 tuổi hiện là hội viên Hội sinh vật cảnh Việt Nam, đang sinh sống tại khu phố 8, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Theo anh Giàu, “chơi” đá trước hết và khó nhất là phải có con mắt nghệ thuật, sau đó mới đến việc tìm chọn đá và đặt tên cho tác phẩm. Trong cuộc hành trình đi săn đá cùng đồng nghiệp, không lúc nào anh không “lận lưng” một cuốn sổ tay để phân loại đá.

Có rất nhiều loại đá, nhưng theo anh chủ yếu tập trung vào mấy loại chính như: Cô thuận thạch, Viên cước thạch, Thấu lậu thạch, Tượng hình thạch, Quái thạch và Thanh tú thạch.

Nhờ cuốn sổ tay này mà việc tìm và xác định đá của anh được chính xác hơn. Việc làm đế (đôn) cho tác phẩm đá cũng rất công phu, vì nó tôn thêm vẻ đẹp cho chính tác phẩm đá.

Ngoài ra, người chơi đá còn phải biết “trang điểm” cho đá. Loại dầu mà anh Giàu thường dùng để “trang điểm” cho đá là dầu ZALE của Thái Lan (dầu thoa tóc dành cho nam giới). Dùng dầu ZALE thoa lên tay rồi sau đó vuốt nhẹ lên điểm nhấn để tăng thêm vẻ đẹp của viên đá.

“Chơi” đá được 7 năm, khối tài sản đá mà nghệ nhân Đoàn Giàu đang sở hữu thật đáng nể, với gần 500 tác phẩm đá các loại (tổng giá trị ước tính lên tới 1,5 tỷ đồng).

Những tác phẩm đá mà nghệ nhân này tâm đắc nhất là: Chân dung Bác, Tâm thạch, Sự tích An Tiêm, Thiên long, Bồ Tát, Vọng khơi và bộ long, ly, quy, phụng. Anh cho biết, trong “gia tài” đá của anh, ngoài tác phẩm Chân dung Bác, có hai tác phẩm mà anh không có ý định bán cho bất kỳ ai cả, đó là tác phẩm Tâm thạch (Trái tim đá) và Sự tích An Tiêm (Quả dưa hấu), mặc dù trước đó tác phẩm Tâm thạch đã được một Việt kiều Mỹ trả mua với giá 2.000 USD và tác phẩm Sự tích An Tiêm cũng đã được một thành viên đá của Đông Nam Á trả mua với giá 20 triệu đồng.

Viên đá độc nhất vô nhị

Viên đá kỳ lạ ở Lâm Đồng ảnh 2

Nghệ nhân Đoàn Giàu say sưa giới thiệu về tác phẩm “Chân dung Bác” – một tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị của thiên nhiên                          Ảnh: Lê Trọng

Được “mục sở thị” bộ sưu tập đá của anh Giàu, nhìn những viên đá đẹp với đủ kích cỡ, hình dáng, đường nét, vân thạch… do tạo hóa chế tác, tôi thực sự khâm phục con mắt nhà nghề và tài nghệ chơi đá của anh. Nhưng cho đến khi anh mang “hàng độc” ra giới thiệu, chúng tôi không còn tin vào mắt mình nữa.

Trong bộ sưu tập đá thuộc vào loại “xưa nay hiếm” mà anh đang sở hữu, có một viên đá nhỏ thật kỳ lạ! Quan sát kỹ trên bề mặt của viên đá, người xem có thể nhận thấy một bức chân dung nhỏ màu vàng nhạt rất giống với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh  nên anh đặt tên cho tác phẩm của mình là Chân dung Bác.

Anh kể: Trong một lần đi “săn” đá ở Hàm Thuận – Đa Mi, vì hữu duyên nên khi ngồi nghỉ  chân ở một con suối mình tình cờ nhặt được viên đá. Lúc đầu, khi nhặt viên đá đưa lên nhìn mình chỉ cảm nhận được cảnh rừng Thu hiện lên trên bề mặt viên đá mà thôi, nhưng khi mang về rửa sạch thì mình mới phát hiện những vân thạch nổi lên tạo nên hình tượng Chân dung Bác khá rõ”.

Thật là bất ngờ! Anh châm một điếu thuốc rồi chậm rãi kể tiếp: “Vì thấy bức chân dung trên viên đá giống Người đến kỳ lạ nên lúc đầu mình đặt tên tác phẩm là Chân dung Cha già. Sau đó, theo như cảm nhận chung của nhiều người, mình đổi thành Chân dung Bác”.

Cũng theo lời anh kể lại, đầu năm 2006, khi mang những tác phẩm đá tham gia triển lãm tại TP HCM, bà Hiền Lương – Giám đốc Thảo Cầm Viên cũng cho rằng hình ảnh trên bề mặt viên đá rất giống Bác.

Không riêng bà Hiền Lương, một số nghệ nhân chơi đá và bạn bè thân hữu xa gần có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm cũng đều có chung cảm nhận như vậy. Anh Giàu còn cho biết thêm, khi xem viên đá Chân dung Bác nhiều người rất tâm đắc bởi nó lạ và độc đáo. Anh Bùi Đức Tầm – Chủ nhiệm CLB Đá cảnh thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Tự nhiên TP HCM, một thành viên đá của Đông Nam Á cũng rất thích viên đá này.

Qua những cuộc trao đổi trên điện thoại, anh Tầm muốn có nó trong bộ sưu tập đá của mình để đưa vào Viện Bảo tàng trưng bày… Anh Tầm có hỏi mình về viên đá đó, nhưng mình nói dối rằng tác phẩm này là của con gái cho nên không thể trao đổi hay mua bán được. Mình muốn giữ viên đá nên nói vậy để khỏi mếch lòng anh Tầm.

Trao đổi xung quanh những thắc mắc của chúng tôi về viên đá kỳ lạ này, anh Giàu buông một câu chắc nịch: “Nhân thạch cảm ứng thiên mà!” (người và đá cảm ứng với trời đất) cho nên mình mới may mắn sở hữu một tài sản tuyệt vời đến như thế!

Đây quả là một tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị của thiên nhiên – một tài sản vô giá không chỉ của riêng nghệ nhân Đoàn Giàu. Và vì thế, tác phẩm ấy cần phải được gìn giữ như một vật báu.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.